Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Chống tham nhũng giúp Đại Việt có được thời kỳ toàn thịnh

Trong lịch sử nước ta, có những đời vua rất nghiêm khắc trong việc chống tham nhũng, trong đó phải kể đến đời vua Lê Thánh Tông với bộ luật Hồng Đức và thời nhà Nguyễn với bộ luật Gia Long. Đặc biệt, đời vua Lê Thánh Tông được ghi nhận là thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”.
Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”
Xử án thời xưa. (Ảnh minh họa qua nghiencuuquocte.org)

Vua Lê Thánh Tông chống tham nhũng, Đại Việt thịnh trị

Khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.
Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.
Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”
Hối lộ. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.
Sách sử còn ghi chép lại chuyện Lê Bô phạm tội tham ô bị buộc vào tội “Hình”, có viên quan là Trần Phong xin cho Lê Bô nộp tiền chuộc tội thay vì phải chịu “Hình”. Thế nhưng vua Lê Thánh Tông cho rằng nếu cứ phạm tội rồi dùng tiền chuộc tội thì người giàu có sẽ không phải chịu tội, chỉ còn người nghèo khó thì phải chịu tội hay sao? Vua cho rằng Trần Phong đề xuất như thế là trái với tổ tông và trị tội cả ông ta nữa.
Vua Lê thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây thì cũng được minh oan. Ví dụ như vụ án “Lệ Chi viên” khiến Nguyễn Trãi bị tru di tạm tộc cũng được minh oan trong thời gian này. Từ đó bậc hiền tài an tâm phục vụ dân chúng, người dân được yên ổn.
Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”
Chống tham nhũng. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Thời vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều hiền tài xuất chúng giúp vua trị nước. Vua nghe dân chúng đồn nhau có ông Vũ Tự làm quan rất thanh liêm, nên quyết định thử xem tin đồn có thật không.
Vua biết Vũ Tự vừa xử cho một người thắng kiện, liền bí mật mang một mâm lễ vật quý gửi người này mang đến cho Vũ Tự để hậu tạ. Người này vào đêm khuya liền mang lễ vật tới.
Vũ Tự hỏi: “Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?”
Người đó đáp: “Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…”
Vũ Tự nói ngay: “Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?”
Nói xong ông sai gia nhân đuổi người này về. Vua Lê Thánh Tông sau đó đã trọng thưởng cho Vũ Tự, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ “liêm tiết”.
Sử sách thời này có ghi nhận rằng thời kỳ này “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”. Dân gian có câu rằng:
Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông
Thóc lúa đầy đồng, chẳng mất mát chi.
Lật khắp phần về “Thánh Tông Thuần Hoàng Đế” ở “Kỷ nhà Lê” của “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng ta có thể thấy rằng vua Lê Thánh Tông đã ban ra rất nhiều luật lệ chống tham nhũng, thậm chí đến cả quan tiến cử mà đánh giá sai nhân cách người được tiến cử thì cũng bị vạ lây.

Nhà Nguyễn xử lý nghiêm tham nhũng

Thời nhà Nguyễn việc tham ô tham nhũng của dân bị trừng trị rất nghiêm khắc. Bộ luật Gia Long ra đời có 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Trong đó điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
Điều 111 quy định:
Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.
Năm 1816 thượng thư bộ Binh là Đặng Trần Thường bị xét xử. Trong thời gian làm quan ở Bắc thành đã nhũng nhiễu tham ô tiền thuế điền và ao đầm của dân, nên y bị khép vào tội tử hình và tịch biên hết tài sản.
Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”
Xử phạt thời xưa. (Tranh qua kienthuc.net.vn)
Tháng 5/1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát hiện, bị đưa ra giữ chợ Đông Ba xử chém cho dân chúng được chứng kiến.
Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận”.
Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”
Xét xử thời xưa. (Tranh qua baophapluat.vn)
Thời vua Tự Đức, có ông quan Vũ Đinh nổi tiếng là chính trực. Một hôm ông phát hiện người coi kho lấy trộm một ít tiền rồi lén ra quán uống rượu. Số tiền chẳng đáng bao nhiêu nhưng không hiểu vì sao chuyện lọt đến tai vua Tự Đức, vua xem cáo trạng rồi phê rằng
Nhất nhật nhất tiền,
Thiên nhật thiên tiền.
Thắng cứ mộc đoan,
Thủy trích thạch xuyên.
Tội bất dung tru,
Lý ưng xử trảm.
Tạm dịch:
Một ngày một đồng,
Ngàn ngày ngàn đồng.
Dây cưa đứt gỗ,
Nước giọt thủng đá.
Tội không dung tha,
Lệnh truyền xử chém
Thời nhà Nguyễn các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy, các quan đều sợ mà không dám nhũng nhiễu của dân.
*****
Việc chống tham nhũng của vua Lê Thánh Tông cũng như của thời nhà Nguyễn thật đáng học hỏi, nhất là hiện nay khi mà xã hội đang chìm ngập trong vấn nạn tham nhũng. Nhưng nếu chỉ lặp lại cách dùng luật pháp như thời vua Lê Thánh Tông hay thời nhà Nguyễn để áp dụng vào vấn nạn tham nhũng ngày nay của xã hội Việt Nam thì thật sự là chưa đủ. Luật pháp hiện đại có những mặt còn kiện toàn hơn luật pháp thời xưa, vậy thì tại sao vẫn xảy ra việc chém giết, trộm cướp, tham nhũng? Bởi vì kẻ làm quan dẫu sao cũng nắm trong tay luật pháp, vậy nên dù luật pháp có kiện toàn thì vẫn không làm khó được họ. Nguyên nhân gốc rễ âu chính là vấn đề đạo đức của người làm quan vậy.
Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dẫn dắt dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính.” Còn Lão Tử thì bàn rằng: “Pháp lệnh càng tăng trộm cắp càng nhiều.” Khi pháp luật càng phức tạp và nghiêm ngặt thì cũng có nghĩa là tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội bấy giờ đã xuống thấp. Lúc này nếu không thể tập trung vào sự đề thăng đạo đức, thì cũng chỉ có thể dùng hình pháp để ngăn cấm gian tà, giúp tạm thời kéo dài sự tồn tại của chế độ xã hội mà thôi.
Để giải quyết tận gốc những vấn nạn như tham nhũng thì không có gì khác hơn là khiến cho cả quan và dân cùng tu đức, mà việc đó trước hết phải bắt đầu từ giáo dục. Hãy làm thế nào để các em học sinh có được nhân cách, biết cách làm người, trở thành những công dân tử tế, trở thành những vị quan mẫu mực thật sự vì dân. Tất nhiên, điều đó chắc chắn sẽ không thể nào có được bằng những bài giảng về triết học khó hiểu trong môn giáo dục công dân (cấp 3) và triết học đấu tranh giai cấp (bậc đại học). Chương trình giáo dục của nước ta mới chỉ chạm được đến được cái vỏ thành tích của cái gọi là đạo đức mà thôi, chứ chưa hề chạm được tới đạo đức chân chính…
Trần Hưng
Kỳ thi Đình năm 1472 có một bài thi được xem là kiệt tác, không chỉ giúp người làm bài thi này đỗ trạng nguyên, mà còn giúp nhà vua vận dụng trị quốc, chống tham nhũng vô cùng hiệu quả, khiến nạn tham nhũng đang hoành hoành từ trên xuống dưới bị đẩy lùi, những quan lại vốn có thói quen nịnh bợ cũng không còn đất dụng võ nữa.
Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục
(Tranh minh họa qua vietnamgiapha.com)

Thời kỳ cực thịnh về giáo dục

Khi vua Lê Thánh Tông mới lên ngôi đã nhận được rất nhiều lời ca thán từ dân chúng về bè lũ quan lại như sâu mọt đục khoét của dân. Rất nhiều quan lại được cất nhắc nhờ nịnh bợ và quà cáp hối lộ, những kẻ nịnh thần thăng quan nhờ quà cáp hối lộ chắc chắn là vì mình chứ chẳng vì dân, đó là nguyên nhân chính khiến lòng dân oán thán. Vì vậy, nhà vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Trong buổi thiết triều, nhà vua nhấn mạnh vào việc chống tham nhũng. Vua cũng rất chú ý đến giáo dục để có thêm những hiền tài mới nhằm phục vụ cho giang sơn xã tắc. Chính vì chú trọng đến giáo dục nên thời vua Lê Thánh Tông được xem là giai đoạn cực thịnh về giáo dục.
Nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt
Cảnh trường thi thời xưa. (Tranh qua nghiencuulichsu.com)
Theo quy định vào thời ấy, các sĩ tử đỗ cao trong kỳ thi Hương mới được chọn vào thi Hội, vượt qua thi Hội mới được chọn vào thi Đình. Kỳ thi Đình rất đặc biệt, được tổ chức ngay trong sân điện của vua nên được gọi là thi Đình. Trong khi thi Hương và thi Hội thì thí sinh phải qua 4 kỳ thi, còn thi Đình chỉ làm một bài văn sách nên nó còn được gọi là “Đình đối sách văn”. Bài văn sách thi Đình do vua trực tiếp ra đề, phê bài, và xếp hạng.
Các sĩ tử vào đến thi Đình thì đều được xem là thông sử học và văn học. Kỳ thi Đình đòi hỏi thí sinh còn phải hiểu biết tình hình giang sơn xã tắc, vận dụng trí tuệ của mình nhằm lý giải đồng thời đề ra kế sách nhằm giải quyết những vấn nạn mà giang sơn gặp phải.
Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục
Trường thi thời xưa. (Ảnh qua lichsuvn.net)
Bài văn sách của sĩ tử Vũ Kiệt năm 1472 được xem là kiệt tác và giúp Vũ Kiệt đỗ trạng nguyên. Có lẽ đây là một bài văn mà hậu thế đến ngày nay vẫn cần phải học hỏi.

Địa linh sinh nhân kiệt

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và “Đại Việt sử ký toàn thư” thì trạng nguyên Vũ Kiệt sinh năm 1452 ở xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thôn Cửu yên, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Vì làng quê ông có tên nôm là Vít nên dân gian vẫn gọi ông là Trạng Vít. Người dân nơi đây vẫn còn nhớ câu ca từ xưa:
Làng Vít có chợ, có sông
Có dinh quan Thượng, có đồng cờ tiên.
Trước làng Vít có hai con sông giao nhau: con sông từ chùa Dâu chảy về hợp lưu với con sông Cổ (sông Tào Khê) tạo thành thế “Lưỡng thủy giao tiền” (hai con sông giao nhau ở trước làng). Ngày nay trước cửa làng vẫn còn dấu tích gò Thần Đồng và gò Bút, tạo nên vùng đất địa linh sinh nhân kiệt.
(Tranh qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Tập 18: Lý Thường Kiệt)
Dùi mài kinh sử. (Tranh minh họa qua Ybook.vn, sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)
Trạng nguyên Vũ Kiệt được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là thông minh và sáng dạ. Năm 1472, lúc 20 tuổi, Vũ Kiệt đã vượt qua thi Hương và thi Hội, được vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình tại sân điện, diện kiến đức vua.
Tại kỳ thi Đình này, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược “Đế Vương trị quốc”…

Phép chống tham nhũng

Vua Lê hỏi rằng:
Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích làm việc tốt. Thế nhưng, người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo.
Bọn quan lại nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng tràn lan. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm.
Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?
Vũ Kiệt trả lời rằng: (trích lược)
Thần cho rằng câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi dòng vẩn đục và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực.
Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan…”
Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được.
Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn…
Vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hàng ngày.
Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hàng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.
Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa đưa ra bộ mặt của đám tiểu nhân được…
Thần thấy trong Kinh lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo…
Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên…
Nhưng phép luật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình.
tham nhũng
Vua Lê Thánh Tông trọng dụng trạng nguyên Vũ Kiệt. (Tranh minh họa: Trí Thức VN)
Sau khi phân tích Vũ Kiệt đưa ra hướng khắc phục: (trích lược)
Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách…
Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy, con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.
Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong!

Kế sách chấn hưng giáo dục

Nhà Vua hỏi rằng:
Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”. Nhưng hiện tại nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được…
Vũ Kiệt đã làm bài rằng: (trích lược)
Thần nghe: Cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho?…
Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh. Không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được.
Ông cũng nêu ra thực tại trong nền giáo dục: (trích lược)
Nhưng cũng có khá nhiều người làm thầy, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà người học trò cần có là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững như thế thì còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học?…
Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ…
Từ đó Vũ Kiệt nêu ra phương hướng: (trích lược)
Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng…
Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa…
Nếu như dùng lời gian dối để trau truốt thì dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng… thì có thể thu nhận.
Theo sách “Văn hiến Kinh Bắc” thì bài “Văn sách thi Đình” của Vũ Kiệt được triều đình coi là kiệt tác nhằm trị quốc, an dân. Bài thi này cũng là chuẩn mực cho những đời sĩ tử sau này.

Giang sơn toàn thịnh

Vua Lê Thánh Tông tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương.
Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục
Thông báo sắc lệnh của vua. (Tranh minh họa qua kienthuc.net.vn)
Đồng thời qua các năm vua Lê Thánh Tông cũng ban các sắc chỉ, cụ thể như sau:
  • Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.
  • Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức.
  • Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.
  • Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua.
Như vậy, vua Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch, những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước.
tham nhũng
Trừng phạt tham quan. (Tranh minh họa qua kholichsuvietnam.blogspot.com)
Chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh được thực hiện từ các quan to nhất đầu triều xuống dưới, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục
Vua xử lý công việc triều đình. (Tranh minh họa qua kienthuc.net.vn)
Lịch sử cho thấy thời kỳ vua Lê Thánh Tông là thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt, đất nước phát triển rực rỡ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự.
Giang sơn hùng mạnh thì không chỉ lân bang không dám ngó ngàng đến, mà lãnh thổ bờ cõi còn được mở rộng khi vua Lê Thánh Tông thực hiện các cuộc tiến quân về phía Nam và phía Tây, chinh phục Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man.
Những thành tựu trị quốc, chống tham nhũng kiệt xuất đã đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Là hiền tài của đất Việt, tên tuổi của Vũ Kiệt còn được lưu lại trên Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội hay Văn Miếu ở Bắc Ninh. Tài năng cùng phép trị quốc của ông được các hậu thế nhiều đời sau này truyền tụng.
Bài thi của trạng nguyên đất Việt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục
Trạng nguyên vinh quy bái tổ. (Tranh minh họa qua newvietart.com)
Thời nay, nhiều người cho rằng xã hội và tư tưởng xưa kia là “lạc hậu”, gán cho chúng cái mũ “phong kiến”, khiến những tinh hoa trong văn hóa truyền thống bị bài xích. Trong khi đó, thực trạng tham nhũng lại tràn lan, và nền giáo dục cũng không có một hướng đi đúng đắn cho vấn đề đạo đức. Thậm chí việc bỏ tiền lo lót cho quan lại, hay việc biếu xén thầy cô để con có thành tích học tập cao lại được xem như một điều “tất nhiên”, “rất đỗi bình thường”.
Nếu như áp dụng phép trị quốc của vua Lê Thánh Tông và của trạng nguyên Vũ Kiệt, thì hẳn là nhiều quốc nạn sẽ được dẹp bỏ.
Trần Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét