Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc

Đây có thể nói là một cuộc nội chiến bi hùng trong sử Việt. Nó không chỉ cho thấy tấm lòng của những con người trung hậu, có tình có nghĩa, mà ít ai để ý rằng nó còn có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của dân tộc rất lâu sau đó.

Sinh cùng năm, lớn lên cùng làng, bên nhau suốt đời

Có lẽ trong lịch sử hiếm có tình bạn nào thân thiết và nhân duyên trùng hợp đến kỳ lạ như của những vị anh hùng nhà Đinh là Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Họ sinh ra cùng năm Giáp Thân 924, lại lớn lên cùng làng, cùng nhau trải qua những vui buồn của tuổi thơ, sớm sát cánh trong trò chơi đánh trận giả với trẻ con làng khác. (Có thuyết cho rằng Lưu Cơ cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh nhưng khác năm sinh, theo Đại Việt sử lược. Đây là cuốn sử duy nhất ghi chép như vậy.)
Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận. (Ảnh từ baihoc.vn)
Khi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa ở Hoa Lư, tất nhiên những người bạn là những người đầu tiên đứng dưới cờ nghĩa. Có rất nhiều giai thoại về họ. Người nổi bật nhất là Nguyễn Bặc, thường cắp giáo đứng bên cạnh mỗi khi Đinh Bộ Lĩnh bàn việc quân, có lúc còn nếm trước thức ăn khi nghi ngờ có thể bị đầu độc. Có lần trong một cuộc chiến, Đinh Bộ Lĩnh không may bị trúng tên ngã ngựa, Nguyễn Bặc liều chết cõng bạn mình chạy thoát khỏi vòng vây.
Vậy là họ cùng bên nhau trong thời chiến loạn, thu phục các sứ quân, thống nhất giang sơn.
Hào hùng Vạn Thắng Vương - P2: Từ lính canh cửa trở thành thủ lĩnh
Mọi người theo gót Đinh Bộ Lĩnh sang đầu quân cho Trần Lãm. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hoàn tất việc dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua, tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Năm 971, nhà vua sắp đặt các chức quan văn võ cũng như tăng đạo. Nguyễn Bặc được phong là Định Quốc Công (tức Tể tướng), Đinh Điền là Ngoại Giáp, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân (tức chức tổng chỉ huy quân đội), Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư (tức Thái sư ở Đô Hộ phủ), Trịnh Tú được phong làm Thượng thư.
Là người muốn dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng, Đinh Tiên Hoàng cũng trọng dụng các vị thiền sư: Tăng Thống, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi.
Bốn người bạn ở Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú được xem là trụ cột của triều đình. Đây cũng là những người có công lao lớn trong việc dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn.

Mất lại cùng năm – Nội chiến

Năm 979 xảy ra vụ án giết hại vua, chi hậu nội nhân Đỗ Thích đã giết của hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đưa Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Vua, phong Dương Vân Nga làm Hoàng thái hậu.
Vì vua mới 6 tuổi còn nhỏ nên Lê Hoàn nhiếp chính, phong là Phó Vương. Thế nhưng nhóm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú đều nghi ngờ cho rằng Lê Hoàn sẽ gây điều bất lợi cho vua nhỏ, thậm chí có thể cướp ngôi.
Vị vua Việt dám tiến đánh Trung Quốc, không bị trách mà còn được tặng đai ngọc
Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. (Ảnh từ baonga.com)
Nguyễn Bặc đã họp các cận thần mà nói rằng: “Lê Hoàn sẽ bất lợi cho ‘nhụ tử’, chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng nữa?”. Vậy là họ chuẩn bị binh mã tiến đến kinh thành Hoa Lư bắt Lê Hoàn. Đất nước vừa trải qua cuộc nội chiến 12 sứ quân, nay đứng trước thảm họa của cuộc nội chiến mới.
Nhưng không phải vô duyên vô cớ mà vua Đinh Tiên Hoàng giao chức Thập đạo tướng quân cho Lê Hoàn. Lê Hoàn vốn là người rất giỏi dùng binh, cả bốn người Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú dù giỏi võ nghệ, nhưng về tài dùng binh thao lược thì không phải đối thủ của Lê Hoàn.
Lê Hoàn đem quân đánh với Đinh Điền và Nguyễn Bặc ở Ái Châu. Đinh Điền, Nguyễn Bặc thua trận liền đem tiếp thủy binh ra đánh. Lê Hoàn lợi dụng chiều gió liền cho phóng hỏa đốt cháy các chiến thuyền và giành được thắng lợi. Đinh Điền bị chém giữa trận, còn Nguyễn Bặc bị bắt sống giải về kinh rồi bị xử tử.
Lê Hoàn
Mộ Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. (Ảnh từ wikipedia.org)
Một tướng khác là Phạm Hạp vốn theo Đinh Bộ Lĩnh từ đầu, cũng đi theo Đinh Điền và Nguyễn Bặc chống lại Lê Hoàn nhằm hộ giá cho đức vua còn nhỏ. Ông nghe tin Đinh Điền và Nguyễn Bặc bại trận thì cho quân lui về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đuổi theo bắt được Phạm Hạp đem về kinh xử tử.
Sử sách không ghi chép về việc Lưu Cơ cùng Trịnh Tú đánh lại Lê Hoàn thế nào. Nhưng Thần Phả thì có ghi chép rằng: Hai ông đem quân tiến đánh thì bị quân của Lê Hoàn mai phục sẵn ở Bãi Vàng bất ngờ đổ ra đánh. Quân của Lưu Cơ và Trịnh Tú bị đánh tan tác, dù bị vây chặt trong vòng vây nhưng hai ông vẫn tả xung hữu đột.
Trước sự dũng mãnh của hai võ tướng, quân Hoa Lư cũng bị thiệt hại nặng, xác binh tướng ngổn ngang khắp nơi. Bốn tướng của Lê Hoàn tiến đánh nhưng đều bị tử trận cả. Cuối cùng trước sự đông đảo của quân Hoa Lư, Lưu Cơ và Trịnh Tú kiệt sức rồi bị giết. (Có nguồn Thần Phả ghi chép về di tích thành Đại La lại cho thấy Lưu Cơ không chết mà phục vụ cho Lê Hoàn, sống đến tận đời vua Lý Thái Tổ.)
Lê Hoàn
Tượng Trịnh Tú ở đền thờ xã Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình. (Ảnh từ Wikipedia)
Tất cả những sự việc trên đều xảy ra vào năm 979. Vậy là Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, sinh cùng nơi, lớn lên cùng làng, trải qua những vui buồn của tuổi thơ, sát cánh bên nhau mỗi khi đánh trận giả thuở nhỏ cho đến khi khởi nghĩa thành công, cuối cùng lại chết cùng năm. Lịch sử có hùng tráng và bi thương.
Bàn về cuộc binh biến này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã cho rằng, “việc khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ”. Đồng thời ông cũng cho rằng “bề tôi trung nghĩa, làm không xong việc mà chết ấy là bề tôi tử tiết”.
Giới Nho sĩ và người dân cũng ca ngợi bốn ông. Có đến gần 200 đền đài miếu mạo ở Hà Nam Ninh thờ Nguyễn Bặc và Đinh Điền (nhiều hơn rất nhiều đền thờ của Lê Hoàn và Dương Vân Nga) và xem đây là những tấm gương trung liệt.
Ca ngợi công lao của các đại thần nhà Đinh, dân gian có thơ rằng:
Bặc, Điền, Cơ, Tú hiên ngang
Trịnh, Lưu sau lại Bãi Vàng hy sinh.
Hai người đi trước quang vinh
Hai người sau sán lung linh cõi bờ.
Điền quân sự tham mưu Ngoại Giáp,
Bặc đứng đầu đền đáp nghĩa ân,
Lưu Cơ độ hộ sức thần,
Trịnh Tú ứng đối xa gần mến danh.

Bất kể tư oán vì đại cục

Lê Hoàn ra tay diệt các đại thần chống lại mình, nhưng cũng rất có ý thức lấy đại cục làm trọng. Hiểu rằng giang sơn cần ổn định, ông đã không “nhổ cỏ tận gốc”, mà lại trọng dụng gia quyến của những vị đại thần này.
Ví dụ như, dù phải giết Thái úy Phạm Hạp nhưng em trai ông ta là Phạm Cự Lượng vẫn được Lê Hoàn tin dùng phong cho làm Đại tướng quân, rồi sau lên lám Thái úy, chỉ huy toàn bộ quân đội. Sau này khi quân Tống chuẩn bị đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt, chính Phạm Cự Lượng đã đề xuất nên để Lê Hoàn lên ngôi vua tập hợp lực lượng chống giặc, và được Hoàng thái hậu Dương Vân Nga đồng ý.
Con trai của Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê được Lê Hoàn cử làm tướng, rồi phong cho làm Hữu Điện tiền chỉ huy sứ.
Lê Hoàn
Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư. (Ảnh từ Wikipedia)
Lê Hoàn cũng rất tin tưởng vào Phật Pháp, tất cả những việc lớn và quan trọng ông đều lắng nghe lời của các thiền sư nổi tiếng lúc đó là Vạn Hạnh, Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận. Việc không tận diệt gia quyến những người chống đối mình, ngược lại còn trọng dụng tài năng của họ, rất có thể là lời khuyên bảo của các vị thiền sư đối với Lê Hoàn. Và chính điều này đã giúp cho Đại Cồ Việt có được sự gắn kết, tạo nên sức mạnh chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại quân Tống đang lăm le chuẩn bị tiến sang.

Hậu nhân tài đức có công lớn với xã tắc

Có lẽ Lê Hoàn cũng không ngờ rằng việc không tận diệt mà trọng dụng chính những người trong gia đình của nhóm đại thần lại là việc có ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh giang sơn xã tắc sau này.
Cụ thể, họ Nguyễn ở thôn Chi Ngại khẳng định rằng tổ tiên của Nguyễn Trãi chính là cụ tổ Nguyễn Bặc. Sau này họ Nguyễn từ thôn Chi Ngại chuyển đến Trại Ổi (thuộc làng Nhị Khê – Thường Tín, Hà Đông). Nguyễn Trãi chính là người anh hùng dân tộc đã dâng sách “Bình Ngô”, cùng hoạch định ra chiến lược đánh bại quân Minh, lập ra nền độc lập lâu dài cho dân tộc. (Xem bài: Tha chết cho 10 vạn giặc Minh – Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”)
Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi và Đại Cáo Bình Ngô. (Tranh qua thoibao.today)
Bên cạnh đó, “Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam” khẳng định Nguyễn Bặc là bậc tổ họ Nguyễn chính thống ở Việt Nam. Theo đó, Nguyễn Đê, con trai Nguyễn Bặc, di cư vào làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa và là tổ tiên của các đời chúa Nguyễn. Cũng theo sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả” thì Nguyễn Bặc là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Phúc, sau này là dòng Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Thời đấy lãnh thổ Đại Việt chỉ kéo dài từ phía bắc đến Quảng Nam, các đời chúa Nguyễn và thậm chí là một số đời vua Nguyễn sau này, đã ghóp phần giúp lãnh thổ Đại Việt kéo dài đến tận vùng cực nam, rộng lớn gấp 1,7 lần so với ngày nay (Xem bài: Thời nhà Nguyễn thế kỷ 19: Lãnh thổ Việt Nam rộng lớn gấp 1,7 lần hiện nay).
Trần Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét