Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Bên những triền đê

Khi diện kiến Hà Nội lần đầu, chao ơi, sông Hồng dưới cánh máy bay rưng rưng giữa hai bờ đê lực lưỡng. Có cảm giác sông trườn trên nóc nhà, đê như bức tường thành bình thản làm sứ mệnh chứng nhân.
Non sông trải dài bởi bước chân của người đi mở cõi. Những người di dân đi từ miền Bắc miền Trung mang sức sống của văn hóa tâm linh, văn hóa làng xã và văn chương nghệ thuật vào Nam. Hầu như mọi thứ đều được phương Nam nối tiếp và đón nhận suôn chảy. Đình chùa miếu mạo. Tinh thần thượng võ và triết lý sống. Phở, bún và các loại bánh trong ẩm thực. Nghề lúa nước, canh cửi và may mặc… Duy có một thứ mà người Nam Bộ vẫn mơ hồ: Con đê!
 Khúc đê La Giang uốn qua huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ảnh: MẠC LY)
Nức tiếng như áo lụa Hà Đông, như cây đa và giếng nước, như triền cỏ và hoa gạo, như tiếng trống điếm canh… Nức tiếng nhờ câu hát, câu thơ và những áng văn. Nức tiếng mà vẫn thấp thoáng mơ hồ, chính vì vậy mà thu hút và lay động.
Một lần, con gái và đám bạn nữ sinh của nó vây quanh hỏi nhà văn mẹ về con đê. Hồi ấy mẹ chưa đi Hà Nội lần nào, dĩ nhiên cũng chưa có Internet và Google để hỗ trợ. Chỉ những bức ảnh ít ỏi trong sách ảnh ở thư viện, những hình tượng đã nhân cách hóa trong dân ca, trong thơ phú và… trong sự thổn thức giống nhau của mỗi người Việt đang ở rất xa cội nguồn. Bà mẹ trẻ vận dụng tất cả hiểu biết về lịch sử, cây lúa nước và sự rung cảm thành kính của mình với công cuộc làm ra và giữ gìn những con đê trên đất Bắc. Cùng hát, cùng nhẩm thơ, rồi cùng nhắm mắt để hình dung. Vui đáo để.
Tuyến đê đầu tiên của Việt Nam được đắp dưới thời nhà Lý, tháng 3 năm Mậu Tý (1108). Đến nay, hệ thống đê sông Hồng có chiều dài kỷ lục: 1.314km, thuộc loại lớn nhất, dài nhất thế giới. (Ảnh: Lê Hữu Thọ)
Khi diện kiến Hà Nội lần đầu, chao ơi, sông Hồng dưới cánh máy bay rưng rưng giữa hai bờ đê lực lưỡng. Có cảm giác sông trườn trên nóc nhà, đê như bức tường thành bình thản làm sứ mệnh chứng nhân. Phố xá, ruộng đồng, lũy tre, rơm rạ. Bao nhiêu lớp người đã hàng ngàn năm cho kiệt tác đê? Làm sao mô tả nổi nếu không một lần nó ở ngay trong tầm mắt?
Khi gan bàn chân của chính mình đặt trên mặt đê thì ấn tượng giống như lần đầu yêu, cảm xúc lan từ gót chân lên đỉnh óc. Có hoàng hôn làm nền. Có một gốc đa để bắt đầu một con đường đi vào xóm nhỏ. Thảo nào, em ơi áo lụa, thảo nào tiếng sáo mục đồng, thảo nào mùi gốc rễ tự ngàn xưa và gì nữa? Thảo nào người ta liên tục nhắc nhớ và ngợi ca mỗi khi có thể, bởi kỳ công với con đê là điển hình nhất cho tinh thần đoàn kết, chống chọi, bền gan của người Việt trong lịch sử dựng và giữ nước của mình.
Dạo ấy Quảng Bá ven Hồ Tây còn nguyên thương hiệu đê vườn. Những đôi lứa tự tình. Mùa hè ban mai ban trưa hay ban chiều ở đây đều giàu gió chứ không như ở khu phố cổ. Đạp xe thư thái, cây na và cây ổi lúp xúp dưới triền đê màu xanh rắn rỏi của thứ cây lưu niên. Nhớ Xuân Diệu quá chừng. Xuân Diệu đã từng lưu dấu ở đây. “Giá như có thể thanh xuân được/Thì ta ăn hết một đê vừa”. Chao ơi, thơ mà phải chú thích thì đời sau và người phương Nam mới hiểu. Đê vừa ở đây là đê ổi đó bạn ạ. Nhưng mà vẫn là những câu thơ tài hoa, những thanh xuân được và một đê vừa rất Xuân Diệu, ông hoàng của thi ca Việt Nam.
Thế kỷ 21 bắt đầu với những lời tiên tri màu xám cho Nam Bộ. Con người ở tận cuối trời cuối nước đã phải bắt đầu thực hành đê. Biến đổi khí hậu, những người nông dân vựa lúa quốc gia thoạt đầu không hiểu đó là chuyện gì. Đê à, đê điều như ở ngoài Bắc á? Đê lớn, đê nhỏ, đê vừa, hay là…? Không phải một đê vừa trữ tình trong thơ Xuân Diệu, rõ ràng là vậy rồi.
Những con đê ngăn mặn xâm lấn. Ở cửa sông mạn Cà Mau, Rạch Giá. Và đê ở những cánh đồng Long Xuyên, Châu Đốc rốn lũ để nông dân làm lúa vụ ba. Đất sình nhão, việc giữ đê ở đây giống như trò nhào bột thủ công của mấy bà mấy chị. Làm sao có tư duy và gan góc làm đê và kỷ cương hộ đê như đồng bào mình ở châu thổ sông Hồng?
Mực nước mỗi năm mỗi biểu diễn sức mạnh mà các nhà chức trách thích gọi là triều cường. Dân chúng ngụp lặn mà không hiểu vì sao sự thể lại ra nông nỗi. Nhưng Cửu Long không như sông Hồng. Nước và gió phải chan hòa, không thể có chuyện dòng chảy treo trên nóc nhà. Râm ran như là người ta tán chuyện khoa học viễn tưởng!
Nhưng viễn tưởng ấy đang nhích gần đến với Nam Bộ, với vựa lúa, vựa trái, vựa phù sa mà thế giới ao ước. Thực sự đã xuất hiện những cỗ máy thủy lợi xới tung biền lá dừa nước lên lấy đất lấy thân cây làm mặt đường cho xóm làng. Một con đê đã hình thành. Một đê vừa hẳn hoi. Chằng chịt mạng đê vừa trên mạng nhện sông rạch của xứ này để bảo vệ cây lúa nước, những vườn cây và sự sống của người Việt phương Nam.
Nhất định rồi đê sẽ cao hơn mái nhà. Nhất định sẽ có mọi thứ như được copy từ cội nguồn của dân tộc vào đây. Không có cách nào khác là phải học lấy cách hộ đê, chết sống với đê điều và buồn vui của đời người cùng với nó.
Nhất định sẽ có đôi lứa lớn lên tự tình, bởi con đê. Không biết rồi phù sa sông Hậu sông Tiền đi vào những cánh đồng bằng con đường nào. Con đê và biến đổi khí hậu đang làm cho con người quay quắt lo nghĩ mà cũng đang thi vị cuộc sống mai này sẽ gắn bó với hình tượng mà người ta từng khắc khoải hình dung: Con Đê.
Dạ Ngân (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét