Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Độc đáo quan niệm ngũ hành trong Lễ hội Mường Xia

Một lễ hội mang đậm nét văn hóa người Việt, lễ tế theo thuyết ngũ hành “tương sinh – tương khắc” của người Thái ở Mường Chu Sàn hay Mường Xia (nay là xã Sơn Thủy, Quan Sơn, Thanh Hóa) đã được lưu truyền từ bao đời nay. Do biến cố của lịch sử, lễ hội đã bị thất truyền. Năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đầu tư, phục dựng lại lễ hội độc đáo này.
Mường Xia hay Mường mất

Khua luống một giàn nhạc đặc trưng trong Lễ hội Mường Xia của đồng bào Thái xứ Thanh. (n.t.s)
Lễ hội là một nét văn hóa tín ngưỡng phồn thực đầy tính nhân văn của đồng bào người Thái xứ Thanh… Tương truyền, khoảng thế kỷ XV Mường Chu Sàn là nơi giao hòa giữa dòng suối Xia, bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy vắt qua núi Lá Hoa hợp với sông Luồng tạo thành ngã ba sông, với cảnh quan “sơn thủy hữu tình”. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết chuyện tình Pha Dùa (giữa cô gái Lá Nọi, ở Mường Mìn và chàng trai Mường Chu Sàn), vì bị cha mẹ cấm đoán, cô gái đã cùng chàng trai trốn lên đỉnh núi Pha Dùa cắn ngón tay ăn thề và rồi hai người đã hóa thành đá về với Mường trời để được mãi mãi ở bên nhau…
Ngày đó, cuộc sống của người dân đang êm đềm, bỗng Tạo Mường Chu Sàn qua đời, để lại người vợ trẻ và hai đứa con trai thơ dại, mọi việc đè nặng lên đôi vai người vợ trẻ. Để trau dồi kiến thức cho hai con mau chóng kế ngôi cha, nàng đã mời thầy đồ (Kéo Sày – một thầy đồ về dạy chữ cho con). Sống lâu bên người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đang độ xuân sắc và cái gì đến cũng đã đến, hai con người cô đơn đã kết lại với nhau và sinh được một chàng trai.


Vào dịp lễ hội, hòn đá vía sẽ được đào lên rửa sạch rồi đưa lên cúng tại đền thờ Tư Mã Hai Đào. (n.t.s)
Gia đình đang đầm ấm, thì hai người lại đột ngột về với Mường trời, để lại 3 người con cùng mẹ khác cha. Sự ra đi đột ngột của vợ chồng nàng Chu Sàn, nên ngôi Tạo Mường Chu Sàn chưa kịp trao cho ai. Một hôm, khi bà con Mường Chu Sàn đang cày cấy, bỗng có một con diều hâu lượn đi, lượn lại trên đầu. Khi mọi người nhìn lên, bỗng nghe tiếng nói như “sấm truyền” của ông Mụ Mường (người có uy tín tương tự già làng): “Dân Chu Sàn hãy nghe đây, 3 con trai Tạo Mường Chu Sàn hãy nghe đây. Nếu ai bắn rơi diều hâu sẽ được làm Tạo Mường Chu Sàn”.
Nghe vậy, người anh cả bèn dương cung bắn, nhưng không trúng. Người anh hai tiếp tục bắn và cũng không trúng. Thấy vậy người em út dương cung ngắm và bắn trúng cánh, khiến con diều hâu rơi xuống đất. Và từ khi người em út lên làm Tạo Mường, mâu thuẫn giữa 3 anh em bắt đầu nổ ra. Hai người anh đã rủ bà con bỏ Mường Chu Sàn sang các Mường khác như: Mường Phú Kèn, Khóc Cang (Nghệ An ngày nay) và Mường Bén, Mường Xôi.
Từ đó, tên Mường Chu Sàn không còn nữa, mà được đổi bằng cái tên mới: Mường Xia (theo tiếng Thái là Mường mất), tức dòng họ Tạo Mường cũ mất quyền lực, thay bằng quyền lực của người em út, con ông thầy đồ (chính là dòng họ Phạm Bá ngày nay).
Tư Mã Hai Đào và Lễ hội Mường Xia
Theo tài liệu cổ dịch từ tiếng Thái và các cụ cao niên ở đây kể lại, thì khoảng thế kỷ XVII, có một chàng trai ở làng Đào (thuộc huyện Bá Thước ngày nay) mồ côi cha mẹ từ nhỏ và người ta hay gọi anh là Hai Đào theo tên làng. Hồi nhỏ Hai Đào rất giỏi chơi cù, đánh đu và luyện kiếm. Lớn lên, có thân hình cao to khỏe mạnh, tướng pháp phi phàm, trán cao, râu hùm, hàm én, tinh thông võ nghệ…
Khi đó, vùng biên giới phía Tây đang bị giặc rình rập. Nhà Vua đã mở hội thi võ, để chọn anh tài phò vua đánh giặc cứu nước. Nghe tin Hai Đào lập tức về kinh kỳ dâng sớ xin thi võ. Năm ấy, Hai Đào đã khiến nhiều người chứng kiến phải trầm trồ thán phục võ nghệ của mình. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”! Con gái Nhà vua đã phải lòng với chàng. Mến phục trước tài chí, đức độ của Hai Đào, Nhà vua đã tác hợp cho đôi lứa nên duyên, rồi đưa về kinh thành truyền dạy văn, võ. Cảm động trước ơn phước của Nhà vua, Hai Đào nguyện đem hết tài năng của mình để phục vụ giang sơn, đất nước.
Khi đó giặc phương Bắc đang rình rập nơi biên cương, sau khi được nhà vua phong sắc Tướng quân, Hai Đào đã xin cấp binh mã, vũ khí, lương thực để lên trấn ải vùng biên cương. Đoàn quân của Phò mã Hai Đào đi đến đâu dẹp tan quân giặc đến đó. Nhưng chỉ một thời gian sau, quân giặc đã quay trở lại khua Coọng (một nhạc cụ giống như chiêng) đánh trả. Tiếng Coọng làm cho quân lính bủn rủn chân tay, nên đã thua trận. Sau thất bại đó, ông đã nghiên cứu và tìm ra được nguyên nhân vì sao thua. Đó là bởi quân giặc có Coọng thần màu nhiệm.
Ông lập tức cử hai anh em Đanh và Dọ là hai tinh binh có võ nghệ cao cường và mưu trí, đột nhập vào đồn địch đánh tráo Coọng thần. Sau khi có được Coọng thần, ông đã khởi binh đánh đuổi giặc ra khỏi biên thùy, đến tận núi Phân Mao (núi phân chia ranh giới). Với chiến công này, ông đã được Vua phong chức Tư mã Biên cương (tương đương Tư lệnh Biên phòng ngày nay), rồi ông xin vua cho lập lại Mường Chu Sàn. Kể từ đó, Mường Xia bỗng phát triển phồn thịnh, những người trước đây bỏ Mường đi lần lượt kéo nhau về. Sau khi ông chết, người dân đã thiên táng cho ông trên vách núi Pha Dùa.
Để tưởng nhớ công ơn của Tư Mã Hai Đào, người dân đã lập đền thờ và tôn vinh như một vị thần giữ vía cho cả Mường. Từ đó đến này, cứ đến ngày 14, 15 và 16 tháng Hai (âm lịch) hàng năm, người dân nơi đây lại mở hội để tri ân. Họ làm lễ cầu mong ông phù hộ cho dân bản no ấm, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở và vui chơi các trò chơi như ném còn, khặp, khua luống…
Nếu nét văn hóa đặc trưng của người Thái Tây Bắc là múa xòe, thì khua luống là nét văn hóa đặc trưng của người Thái xứ Thanh, với 12 bản khua luống có tiết tấu khác nhau. Ví dụ luống đón dâu (Loong phắt phứm); luống mời khách uống rượu cần (Loong boong bù); luống kéo co (Loong tặp xạp)… Điều đặc biệt của Lễ hội Mường Xia là tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh, tương khắc”. Tức tế lễ ở 5 điểm khác nhau, mỗi điểm gắn với một lễ vật, một câu chuyện kỳ bí.
Điểm thứ nhất, ứng với hành kim, được tế lễ dưới chân núi Pha Dùa (Sứa Tú Nặm), nơi nàng Lá Nọi và chàng trai Chu Sàn đã hóa đá về với Mường trời. Điểm hai, ứng với hành mộc, được tế lễ ngay dưới gốc cây gạo cổ thụ trước đền thờ Tư Mã Hai Đào (Sần Phiềng Phay). Đây chính là nơi mà binh lính Tư Mã Hai Đào nghỉ ngơi mỗi khi luyện tập binh mã. Điểm ba, ứng với hành Thủy (Sần Cuống ở Sộp Xia), nơi giao nhau giữa suối Xia và sông Luồng. Nơi mà Tư Mã Hai Đào cho chôn cất những binh lính đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới, với mong muốn linh hồn được siêu thoát, mát mẻ… Điển thứ tư, tương ứng hành Hỏa, cúng tại thao trường nơi binh lính luyện tập võ nghệ, cúng Thần Mường (Pống Tư Mó), tức Tư Mã Hai Đào. Điểm cuối cùng mang hành Thổ, cúng tại nơi chôn hòn đá vía của cả Mường (Lặc Mắn).
Điểm khác biệt của điểm cúng (Lặc Mắn) là khi hòn đá vía được đào lên phải có đủ chín chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng rửa đá, rồi bọc vào tấm vải đỏ rước về đền. Sau khi làm lễ xong, chín đôi nam thanh, nữ tú này lại khiêng về chôn ở vị trí cũ và lấy cây xương rồng trồng xung quanh để bảo vệ hòn đá vía và chờ mùa lễ hội năm sau…
Nếu nét văn hóa đặc trưng của người Thái Tây Bắc là múa xòe, thì khua luống là nét văn hóa đặc trưng của người Thái xứ Thanh. 
Nam Tùng Sơn (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét