- Hồ Bạch Thảo
- •
- Thứ Sáu, 22/02/2019 • 2.7k Lượt Xem
Về phương diện lịch sử, thoát Trung còn có nghĩa là thoát khỏi ách xâm lược của Trung Quốc. Tạm không đề cập đến “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” (1) thời xa xưa, chỉ ôn lại cuộc đô hộ của nhà Minh cách đây hơn 600 năm; kể từ năm 1406 khi Trương Phụ hành quân đến Kỳ La, Hà Tĩnh, bắt cha con Hồ Quí Ly đưa về Kim Lăng [Nam Kinh, Trung Quốc]; cho đến năm 1427, sau khi Liễu Thăng tử trận tại Chi Lăng, Vương Thông phải điều đình xin dẫn quân từ thành Đông Đô [Hà Nội] trở về nước.
Suốt 21 năm đô hộ, chính quyền Trung Quốc cai trị nước ta, mối ân oán như thế nào; người dân Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ cần hiểu rõ. Để khỏi mang tiếng là vu cáo cho người, tư liệu chúng tôi sử dụng phần lớn lấy từ hai bộ sử lớn Trung Quốc: Minh Thực Lục và Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư của Cố Viêm Vũ. Sau đây xin nêu lên những việc làm chính của nhà Minh:
1. Đổi tên nước và các đơn vị hành chánh
Bắt đầu việc cai trị, nhà Minh cho đổi tên tại nước ta hàng loạt. Về quốc hiệu, kể từ thời vua Lý Thánh Tông [1054] nước ta có tên là Đại Việt; nhà Tống [Trung Quốc] đặt tên là An Nam; nhưng đến đời Minh đô hộ tên nước Đại Việt không được dùng, ngay cả tên An Nam cũng cấm; chỉ được phép dùng tên Giao Chỉ thời ngàn năm đô hộ.
Thành phố Thăng Long [Hà Nội] do vua Lý Thái Tổ dời đô và đặt tên vào năm 1010, lúc bấy giờ bị đổi tên là thành Giao Chỉ.
Lại đổi thêm mấy chục tên phủ, huyện; phần lớn những tên này hàm nghĩa đề cao chủ quyền quốc gia. Như đổi phủ Quốc Oai thành Oai Man; từ nghĩa oai quyền quốc gia, thành nghĩa ra oai với dân man di, v.v..
Thời Trần, Hồ đất nước ta chia thành lộ, trấn; lúc bấy giờ đổi ra thành 15 phủ, các phủ gồm: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Trấn Man, Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa. Mỗi phủ lại chia thành châu và huyện; như phủ Thanh Hóa bị chia thành 3 châu: Thanh Hóa, Ái, Cửu Chân, và 19 huyện.
2. Đặt các vệ, sở, ty tuần kiểm để cai trị và trấn áp
Về mặt quân sự nhà Minh bố quân khắp các phủ huyện để sẵn sàng đánh dẹp các cuộc nổi dậy, cứ tỉnh lớn đóng 1 vệ, tương đương với lữ đoàn; tỉnh nhỏ đóng 1 sở, tương đương với trung đoàn. Ngoài ra khắp nước đặt trên 100 ty tuần kiểm để kiểm soát dân chúng; cho đóng tại các nơi quan trọng để kiểm tra sự đi lại, hàng hoá, lương thực. Dọc theo bờ biển, các cửa sông đều đặt ty tuần kiểm; ví như tại 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay, cho đặt tại các cửa sông Bạch Đằng, cửa Cấm, Đồ Sơn, Văn Úc, Thái Bình, v.v..
3. Dùng các tôn giáo học thuyết, để mê hoặc và kiểm soát dân chúng
Lập ty Tăng cang, Tăng đạo để thu hút tín đồ Phật Giáo; ty Đạo kỷ thu hút người tin Lão Tử, lập ty Nho học để lôi kéo người tin Khổng Tử; ty Âm dương để lôi kéo người theo thuyết Âm dương, v.v..
4. Khai mỏ khoáng
Nhà Minh lấy đất của dân lập đồn điền, bắt lính chia phiên canh tác. Về khoáng sản khai thác đủ các loại; riêng về vàng lập cục khai mỏ tại 7 trấn, văn bản trong Minh Thực Lục chép như sau:
Ngày 19 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 6 [15/2/1408]
Lập cục khai mỏ vàng tại 7 trấn: Thái Nguyên, Gia Hưng, Quảng Oai, Thiên Quan, Vọng Giang, Lâm An, Tân Ninh; đặt Đại sứ 2 viên, Phó sứ 4 viên; lại tuyển tri châu, tri huyện 21 viên; mỗi trấn 3 viên Đề đốc Áp biện; lại dùng 2 viên Tổng đốc tại phủ. Sai bộ Lễ đúc ấn ban cấp.
Minh Thực Lục v.11, tr. 1032; Thái Tông q. 75, tr. 2b
Riêng về công trường muối được thiết lập khắp nơi, nhưng tại cửa Đan Thai tức cửa Hội thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, tổ chức có vẻ qui mô hơn:
Ngày 14 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [23/10/1417]
Thiết lập tại phủ Nghệ An, Giao Chỉ kho Quảng Tích. Tại cửa biển Đan Thai, huyện Nha Nghi [Nghi Xuân] lập ty Tuần kiểm; ty Đề cử muối, gồm 5 kho muối: Bác Tế, Quảng Tế, Viễn Tế, An Tế, Diễn Tế; cùng 3 công trường muối: Nam Giới, Chân Phúc, Thiên Đông.
Minh Thực Lục v. 13, tr 2028; Thái Tông q. 192, tr. 4b
Trong khi dân địa phương không có muối ăn, thì số lượng muối sản xuất được đưa về Trung Quốc, hoặc chuyển sang Lão Qua để đổi lấy vàng.
5. Lập thêm tuyến đường giao thông về Trung Quốc
Với của cải bóc lột vơ vét nhiều, con đường từ thành Đông Đô [Hà Nội] lên biên giới phía bắc, theo sông Tả Giang đến Nam Ninh, Quảng Tây, vận chuyển không xuể. Tổng binh Trương Phụ bèn xin thiết lập tuyến giao thông mới, đại để từ Quảng Tây đến châu Khâm, Trung Quốc, rồi qua lãnh thổ nước ta. Khi vào lãnh hải, chạy dọc theo ven biển tỉnh Quảng Ninh, rồi vào sông Bạch Đằng, rẽ qua sông Kinh Thầy; theo sông Đuống đến huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cuối cùng đến thành Đông Đô [Hà Nội].
Nguyên văn về việc lập tuyến giao thông mới, ghi lại trong Minh Thực Lục như sau:
Ngày 19 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [14/6/1416]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ đến Thông Luân, Phí Đào theo ngã huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm. Đường cũ bắc Khâu Ôn [tỉnh Lạng Sơn] gần Thất Dịch; nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.
…Rồi cho lập 2 trạm đường thủy tại Phòng Thành và Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt, Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập 2 trạm mã dịch tại Long Môn, An Viễn huyện Linh Sơn, lập 2 sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc.
Tại huyện Đồng Yên [đông bắc tỉnh Quảng Ninh], châu Tĩnh An, Giao Chỉ, lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên [huyện Tiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [huyện Yên Hưng, Quảng Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều [Quảng Ninh]; lập trạm dịch đường thủy cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh]
Minh Thực Lục v.13, tr. 1927; Thái Tông q. 176, tr. 3a
6. Đàn áp dã man các phong trào chống đối
Không đi sâu chi tiết về bọn thuộc hạ, riêng viên tổng chỉ huy quân Minh là Anh Quốc Công Trương Phụ đã gây những tội ác lớn.
Trong khi đàn áp cuộc nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều [Hải Phòng]; Trương Phụ ra lệnh chém hơn 2.000 người bị bắt, xây xác lên gọi là “kinh quan” tạo thành mồ tập thể, nhằm răn đe dân chúng:
Ngày 9 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [12/2/1410]
…Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều; bắt sống ngụy Giám Môn Tướng quân Phạm Chi, ngụy Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, ngụy Trấn Phủ sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên, bèn chém xây xác chôn thành mồ kinh quan để thị chúng.
Minh Thực Lục q. 100, t .1303
Lại kể thêm tội ác lớn của bọn Trương Phụ, trong cuộc đánh phá tàn quân của vua Trùng Quang tại huyện Chính Hòa, phủ Tân Bình; địa điểm tương đương với huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Trong cuộc giao tranh, Nguyễn Cảnh Dị bị thương, quân Minh bắt được, bèn đem róc thịt cho đến chết. Riêng anh em Đặng Dung bị bắt đem về Trung Quốc xử chém.
Ngày 17 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 12 [7/2/1912]
…Giặc chống không nổi, tên bắn liên tiếp trúng, Cảnh Dị bị thương tại sườn, bắt được. Đặng Dung trốn, Phương Chính mang quân truy lùng bắt cùng với em là Đặng Nhuệ; lại bắt hết bọn giặc Lê Thiềm, tịch thu ấn ngụy của Cảnh Dị. Cảnh Dị bị thương nặng, bị róc thịt, mang thủ cấp áp giải cùng anh em Đặng Dung đến kinh đô; tất cả đều bị xử chém để làm răn.
Minh Thực Lục q. 147, t. 1727-1728
*
Là một dân tộc quả cảm, dân Việt đã vùng lên với 64 cuộc nổi dậy, khởi đầu liên tiếp từ năm 1407 cho đến năm 1424. Tư liệu về 64 cuộc nổi dậy, được Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường, Giáo sư đại học Đài Loan, lập biểu liệt kê trong tác phẩm nghiên cứu chiến tranh Hoa Việt dưới thời nhà Minh, nhan đề: Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Nghiên Cứu (Đánh, bỏ cuộc, hay giữ: nghiên cứu Trung Việt thời Minh) (2). Sáu mươi tư cuộc khởi nghĩa là bằng chứng hùng hồn nhất về nỗ lực “Thoát Trung” của dân tộc ta.
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Chú thích:
(1) Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu : trích từ bài hát Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn.
(2) Trịnh Vĩnh Thường, Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Nghiên Cứu, Đài Loan thị: Quốc Lập Thành Công Đại Học xuất bản, 1998.
Về phương diện lịch sử, thoát Trung còn có nghĩa là thoát khỏi ách xâm lược của Trung Quốc. Tạm không đề cập đến “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”(1) thời xa xưa, chỉ ôn lại cuộc đô hộ của nhà Minh cách đây hơn 600 năm; kể từ năm 1406 khi Trương Phụ hành quân đến Kỳ La, Hà Tĩnh, bắt cha con Hồ Quí Ly đưa về Kim Lăng [Nam Kinh, Trung Quốc]; cho đến năm 1427, sau khi Liễu Thăng tử trận tại Chi Lăng, Vương Thông phải điều đình xin dẫn quân từ thành Đông Đô [Hà Nội] trở về nước. Suốt 21 năm đô hộ, chính quyền Trung Quốc cai trị nước ta, mối ân oán như thế nào; người dân Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ cần hiểu rõ. Để khỏi mang tiếng là vu cáo cho người, tư liệu chúng tôi sử dụng phần lớn lấy từ hai bộ sử lớn Trung Quốc: Minh Thực Lục [明實錄] và Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư [天地郡國利病書] của Cố Viêm Vũ. Sau đây xin nêu lên những việc làm chính của nhà Minh:
1. Đổi tên nước và các đơn vị hành chánh
Bắt đầu việc cai trị, nhà Minh cho đổi tên tại nước ta hàng loạt. Về quốc hiệu, kể từ thời vua Lý Thánh Tông [1054] nước ta có tên là Đại Việt; nhà Tống [Trung Quốc] đặt tên là An Nam; nhưng đến đời Minh đô hộ tên nước Đại Việt không được dùng, ngay cả tên An Nam cũng cấm; chỉ được phép dùng tên Giao Chỉ thời ngàn năm đô hộ.
Thành phố Thăng Long [Hà Nội] do vua Lý Thái Tổ dời đô và đặt tên vào năm 1010, lúc bấy giờ bị đổi tên là thành Giao Chỉ.
Lại đổi thêm mấy chục tên phủ, huyện; phần lớn những tên này hàm nghĩa đề cao chủ quyền quốc gia. Như đổi phủ Quốc Oai thành Oai Man; từ nghĩa oai quyền quốc gia, thành nghĩa ra oai với dân man di v.v...
Thời Trần, Hồ đất nước ta chia thành lộ, trấn; lúc bấy giờ đổi ra thành 15 phủ, các phủ gồm: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Trấn Man, Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa. Mỗi phủ lại chia thành châu và huyện; như phủ Thanh Hóa bị chia thành 3 châu: Thanh Hóa, Ái, Cửu Chân, và 19 huyện.
2. Đặt các vệ, sở, ty tuần kiểm để cai trị và trấn áp
Về mặt quân sự nhà Minh bố quân khắp các phủ huyện để sẵn sàng đánh dẹp các cuộc nổi dậy, cứ tỉnh lớn đóng 1 vệ, tương đương với lữ đoàn; tỉnh nhỏ đóng 1 sở, tương đương với trung đoàn. Ngoài ra khắp nước đặt trên 100 ty tuần kiểm để kiểm soát dân chúng; cho đóng tại các nơi quan trọng để kiểm tra sự đi lại, hàng hóa, lương thực. Dọc theo bờ biển, các cửa sông đều đặt ty tuần kiểm; ví như tại 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay, cho đặt tại các cửa sông Bạch Đằng, cửa Cấm, Đồ Sơn, Văn Úc, Thái Bình v.v...
3. Dùng các tôn giáo học thuyết, để mê hoặc và kiểm soát dân chúng:
Lập ty Tăng cang, Tăng đạo để thu hút tín đồ Phật Giáo; ty Đạo kỷ thu hút người tin Lão Tử, lập ty Nho học để lôi kéo người tin Khổng Tử; ty Âm dương để lôi kéo người theo thuyết Âm dương.
4. Khai mỏ khoáng:
Nhà Minh lấy đất của dân lập đồn điền, bắt lính chia phiên canh tác. Về khoáng sản khai thác đủ các loại; riêng về vàng lập cục khai mỏ tại 7 trấn, văn bản trong Minh Thực Lục chép như sau:
Ngày 19 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 6 [15/2/1408]
Lập cục khai mỏ vàng tại 7 trấn: Thái Nguyên, Gia Hưng, Quảng Oai, Thiên Quan, Vọng Giang, Lâm An, Tân Ninh; đặt Đại sứ 2 viên, Phó sứ 4 viên; lại tuyển tri châu, tri huyện 21 viên; mỗi trấn 3 viên Đề đốc Áp biện; lại dùng 2 viên Tổng đốc tại phủ. Sai bộ Lễ đúc ấn ban cấp. (Minh Thực Lục v.11, tr. 1032; Thái Tông q. 75, tr. 2b)
Riêng về công trường muối được thiết lập khắp nơi, nhưng tại cửa Đan Thai tức cửa Hội thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, tổ chức có vẻ qui mô hơn:
Ngày 14 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [23/10/1417]
Thiết lập tại phủ Nghệ An, Giao Chỉ kho Quảng Tích. Tại cửa biển Đan Thai, huyện Nha Nghi [Nghi Xuân] lập ty Tuần kiểm; ty Đề cử muối, gồm 5 kho muối: Bác Tế, Quảng Tế, Viễn Tế, An Tế, Diễn Tế; cùng 3 công trường muối: Nam Giới, Chân Phúc, Thiên Đông. (Minh Thực Lục v. 13, tr 2028; Thái Tông q. 192, tr. 4b)
Trong khi dân địa phương không có muối ăn, thì số lượng muối sản xuất, đưa về Trung Quốc, hoặc chuyển sang Lão Qua để đổi lấy vàng.
5. Lập thêm tuyến đường giao thông về Trung Quốc.
Với của cải bóc lột vơ vét nhiều, con đường từ thành Đông Đô [Hà Nội] lên biên giới phía Bắc, theo sông Tả Giang đến Nam Ninh, Quảng Tây, vận chuyển không xuể. Tổng binh Trương Phụ bèn xin thiết lập tuyến giao thông mới, đại để từ Quảng Tây đến châu Khâm, Trung Quốc, rồi qua lãnh thổ nước ta. Khi vào lãnh hải, chạy dọc theo ven biển tỉnh Quảng Ninh, rồi vào sông Bạch Đằng, rẽ qua sông Kinh Thầy; theo sông Đuống đến huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cuối cùng đến thành Đông Đô [Hà Nội].
Nguyên văn về việc lập tuyến giao thông mới, ghi lại trong Minh Thực Lục như sau:
NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM VĨNH LẠC THỨ 14 [14/6/1416]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ đến Thông Luân, Phí Đào theo ngả huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm. Đường cũ bắc Khâu Ôn [tỉnh Lạng Sơn] gần Thất Dịch; nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.
...Rồi cho lập 2 trạm đường thủy tại Phòng Thành và Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt, Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập 2 trạm mã dịch tại Long Môn, An Viễn huyện Linh Sơn, lập 2 sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc.
Tại huyện Đồng Yên [Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh], châu Tĩnh An, Giao Chỉ, lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên [huyệnTiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [huyện Yên Hưng, Quảng Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều [Quảng Ninh]; lập trạm dịch đường thủy cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh] (Minh Thực Lục v.13, tr. 1927; Thái Tông q. 176, tr. 3a)
6. Đàn áp dã man các phong trào chống đối
Không đi sâu chi tiết về bọn thuộc hạ, riêng viên tổng chỉ huy quân Minh là Anh Quốc Công Trương Phụ đã gây những tội ác lớn.
Trong khi đàn áp cuộc nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều [Hải Phòng]; Trương Phụ ra lệnh chém hơn 2000 người bị bắt, xây xác lên gọi là “kinh quan” tạo thành mồ tập thể, nhắm răn đe dân chúng:
NGÀY 9 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 8 [12/2/1410]
...Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều; bắt sống ngụy Giám Môn Tướng quân Phạm Chi, ngụy Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, ngụy Trấn Phủ sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên, bèn chém xây xác chôn thành mồ kinh quan để thị chúng (生擒僞監門衞將軍范支, 僞羽林衞將軍陳原卿, 僞鎮撫使阮人柱等二千餘人, 皆斬之斂其屍爲京觀焉..) (Minh Thực Lục q. 100, t.1303 )
Lại kể thêm tội ác lớn của bọn Trương Phụ, trong cuộc đánh phá tàn quân của vua Trùng Quang tại huyện Chính Hòa, phủ Tân Bình; địa điểm tương đương với huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Trong cuộc giao tranh, Nguyễn Cảnh Dị bị thương, quân Minh bắt được, bèn đem róc thịt cho đến chết. Riêng anh em Đặng Dung bị bắt đem về Trung Quốc xử chém.
NGÀY 17 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 12 [7/2/1912]
...Giặc chống không nổi, tên bắn liên tiếp trúng, Cảnh Dị bị thương tại sườn, bắt được. Đặng Dung trốn, Phương Chính mang quân truy lùng bắt cùng với em là Đặng Nhuệ; lại bắt hết bọn giặc Lê Thiềm, tịch thu ấn ngụy của Cảnh Dị. Cảnh Dị bị thương nặng, bị róc thịt, mang thủ cấp áp giải cùng anh em Đặng Dung đến kinh đô; tất cả đều bị xử chém để làm răn.(景異傷甚, 剮之, 函首及鎔兄弟送京師, 悉斬狥) (Minh Thực Lục q. 147, t. 1727-1728 )
***
Là một dân tộc quả cảm, dân Việt đã vùng lên với 64 cuộc nổi dậy, khởi đầu liên tiếp từ năm 1407 cho đến năm 1424. Tư liệu về 64 cuộc nổi dậy, được Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường Giáo sư đại học Đài Loan lập biểu liệt kê trong tác phẩm nghiên cứu chiến tranh Hoa - Việt dưới thời nhà Minh, nhan đề: Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Nghiên Cứu (Đánh, bỏ cuộc, hay giữ: nghiên cứu Trung Việt thời Mimh). Sáu mươi tư cuộc khởi nghĩa là bằng chứng hùng hồn nhất về nỗ lực “Thoát Trung” của dân tộc ta.
……………………………………………………………
1. Trịnh Vĩnh Thường: Chinh Chiến dữ khí thủ: Minh đại Trung Việt quan hệ nghiên cứu, trang 84, Đài Loan thị: Quốc Lập Thành Công Đại Học xuất bản, 1998.
64 cuộc khởi nghĩa “thoát Trung” dưới thời Minh
(Những cuộc nổi dậy tại An Nam dưới thời Vĩnh Lạc)
Trong cuốn sách khảo cứu về lịch sử nhan đề “CHINH CHIẾN DỮ KHÍ THỦ: MINH ĐẠI TRUNG VIỆT QUAN HỆ NGHIÊN CỨU”(1) [Đánh, giữ, hoặc bỏ cuộc: nghiên cứu quan hệ Trung - Việt dưới thời Minh] tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường, Giáo sư đại học tại Đài Loan đã lập Biểu liệt kê những cuộc nổi dậy tại An Nam dưới thời Vĩnh Lạc.
Biểu liệt kê trong vòng 17 năm [1407-1424] dưới thời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) đô hộ, có đến 64 cuộc nổi dậy tại nước ta; cung cấp các mục: niên đại, lãnh tụ hoặc tập đoàn, khu vực nổi dậy, tình huống xảy ra, nguồn gốc tư liệu lấy từ sách nào. Cần lưu ý, thể theo trình tự thời gian vua Lê Lợi là nhân vật số 40, khởi nghĩa tại Lam Sơn, cuối cùng giành độc lập cho nước nhà.
Rõ ràng biểu liệt kê này rất tiện dùng trong thời đại chúng ta, thời đại đầy vội vã thôi thúc, chỉ mong liếc nhìn qua mà thấy được sự việc. Đối với những nhà nghiên cứu, các sinh viên làm luận án; thì mục Nguồn gốc tư liệu sẽ là cái mốc giúp họ bước đầu đi sâu từng vụ việc; biết đâu do cảm hứng từ những mốc này, sẽ có những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử ra đời trong tương lai! Cần nhấn mạnh rằng tác giả là người Trung Quốc, dĩ nhiên phải đứng trên lập trường của nước họ; mong độc giả sử dụng với tinh thần thận trọng có phê phán, để tìm ra sự thực. Biểu liệt kê này sử dụng tên đất thời thuộc Minh, nên tại phần cuối mục Khu vực nổi dậy, dưới tên phủ thời Minh, chúng tôi chép tên tỉnh hiện đại được đặt trong ngoặc [ ]. Chữ viết tắt: Vĩnh Lạc: V.L.; Minh Thái Tông Thực Lục: T.L.; Đại Việt sử ký toàn thư: T.T.; Hoàng Văn Tuyên công văn tập: H.V.; Số thứ tự: t.t.
Để tiện theo dõi, dưới đây các nội dung: a. Lãnh tụ, tập đoàn; b. Khu vực nổi dậy; c. Tình huống cuộc nổi dậy; d. Nguồn gốc tư liệu chúng tôi sẽ chỉ biểu thị bằng các chữ viết tắt: a, b, c, d.
1. V.L. thứ năm 5 (1407): a/ Dư đảng họ Hồ. b/Châu Thất Nguyên phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/ Dư đảng họ Hồ tụ tập đánh phá; Ngày 29/8 Trương Phụ sai Ðô đốc Cao Sĩ Văn mang quân đến Quảng Nguyên đánh, bị trúng đạn chết. Phụ lại sai Ðô đốc Trịnh Sảng mang binh đến dẹp, bình định được. d/ T.L. q.70, t. đầu 984.
2. V.L. thứ 5 (1407): a/Trần Giản Ðịnh; b/Huyện An Mô, phủ Kiến Bình [Ninh Bình]. c/Giản Ðịnh vốn dòng họ Trần. Quân Minh đánh họ Hồ xong không chịu lập họ Trần bèn chạy trốn đến Mô Ðộ, châu Trường Yên, phủ Thiên Trường. Người trong phủ là Trần Triệu Cơ lập lên làm vua niên hiệu Hưng Khánh; ngày 10/11 năm V.L. thứ 7 thì bị bắt. d/Ð.V.S.K.T.T. q.9, t.497.
3. V.L. thứ sáu (1408): a/Trần Nguyên Thôi. b/Châu Tam Ðái, phủ Giao Châu [Vĩnh Phú]. c/Trần Nguyên Thôi cùng Nguyễn Ða Bí tụ tập làm loạn. Ðầu đảng Trần Nguyên Thôi bị bắt rồi bị tru lục. d/H.V. q.7, t.2-3.
4. V.L. thứ sáu (1408): a/Trần Nguyên Tôn. b/Châu Hạ Hồng, phủ Tân An [Hải Hưng]. c/Trần Nguyên Tôn bội nghĩa theo ác, quấy nhiễu khiến lương dân phải bỏ nghề cày cấy, dệt vải. d/H.V. q 7, t.2-3.
5. V.L. thứ sáu (1408): a/Trần Nguyên Lộc. b/Huyện Tuyên Hóa, phủ Thái Nguyên [Bắc Thái]. c/Trần Nguyên Lộc nổi loạn, bị quân Minh bắt sống cùng năm. d/H.V. q.3 t.15.
6. V.L. thứ sáu (1408): a/Bạch Sư Nhiễm. b/Huyện Ma Lung, phủ Quảng Oai [Hà Tây]. c/Bạch Sư Nhiễm làm loạn bị quân Minh đánh tan, nhưng chưa dẹp yên hoàn toàn. d/H.V. q. 3, t.15.
7. V.L. thứ sáu (1408): a/Phạm Thế Căng. b/Phủ Thanh Hóa [Thanh Hóa]. c/Căng từng hàng Minh, Trương Phụ trao chức Tri phủ Tân Bình. Nhưng Căng vẫn xưng là Duệ Vũ Ðại vương, chiếm núi An Ðại làm loạn. Vì hiềm khích với Giản Ðịnh, nên bị Giản Ðịnh giết. d/T.T. q.9, t. 498.
8. V.L. thứ bảy (1409): a/Trần Quí Khoách. b/Phủ Nghệ An [Nghệ An]. c/Trần Quí Khoách là cháu Giản Ðịnh. Giản Ðịnh nghe lời dèm giết Nguyễn Cảnh Chân, Ðặng Tất. Con những người này là Ðặng Cảnh Dị, Ðặng Dung lập Trần Quí Khoách tại Chi La, phủ Nghệ An, hiệu Trùng Quang, tôn Giản Ðịnh làm Thái thượng hoàng, tổ chức kháng Minh. Năm V. L. 12 bị quân Minh bắt. d/T.T.q.9, t.500.
9. V.L. thứ bảy (1409): a/Nguyễn Trà Vựng. b/Huyện Tuyên Hóa, phủ Thái Nguyên [Bắc Thái]. c/Nguyễn Trà Vựng xúi dục Thổ quan các huyện nổi dậy chống Minh. d/H.V. q.10, t.4.
10. V.L. thứ tám (1410): a/Trần Quán. b/Phủ Trấn Man [Hải Hưng]. c/Trần Quán làm loạn bị Thổ quan Nguyễn Hy Cấp bắt. d/H.V. q. 7, t.10.
11. V.L. thứ tám (1410): a/Nguyễn Ða Cấu. b/Phủ Kiến Bình [Nam Hà]. c/Nguyễn Ða Cấu khởi loạn nhưng quân Minh chưa bắt được. d/H.V. q. 7, t. 10.
12. V.L. thứ tám (1410): a/Ông Lão. b/Huyện Ðộng Hỷ, phủ Thái Nguyên [Thái Nguyên]. c/Ông Lão lúc đầu khởi loạn tại Ðộng Hỷ, ngày 10/5 năm V.L. thứ 8 bị Thổ quan Ma Bá Hổ đánh tan. Sau đó chiêu tập đồ đảng ban ngày cướp phá huyện Tư Nông, ban đêm đánh huyện Ðộng Hỷ, lại cấu kết với giặc Ắo Ðỏ. Quân Minh mang quân tiễu trừ đến 2 năm mới bình định được. d/H.v. q. 4, t.3, 8; q. 7, t.12, 16.
13. V. L. thứ tám (1410): a/Vi Quảng Liêu; b/Huyện Ðổng phủ Lạng Sơn [Lạng sơn]; c/Từng được giao chức Thổ quan, nhưng bề ngoài nhận chức bề trong âm mưu theo nghịch; d/H.V. q. 7, t. 13.
14. V.L. thứ tám (1410): a/Hoàng Thiêm Hữu. b/Châu Hạ Văn phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Tại châu Hạ Văn và huyện Ðổng tiếp giáp nhau. Hoàng Thiêm Hữu cấu kết với Vi Quảng Liêu làm loạn. d/H.V. q.7, t. 13.
15. V.L. thứ tám (1410): a/Nguyễn Nguyên Hách. b/Huyện Thoát, phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Nguyễn Nguyên Hách từng là Thổ quan, lúc này làm phản. d/H.V. q.7, t. 13.
16. V.L. thứ tám (1410): a/Ma Tông Kế. b/Phủ Tuyên Hóa [Tuyên Quang]. c/Ma Tông Kế làm loạn tại huyện Thoát, quan quân đánh thì bỏ trốn, đi đến đâu làm loạn đến đó; quân Minh khổ cực nhưng không giải quyết được. d/H.V. q.7, t.17.
17. V.L. thứ tám (1410): a/Giặc Áo Ðỏ. b/Phủ Thái Nguyên [Thái Nguyên]. c/Giặc Áo Ðỏ mạnh nhất tại Thái Nguyên, đánh phá làng huyện, cấu kết với bọn Ông Lão. Tháng 12/VL 9 Mộc Thạnh mang quân tinh nhuệ cùng Thổ quan Thái Nguyên tiến đánh, loạn Áo Ðỏ giảm thiểu. Năm VL 10 trở về sau, giặc Áo Ðỏ phát triển xuống phía nam cấu kết với Phan Liêu, Trần Trực Thành. Năm VL 17, quân Minh bắt được Chủ soái giặc Áo Ðỏ là Nữu Môn, Diệp Ðể loạn mới hết, thời gian trải 9 năm. d/H.V. q.4, t.14, q. 7 t.18, 32, 33. T.T. q. 218, trang đầu 2165, 2167.
18. V.L. thứ chín (1411): a/Lê Mão. b/Châu Lợi Nhân [Nam Hà]. c/Làm loạn tại châu Lợi Nhân, bị Thổ quan bắt giết. d/H.V. q. 3, t. 28.
19. V.L. thứ chín (1411): a/Ðinh Bồ. b/Khoái Châu phủ Kiến Xương [Hải Hưng]. c/Ðinh Bồ thừa cơ làm loạn, Bố chánh Hoàng Phúc chiêu dụ không ra đầu thú. d/H.V. q. 3 t. 28.
20. V.L. thứ chín (1411): a/Dương Cao Thiên. b/Châu Vạn Nhai phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Dương Cao Thiên chiếm đất hiểm chờ thời, sau đó qui phụ. d/H.V. q.3, t.34.
21. V. L. thứ chín (1411)” a/Bạch Sư Ðiểm: b/Huyện Ma Lung phủ Quảng Oai [Hà Tây]. c/Bạch Sư Ðiểm thừa lúc quân Minh đánh giặc Áo Ðỏ tại Thái Nguyên, bèn làm loạn. Năm V.L.10 qui phụ. d/H. V. q. 4, t.14.
22. V.L. thứ chín (1411): a/Trần Tồn Nhân. b/Châu Hạ Hồng, phủ Tân An [Hải Hưng]. c/Trần Tồn Nhân thừa lúc sơ hở gây loạn, chưa qui phụ; hiển nhiên vẫn tiếp tục đối địch với quân Minh. d/H.V. q.4, t.5.
23. V.L. thứ 10 (1412): a/Nguyễn Nhuế. b/Huyện Ðại Từ, phủ Thái Nguyên [Thái Nguyên]. c/Phụ đạo huyện Ðại Từ Nguyễn Nhuế khởi binh vùng Tam Ðảo, bị quân Trương Phụ bắt. d/T.T. q.9, t. 504.
24. V.L. thứ 10 (1412): a/Nông Văn Lịch. b/Phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Nông Văn Lịch tụ binh chiếm Lạng Sơn, làm tắc đường vào An Nam, quấy nhiễu quan binh qua lại; đến năm VL19, mối loạn vẫn chưa bình định. d/T.T. q.9 t.504; T.L. q. 218 t.2165, q. 225 t.2211.
25. V.L. thứ 10 (1412): a/Nguyễn Liễu. b/Huyện Lục Na, phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Nguyễn Liễu hô hào dân huyện Lục Na, Vũ Lễ đánh phá hơn 4 năm. Sau nghe lời chiêu dụ của Thổ quan Mạc Công Trại ra hàng. d/T.T. q.9 t. 506, H.V. q. 4 t.9.
26. V.L. thứ 10 (1412): a/Lưu Phụng. b/Phủ Quảng Oai [Hà Tây]. c/Lưu Phụng cướp phá Quảng Oai, quân Minh chinh tiễu nhưng chưa tảo thanh được. d/H.V. q. 4, t.14.
27. V.L. thứ 10 (1412): a/Giáp Giang. b/Phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]. c/Giáp Giang làm loạn tại phủ Lạng Sơn, không chịu hàng phục. d/H.V. q 7, t.34.
28. V.L. thứ 10 (1412): a/Phạm Khang. b/Huyện Phù Lưu, phủ Giao Châu [Hà Tây]. c/Phạm Khang chiếm cứ Phù Lưu làm loạn, không hàng. d/H.V. q. 7, t.34.
29. V.L. thứ 10 (1412): a/Trần Nguyên Hiền. b/Châu Tam Ðái, phủ Giao Châu [Vĩnh. Phú]. c/Trần Nguyên Hiền chiếm Tam Ðái làm loạn, không hàng. d/H.V. q. 7, t.54.
30. V.L. thứ 10 (1412): a/Lê Nhị. b/Huyện Thanh Oai phủ Giao Châu [Hà Tây]. c/Lê Nhị từng giết cha con Ðô ty Lư Vượng, chiếm cứ huyện Từ Liêm, sau đóng tại Thanh Oai không hàng. d/H. V. q. 7, t. 34; T.T. q. 9, t.502.
31. V.L. thứ 11 (1413): a/Trần Lỗi. b/Phủ Trấn Man [Hải Hưng]. c/Trần Lỗi chiếm phủ Trấn Man, cậy hiểm chém giết quan quân, nhắm đánh quân thống trị tại An Nam. d/H.V. q 4, t.22.
32. V.L. thứ 12 (1414): a/Nguyễn Tông Biệt. b/Châu Hạ Hồng, phủ Tân An [Hải Hưng]. c/Nguyễn Tông Biệt chiêu tập hơn 1.000 người tại Hạ Hồng, bọn Trần Lỗi tôn Tông Biệt làm minh chủ. d/H. V. q. 4, t. 31.
33. V.L. thứ 12 (1414): a/Trần Nguyên Cữu: b/Châu Tĩnh An, phủ Tân An [Quảng Yên]. c/Trần Nguyên Cữu là em Trần Quí Khoách. Sau khi Khoách thất bại Nguyên Cữu trốn đến châu Thiên An làm loạn. Bố chánh Hoàng Phúc khá lo lắng về hoạt động này. d/H.V. q. 4, t.54.
34. V.L. thứ 13 (1415): a/Trần Nguyệt Hồ. b/Huyện Lỗi Giang, phủ Thanh Hóa [Thanh Hóa]. c/Trần Nguyệt Hồ tự xưng là Nguyệt Hồ vương, chiêu tập dân tại Lỗi Giang làm loạn; bị quân Minh dẹp bắt giải đến kinh sư tru lục. d/T.L. q.169, t. đầu 1881.
35. V.L. thứ 14 (1416): a/Binh lính tại Tân An. b/Huyện Tân An, phủ Tân An [Hải Phòng]. c/Binh lính huyện Tân An làm loạn, bị Trương Phụ dẹp tan. d/T.T. q. 9, t. 510.
36. V.L. thứ 15 (1417): a/Nguyễn Trinh. b/Huyện Lục Na, phủ Lạng Giang [Lạng Sơn]. c/Nguyễn Trinh tụ tập dân chúng tại châu Lục Na làm loạn; bị quân Minh bắt và giết bọn chúng để cảnh cáo dân Nam Giao. d/T.L. q. 189, trang đầu 2008.
37. V.L. thứ 15 (1417): a/Lê Hạch. b/Châu Thuận, phủ Thuận Hóa [Quảng Trị]. c/Hai phủ Thuận Hóa, Tân Bình, Thổ quan rầm rộ nổi dậy chống quân Minh. Châu Thuận có Lê Hạch, Phan Cường cùng các Thổ quan như Ðồng tri Trần Khả Luận, Phán quan Nguyễn Chiêu, Chủ bạ Phạm Mã Hoãn, Thiên hộ Trần Não, Bách hộ Trần Ngô Sài; châu Nam Linh có Phán quan Nguyễn Nghĩ, Tri huyện huyện Tả Bình Nguyễn Cao, Huyện thừa Vũ Vạn, Bách hộ Trần Bá Luật. Bọn chúng đốt thành quách hai châu, giết quan lại, có đồng đảng hơn 1.000 người. Quân Minh đánh giết Lê Hạch tại trận cùng đồ đảng hơn 500 người, bắt sống Phan Cường, Trần Khả Luận, Nguyễn Chiêu, Phạm Mã Hoãn, Phạm Bá Cao, Vũ Vạn; chiếu theo luật tru lục. Ðây là cuộc bạo động khá qui mô, tuy nhiên bị quân Minh bình định mau chóng. d/T.L. q. 129, trang đầu 2011.
38. V.L. thứ 15 (1417): a/Trần Ba Luật. b/Châu Nam Linh, phủ Tân Bình [Quảng Bình]. c/Trần Ba Luật tuy chưa bị quân Minh bắt giữ, nhưng hai năm sau dư đảng bị quân Minh đánh tan. d/T.L. q. 219, trang đầu 2119.
39. V.L. thứ 15 (1417): a/Dương Tiến Giang. b/Sách Bách Trú. c/Tướng Minh Chu Quảng đánh tại Bách Trú bắt được Tiến Giang bèn tru lục để răn đe, dư đảng bị tan rã. d/T.L. q.193, t. 2035.
40. V.L. thứ 16 (1418): a/Lê Lợi. b/Huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa [Thanh Hóa]. c/Lê Lợi xưng là Bình Định vương khởi binh tại Lam Sơn. Xét dưới thời V.L. phạm vi hoạt động của Lê Lợi chủ yếu tại Lam Sơn, Chí Linh; phía Tây Thanh Hóa. d/T.T. q. 10, t. 516.
41. V.L. thứ 16 (1418): a/Xa Miên Tử. b/Huyện Tứ Mang, châu Gia Hưng [Sơn La]. c/Viên Thổ quan Tri huyện Xa Miên Tử, Xa Tam làm loạn; giết bọn lưu quan Tri huyện Âu Dương Trí. Quân Minh đến đánh, núi rừng hiểm trở truy tầm không bắt được. d/T. L. q. 197, trang đầu 2063.
42. V.L. thứ 17 (1419): a/Phan Liêu. b/Huyện Vệ Nga, phủ Nghệ An [Nghệ An]. c/Thổ quan Phan Liêu giận Trung quan Mã Kỳ ngang ngược, bèn cùng bọn Thiên hộ Trần Ðài tụ tập cướp phá phủ huyện, giết quan lại. Lý Bân mang quân chinh thảo. Liêu cùng bọn Lộ Văn Luật, Cầm Quí liên kết, lại dẫn giặc Áo Ðỏ đối kháng quân Minh, nhưng bị đánh thua. Liêu trốn tránh tại Lão Qua, không dám xuất hiện. d/T.L. q.215, trang đầu 2152, q.218, trang đầu 2167, quyển 223, trang đầu 2248.
43. V.L. thứ 17 (1419): a/Lộ Văn Luật. b/Phủ Nghệ An [Nghệ An]. c/Thổ quan Chỉ huy Lộ Văn Luật theo Phan Liêu khởi sự, sau thế lực suy yếu trú tại Lão Qua. d/T.L. q. 215, trang đầu 2152.
44. V.L. thứ 17 (1419): a/Phạm Nhuyễn. b/Huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa [Thanh Hóa]. c/Phạm Nhuyễn tụ tập dân tại sách Cự Lặc, huyện Nga Lạc. Ðô chỉ huy Từ Nguyên mang quân đến, bắt chém thị chúng. d/T. L. q. 217, trang đầu 2161.
45. V.L. thứ 17 (1419): a/Trần Trực Thành. b/Huyện Kệ Giang, phủ Nghệ An [Nghệ An]. c/Trần Trực Thành cùng em là Trực Ngụy xưng Kim ngô tướng quân cùng với giặc Áo Ðỏ làm loạn. Sau bị quân Minh bình định. d/T.L. q. 218, trang đầu 2165, 2168.
46. V.L. thứ 17 (1419): a/Vũ Cống. b/Huyện Phù Lưu, phủ Diễn Châu [Nghệ An]. c/Vũ Cống thuộc hộ đào vàng tại huyện Kệ Giang liên kết với kỳ lão Hoàng Văn Ðiển tụ chúng thiêu đốt huyện Phù Lưu. d/T.L. q. 218, trang đầu 2165.
47. V.L. thứ 17 (1419): a/Trần Ðại Quả; b/Châu Vũ Ninh phủ Bắc Giang [Hà Bắc]; c/Trần Ðại Quả làm loạn chém giết quan binh , bị quân Minh bình định; d/T.L. q. 218, trang đầu 2165.
48. V.L. thứ 17 (1419): a/Nguyễn Ðặc. b/Châu Khoái, phủ Kiến Xương [Hải Hưng]. c/Nguyễn Ðặc làm loạn tại châu Khoái, bị quân Minh đánh tan. d/T.L. q. 218, trang đầu 2165.
49. V.L. thứ 17 (1419): a/Ngô Cự Lai. b/Huyện Ðảm Thiện, phủ Bắc Giang [Bắc Giang]. c/Ngô Cự Lai tiếp tục làm loạn, sát thương quan binh, bị quân Minh đánh tan. d/T.L. q. 219, trang đầu 2165.
50. V.L. thứ 17 (1419): a/Trần Thuận Khánh. b/Châu Nam Linh, phủ Tân Bình [Quảng Bình]. c/Thiên hộ Trần Thuận Khánh làm loạn, bị quân Minh bắt chém. d/T.L. q. 218, trang đầu 2168.
51. V.L. thứ 17 (1419): a/Trịnh Công Chứng. b/Huyện Ðồng Lợi, phủ Tân An [Hải Hưng]. c/Trịnh Công Chứng thuộc hộ đào vàng tụ chúng hơn 1.000 người, đốt phá các huyện Ðồng Lợi, Ða Dị; bị quân Minh giết. d/T.L. q. 218, trang đầu 2165.
52. V.L. thứ 17 (1419): a/Ðào Cường. b/Huyện Thiện Tài, phủ Bắc Giang [Bắc Giang]. c/Ðào Cường khởi binh tại huyện Thiện Tài, định vượt sông Phú Lương đánh thành Ðông Quan, bị quan quân ra sức chẹn đánh nên phải dừng; sau theo Phạm Ngọc. d/T.L. q. 218, trang đầu 2169.
53. V.L. thứ 17 (1419): a/Lê Ðiệt. b/Huyện Kiến Xương, phủ Kiến Xương [Kiến Xương]. c/Lê Ðiệt vốn đồng đảng với Trịnh Công Chứng. Công Chứng chết, Ðiệt chiêu tập thuộc hạ. Ðô chỉ huy Trần Trung đánh bại Ðiệt tại sông Tiền Hoằng huyện Kiến Xương, bắt sống 350 tên, thu 160 chiếc thuyền; truy kích đến xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, phủ Phụng Hóa lại đánh nhau lần nữa. Năm V.L.18, đánh bại Ðiệt tại huyện Diên Hà, phủ Trấn Man loại 600 tên, bắt Ðiệt giải về kinh đô. d/T.L. q. 219, trang đầu 2171; q. 224, trang đầu 2205.
54. V.L. thứ 17 (1419): a/Ðinh Tông Lão. b/Huyện Ðại Loan, phủ Kiến Bình [Nam Hà]. c/Ngày 8/12 Ðinh Tông Lão tạo phản tại ranh phủ Kiến Bình, bị Phương Chính đánh tan. Quân Minh giết hơn 400 người, bêu đầu răn đe. d/T.L.q. 219, trang đầu 2173.
55. V.L. thứ 17 (1419): a/Phạm Thiện. b/Châu Ðông Triều, phủ Tân An [Hải Phòng]. c/Ngày 15/12, Phạm Thiện bị Lý Bân bắt tại châu Ðông Triều. Lúc đầu Phạm Thiện cùng Ðào thừa làm loạn, sau theo Phạm Ngọc; đến lúc này bị bắt. d/T.L. q. 219, trang đầu 2174.
56. V.L. thứ 17 (1419): a/Phạm Ngọc. b/Huyện An Lão, phủ Tân An [Hải Phòng]. c/Sư chùa Ðồ Sơn tên Phạm Ngọc tự xưng La Bình Vương tụ dân làm loạn; được Ðào Cường, Phạm Thiện ủng hộ, thế lực ngày càng mạnh.Ðến năm V.L. 18, bị quân Minh đánh bắt giải về kinh đô. d/T.L. q. 219, trang đầu 2174, 2180, 2181.
57. V.L. thứ 17 (1419): a/Vũ Liên. b/Châu Thượng Hồng, phủ Lạng Giang [Hải Hưng]. c/Bọn Vũ Liên, Vũ Lợi tụ dân làm loạn, không sợ quân Minh. d/H. V. q. 4, t. 46.
58. V.L. thứ 17 (1419): a/Dương Cung. b/Huyện Phượng Sơn, phủ Lạng Giang [Hà Bắc]. c/Dương Cung, Nguyễn Bá Giai tự xưng Vương, tụ dân làm loạn; bị quân Minh đánh tan, bắt giải về kinh. d/Nam Truyện q. 321, t. 8320; T.L. q. 225, trang đầu 2212.
59. V.L. thứ 17 (1419): a/Trần Nhuế. b/Hoàng Giang, phủ Kiến Xương [Thái Bình]. c/Trần Nhuế thấy quân thành Ðông Quan suy yếu bèn khởi binh làm phản. d/T.T. q. 10, t.517.
60. V.L. thứ 18 (1420): a/Cấn Sư Lỗ. b/Huyện Thạch Thất, phủ Giao Châu [Hà Tây]. c/Cấn Sư Lỗ tụ dân làm loạn, bị quân Minh đánh bại bỏ chạy. d/T.L. q. 220, trang đầu 2185.
61. V.L. thứ 18 (1420): a/Phạm Công Trịch; b/Châu Oai Man [Hà Tây]; c/Phạm Công Trịch tụ dân làm loạn; nghe tin quân Minh truy kích bèn chạy đến Khoái Châu; d/T.L. q. 220, trang đầu 2185.
62. V.L. thứ 18 (1420): a/Lê Ngạ (Dương Cung); b/Thành Xương Giang phủ Lạng Giang [Hà Bắc]; c/Lê Ngạ tự xưng Thiên Thượng Hoàng đế, bộ hạ mấy vạn người, đốt thành Xương Giang, đánh Bình Than. Quân Minh đánh đuổi, Ngạ bỏ trốn; d/T. T. q. 10.
63 . V.L. thứ 18 (1420): a/Nguyễn Thuật; b/Hoàng Giang, phủ Kiến Xương [Thái Bình]; c/Nguyễn Thuật tụ dân đánh phá châu huyện, giết Tả tham chính Hầu Bảo; d/T.L. q. 225, trang đầu 2213.
64. V.L. thứ 22 (1424): a/Ðinh Sĩ Nghiệm; b/Huyện Lục Na phủ Lạng Sơn [Lạng Sơn]; c/Ðinh Sĩ Nghiệm đánh huyện Lục Na bị Thiêm sự Trần Lân bắt được; d/T.L. q. 228, trang đầu 2429.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét