Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh

QUAN HỆ VIỆT – NHẬT THỜI TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH
Kỳ I – QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT-NHẬT

Nói đến quan hệ Việt-Nhật trong lịch sử, hầu hết chúng ta nghĩ ngay đến sự hiện diện của người Nhật tại nước ta vào các thế kỷ 17 và 18. Song theo phát hiện của giáo sư Bùi Chí Trung, giảng dạy tại trường Đại học Aichi Shukutoku (Nhật Bản), một người Nhật tên Abe no Nakamaro (A Bội Trọng Ma Lữ) sống ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 và làm quan dưới đời Đường đã được vua Đường Huyền Tông cử sang An Nam đô hộ phủ (Việt Nam ngày nay) để giữ chức An Nam Tiết độ sứ. Tuy nhiên, sử sách không xác định rõ Nakamaro đã thật sự đặt chân lên đất An Nam Đô hộ phủ chưa, nếu đã thì có lẽ ông là một trong những người Nhật Bản đầu tiên đến nước ta.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
Tranh cổ: cảnh thương nhân Nhật yết kiến và dâng lễ vật cho quan Trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm – Nguồn: baotanglichsu.vn.

Cũng theo giáo sư Trung, vào cuối thế kỷ 19, nhà nghiên cứu văn hóa Yanagida Kunio có dịp đi thăm miền Trung Nhật Bản và đã phát hiện những trái dừa từ các vùng đất phía Nam bị sóng xô giạt vào bờ. Từ đó ông đề xướng thuyết cho rằng dân tộc Nhật Bản có khởi nguyên từ phương Nam, thông qua quần đảo Okinawa. Không chỉ có thế, một tài liệu khác là Nhật Bản thư kỷ (Nihon Soki) cũng đề cập đến chuyện người dân Nhật vớt được một khúc gỗ lớn trôi giạt vào bãi biển đảo Awaji ở phía Nam Kobe. Họ mang đốt chung với củi của địa phương thì ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt bốc xa nên đặt tên loại gỗ đó là Trầm thủy (tức trầm hương). Tìm hiểu kỹ, họ biết rằng khúc trầm thủy đó xuất phát từ vùng đất Nhật Nam thuộc An Nam Đô hộ phủ dưới đời Đường.
Nghiên cứu sự giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các dòng hải lưu chảy từ phương Nam về phía Bắc đã góp phần không nhỏ trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ở khu vực phía Nam châu Á. Mặt khác, những biến động về đường lối mậu dịch tại Trung Hoa vào nửa cuối thế kỷ 14 cũng làm thay đổi bộ mặt thương mại trong vùng. Từ năm 1371, Minh triều áp dụng một chính sách khắc nghiệt về ngoại thương, cấm thuyền dân ra nước ngoài buôn bán, “một miếng ván nhỏ cũng không được phép bơi trên biển”. Mãi đến gần 200 năm sau, vào năm 1567, vua Minh Mục tông mới bãi bỏ lệnh cấm này, cho phép thuyền dân sang các nước Đông Nam Á buôn bán, nhưng không được buôn bán với Nhật Bản.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
Tranh cổ: châu ấn thuyền Nhật cập cảng Faifo (Hội An).

Theo tác phẩm Thuyền Xa Binh Chế Khảo của Trung Quốc, 10 năm sau khi lệnh cấm được giải tỏa, tức năm 1577, đã có 14 chiếc ghe mành của thương nhân nước này chở đồng, sắt, đồ sành sứ từ Phúc Kiến tới bán ở Thuận Hóa (Li Tana – Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 vá 18 – NXB Trẻ – 1999 – trang 88). Tuy nhiên, phải chờ đến đầu thế kỷ 17, thương nhân người Hoa mới hoạt động mạnh tại Đàng Trong, khi trung tâm thương mại Faifo (Hội An) hình thành, nơi diễn ra những cuộc buôn bán lớn giữa người Hoa, người Nhật, người phương Tây, và người bản xứ. Do tàu buôn Trung Quốc còn bị cấm đến Nhật nên Faifo (Hội An) đã có lợi thế trở thành nơi buôn bán giữa người Hoa và người Nhật, chính quyền của các chúa Nguyễn thu về những khoản thuế quan trọng, giúp trang trải các chi phí cần thiết cho việc phát triển dân sinh, đồng thời có đủ sức mạnh chống lại 7 cuộc tấn công của quân Trịnh trong suốt 45 năm trời (1627-1672).
Về phần Nhật Bản, lợi thế về mặt thương mại trong suốt thời gian nhà Minh cấm người Hoa giong thuyền trên biển lại đẻ ra một tệ nạn khác: bọn hải tặc mượn danh nghĩa thương nhân Nhật hoành hành trên một vùng biển rộng lớn. Trong tình hình đó, từ trước thế kỷ 17, chính quyền nước Nhật đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ số thuyền bè xuất nhập bằng cách đặt ra một loại giấy phép gọi là châu ấn trạng, chỉ những thuyền buôn Nhật được cấp giấy này mới có thể vượt biển ra nước ngoài. Vì thế, từ cuối thế kỷ 16 đến những thập niên đầu thế kỷ 17, số châu ấn thuyền (thuyền được cấp châu ấn trạng) của thương nhân Nhật cập bến Đàng Trong rất nhiều.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
Châu ấn trạng (shuin-jo) do chính quyền Nhật Bản cấp cho ngư dân của họ vào thập niên 1610.

Theo tài liệu còn lưu trong các văn khố của Nhật Bản, trong quãng thời gian từ năm 1604 đến năm 1635 (thời điểm cấm hẳn thuyền buôn Nhật Bản ra nước ngoài), số châu ấn thuyền cập cảng Đàng Trong là 70 chiếc, cao hơn hết so với Đông Kinh (Đàng Ngoài) 36 chiếc, Champa 5 chiếc, Chân Lạp 44 chiếc, Xiêm (Thái Lan) 56 chiếc, và Luzon 53 chiếc. Số thương thuyền của người Hoa (do không được phép đi thẳng từ Trung Quốc sang Nhật Bản) xuất phát từ Quảng Nam (Đàng Trong) đi Nhật Bản trong thời gian từ năm 1647 đến năm 1720 là 203 chiếc, so với Đông Kinh 63 chiếc, Chân Lạp 109 chiếc, Xiêm 138 chiếc, Jakarta (Indonesia) 90 chiếc (theo Li Tana – sđd – các trang 90-91, 101). Trị giá hàng hóa do các châu ấn thuyền mang vào Đàng Trong có giá trị rất cao, tối thiểu 400.000 tiền đồng, nhiều nhất trên 1.600.000 tiền đồng. Họ mua về nhiều nhất là mặt hàng tơ sống, vải thô, trầm hương, da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, song mây… là những thổ sản phong phú trong vùng. Năm 1635, Nhật Bản nhập khẩu 220.000 kg tơ thì phần mua ở Đàng Trong là 25.000 kg.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
Tranh cổ: một châu ấn thuyền – Nguồn Wikipedia.

Trong tập hồi ký xuất bản tại Pháp vào năm 1631, giáo sĩ Cristoforo Borri đã kể lại những gì mắt thấy tai nghe trong những năm ông sống ở Đàng Trong (1618-1622). Theo Borri, thị trấn Hội An khi ấy đã chia ra hai khu vực riêng biệt, một khu vực là nơi sinh sống của người Hoa, một khu vực của người Nhật, mỗi năm phiên chợ kéo dài 4-5 tháng. Đến thập niên cuối thế kỷ 17, một hòa thượng người Trung Quốc là Thạch Liêm, pháp danh Thích Đại Sán, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Đàng Trong thuyết pháp. Trong tập Hải Ngoại kỷ sự viết về chuyến đi này, Thạch hòa thượng đã mô tả Hội An như sau: “Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố…” (Sđd – Viện Đại học Huế – 1963 – trang 154).
Bàn về quan hệ Việt-Nhật, điều đáng tiếc là nguồn sử liệu Việt Nam quá thiếu thốn, phần lớn phải dựa vào các tài liệu bên ngoài. Song cũng có điều đáng mừng là người Nhật sở hữu một nguồn tư liệu khá phong phú về mối quan hệ giữa thương nhân nước họ với nhiều nước trên thế giới, kể cả Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh quốc. Nguồn sử liệu tiêu biểu về lãnh vực này là bộ Ngoại phiên thông thư của Kondo Juzo (1771-1829), viết xong năm 1818, gồm 27 quyển, ghi lại mối quan hệ giữa Nhật Bản với 12 quốc gia và khu vực, trong đó phần “An Nam quốc thư” chiếm 4 quyển, từ quyển 11 đến quyển 14. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm cũng đế cập đến quan hệ giữa Nhật Bản với nước ngoài như Dị quốc vãng lai ký, Cổ sự loại uyển, Hòa văn ngoại phiên thông thư… Một trong những người Việt Nam đầu tiên có điều kiện tiếp cận với các nguồn tư liệu trên là Sở Cuồng Lê Dư, người từng tham gia phong trào Đông Du vào nửa sau thập niên 1900. Đầu thập niên 1920, trên Nam Phong tạp chí số 54 phát hành tháng 12.1921, Lê Dư trích đăng nguyên văn bằng chữ Hán những thư từ trao đổi giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với Mạc phủ của Nhật Bản. Bài viết này về sau được tác giả Nông Sơn dịch ra tiếng Việt, in trong tạp chí Văn Hóa Á Châu số tháng 3-4 năm 1958.

QUAN HỆ VIỆT – NHẬT THỜI TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH
Kỳ II – QUAN HỆ GIỮA CHÍNH QUYỀN ĐÀNG TRONG VỚI NHẬT BẢN

Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 thì chỉ sau 12 năm, ông đã biến vùng đất Thuận Quảng (Thuận Hóa-Quảng Nam) thành một khu vực thương mại phồn thịnh. Sách Đại Nam thực lục tiền biên viết về năm 1572 như sau: “…Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn…” (Sách đã dẫn – NXB Sử học – Hà Nội 1962, trang 36).
Tuy nhiên quan hệ Việt-Nhật lại mở đầu bằng một sự kiện trớ trêu. Một trong những người Nhật có mặt sớm tại Đàng Trong bị nhận diện lầm là cướp biển phương Tây. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép về năm 1585 như sau: “tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi năm chiếc thuyền lớn, đến đậu ở cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiến thuyền tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan hai chiếc thuyền giặc…” (sđd – trang 37).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Tượng Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.

Sự việc xảy ra khi Nguyễn Hoàng đang có mặt ở Đông Kinh (Thăng Long) để giúp vua Lê thanh toán những dinh lũy cuối cùng của dòng dõi Mạc Đăng Dung. Sau khi ông trở lại Thuận Quảng vào năm 1600, với tước Đoan Quốc Công, thì cũng kịp nhận ra rằng “tướng giặc nước Tây dương” lại là một người Nhật có tên Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) và ông đã nghĩ ngay đến việc sử dụng người này như một sứ giả để liên lạc với chính quyền Nhật Bản đương thời.
Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm 1601, Nguyễn Hoàng nhờ Hiển Quý mang thư và tặng phẩm về Nhật dâng lên Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu), người về sau làm Tướng quân Mạc phủ. Trong bức thư đầu tiên này, người đứng đầu hai xứ Thuận Quảng cố giải thích khác đi sự kiện đáng tiếc liên quan đến Bạch Tần Hiển Quý, cho rằng việc đánh đuổi ông ta vào năm 1585 chỉ là sự hiểu nhầm giữa hai bên, kỳ thực Hiển Quý là một thương nhân lương thiện. Tặng phẩm Đoan Quốc Công gửi biếu Đức Xuyên Gia Khang gồm có kỳ nam, lụa, mật ong, lôi mộc, con công. Phần cuối của bức thư lại là phần chính: Nguyễn Hoàng “xin giúp cho 4 thứ quân khí, để dùng vào việc nước (sinh, diêm, sơn và khí giới)…”
Thư trả lời cho Nguyễn Hoàng của Đức Xuyên Gia Khang, cũng vào năm 1601, được in trong tập Dị quốc vãng lai ký. Nội dung thư báo cho Đoan Quốc Công biết là phía Nhật đã nhận đủ quà tặng, đặc biệt trong phần cuối có nhắc rõ chế độ cấp phép buôn bán dưới hình thức châu ấn trạng: “…Sau này thuyền nước tôi đến đất ông lấy ấn tín này làm tin, nếu không không nên nhận. Những binh khí của nước tôi đem tặng đây, thật như lông ngỗng xa từ ngàn dặm…” (tạp chí Văn Hóa Á châu – Sài Gòn, số 3-4.1958, trang 19).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào Nam.

Thư trao đổi trong năm 1603 không có gì đáng nói ngoài việc phía Nhật Bản yêu cầu chính quyền Đàng Trong bảo vệ cho các thương nhân Nhật sang buôn bán, và việc tặng hảo cho Nguyễn Hoàng số binh khí gồm 10 cây dao lớn. Song qua năm 1604, đã thấy khá rõ thâm ý của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đối với chính quyền Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài khi ông viết cho Đức Xuyên Gia Khang: “…Từ năm nay trở đi, các thuyền thông thương chỉ nên đến nước tôi, tiện việc mua bán, còn các xứ Thanh Hoa, Nghệ An với nước tôi là thù địch, mong rằng Quốc vương đã có lòng yêu nhau, thì nên cấm hẳn các thuyền buôn qua lại với các xứ ấy….” (Văn Hóa Á Châu – Tài liệu đã dẫn, trang 21).
Lời lẽ trong thư không che giấu với cả người nước ngoài lòng tị hiềm của chúa Nguyễn với chính quyền Lê-Trịnh mà bề ngoài ông vẫn tự coi mình đang thống thuộc. Câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được ông sử dụng với tất cả ý nghĩa tích cực nhất, với mưu đồ biến Đàng Trong thành một vương quốc tách biệt hẳn với Đàng Ngoài. Mưu đồ đó được cụ thể hóa bằng lời trăng trối của Nguyễn Hoàng cho con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên: “…Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành sơn) và sông Gianh (Linh giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải vân và núi Đá bia (Thạch Bi sơn). Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời…” (Đại Nam thực lục tiền biên – sđd, trang 44).
Vì thế, có thể nói rằng ngay từ đầu thế kỷ 17, Nguyễn Hoàng đã sớm tận dụng mối quan hệ với Nhật Bản để ít nhất đạt đến hai mục tiêu, một là trao đổi sản vật lấy binh khí cần cho những cuộc xung đột Nam Bắc có thể xảy ra, thông qua hình thức tặng hảo; và hai là giành lấy ưu thế về thương mại với Đàng Ngoài bằng cách cô lập hay giới hạn đến mức tối đa số thương nhân Nhật Bản đến vùng này.
Song qua những thư trao đổi ban đầu đó, ta còn khám phá thêm một điều quan trọng nữa, đó là phố Hiến, Hưng Yên không phải là nơi duy nhất tiếp đón thương nhân nước ngoài, bên cạnh đó, còn có hai trung tâm thương mại khác, tuy nhỏ hơn, ở Thanh Hóa (lúc đó còn có tên Thanh Hoa) và Nghệ An là nơi thương nhân Nhật thường tìm đến.
Có lẽ tự thấy như thế chưa đủ củng cố mối quan hệ Việt- Nhật, năm 1604, Nguyễn Hoàng nhận một thương nhân Nhật, đồng thời là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tại Đàng Trong, tên Châu Mộc Di Thất Lang (Hunamoto Yabeiji) làm con nuôi. Trong một thư đề ngày mồng 6 tháng 5 (âm lịch) năm 1606 gửi cho một giới chức Nhật Bản tên Bản-Đa-Thượng Dã-giới-chính-Thuần (Honda Kozukenosuke Masazumi), chúa Nguyễn đã viết: “Nhận được thư ông như được thấy mặt, gần đây tôi thấy Gi-Thất-Lang, đức thật trung hậu, tôi nhận làm con nuôi, và kính đến cả khách bạn, đem lời khuyên bảo, thể theo ý ông, nên Gi-Thất-Lang về nước, tôi nhớ mong lắm….” (Văn Hóa Á Châu – tlđd – trang 23).
Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế nghiệp, được đời sau gọi một cách đơn giản là chúa Sãi. Ông tiếp tục mối quan hệ với Mạc phủ và vào năm 1619, đã công bố việc gả một công nữ cho một thương nhân Nhật Bản tên Hoàng Mộc Tôn Thái Lang (Kimura Sotaro).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Bức thư Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Mạc phủ.

Tuy nhiên việc thương mại Việt-Nhật dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên đã không được mấy suôn sẻ. Giữa thập niên 1610, tức không lâu sau khi ông kế nghiệp Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, chính quyền trung ương Nhật Bản trục xuất toàn bộ giáo sĩ phương Tây đang được phép truyền đạo ở nước này và áp dụng chính sách cấm đạo Cơ Đốc triệt để hơn bao giờ hết. Cũng từ đó, việc cấp châu ấn trạng bị hạn chế dần.
Năm 1627 nổ ra cuộc xung đột lần đầu giữa hai chính quyền Trịnh-Nguyễn, quan điểm của chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng thận trọng hơn. Chúa liên tục yêu cầu các thương nhân Nhật chỉ buôn bán với Đàng Trong thôi. Nhưng rồi lệnh này cũng không tồn tại được lâu.
Năm 1635, chính quyền Nhật Bản cấm toàn bộ thương thuyền ra khỏi lãnh hải nước Nhật. Tuy nhiên, lúc bấy giờ vẫn còn một số thương nhân Nhật không về nước mà ở lại Đại Việt, Chân Lạp, Philippines để buôn bán với người bản xứ, với một qui mô chật hẹp hơn rất nhiều.
Năm 1644, Trung Quốc trải qua một biến động lớn, nhà Minh bị nhà Mãn Thanh thôn tính, nhiều cựu thần nhà Minh bất phục tân triều, lần lượt bỏ xứ ra đi.
Năm 1679, gần 3.000 người Hoa đi theo hai cựu thần nhà Minh là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch xuôi thuyền đến Đàng Trong, xin chúa Nguyễn Phúc Tần cho nương náu. Chúa Nguyễn đã cho họ vào vùng đất Trấn Biên (Biên Hòa) và Mỹ Tho để khai khẩn, lập nghiệp. Nhân dịp này, nhiều thương nhân Nhật cũng đi theo đoàn người Nam tiến đó, vào sinh sống ở đất Đông Phố (đúng ra là Giản Phố) (Biên Hòa, Gia Định).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Một phụ nữ Nhật ở Sài Gòn năm 1909.

Năm 1695, một người phương Tây là Thomas Bowyear ghé lại Hội An, có kể lại là ông chỉ gặp 4 hay 5 gia đình người Nhật ở đó.
Đầu thế kỷ 20, còn một số kiều dân Nhật sống ở Sài gòn, nhưng không rõ họ có phải là hậu duệ của những người Nhật đã qua buôn bán ở nước ta bằng châu ấn thuyền hay không.

CUỘC HÔN NHÂN VIỆT – NHẬT ĐẦU TIÊN
TRONG LỊCH SỬ HAI NƯỚC

Tuy các thương nhân Nhật Bản đã có mặt ở Đàng Trong từ nửa sau thế kỷ 17, song phải từ đầu thế kỷ 18 trở đi thì việc giao thương giữa họ với người bản xứ cũng như với các thành phần thương nhân khác mới trở nên sôi động. Các châu ấn thuyền thay nhau đến và đi ở thương cảng Hội An, tạo sinh khí mới cho vùng đất Đàng Trong còn khá mới mẻ. Bên cạnh việc buôn bán, quan hệ Việt-Nhật cũng được phát triển trên những lãnh vực khác, trong đó chuyện hôn nhân giữa một cô gái Việt và một thương nhân Nhật là sự kiện đầu tiên xảy ra trong quan hệ giữa hai nước.
Thương nhân Araki Sotaro (Hoàng Mộc Tôn Thái Lang) được cấp châu ấn trạng đi buôn bán ngoài nước từ năm 1591, song phải từ đầu thập niên 1600, ông mới ghé lại Faifo (Hội An) nhiều lần. Đến cuối thập niên 1610, Sotaro trở thành người thân thiết với phủ chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được chúa cấp cho một chứng chỉ xác định mối quan hệ gia tộc, trong có đoạn viết: “… Nay có Mộc Thân Tôn Thái Lang (cũng là Hoàng Mộc Tôn Thái Lang – LN) là chủ tàu nước Nhật Bản vượt biển đến nước ta, xin bái kiến và xin nương dưới gối, thật là vẻ vang. Ta thuận lòng người nhận cho làm quý tộc Nguyễn Đại Lương, tên là Hiển Hùng. Thế không những là vẻ vang ở cung đình, cũng là giữ bền lợi thông xứ Nam và xứ Bắc.” (bản dịch của Nông Sơn – tạp chí Văn Hóa Á Châu – Sài gòn – số 3-4/1958, trang 21).

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
Tấm bia viết về cuộc hôn nhân Nhật-Việt dựng tại mộ phần dòng họ Araki ở Nagasaki.

Cũng từ chứng thư đó, bản dịch bằng tiếng Pháp của N. Peri in trong Tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) tập 23 năm 1923 có nội dung chi tiết hơn: “Ta trộm nghĩ lời nói đáng tin, rằng sự kết hợp hôn nhân giữa hai nước là điều hệ trọng, còn gì quý hơn là sự hòa thuận một nhà… Vì y (Hoàng Mộc Tôn Thái Lang) bày tỏ ý nguyện được làm con cái của ta, sau khi cứu xét, ta thuận cho y vào dòng họ Nguyễn dưới cái tên Nguyễn Thái Lang…”
Về phần Nhật Bản, sách Hòa văn ngoại phiên thông thư có ghi rằng: “… Đầu năm Văn Lộc, nhân muốn buôn bán với ngoại quốc, cho tàu Kinh, Giới, Trường kỳ, cộng thuyền chủ 9 tàu, vượt bể qua lại Đông Kinh, Giao Chỉ, Đông Phố Trại, một tàu là sở hữu của Hoàng Mộc Tôn Thái Lang, trong năm Nguyên Hòa, đi lại tỉnh Quảng Nam. Quốc vương vì tình âu yếm người xa lạ, gả con gái cho Tôn Thái Lang, lại cho người ấy dùng họ Nguyễn để giữ vững tình thân thuộc…” (Tạp chí Văn Hóa Á Châu – sđd – trang 22)
Như vậy, việc chúa Nguyễn gả một công nữ (hay một cô gái nào đó) cho thương nhân Nhật Bản là điều có thật. Năm 1620, người phụ nữ Đại Việt theo chồng về Trường Kỳ (Nagasaki), Nhật Bản. Từ đó, bà mang tên Okakutome, nhưng người trong gia đình chồng gọi tắt là Anio.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
Thành phố Nagasaki, nơi người phụ nữ Việt lấy chồng Nhật về sinh sống.

Trong một bài viết nhan đề “Một thoáng Phù Tang”, in trên trang web www.erct.com, tiến sĩ Trương Văn Tân có nhắc lại việc ông đến thăm chùa Daion-Ji và được xem tấm bia đá kể lại cuộc hôn nhân Nhật-Việt do thành phố Nagasaki dựng lên gần ngôi mộ dòng họ Araki, theo đó, người phụ nữ Việt lấy Araki Sotaro tên là Wakaku (Vương Gia Cửu) (chứ không phải Okakutome) và “Cuộc đời của Araki Sotaro và công nương Việt Nam Wakaku sẽ có rất ít người biết nếu chỉ dựa vào bảng tiểu sử ở một nghĩa trang heo hút và tài liệu ‘đóng bụi’ của Đại Âm Tự. Nhưng câu chuyện tình Nhật Việt này đã được mang ra trình bày và giải thích bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh cùng với những mẩu chuyện khác về Nagasaki ở thế kỷ 17, 18 tại địa điểm tham quan lịch sử Dejima (đề cập ở phần sau). Tài liệu Nhật còn cho biết khi nàng Wakaku cập bến Nagasaki, một cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức để đón cô dâu quí tộc đến từ Nam quốc xa xôi. Trang phục của cô dâu đã gây một ấn tượng đặc biệt cho người dân Nagasaki và từ đó về sau nó trở thành một tiết mục thời trang cho lễ hội (matsuri) hàng năm của thành phố đến tận ngày hôm nay.” (Một thoáng Phù Tang)
Căn cứ vào những tài liệu mà dòng họ Sotaro còn lưu lại, sau khi về Nhật, Anio sinh một con gái đặt tên là Yasu. Năm 1635, chính quyền Nhật Bản cấm đoán mọi trường hợp đi ra nước ngoài bằng đường biển, hi vọng về thăm lại quê hương của Anio tắt ngấm. Một năm sau (1636), Sotaro qua đời, còn Anio mất năm 1645. Mộ của hai người dựng gần ngôi chùa Daion-Ji (Đại Âm tự), một trong những ngôi chùa lớn của thành phố Nagasaki.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
Chùa Daion-ji (Đại Âm tự).

Theo lời kể của một người đại diện gia tộc Sotaro là bà Kuro Kawa Tai thì ngôi nhà mà bà Anio từng trú ngụ đến nửa sau thế kỷ 19 vẫn còn nguyên vẹn. Bà Kuro Kawa còn giữ một kỷ vật mà Anio đã mang theo từ Đại Việt. Đó là một chiếc gương soi đã cũ nát theo thời gian, khung mạ vàng, kích thước 30 cm x 35 cm, chạm khắc theo kiểu châu Âu.
Ngoài cuộc hôn nhân này, còn có một cuộc hôn nhân Việt-Nhật thứ hai rất ít được nói đến và mới được phát hiện gần đây. Theo sách phả hệ của dòng họ Ozawa Shiroemon (Đại trạch tứ lang hữu vệ môn), ở làng Toba gần Kyoto, một trong những người con thứ của gia đình Ozawa là Shiroemon Mitsunaka đã ra nước ngoài trong thời kỳ trị vì của vua Khang Vĩnh (1624-1648), đã được vua An Nam tiếp kiến và gả con gái cho, phong làm tướng trong quân đội và cấp cho một vùng đất rộng để sinh sống. Ở Đại Việt được vài năm, vì nhớ quê nhà, Shiroemon xin về Nhật và mất một thời gian ngắn sau đó. Gia đình ông còn giữ một số vật kỷ niệm, trong đó có những món đồ gốm và ba bức thư gửi từ An Nam.
Trở lại với cuộc hôn nhân thứ nhất, câu hỏi được đặt ra là người phụ nữ Việt lấy chồng Nhật Bản và được gia đình chồng gọi tên Anio có tên Việt là gì? Bà có phải là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không? Theo tài liệu về phả hệ của Nguyễn Phước tộc và một vài tài liệu ngoài chánh sử, chúa Sãi có 4 người con gái là Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa và Ngọc Đỉnh. Bà chánh thất của chúa (sau là Hiếu Văn hoàng hậu) thuộc dòng họ Mạc, tên Mạc Thị Giai, lại là con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển, dòng họ mà Đoan Quận công Nguyễn Hoàng từng ra Bắc giúp triều đình nhà Lê tiêu diệt.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
Mộ phần dòng họ Araki (ảnh của tiến sĩ Trương Văn Tân).

Điều trớ trêu là khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, em trai Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào theo chúa, lập được nhiều công trạng. Khi con gái Mạc Kính Điển trở thành chánh phi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì mặc nhiên Mạc Cảnh Huống là chú vợ chúa. Con trai Huống là Mạc Cảnh Vinh cũng phục vụ dưới trướng chúa Nguyễn. Năm 1629, Cảnh Vinh lập công lớn khi đánh dẹp được một kẻ nội phản và mở rộng đất đai đến Bình Khang (Khánh Hòa). Ông được chúa Sãi cho lấy họ Nguyễn, đổi tên là Nguyễn Phúc Vinh (sau là Nguyễn Hữu Vinh) và được gả cho cô con gái cả của chúa là công nữ Ngọc Liên.
Cô con gái thứ hai của chúa là công nữ Ngọc Vạn được chúa gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II năm 1620. Và chỉ ba năm sau (1623), tức hơn 50 năm trước khi những người Hoa lánh nạn nhà Thanh được cho vào khai khẩn hai vùng đất Trấn Biên và Phiên Trấn, bà hoàng này đã thuyết phục được chồng để cho chúa Nguyễn khai khẩn khu dinh điền ở Mổi Xuy (Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay) và đặt trạm thu thuế tại Sài gòn.
Công nữ Ngọc Đỉnh được chúa gả cho Phó tướng Nguyễn Cửu Kiều, người từng giữ và chuyển cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên những bức mật thư mà chị ông là Ngọc Tú, vợ Trịnh Tráng, gửi vào Nam.
Danh phận hai công nữ Ngọc Liên và Ngọc Đỉnh, chánh sử có nêu rõ. Về công nữ Ngọc Vạn, tuy sử Việt không ghi, song hai tác giả Pháp M. Giteau (tác phẩm: Histoire du Cambodge – Paris 1957) và Henri Ruissier (tác phẩm: Histoire sommaire du Royaume de Cambodge) viết về lịch sử xứ Chân Lạp đều có nhắc đến cuộc hôn nhân của vua Chân Lạp Chey Chetta II và công nữ Ngọc Vạn.
Riêng người công nữ cuối cùng là Ngọc Khoa thì danh phận mơ hồ hơn cả.

Quan hệ Việt - Nhật thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
Tranh vẽ Nagasaki thời xưa.

Một tác giả Pháp là Marcel Ner, trong một bài viết đăng trên Tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) năm 1930 có kể rằng vua Chiêm Po Romé ngự trị tại thành Bal Pandaran (Phan Rang) vào những năm 1627-1651, có ba người vợ, một là người Chiêm (Bia Suthi), hai là người sắc tộc Rhadé (Bia Tan Chan) và người thứ ba (Po Bia Út) là con chúa Nguyễn (nguyên văn: fille d’un Chúa annamite). Chi tiết này khá mơ hồ, vì Marcel Ner không nói rõ con chúa Nguyễn là ai và chúa Nguyễn là ai, vì trong thời gian vua Po Romé tại vị (1627-1651), phía Đại Việt trải qua ba đời chúa: chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635, con là Nguyễn Phúc Lan kế nghiệp, rồi sau đó là chúa Nguyễn Phúc Tần lên ngôi năm 1648. Song một vài nhà nghiên cứu dựa vào đó để suy diễn rằng người vợ thứ ba của vua Chiêm Po Romé chính là công nữ Ngọc Khoa.
Dựa vào những nguồn sử liệu trên, có thể thấy rằng trong 4 người con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì danh phận ba công nữ Ngọc Liên, Ngọc Vạn và Ngọc Đỉnh đã khá rõ, duy có công nữ Ngọc Khoa là hoàng hậu Chiêm quốc hay là Anio, vợ thương nhân Hoàng Mộc Tôn Thái Lang, thì chưa thể xác định rõ điều gì. Đây là một thách thức đối với giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đòi hỏi cần có những nguồn tài liệu khác rõ ràng hơn để làm sáng tỏ một vấn đề thú vị của lịch sử.

DẤU TÍCH VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI NHẬT TRÊN ĐẤT VIỆT

Năm 1558, khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng được phép vào trấn đất Thuận Hóa thì vùng đất này chỉ gồm hai xứ thừa tuyên là Thuận Hóa và Quảng Nam, song theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, đến đầu thập niên 1570, đã có khá nhiều thuyền buôn các nước đến buôn bán với hai xứ Thuận Quảng rồi. Trong một tác phẩm viết về sự truyền đạo Thiên Chúa tại Đại Việt thời kỳ này, Romanet du Caillaud cho biết vào năm 1583, giáo sĩ Diego Aduarte đã nhìn thấy sự hiện diện của một chiếc tàu Nhật quanh vùng Tourane (Đà Nẵng).
Tuy nhiên, trước năm 1592, thuyền buôn Nhật đến các nước trong vùng chỉ có tính tự phát, không chịu sự kiểm soát của chính quyền nơi xuất phát. Từ năm 1592 trở đi, một chế độ mới được ban bố, thuyền buôn Nhật muốn rời bến đi sang nước khác phải có một loại giấy phép gọi là châu ấn trạng (shuin-jo). Việc làm này nhằm mục đích kiểm soát, đồng thời hạn chế số thuyền buôn ra nước ngoài. Dù vậy, trước năm 1592, số người Nhật đến Đại Việt và trú ngụ lâu dài đã khá đông. Theo một tài liệu do tiến sĩ Lê Văn Hảo phổ biến vào tháng 5 năm 2004, đầu thế kỷ 17, nhiều thương nhân Nhật nhờ làm ăn phát đạt, đã mua lại của chính quyền Đàng Trong 20 mẫu đất để xây dựng phố xá và cất lên ngôi chùa Tùng Bổn Tự. Họ dựng bia, đúc chuông, đúc tượng Phật để thờ phụng. Một số đàn ông Nhật cưới vợ người Việt.
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Chùa Cầu ở Hội an do người Nhật xây dựng năm 1593.
Tại Faifo (Hội An), vào thời này, có hẳn hai khu vực cư ngụ và buôn bán riêng biệt; một khu vực của người Hoa và một khu vực của người Nhật, chia cách nhau bởi chiếc cầu Nhật Bản có mái che do người Nhật xây dựng năm 1593, nay vẫn còn nguyên trạng. Cầu lợp ngói để che mưa nắng cho người lưu thông trên đó nên vào thời kỳ đầu, cư dân địa phương gọi một cách đơn giản là Cầu Ngói, về sau, căn cứ vào sự hiện diện của một ngôi chùa nhỏ trên cầu, người ta gọi chung là Chùa Cầu. Riêng người Pháp gọi là Pont japonais (cầu Nhật Bản) hay Pont couvert (cầu có mái che).
Năm 1719, trong dịp vào thăm Hội An, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho cầu cái tên “Lai Viễn Kiều” – “cầu nơi khách phương xa tìm đến” (một tài liệu của người Pháp đã nhầm khi viết rằng người đến thăm cầu là vua Lê Hiển Tông, do sự trùng hợp giữa miếu hiệu Hiển Tông của vua Lê và miếu hiệu Hiển Tông của chúa Nguyễn Phúc Chu).
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Chùa Cầu ngày nay.
Ở một đầu cầu Nhật Bản , người Nhật đắp tượng hai con chó bằng đất trong tư thế ngồi xổm, đầu cầu bên kia là tượng hai con khỉ. Căn cứ vào chi tiết này, một vài tài liệu giải thích rằng cầu được khởi công xây dựng vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất, tức hai năm sau đó. Lời giải thích trên hoàn toàn sai lạc, vì cầu được xây dựng vào năm 1593 (chi tiết này không bị ai phản bác) là năm Quý Tỵ, không liên quan gì đến các năm Thân, Dậu, Tuất cả.
Riêng ngôi chùa nhỏ trên cầu có tên là Bắc Đế Trấn Vũ, thờ một viên tướng Tàu, còn được gọi là Huyền Thiên Đại đế, do các bang hội người Hoa ở Minh hương xã lo việc thờ cúng. Hàng năm, lễ hội dành cho vị thần này diễn ra vào ngày 20 tháng 7 âm lịch. Căn cứ vào những chữ đại tự trên rầm cầu, được biết vào năm Gia Long thứ 16 (1817), các quan lại, bô lão, bang trưởng và cư dân làng Minh hương đã tiến hành việc trùng tu cầu. Công việc này được tiếp tục vào những năm 1823, 1875 và đến năm 1915, một cuộc trùng tu toàn diện chiếc cầu được tiến hành với những chi tiết trang trí còn tìm thấy ngày nay. Ngôi chùa nhỏ bị hư hại trong một cơn bão trước đó vài năm, đến những tháng đầu năm 1917 mới được tái thiết.
Vào những thập kỷ đầu thế kỷ 20, có lời truyền tụng về hai ngôi mộ xây của người Nhật ở Hội An, trên đường từ thị trấn ra biển. Điều này khiến cho nhiều người Nhật sang thăm Việt Nam luôn tìm đến đó để nhớ tới kỷ niệm về cha ông họ từng có thời sinh sống ở đấy. Tuy nhiên, theo các bô lão sống lâu đời tại địa phương, đấy chỉ là những ngôi mộ Việt chứ không phải của một người ngoại quốc nào. Ngoài ra, trong tác phẩm Guide de l’Annam (Sách chỉ dẫn về nước An Nam), tác giả Ph. Eberhardt có đề cập đến dấu tích của một ngôi nhà gỗ được người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, nằm ở trung tâm Hội An, cạnh một con kênh: “Bên trong thị trấn (Faifoo), gần con kênh Chợ Được, người ta để ý đến một ngôi nhà gỗ được người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, ông Rougier, lúc đó làm công sứ ở thị trấn này, đã tìm thấy hai tấm bảng đồng có chạm trỗ rất đẹp mang các con số thuộc về một gia đình hiệp sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 15”. Tiến sĩ Sallet, tác giả một bài viết đăng trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) năm 1919 cho biết đã không tìm thấy vị trí ngôi nhà mô tả trên, vì không có kênh Chợ Được mà chỉ có chợ Chợ Được nằm gần con kênh nối liền Faifoo với Tam Kỳ.
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Một phụ nữ Nhật sống tại Sài Gòn (1909).
Trong những dấu ấn quan trọng của người Nhật vào các thế kỷ 17-18 liên quan đến xã hội Đại Việt, có hai tác phẩm hội họa quý giá, một là bức Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (vượt biển thông thương với nước Giao Chỉ) và hai là bức Thác kiến Quán thế âm. Cả hai tác phẩm đang được lưu trữ tại chùa Jomyo ở thành phố Nagoya và được mọi người xem là một bảo vật. Cũng theo mô tả của tiến sĩ Hảo, bức Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ là một bức tranh màu nước đồ sộ dài 498 cm, cao 78 cm, đã bị mất một phần, các phần còn lại miêu tả bốn cảnh quan: cảnh thuyền châu Âu rời cảng Nagasaki đi Giao Chỉ và cập bến Hội An; cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho một người được tin là chúa Nguyễn; cảnh khu phố Nhật ở Hội An; và cảnh một ngôi nhà lớn trong đất liền. Tranh Thác kiến Quán thế âm vẽ tượng Phật Quán thế âm, nói lên phần nào sự thịnh hành của đạo Phật dưới thời các chúa Nguyễn.
Nhiều cuộc khai quật dưới thời Pháp thuộc còn cho thấy một số hiện vật do người Nhật sở hữu vào thời ấy như đồ gốm, lọ sứ, vại, chai hoặc ly uống rượu saké; nhưng độc đáo nhất có lẽ là những chiếc gương đồng tiêu biểu cho nếp sống văn hóa và sự tinh tế trong nghề thủ công của các nghệ nhân Nhật. Theo sử liệu của người Nhật, chiếc gương đồng đầu tiên là tác phẩm của hai vị thần Ishi-Koro Mikoto và Ama Tsu-ma-ra trong nỗ lực khiến cho nữ thần mặt trời Amaterasu phải ra khỏi hang động của bà. Chiếc gương đồng ấy có tên Yata-no-Kagami đang được bảo quản tại một ngôi đền ở I-sé. Từ đó, nó trở thành một trong ba biểu tượng của vương quyền ở Nhật Bản. Trong lịch sử Nhật Bản, vào năm 100, dưới triều đại Kei-Kô (71-130), lần đầu tiên có những gương đồng được mài bóng. Tại Nara, trong kho báu hoàng gia Sho-so no, người ta lưu giữ nhiều gương đồng có lẽ có từ thế kỷ thứ 7. Từ đó, và cho đến ngày nay, người Nhật sử dụng một kỹ thuật khác để làm gương đồng. Mặt sau gương được trang trí bằng những hình chạm khắc tinh xảo theo kỹ thuật khảm men huyền, khảm xà cừ, với kim loại mạ vàng và sơn mài. Người Nhật Bản xưa cũng có những điều mê tín liên quan đến gương đồng, chẳng hạn đặt nó dưới gối hay dưới giường một đứa trẻ đang đau yếu có thể làm cho sức khỏe của nó hồi phục nhanh hơn; người nào soi gương vào lúc 2 giờ sáng thì sẽ biết được hậu vận của mình; gương đồng được chôn theo người chủ của nó khi an táng…
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Một chiếc gương đồng Nhật tìm thấy ở Đàng Trong.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, trong bộ sưu tập của viên quản thủ Bảo tàng Huế J.H. Peyssonaux, có 6 chiếc gương đồng, và qua những nghiên cứu về sản phẩm độc đáo này, ông ta đã có một bài viết đăng trên Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) năm 1933, nói về lịch sử những chiếc gương đồng và phương pháp chế tạo chúng qua những thời điểm khác nhau. Peyssonaux phân biệt hai loại gương đồng chính: loại có tay cầm bằng gỗ hay kim khí và loại nhỏ hơn có khoét lỗ trên lưng để xỏ dây treo. Gương đúc từ thế kỷ 16 trở về sau thường có hình tròn, được làm bằng một loại đồng hơi nhạt màu, mặt sau gương tạc hình những khóm tre, rặng thông, hoa, cảnh trí, loài vật hoặc những câu chuyện thần thoại trong lịch sử. Một vài loại gương được chế tạo tinh tế đến độ khi ánh sáng mặt trời rọi vào, chúng làm ẩn hiện lên đường viền những hình ảnh cẩn sau mặt gương. Nét văn hóa của gương đồng còn thể hiện ở những nghi lễ thần bí, ở đó, người Nhật tin rằng chúng có thể khám phá những bí ẩn sâu kín nhất và báo trước cho con người những diễn biến tương lai của họ.
Dấu tích văn hóa của người Nhật trên đất Việt
Một gương đồng khác của người Nhật.
Gương đồng, đó là những chứng nhân theo sát cuộc sống thăng trầm của người Nhật trong suốt quá trình lịch sử phát triển của đất nước Phù tang. Giá trị của chúng vượt lên trên tính chất tầm thường của những vật trang điểm trên tay bà mệnh phụ, vì nhờ có chúng, người ta có thể nhìn thấy những bước đi của lịch sử và các chuyển biến trong đời sống của nhiều thế hệ khác nhau. Những chiếc gương đồng của doanh nhân Nhật tìm thấy trên đất Việt, cũng như di vật quý báu của nàng công nữ Việt trên đất Phù tang là những dấu tích văn hóa Nhật đáng lưu giữ cho đời sau.
Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả
Bài đã đăng trên Văn hóa Nghệ An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét