Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

8 đặc sản ngon "tuyệt cú mèo" nhất định phải thử khi tới Bình Phước

Không chỉ có những cánh rừng cao su bạt ngàn, nơi đây còn có nhiều món ăn làm nức lòng du khách.

Gỏi trái điều
 
Những trái điều vàng ươm, lúc lĩu trên cành tỏa mùi thơm ngát cả khu vườn khiến ai ấy đều thích thú. Ban đầu, hạt điều mới là sản phẩm chính nên người ta thường vứt trái điều đi; tuy nhiên, sau này người ta đã biết tận dụng những quả điều để làm nên món gỏi vô cùng thơm ngon. Vị chua ngọt của quả điều là thứ nước trộn tuyệt vời cho món gỏi. Chỉ cần cho thêm thịt, tôm, rau, đậu phộng... vào trộn cùng là đã tạo nên một hương vị rất độc đáo, hấp dẫn.
Bánh, kẹo hạt điều
 
Từ hạt điều có thể chế biến ra nhiều món bánh, kẹo rất ngon, như bánh khoai lang tím hạt điều, bánh chuối hạt điều hay caramen hạt điều. Những chiếc bánh xinh xắn như thế này sẽ là lựa chọn hay để làm quà cho bạn bè và người thân.
Hạt điều rang muối
 
Hạt điều rang muối là món khoái khẩu của nhiều người, bởi ương vị thơm ngon, đậm đà của hạt điều vẫn còn được giữ nguyên trong lớp vỏ. Phần hạt giòn tan, bùi bùi thêm chút vị mặn mặn của muối bên ngoài khiến cho thực khác sẽ có cảm giác càng ăn càng nghiện.
Heo thả rong
 
Thịt heo thả rong này thường được nướng hay đem đi quay, cho độ ngon miễn bàn. Khi chế biến xong, lớp bì giòn rụm, từng thớ thịt săn lại thấm chắc gia vị, nếu cuốn cùng với một ít rau rừng nữa thì ngon tuyệt.
Cơm lam
 
Nếu chưa có dịp ra Bắc ăn cơm lam thì du khách có thể đến Bình Phước để thử món ăn này. Cơm có vị bùi, dẻo, mang mùi thơm đặc trưng của ống tre nướng. Người ta có thể dọn cơm lam ra ăn cùng với thịt heo rừng nướng hay thịt gà, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với muối vừng hoặc muối mè. Hơn nữa ở Bình Phước có món cơm lam chiên rất lạ, rất đáng để ăn thử.
Ve sầu sữa chiên giòn
 
Vào mùa hè, khi ve bắt đầu lột xác, người ta thường rủ nhau đi bắt ve về làm món ve sầu chiên. Những chú ve lúc này béo múp, nhiều sữa, cho vào chảo dầu chiên đến khi chín vàng sẽ tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn. Ve chiên thường ăn cùng với rau sống và nước mắm tỏi ớt. Chắc chắn thực khách sẽ bị mê hoặc bởi hương vị béo ngậy, giòn tan đầy hấp dẫn ấy.
Đọt mây nướng
 
Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước, nhất là món mây nướng than củi. Ăn đọt mây, bạn sẽ cảm thấy đăng đắng nhưng một lúc sau sẽ thấy vị ngọt, mát nơi cuống họng.
Rượu cần

 
Rượu cần S’Tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có mang ý nghĩa dấu mốc của đời người.
Theo Dân Việt

Khám phá 6 đặc sản ăn một lần nhớ mãi ở Bình Phước

Hạt điều, rau nhíp, đọt mây hay thịt lợn thả rong là những món ăn đặc sản Bình Phước khiến người đi xa nhớ mãi.
Hạt điều

Hạt điều là đặc sản nổi tiếng và phổ biến nhất ở Bình Phước. Có thể nói, nhắc đến Bình Phước là nhắc tới những hecta trồng điều rộng mênh mông, cùng với những sản vật từ loại nông sản đặc biệt này. Hạt điều Bình Phước không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài và trở thành thương hiệu của nơi đây.

Khi tới Bình Phước, bạn có thể lựa chọn rất nhiều món quà mang về, hoặc thưởng thức tại chỗ như hạt điều rang muối, kẹo hạt điều, gỏi hạt điều, bánh hạt điều... mà chắc chắn là hương vị sẽ độc đáo và đậm đà hơn nhiều nếu mua ở nơi khác. Bánh hạt điều được làm từ hạt điều, bột nổi, bột quế, trứng gà, đường, bột mì, một chút dầu ăn, có màu vàng của trứng, màu trắng của bột, kết hợp với mùi thơm và vị giòn tan của hạt điều, mùi thơm của bột quế, vị ngọt của đường, vị béo của dầu ăn rất hấp dẫn.

Hạt điều rang muối thì giản dị hơn, giòn tan và giữ được hương vị lâu hơn hạt điều vùng khác. Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức gỏi hạt điều ngay tại các nhà hàng ở Bình Phước. Được sử dụng thay thế cho lạc nhưng hạt điều khi làm nộm, gỏi có mùi vị bùi bùi, béo béo độc đáo, khó quên hơn.

Ve sầu sữa
Người Bình Phước coi ve sầu sữa chiên giòn là đặc sản không nơi nào có được và thường dùng đãi khách. Ở Bình Phước vào mỗi mùa hè, ve sống nhiều trên các cây điều, chôm chôm hoặc cây rừng. Khi trời sẩm tối, khoảng 17-18h, là lúc những con ve sầu lột xác từ ấu trùng để trưởng thành và quá trình này diễn ra rất ngắn. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh khô cứng lại, ăn sẽ không ngon. Và những con ve lột xác này gọi là ve sầu sữa. Người dân thu hoạch chúng và chế biến thành món ăn.

Ve sầu được chế biến thành nhiều món như nấu cháo, chiên bột, xào hành nhưng ngon nhất vẫn là ve sầu sữa chiên giòn. Sau khi bắt, người ta cho ve vào túi buộc kín lại, đem về rửa sạch trong nước muối loãng để chúng không mọc cánh mà thoát xác được, sau đó tiếp tục nhúng nước sôi và rửa nước lạnh để tránh ngộ độc. Trên bếp lửa rực hồng, người ta cho những con ve sầu vào chảo dầu nóng, khi thấy chúng chuyển sang màu vàng là đã chín. Những con ve thân vàng óng tỏa mùi thơm nức được ăn kèm với các loại rau thơm và chấm cùng nước mắm tỏi ớt. Cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận vị béo ngậy và giòn tan cùng mùi thơm lan tỏa, gần giống như món nhộng nhưng vị lạ miệng hơn.

Thịt lợn thả rong
Đây là đặc sản của sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), được nhiều du khách biết đến. Đây là loại heo được nuôi thả, không dùng thức ăn chế biến nên chất lượng thịt ngon hơn, ít mỡ và thường được đồng bào dân tộc nuôi.

Chúng được nuôi theo cách khá đặc biệt, ban ngày được thả vào rừng, tự tìm thức ăn là các loại rau, củ rừng, ban đêm trở về nhà chủ. Lợn nuôi thả, ăn chất xơ nhiều nên hầu như không có mỡ, thịt ngọt hơn và dai hơn. Thịt có thể chế biến làm nhiều món như tẩm ướp và nướng, thịt giả cầy. Thịt lợn nướng ăn kèm với chuối chát, rau sống, nhất là rau rừng được hái ở chân núi Bà Ra hay rừng Bù Gia Mập càng ngon.

Lá nhíp xào
Lá nhíp, rau nhíp khá phổ biến ở Bình Phước và có thể mua ở hầu hết các phiên chợ của các đồng bào. Lá nhíp non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh. Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ. Ngoài dùng để nấu canh thụt, rau nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: lá nhíp xào với thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…

Đọt mây
Đọt mây nướng cũng được du khách rất yêu thích khi tới mảnh đất miền Đông Nam bộ này. Cây mây thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa dùng. Chúng có thân dạng dây, dài hàng chục mét. Người ta lấy đọt bằng cách rút sợi mây xuống để hái. Ngày nay, mua đọt mây khó hơn trước đây vì rừng khan hiếm. Đọt mây thường được nướng để làm món ăn, thường chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh. Khi ăn đọt mây không thấy dai mà thơm giòn. Ăn xong, đọt mây đọng lại ở cổ họng vị the the đắng, ngọt bùi và mát. Đọt mây rất tốt, được dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng...

Cơm lam
Do là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc nên cơm lam cũng được coi là một trong những đặc sản của nơi đây. Gạo được bỏ trong ống tre, nứa hoặc lồ ô. Gạo có thể là gạo tẻ hay gạo nếp, trộn với các loại đậu để tăng mùi vị. Ống tre được chọn để nấu không quá non cũng không quá già. Sau khi nướng chín cơm, để nguội rồi tước bớt lớp vỏ ống cho thật mỏng để vẫn giữ được lớp "áo" tre. Khi dùng, bạn chỉ cần cắt thành những khúc nhỏ, mùi vị sẽ thêm ngon nếu ăn cùng muối lạc, muối vừng. Cơm lam có vị ngọt tự nhiên của gạo, quyện với mùi thơm của tre nứa./.


Nguồn: ngoisao.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét