Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Điểm lại các phong tục tết đã thất truyền của Việt Nam

Những phong tục tập quán và sinh hoạt ngày Tết Nguyên Đán là một nét văn hóa đẹp của người Việt, nhưng theo thời gian nhiều phong tục cổ truyền đã và đang mai một dần.
1. Phong tục Sêu Tết (mang lễ Tết đến nhà bố mẹ vợ)
Tục đi sêu Tết. Ảnh minh họa từ internet
Đây là một trong những phong tục Tết cổ xưa đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt Nam. Ngày xưa, các cặp trai gái đang trong thời kỳ hứa hôn, trước Tết người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ.
Đồ lễ đi Sêu Tết thường là thức ăn, như bánh chưng, rượu, gà cùng với hoa quả. Đặc biệt không thể thiếu những gói hương vòng, loại hương thơm, thắp cả ngày trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết. Khi mang lễ vật đến nhà bố mẹ vợ, chàng rể sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thành kính vái lạy. Tục đi Sêu Tết được hiểu theo nghĩa là một cái lễ tạ ơn của các chàng rể, của nhà trai đối với bố mẹ vợ, với nhà gái vì đã sinh thành, nuôi dưỡng vợ, nàng dâu hiểu thảo cho nhà chồng.
Tục đi Sêu Tết ngày nay đã thay đổi khá nhiều, nhiều chàng rể phó thác cho vợ mang lễ đi "sêu" đến nhà bố mẹ vợ thời nay bởi ngày cuối năm họ bận bịu với công việc, chuyện làm ăn. Các món quà cũng khác, phù hợp hơn với lối sống hiện đại.
2. Tục trồng và hạ nêu
Trồng và hạ nêu ngày Tết
Hiện nay tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần mai một, thay vào đó là chơi cành đào, mai, quất cảnh. Cây nêu là hình ảnh mang tính chất biểu tượng, thường được trồng ngay trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trên cây treo một số vật tượng trưng gọi là bùa nêu để trừ tà quỷ.
Khởi đầu, cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng ý nghĩa cây nêu dần trải rộng hơn thế, nó được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ điều xấu xa của năm cũ.
Xưa nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất. Còn nay cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê.
3. Phong tục chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa

Phong tục hát sắc bùa
Đây là tục lệ sau giao thừa, một đoàn người là các đôi trai gái, nam mang trống cơm, nữ mang "sênh tiền", đứng đầu là một vị trưởng đoàn đi đến từng nhà và hát chính, đoàn nam nữ đi theo để phụ họa. Các bài hát sắc bùa mang nội dung ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và chúc chủ nhà một năm mới an lành thịnh vượng. Chủ nhà mời đoàn hát sắc bùa vào nhà xông đất để mong một năm mới tốt đẹp.
Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian, là tục lệ sinh hoạt văn hóa, nhưng rất tiếc nay đã dần mai một, chỉ còn duy trì ở rất ít vùng miền, điển hình như các vùng quê ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
4. Tục gánh nước cầu may ngày Tết

Phong tục gánh nước
Tục lệ thú vị này diễn ra ngay sau Giao thừa hoặc sáng mồng Một, người nhà mang thùng ra sông hoặc ra giếng làng gánh nước về đổ đầy chum vại, với hy vọng sang năm mới "của cải như nước non”.
Theo quan niệm của người Việt ta, gánh nước đủ trong nhà và mọi thứ khác như muối, mắm, gạo… mà đầy đủ thì sẽ thịnh vượng, phát đạt ngày một thêm ra. Tục gánh nước cầu may của người Việt cổ là nét đẹp văn hoá, hiện chỉ còn một số ít vùng quê còn lưu giữ như ở Bình Xuyên, Phúc Yên, Mê Linh, Lập Thạch, Vĩnh Tường của Vĩnh Phúc.
5. Phong tục chúc Tết theo thứ tự
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng còn nhớ thứ tự chúc Tết sau “Mồng một nhà trai, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy”, nhưng ngày nay tùy theo thời tiết, đường sá, tiện bên nào thì đến bên đó trước nên phong tục này gần như không còn.
Tết là cơ hội để thăm hỏi những người thân, họ hàng, láng giềng ít có dịp gặp gỡ, sau một năm mãi lo toan vì công việc. Chúc Tết là nét đẹp truyền thống này nhằm bày tỏ tình cảm cho nhau, gạt sang bên mọi chuyện không vui hoặc không may trong năm cũ, nhường chỗ cho một năm mới vui vẻ, nhiều tài lộc và may mắn.
6. Tục lạy sống ông bà

Ngày Tết con cháu mừng thọ và lạy ông bà, cha mẹ
Khi xưa, con cháu đến chúc Tết việc đầu tiên là phải vào quỳ lạy sống các cố và ông bà. “Mồng một là Tết nhà cha”, do đó sáng mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên, người con thường mời cha mẹ ngồi vào hai ghế tựa ở giữa nhà, các con cháu đứng theo thứ tự ngôi thứ: anh chị trước, các em sau, sau cùng là các cháu, mọi người đều mừng thọ và tế sống ông bà, cha mẹ bằng hai lạy và hai vái (người đã mất thì bốn lạy, bốn vái).
Phong tục này là một nét đẹp văn hóa, là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành bằng cả tâm hồn và thể xác đối với bậc sinh thành của mình.
Minh Khánh (Tổng hợp) (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét