Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart

Mozart là một thiên tài âm nhạc, nhưng ông cũng là một con người kỳ lạ. Dưới đây là 5 giai thoại đặc biệt về ông:
5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart
Mozart. (Tranh qua Pinterest)

Thánh ca Miserere

Thánh ca Miserere (Tạm dịch tên đầy đủ: Xin Chúa nhân từ đối với con), là một tác phẩm hợp xướng của Gregorio Allegri viết vào thế kỷ 17, và chỉ được sử dụng trong những nghi thức trang nghiêm nhất của tuần lễ Thánh. Đã từng có thời gian tòa thánh Vatican bảo vệ thánh ca Miserere nghiêm ngặt đến nỗi bất kỳ ai bị phát hiện sao chép bản nhạc đều sẽ bị rút phép thông công (bị khai trừ khỏi giáo hội).
Năm 1770, khi Mozart 14 tuổi, cậu bé đã cùng cha du lịch tới Vatican để nghe biểu diễn thánh ca Miserere vào thứ Tư của tuần lễ Thánh. Bất chấp luật lệ, cậu bé đã ghi lại bản nhạc dựa theo trí nhớ của mình. Vào ngày thứ Sáu, cậu bé tiếp tục mang bản sao chép của mình tới để chỉnh sửa những chỗ còn sai sót.
5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart
Cậu bé Mozart. (Ảnh qua vienna-concert.com)
Cha Mozart phát hiện ra bí mật nhỏ của con, nhưng thay vì trừng phạt con, ông đã giúp đỡ con mang bản thánh ca ra khỏi Rome mà không bị phát hiện.
Khi bản thánh ca Miserere được xuất bản tại London 1 năm sau đó, Giáo hoàng Clement XIV đã triệu tập cậu bé Mozart tới Rome. Và hậu quả dành cho lá gan quá lớn của thiên tài âm nhạc là: Mozart được Giáo hoàng tán thưởng và phong tước hiệp sĩ…

Khúc mở đầu của vở opera Don Giovanni

Có nhiều giai thoại về việc Mozart sáng tác khúc mở đầu của vở Don Giovanni (Đông Gioăng). Một trong số đó kể rằng đêm trước buổi công chiếu của vở opera, ông vẫn chưa viết được khúc mở đầu dành cho vở opera. Ông nhìn đăm chiêu vào màn đêm dài trước mắt và nhờ vợ là Constanze giúp ông thắp lên một chút cảm hứng. Bà đã cố gắng giúp ông bằng một chút rượu và thơ ca, nhưng nó chỉ khiến cơn buồn ngủ của Mozart đến nhanh hơn.
5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart
Thiên tài âm nhạc và vợ. (Tranh qua gramophone.co.uk)
Mozart ngủ vùi trên ghế sofa và dự định sẽ tỉnh dậy sau giấc ngủ ngắn khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng rút cục ông đã ngủ một giấc dài tới 5 giờ sáng. Khi tỉnh dậy, ông nhanh chóng viết khúc mở đầu và gửi đi chỉ 2 giờ sau đó.

Bản concerto dành cho piano số 26

Nếu nhìn vào bút tích của bản concerto cho piano số 26, dù không thông hiểu về nhạc lý một chút nào, hẳn bạn cũng sẽ nhận ra một điều hiển nhiên: có quá nhiều khoảng trống.
5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart
Bản concerto dành cho piano số 26 (Ảnh qua Wikipedia)
Nguyên nhân là vì Mozart quá giỏi âm nhạc đến nỗi nếu ông là người công diễn bản nhạc đó thì ông chỉ cần phác nó ra mà thôi. Khi lên sân khấu, Mozart sẽ dựa vào khả năng ứng biến thiên tài của mình để hoàn thiện tác phẩm…

Trò đùa âm nhạc

“A Musical Joke” (Tạm dịch: Trò đùa âm nhạc) là một bản Divertimento khá đặc biệt của Mozart. Ông đã phá vỡ rất nhiều quy tắc âm nhạc trong bản nhạc này.
“Trò đùa âm nhạc” với những nốt nhạc lặp lại, những hợp âm không hòa hợp, cũng như những chiếc kèn phải vật lộn để tạo ra âm thanh, lại được Mozart kết hợp để tạo nên một bản nhạc. Ông đã đẩy lùi tất cả bằng những kỹ thuật chỉ phổ biến sau này, vào mãi tận thế kỷ 20. Vì vậy có thể nói rằng Mozart đã đi trước thời đại những 2 thế kỷ.

Bản concerto duy nhất dành cho kèn Trumpet

Bản concerto cho kèn Trumpet của Mozart thực sự đã bị thất lạc và chúng ta chỉ biết là ông đã viết nó vì cha ông đã nói về tác phẩm ấy trong một bức thư.
Nhưng thật thú vị khi biết rằng đây là bản concerto cho kèn Trumpet duy nhất mà Mozart từng viết. Tại sao ư? Mozart rất sợ kèn Trumpet.
5 giai thoại đặc biệt về thiên tài âm nhạc Mozart
Gia đình Mozart. (Tranh qua Wikipedia)
Theo hồi ức từ một người bạn của gia đình, âm thanh của kèn Trumpet làm cho Mozart trở nên tái nhợt và dúm dó. Mang một chiếc kèn Trumpet đến trước mặt Mozart giống như chĩa súng thẳng vào tim ông vậy.
Để giúp con trai vượt qua nỗi sợ hãi này, cha Mozart đã nhờ người bạn thổi kèn Trumpet trước mặt Mozart. Không cần phải nói, ai cũng hiểu kết quả là như thế nào. Liệu có phải vì thế mà bản concerto ấy… biến mất?
Lê Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét