Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Vấn đề ngoại giao Việt – Pháp dưới triều Nguyễn

Với các nước phương Tây, mối quan hệ đối ngoại của các chính quyền Lê-Nguyễn đã bắt đầu từ những thế kỷ XVII-XVIII. Những thập niên cuối thế kỷ XVIII, thỏa ước Versailles ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, với tư cách đại diện chúa Nguyễn Ánh, và đại diện vua Louis XVI, đã không thực hiện được do sự ngăn trở của viên chức Pháp được giao trách nhiệm thi hành. Vào thập niên 1810, sau khi vua Gia Long đã yên vị trên một đất nước thống nhất và tương đối bình ổn, các tàu buôn Pháp hướng về Viễn Đông để tìm thị trường tiêu thụ mới.

 TỪ NHỮNG NỖ LỰC BẤT THÀNH
CỦA TRIỀU ĐÌNH PHÁP…

Một trong những động thái đầu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là sự kiện diễn ra năm 1787, với thỏa ước Versailles ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, với tư cách đại diện chúa Nguyễn Ánh, và bá tước De Montmorin, Thượng thư bộ Ngoại giao Pháp, đại diện vua Louis XVI. Cũng nhân sự kiện này, hoàng đế Pháp đã cử Bá Đa Lộc làm Đặc ủy (commissaire) của mình tại Đại Việt. Tuy nhiên, do thỏa ước trên hoàn toàn không được thi hành vì nhiều lý do khác nhau, vai trò Đặc ủy hoàng đế Pháp của Bá Đa Lộc yểu mệnh từ trong trứng nước. Đó là cơ hội rất lớn cho mối quan hệ Việt-Pháp lâu dài, song đã bị ngăn trở, chủ yếu do tình trạng kiệt quệ về tài chánh của Pháp lúc bấy giờ và mối quan hệ đối đầu giữa Bá Đa Lộc và người chịu trách nhiệm thi hành thỏa ước là Bá tước De Conway, người chỉ huy quân sự của Pháp tại Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ.

Vấn đề ngoại giao Việt - Pháp dưới triều Nguyễn
Giám mục Bá Đa Lộc (1741-1799), Đặc ủy đầu tiên của Pháp hoàng Louis XVI tại Đại Việt.

Vào thập niên 1810 của thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long đã yên vị trên một đất nước thống nhất và tương đối bình ổn, các tàu buôn Pháp hướng về Viễn Đông để tìm thị trường tiêu thụ mới. Về phía chính phủ Pháp, họ cũng muốn thực thi một chính sách bành trướng thuộc địa và phát triển kinh tế. Năm 1817, họ phái thuyền trưởng Kergariou đưa tàu Cybèle đến Việt Nam ngày 30.12.1817 và hơn 10 ngày sau (10.1.1818), một cuộc thương nghị chính thức đã diễn ra tại Tourane giữa viên thuyền trưởng Pháp và đại diện triều đình Huế. 11 giờ trưa ngày hôm ấy, Kergariou cùng một số sĩ quan tùy tùng rời tàu Cybèle với sự hộ tống của một phân đội hải quân. Phía Việt Nam đã có Vannier (Tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) chờ sẵn để đưa phái đoàn Pháp đến nhà tiếp khách. Tại đây, hai quan lại đại diện triều đình đã có mặt để tiếp khách, với sự thông dịch của Vannier.
Cuộc gặp gỡ giữa hai bên không mấy thuận lợi vì khi được hỏi đến quốc thư, phái đoàn Pháp không có và tỏ ra lúng túng trong việc xác định mục đích của chuyến đi. Để khai thông bế tắc, Vannier yêu cầu viên thuyền trưởng Pháp thảo một bức thư gửi triều đình Huế nêu lên những vấn đề mà ông ta được lệnh thương thảo với phía Việt Nam. Ngày 11.1.1818, lúc 8 giờ 30 phút sáng, tàu Cybèle nhận được thông tin là vua Gia Long sẽ tiếp kiến phái bộ Pháp. Buổi trưa, cuộc gặp sơ bộ diễn ra, Kergariou xuất trình văn bản gửi triều đình Huế theo gợi ý của Vannier. Viên đại thần đại diện triều đình xem xong bản dịch, tỏ ý nghi ngờ, nhưng cuối cùng cũng nhận thư và hứa sẽ chuyển đến nhà vua. Sau 10 ngày chờ đợi, ngày 21.1.1818, Kergariou nhận được thư trả lời của triều đình Huế và qua bản dịch của Vannier, ông ta được biết rằng do không có quốc thư mang theo, căn cứ vào quy tắc làm việc của triều đình Việt Nam, vua Gia Long không thể tiếp kiến ông ta được. Thư cũng nêu rõ là triều đình Việt Nam ghi nhận thiện chí của phía Pháp, sẵn lòng dành cho tàu Cybèle một cuộc đưa tiễn long trọng, đồng thời xác định là Kergariou có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào.

Vấn đề ngoại giao Việt - Pháp dưới triều Nguyễn
Vua Gia Long (1762-1820).

Sự kiện trên có thể được nhiều người vin vào để lên án chính sách “bế môn tỏa cảng” của triều đình Huế, tuy nhiên, xét cho cùng, vua Gia Long có lý do để không tiếp kiến một “phái bộ” đến thăm chính thức mà không có quốc thư. Đó là chưa kể theo dư luận đương thời, thuyền trưởng Kergariou được giao phó sứ mạng đến Việt Nam để yêu cầu triều đình Huế thi hành một số điều khoản trong thỏa ước Versailles liên quan đến việc nhượng đảo Poulo Condore (Côn Đảo) và hòn đảo dẫn vào cảng Hội An. Về điểm này, học giả Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược, đã viết: “Qua tháng sáu năm ấy, chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cửa Đà Nẵng. Quan thuyền trưởng là De Kergarion (sic) bá tước nói rằng Pháp hoàng Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước của ông Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Thế Tổ sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa…” (Sđd – quyển II, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971, tr. 181).
Dù có những tính toán sai lầm vào năm 1787 (may mà không thành hiện thực), thái độ của vua Gia Long vào năm 1818, qua câu trả lời cho thuyền trưởng tàu Cybèle, là một thái độ đúng đắn, rạch ròi, không thể trách ông đã “bế môn tỏa cảng” trong trường hợp này được.

Vấn đề ngoại giao Việt - Pháp dưới triều Nguyễn
Tác phẩm viết về chuyến đi của tàu La Cybèle.

Sang năm 1820, nhân chuyến nghỉ phép về thăm quê hương của J.B. Chaigneau, hoàng đế Pháp Louis XVIII đã có một quyết định bất ngờ là ký sắc lệnh ngày 12.10.1820 cử ông làm Lãnh sự kiêm Đặc ủy của nhà vua cạnh triều đình Huế. Trên nguyên tắc, đây là một bước ngoặt mới trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước, nhưng do không xuất phát từ yêu cầu chung hoặc từ một quan điểm mà cả hai phía Việt-Pháp có thể cùng chia sẻ nên cơ hội này gần như không phát huy một tác dụng nào. Bên cạnh đó, người lãnh trọng trách do Pháp hoàng giao phó (Chaigneau) tuy có những mối quan hệ mật thiết và thuận lợi với vua Gia Long, nhưng gần như không có mối liên hệ tình cảm nào với vị vua vừa kế vị là Minh Mạng. Do những cách biệt về mặt địa lý và sự chậm trễ về mặt thông tin vào những thập niên đầu thế kỷ XIX mà mãi đến tháng 5.1821, khi đặt chân trở lại miền đất Việt Nam, Chaigneau mới hay tin vua Gia Long đã qua đời từ tháng 2.1820, nghĩa là trước đó 15 tháng. Điều này cũng cho phép hiểu rằng khi ký sắc lệnh cử Chaigneau làm Đặc ủy cạnh triều đình Huế, vua Louis XVIII vẫn tưởng rằng vua Gia Long còn tại vị.
Vào các thập niên 1820 -1830 của thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng, chẳng những mối quan hệ Việt-Pháp không được phát triển như chính phủ Pháp mong muốn mà những hoạt động của người Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là các giáo sĩ, còn gặp nhiều khó khăn trầm trọng do những quan điểm cực đoan về tôn giáo được chính nhà vua và các đại thần đề ra. Năm 1825, dụ cấm đạo được nhà vua chính thức ban hành, trong đó có đoạn viết: “Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo…” (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, sđd, tr. 227).

Vấn đề ngoại giao Việt - Pháp dưới triều Nguyễn
Vua Minh Mạng, người áp dụng một chính sách khắc nghiệt về tôn giáo trong những thập niên 1820-1830.

Không lâu sau, nhà vua tiến thêm một bước nữa là ra chỉ dụ buộc các giáo dân (Thiên Chúa giáo) Việt Nam phải bỏ đạo, ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Đến thập niên 1830, nhiều cuộc nổi dậy của người trong nước bộc phát mạnh mẽ: Lê Duy Lương, Nông Văn Vân ở phía bắc, Lê Văn Khôi ở phía nam. Cuộc nổi dậy ở thành Phiên An khiến cho nhà vua và các cận thần ngờ rằng nhiều biến động trong cả nước cũng có bàn tay của các giáo sĩ thọc vào.
Hậu quả của tâm lý này là các vụ cấm đạo, thậm chí sát hại các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo nòng cốt đã diễn ra liên tục, gây một cú sốc lớn cho cộng đồng ngoại kiều tại Việt Nam. Cú sốc có thể đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, lan sang các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Năm 1824, chỉ riêng việc hai gia đình của Chaigneau và Vannier kéo nhau về Pháp, do hai quan lại này không tìm thấy tiếng nói chung với vua Minh Mạng, cũng đủ gây một ảnh hưởng tâm lý bất lợi cho phía Việt Nam trong con mắt của người phương Tây.
Cuối thập niên 1830, trong lúc việc cấm đạo tiếp tục được triều đình Huế áp dụng triệt để thì một tin chấn động bay đến Việt Nam: cuộc chiến tranh nha phiến nổ ra giữa quân đội Anh quốc hùng mạnh và quan quân nhà Thanh đang áp dụng một chính sách thật cứng rắn đối với việc người phương Tây du nhập vào đất nước họ một khối lượng á phiện rất lớn. Mặt hàng này được tuồn vào Trung Quốc từ nhiều năm trước, đến khi nhà Thanh ý thức được những di hại ghê gớm của nó thì đã khá muộn màng. Vào thời ấy, có người dám khẳng định rằng nếu tệ đoan này vẫn ngang nhiên tiếp diễn thì chỉ trong vòng 10 năm nữa, sẽ không còn người đàn ông Trung Quốc nào có đủ sức khỏe để đi lính (!!). Năm 1839, khi vua Đạo Quang nhà Thanh ra chỉ dụ cấm người Trung Quốc buôn bán với người Anh và chính quyền tỉnh Quảng Đông cho vứt xuống biển 20.000 thùng á phiện do người Anh sở hữu thì nhà cầm quyền Luân Đôn xem đó là cơ hội tốt nhất để phát động cuộc chiến tranh chống lại nhà nước Trung Quốc.
Tóm lược từ sách “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài”.

HOẠT ĐỘNG KHÓ HIỂU CỦA
SỨ BỘ VIỆT NAM TẠI PHÁP NĂM 1840

Cuối thập niên 1830, trong lúc việc cấm đạo tiếp tục được triều đình Huế áp dụng triệt để thì một tin chấn động bay đến Việt Nam: cuộc chiến tranh Nha phiến nổ ra giữa quân đội Anh quốc hùng mạnh và quan quân nhà Thanh đang áp dụng một chính sách thật cứng rắn đối với việc người phương Tây du nhập vào đất nước họ một khối lượng á phiện rất lớn. Mặt hàng này được tuồn vào Trung Quốc từ nhiều năm trước, đến khi nhà Mãn Thanh ý thức được những di hại ghê gớm của nó thì đã khá muộn màng. Vào thời ấy, có người dám khẳng định rằng nếu tệ đoan này vẫn ngang nhiên tiếp diễn thì chỉ trong vòng 10 năm nữa, sẽ không còn người đàn ông Trung Quốc nào còn đủ sức khỏe để đi lính (!!). Năm 1839, khi vua Đạo Quang nhà Thanh ra chỉ dụ cấm người Trung Quốc buôn bán với người Anh và chính quyền tỉnh Quảng Đông cho vứt xuống biển 20.000 thùng á phiện do người Anh sở hữu thì nhà cầm quyền Luân Đôn xem đó là cơ hội tốt nhất để phát động cuộc chiến tranh chống lại triều đình Trung Quốc.

Vua Minh Mạng phái sứ bộ đi phương Tây.
Tồng đốc Lưỡng Quảng Lâm Tắc Từ, người trực tiếp thực hiện chính sách bài trừ ma túy tại Quảng Châu
Vua Minh Mạng phái sứ bộ đi phương Tây.
Một hình ảnh trong cuộc chiến tranh nha phiến tại Trung Quốc, một tàu của nhà Thanh bị tàu Anh bắn nổ tung (1841)

Cuộc chiến tranh giữa một cường quốc hải quân thế giới là Anh và một nước lớn tại châu Á là Trung Quốc thu hút sự chú ý của các quốc gia trong vùng, đặc biệt là Việt Nam. Những tin tức về sự thất bại liên tiếp của quân Thanh trong cuộc xung đột không cân sức này ngày càng làm cho vua Minh Mạng mất ăn mất ngủ. Bằng một lối suy diễn không phải là không có căn cứ, ông cho rằng quân Anh có thể khai chiến với Trung Quốc vì chuyện cấm á phiện thì người Pháp cũng có thể mượn cớ triều đình Huế cấm đạo và ngược đãi giáo sĩ để phát động cuộc chiến chống Việt Nam.
Cuối cùng, sau nhiều cuộc bàn bạc rộng rãi, nhà vua cùng triều thần nhất trí với nhau rằng muốn biết thái độ của triều đình Pháp đối với cuộc chiến tranh nha phiến như thế nào, đặc biệt là đối với việc cấm đạo quá cứng rắn của triều đình Việt Nam ra sao, không có gì hơn là cử người sang tận Paris (thủ đô của Pháp) để dò la động tĩnh. Bộ Quốc triều chính biên toát yếu ghi lại việc này như sau:
“Phân phái quan thuyền ra ngoại dương làm việc công, Trần Tú Đỉnh, Đào Trí Phú qua Giang Lưu Ba; Trần Bưu, Cao Hữu Tán qua Cam Ba Răng; Nguyễn Đức Long, Lê Bá Tú qua Tiểu Tây Dương, Nguyễn Đãi Bản, Nguyễn Du, Lê Văn Thu, Đỗ Mậu Thường qua Hạ Châu…” (Sđd-Nhóm Nghiên cứu Sử Địa – Sài Gòn 1972, trang 225).
Tuy nhiên, đấy chỉ là những lý do bề ngoài. Mục đích sâu xa của những chuyến đi này phải tìm ở các văn kiện khác, tiêu biểu là một bức thư đề ngày 25.4.1840 của giáo sĩ Régéreau, giáo sư Chủng viện Pinang, trong đó có đoạn:
“…Ngày 28.2.1840, một đoàn tàu của vua An Nam thả neo ở cảng Pinang… Đoàn tàu này đi Calcutta để quan sát xem người Anh chuẩn bị chiến tranh như thế nào. Một đoàn tàu khác cũng của nhà vua được phái đến Batavia để xem người Hà Lan vẫn còn án binh bất động hay không, bởi vì theo nhiều báo cáo, vua Minh Mạng đang ngủ không yên…” (Marcel Gaultier-Minh Mang-Larose-Paris-1935-trang 227).
Tuy nhiên, quan trọng bậc nhất trong số những chuyến đi rầm rộ này là phái bộ Tôn Thất Thường (còn có tên Liễu) và Trần Viết Xương, sang Pháp, mà bộ Quốc triều chánh biên chỉ nêu lên một mục đích mơ hồ:
“….Ngài (chỉ vua Minh Mạng-LN) nghe nói nước Đại Tây vốn là một nơi đô hội, khiến Trần Viết Xương, Tôn Thất Thường đem hai người thông ngôn đến Giang Lưu Ba, rồi đi tàu Tây qua Đại Tây mua đồ…” (QTCB-Sđd-trang 225).
Tuy nhiên, theo giáo sĩ Régéreau trong bức thư kể trên, vua Minh Mạng đã chi ra 20.000 đồng bạc cho chuyến đi này và mục đích của phái bộ là “giải độc” dư luận (về việc “cấm đạo và ngược đãi giáo sĩ”), đồng thời thăm dò phản ứng, thái độ của người Pháp về vấn đề này. Tháp tùng Tôn Thất Thường và Trần Viết Xương có hai thông ngôn xuất thân trong các gia đình giáo dân Thiên Chúa ở vùng phụ cận Huế; một người tên Võ Dụng (hay Dõng) biết nói tiếng Pháp, còn người kia biết nói tiếng Anh.
Đoàn thuyền của sứ bộ Tôn Thất Thường căng buồm hướng đến Singapore, tại đây, họ lên tàu Alexandre của thuyền trưởng Bongallett để sang Pháp. Sau khi trải qua một trận bão lớn ngoài khơi Bordeaux, ngày 2.11.1840, tàu thả neo tại Locmariaquer, gần Vannes.
Sứ bộ Tôn Thất Thường đến Pháp 23 năm trước ngày phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1863). Trong thế kỷ 19, đây là sứ bộ Việt đầu tiên đến kinh đô ánh sáng Paris vì mục đích ngoại giao. Sự hiện diện của những người phương Đông lạ lẫm về cách ăn mặc lẫn cung cách ứng xử đã lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của công chúng và giới truyền thông Pháp lúc bấy giờ. Báo chí là thành phần tích cực nhất trong việc đăng tải những tin tức có liên quan đến sứ bộ. Tờ nhật báo Armoricain xuất bản tại Brest, số ra ngày 23.11.1840, đã loan tin như sau:
“Bốn người An Nam này đến để bày tỏ với chính phủ Pháp những tình cảm của xứ sở họ và đi thăm các công trường, xưởng đóng tàu của ta… Họ khiến mọi người chú ý bởi những cặp mắt sáng, gương mặt rám nắng và nước da bóng… hàm răng đen nhờ thoa nước cốt trái chanh… Sau đây là phần miêu tả trang phục của họ:áo dài bằng lụa xanh phết đất, mũ đen có thêm miếng che gáy, bên trên có một quả cầu nhỏ bằng bạc, huy hiệu nằm từ phía giữa ngực đến giữa bụng, có hình những con chim thêu bằng chỉ bạc và lụa. Huy hiệu màu đỏ có viền bạc…” (Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH)-số 4-1928-trang 260).
Sau đó, tờ báo viết về những điều mà họ cho là do những người trong sứ bộ nói ra:
“Người An Nam thích tranh cãi; họ rất yêu mến người Pháp. Mấy ngày trước khi tàu Alexandre khởi hành, có hai chiếc tàu, một của Pháp, một của Anh, tiếp theo nhau vào trú trong một cảng ở Việt Nam. Chiếc tàu Pháp được tiếp đãi rất nồng hậu, và người ta bắn vào chiếc tàu Anh, cho dù nó đang bị thiệt hại, nó cũng bị buộc phải ra khơi trở lại. Quân đội An Nam đông đảo và hoạt động trong điều kiện thuận lợi… Bờ biển (Việt Nam) được bảo vệ bởi nhiều đồn lũy và một lực lượng pháo binh tinh nhuệ. Đội thương thuyền của nhà vua có quan hệ thường xuyên với Batavia, nền thương mại của Pháp ít phát triển ở Việt Nam. Sự thờ cúng của người Việt Nam nhắm vào ông Thiện và ông Ác… Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo sau một thời gian bị ngược đãi, nay đã được đối xử tốt ở Việt Nam, kể cả ở triều đình… Những người An Nam này tuyên bố rằng người Pháp tạo được ảnh hưởng ở Việt Nam là nhờ sự khéo léo của các ông Chaigneau và Vannier ở Lorient, từng là các quan nhất phẩm, đã đưa từ Pháp (đến An Nam) nhiều sĩ quan thuộc mọi binh chủng…” (BAVH-Sđd-trang 260-261)
Không rõ do ngôn ngữ bất đồng, trình độ các thông ngôn còn hạn chế hay do quá lúng túng, vụng về, mà các viên chức Việt Nam đã có những lời tuyên bố giàu tính… hư cấu như thế. Thậm chí bài báo cũng có những cái sai, như cho rằng Chaigneau và Vannier là quan nhất phẩm (mandarins de première classe) trong triều đình Việt Nam. Kỳ thực với chức danh cao nhất là Chưởng cơ, hai viên quan này mới được xếp vào hàng Tòng nhị phẩm; còn về tước thì với tước Thắng Toán hầu (Chaigneau) và Chấn Võ hầu (Vannier), cả hai còn kém các Quận công Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất… một bậc.
Một phương tiện truyền thông khác của Pháp là tờ báo Moniteur universel, số ra ngày thứ ba 5.1.1841, tường thuật một vài hoạt động của sứ bộ Việt Nam:
“Chiều hôm trước, những người An Nam có mặt ở nhà ông Thượng thư Bộ Thương mại; họ đều mặc triều phục. Họ đến Paris thay mặt vua nước họ để khảo cứu phong tục của chúng ta. Mỗi lần một phong tục nào đó của ta làm cho họ ngạc nhiên, họ rút từ thắt lưng ra một miếng gỗ bọc giấy Tàu (cái hốt -LN), mực và một quản bút, rồi lặng lẽ ghi chép những gì họ quan sát được, ngay cả lúc họ đang đứng giữa đường; không có gì làm họ bối rối…” (BAVH-Sđd-trang 261).
Những chi tiết trên cho thấy vào thời Nguyễn, các sứ bộ đi ra nước ngoài không với tính cách “cưỡi ngựa xem hoa”. Họ có trách nhiệm ghi chép thật tỉ mỉ những gì mắt thấy tai nghe để khi trở về, báo cáo lại cho nhà vua cùng triều thần. Điều này còn thấy rõ hơn nữa khi ta xem tập Tây hành nhật ký của Phó sứ Phạm Phú Thứ trong chuyến đi sứ sang Pháp năm 1863 để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trong tập sách có giá trị thời sự rất cao này, vị tham tri họ Phạm đã có những quan sát và miêu tả tỉ mỉ về các dụng cụ khoa học kỹ thuật còn hoàn toàn xa lạ với người Việt đương thời, với một bút pháp và óc nhận xét tinh tế đến không ngờ.
Cũng tờ Moniteur universel, số ra ngày hôm sau (6.1.1841), tiếp tục tường thuật những hoạt động của sứ bộ Tôn Thất Thường:
“Ngày hôm qua (5.1) các sứ giả An Nam đã tham dự phiên họp của Viện Công Khanh (Chambre des pairs – LN). Tất cả cái nhìn đều hướng về khán đài nơi họ ngồi và họ chịu đựng hành vi hiếu kỳ này với một sự thản nhiên như không.”(BAVH-Sđd-trang 261).
Tuy nhiên, sau số báo trên, mặc dù sứ bộ còn ở lại Paris, lại không thấy một tờ báo nào đề cập đến họ nữa. Điều này gợi ra nhiều thắc mắc, và người ta ngờ rằng các cơ quan ngôn luận địa phương đã bị chính phủ của họ cấm đoán về việc này. Mối nghi ngờ còn được củng cố thêm khi một nguồn tin cho biết vua Louis Philippe không đồng ý tiếp sứ bộ trong một nghi lễ chính thức mà chỉ chịu tiếp họ trong một buổi tiếp kiến trọng thể mà thôi. Về sau, người ta mới tìm ra một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhà vua chọn một thái độ ứng xử như vậy. Đó là một thỉnh nguyện thư của các Giám Đốc chủng viện thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Paris gửi cho nhà vua, “cảnh giác” chính phủ Pháp về thái độ thù nghịch đối với các giáo sĩ phương Tây của triều đình Huế. Bức thư khá dài đề ngày 12.1.1841 là một tài liệu quan trọng phản ánh cái nhìn và tâm trạng của giới giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong những thập niên 1820-1830, khi họ phải sống và hoạt động trong khuôn khổ một chính sách khắc nghiệt về tôn giáo của vua Minh Mạng. Dưới đây là bản tạm dịch nội dung phần lớn bức thư trên:
“Tâu Bệ Hạ,
Vào lúc mà các quan lại do vì vua đang cai trị xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong (nguyên văn: le Tonkin et la Cochinchine-LN) cử đến đây để nhân danh ông ta yêu cầu kết nối mối quan hệ về thương mại và những vấn đề khác với nước Pháp, các Bề Trên và Giám Đốc các chủng viện thuộc Hội truyền giáo hải ngoại nhận thấy cần tường trình với Bệ Hạ về tình trạng thảm hại của các giáo sĩ Pháp ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Từ gần 180 năm qua, các giáo sĩ Pháp đã hoạt động nhằm truyền bá Phúc Âm và nền văn minh cho hai xứ này, kết hợp với các giáo sĩ Y Pha Nho đang hoạt động ở phần phía Đông của Đàng Ngoài, họ đạt được nhiều thắng lợi, bởi vì ở Đàng Ngoài, người ta đếm được khoảng 350.000 giáo dân Thiên Chúa, còn ở Đàng Trong cũng có gần 100.000 giáo dân. Các giáo sĩ thường xuyên bị hành hạ bởi các nhà lãnh đạo ở cả hai xứ đã hình thành hai nhà nước riêng biệt và được hưởng sự bình yên dưới triều vua Gia Long, người đã thống nhất Đàng Ngoài và Đàng Trong dưới quyền lực của ông vào những năm 1801-1802…
…Ông hoàng này mất vào năm 1820, người kế vị ông là vua Minh Mạng, ngay từ lúc khởi đầu triều đại của mình, đã chứng tỏ những khuynh hướng thù nghịch đối với Thiên Chúa giáo và các giáo sĩ đang giảng đạo. Trong những năm đầu tiên, vì nhiều lý do khác nhau, ông ta chỉ tự giới hạn trong việc dọa dẫm. Về sau, ông ta đi đến những biện pháp gây phiền nhiễu cho nhiều giáo sĩ. Cuối cùng, vào năm 1833, ông tiến hành một cuộc bức hại đẫm máu nhất đối với các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo…
…Tâu Bệ hạ, tin tưởng hoàn toàn ở lòng nhân từ của Bệ hạ đối với thần dân, dù cho họ ở nơi nào trên thế giới, và trong mối quan tâm của Bệ hạ đối với những tiến bộ của tôn giáo và nền văn minh, những kẻ cầu xin này mong rằng Bệ hạ lưu ý đến cách đối xử tàn bạo (traitements barbares-LN) mà các giáo sĩ Pháp đã phải chịu đựng ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đưa họ thoát khỏi cảnh nhũng nhiễu, bất công…” (BAVH-Sđd-trang 262-263)
Rõ ràng là nội dung bức thư này mang lại những nhận xét vô cùng bất lợi cho sứ bộ Tôn Thất Thường. Nó vẽ lên một hình ảnh vô cùng đen tối của xã hội Việt Nam dưới góc nhìn của các giáo sĩ, đồng thời tác động mạnh lên tâm lý của chính phủ Pháp.

Vua Minh Mạng phái sứ bộ đi phương Tây.
Hoàng đế Pháp Louis Philippe I (1830-1848), người tiếp sứ bộ Việt Nam năm 1840

Cho rằng như thế vẫn chưa đủ tác dụng, các Giám Đốc ở Hội truyền giáo còn thông báo cho tòa thánh La Mã những nội dung trên và Đức Giáo hoàng cũng vội vàng viết thư cho vua Pháp Louis Philippe, khẩn khoản ông sử dụng quyền lực của mình để chấm dứt việc các giáo sĩ bị hành hạ tại Việt Nam. Nhiều Giám mục viết thư cho Thống chế Soult, Chủ tịch Hội Đồng thượng thư và các Thượng thư khác, được những người này hứa sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Mặt khác, Soult không chống lại quan điểm cần có một sự can thiệp mạnh bạo tại Việt Nam. Ông ta không ngần ngại nói thẳng với Tôn Thất Thường là triều đình Pháp không sớm thì muộn cũng sẽ áp dụng một chính sách thích đáng với Việt Nam nếu việc hành đạo không được triều đình Huế chấp nhận trong thời hạn ngắn nhất. Phụ họa với Soult, Thượng thư Bộ Hải quân Pháp ra lệnh cho các tàu chiến Pháp ở biển Đông (của Việt Nam) phải bằng mọi cách bảo vệ các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam.
Những phản ứng bất ngờ đó làm cho Tôn Thất Thường và sứ bộ Việt Nam choáng váng. Họ sực nhớ đến cuộc chiến tranh Nha phiến đang diễn ra trên đất nước rộng lớn Trung Quốc và nhận thức một cách đầy đủ rằng ở lại Pháp sẽ là một việc may ít rủi nhiều. Trong lúc thất vọng, họ nảy ra sáng kiến xuống tàu đi Anh, hi vọng tìm một lối thoát từ xứ sở sương mù. Tại Luân Đôn, họ được Thủ tướng Anh là Huân tước Melbourne tiếp đãi nồng hậu và sau đó tham dự một cuộc hội đàm thân mật có sự tham dự của Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp Guizot. Tuy nhiên, sự tốt bụng của người Anh cũng chỉ ở mức đó, họ không thể làm gì khác hơn khi mà người Pháp có quá nhiều lý do để lên án một chính sách đối ngoại đầy tính thù nghịch của triều đình Việt Nam đối với công dân của họ.

Vua Minh Mạng phái sứ bộ đi phương Tây.
Huân tước Melbourne (1779-1848), Thủ tướng Anh, từng tiếp phái bộ Tôn Thất Thường

Cuối cùng sứ bộ Việt Nam lại rời Luân Đôn, quay lại Pháp, rồi từ cảng Bordeaux trở về nước.Trong lúc đoàn thuyền của sứ bộ đang lênh đênh trên sóng nước thì ở cung đình Huế, vua Minh Mạng qua đời (20.1.1841). Bộ Quốc triều chánh biên ghi:
“Ngày Ất Hợi, Ngài se, ngày Giáp thân bệnh nặng. Ngài đòi Trương Đăng Quế lãnh tờ di chiếu, rước Hoàng trưởng tử là Ngài Trường Khánh công nối ngôi; ngày ấy, đức Thánh tổ băng…” (QTCB-Sđd-trang 236).
Tuy nhiên, cái chết này được người Pháp thông tin một cách khác hơn:
“Các sứ thần về đến Huế sau khi nhà vua của họ đã chết. Thật vậy, vua Minh Mạng đã chết ngày 20.1.1841 vì bị thương nặng do ngã ngựa…” (BAVH-Sđd- trang 264).
Có lẽ đó là điểm may mắn cuối cùng trong đời ông: ông mất đi để không có dịp nghe báo cáo về một thất bại của sáng kiến ngoại giao của mình…
Trích từ sách “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài”.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét