Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Hào hùng Vạn Thắng Vương

Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là “Vạn Thắng Vương”, đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Dòng dõi con nhà tướng

Năm 923, Dương Đình Nghệ được nhà Nam Hán cho giữ chức Thứ sử Giao Châu, nhưng ông không ham danh lợi mà lại muốn khởi nghĩa để giành lại nền độc lập cho đất nước. Ông đã tìm được 3.000 hào trưởng cũng như bậc tuấn kiệt lúc bấy giờ đứng dưới cờ nghĩa của mình
Trong số 3.000 trang tuấn kiệt này, nổi lên có Đinh Công Trứ người Hoa Lư, Kiều Công Tiễn (hào trưởng đất Phong Châu tức Phú Thọ ngày nay) và Ngô Quyền (con trai hào trưởng đất Đường Lâm). Sau này Kiều Công Tiễn mưu sát Dương Đình Nghệ rồi làm phản rước quân Nam Hán vào. Ngô Quyền diệt được Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán và lên ngôi Vua.
Là tướng tài, Đinh Công Trứ đều có mặt trong các cuộc chiến quan trọng dưới thời Dương Đình Nghệ, cùng Ngô Quyền dẹp phản loạn Kiều Công Tiễn, đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập bền vững cho dân tộc.
Đinh Bộ Lĩnh
Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc. (Tranh dân gian: Chiến thắng sông Bạch Đằng lần thứ nhất)
Sau đó, Đinh Công Trứ được cử làm trấn thủ Hoan Châu (tức Nghệ An, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, một thuộc hạ của ông bất cẩn làm cháy kho lương khiến ông bị mất chức. Đinh Công Trứ đưa người vợ đang mang thai là Đàm Thị cùng một số tùy tùng thân tín khăn gói đến đất Hoa Lư sinh sống.
Trên đường đi đoàn người nghỉ dưới chân núi Bái Lĩnh (còn gọi là núi Đính, nay gọi là núi Bái Đính, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Chính trong hoàn cảnh ấy, Đinh Công Trứ đã dự định đặt tên con là Bộ Lĩnh để ghi nhớ chặng đường vất vả này.

Ngô Vương tặng gươm quý

Khi Đinh Công Trứ mất, gia đình cử hành tang lễ xong thì không may tư dinh lại bị cháy hết chỉ còn tro tàn. Đàm phu nhân phải mang con trai là Đinh Bộ Lĩnh đi đến kinh thành Cổ Loa để báo tin cho Ngô Quyền biết.
Trải qua nhiều gian khó suốt hai tháng ròng, hai mẹ con mới đến đuợc kinh thành Cổ Loa. Ngô Quyền biết tin thì ngậm ngùi nói:
“Ta với tướng quân xưa cùng là tướng của Dương Tiên Công, người giữ châu Ái, người quản châu Hoan, tình thân lân quận, nghĩa nặng đồng liêu. Sau tướng quân lại cùng ta dẹp nội loạn, phá ngoại xâm.
Nay ta đã định đô dựng nước, tưởng chừng vua tôi cùng chung hưởng thái bình, nào ngờ tướng quân hưởng lộc chưa được bao lâu đã vội về trời. Thôi thì số mệnh đã định, phu nhân đừng quá đau buồn, ta ban cho phu nhân vàng lụa để về quê nhà làm nhà tậu ruộng, nuôi Bộ Lĩnh cho khôn lớn để sau còn ra giúp nước.”
Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh
Đinh Công Trứ tham gia trận đánh trên sông Bạch Đằng. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Thấy Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, Ngô Quyền vỗ về hỏi rằng: “Con có muốn xin ta điều gì không?”
Đinh Bộ Lĩnh đáp rằng muốn xin một thanh gươm.
Ngô Quyền ngạc nhiên hỏi rằng: “Cháu còn trẻ tuổi, không lo việc học đi, định dùng gươm để làm gì?”
Đinh Bộ Lĩnh đáp rằng: “Tâu đức vua, đến khi tiểu thần khôn lớn, trưởng thành sẽ dùng thanh gươm ấy phò giúp nhà vua đánh dẹp bốn phương, định yên nước nhà.”
Nhà vua khen ngợi Đinh Bộ Lĩnh dù còn nhỏ nhưng đã có khí quách, đúng là dòng dõi con nhà tướng, rồi lấy một thanh gươm quý trao cho Đinh Bộ Lĩnh.
Khi trao gươm cho Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền hẳn cũng không thể ngờ được về sau đứa trẻ này sẽ thay mình lên ngôi, dẹp yên cát cứ trong nước, mang lại thái bình ổn định cho giang sơn xã tắc.

Cờ lau tập trận

Ở quê nhà, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng đám trẻ dựng cờ lau chơi đánh trận giả và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh đám trẻ thời ấy. Những đứa trẻ theo Đinh Bộ Lĩnh thuở xưa có một số đã thành tướng lĩnh trụ cột sau này như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
Cờ lau tập trận. (Ảnh từ baihoc.vn)
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về Đinh Bộ Lĩnh như sau:
“Khi Công Trứ mất rồi, ngài hãy còn nhỏ, Đàm thị đưa về ở động núi. Chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng chịu phục cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc.”
Trong dân gian vẫn lưu truyền rằng:
Kiệu tay, lọng nón, cờ lau,
Phong lưu trong đám chăn trâu cũng vừa.
Mai ngày ta được làm vua,
Tán vòng, tán tía cũng thừa phong lưu
Về danh hiệu “Vạn Thắng Vương”, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng:
“Phụ lão các sách bảo nhau: ‘Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn’. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”
Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh
Rồng vàng hộ mệnh cho Đinh Bộ Lĩnh. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Về rồng vàng hộ mệnh cho Đinh Tiên Hoàng, trong “Hoa lư thi tập” của Hoàng Quang Thuận có bài thơ như sau:
Thiên tôn sư tử phục hướng Đông
Văng vẳng trời Nam sáo mục đồng
Cờ lau thuở ấy còn soi bóng
Rồng vàng lượn sóng giữa thinh không
Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là Vạn Thắng Vương đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Nội chiến

Năm 944, Ngô Vương qua đời, đất nước rơi vào cảnh nội chiến rất lớn. Con trưởng của Ngô Vương là Ngô Xương Ngập lên ngôi, nhưng con trai thứ 3 của Dương Đình Nghệ, cũng là em vợ của Ngô Quyền là Dương Tam Kha đã cướp ngôi cháu, tự xưng là Dương Bình Vương.
Ngô Xương Ngập phải trốn đến vùng rừng núi Hun Sơn (thuộc Hải Dương ngày nay), Dương Tam Kha cho quân truy bắt nhưng không được. Em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn được Dương Tam Kha nhận làm con nuôi.
Lúc này, một số người không phục Dương Tam Kha liền nổi lên cát cứ, tự lập các sứ quân chống lại. Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh chiếm cát cứ của sứ quân Nguyễn Khoan và Ngô Nhật Khánh ở Thái Bình (khu vực Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay). Nhưng Ngô Xương Văn bất ngờ dẫn quân trở về tấn công và bắt được Dương Tam Kha. Tuy nhiên vì biết ơn Dương Tam Kha nên Ngô Xương Văn không giết mà giáng ông ta xuống làm Chương Dương sứ.
Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng
Ngô Xương Văn tha chết cho Dương Tam Kha. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa, đồng thời cho gọi anh mình là Ngô Xương Ngập về cùng làm vương với mình gọi là Thiên Sách Vương.
Đất nước lúc này lâm vào cảnh nhiều sứ quân đánh lẫn nhau, chiến loạn khắp nơi.

Từ lính canh cửa trở thành thủ lĩnh sứ quân

Ở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh cùng chú của mình nổi lên lập căn cứ. Nhưng sau này do bất bình với người chú, Đinh Bộ Lĩnh sang đầu quân cho người bạn đồng liêu của cha mình trước đây là Trần Lãm (còn gọi là Trần Minh Công).
Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng
Đinh Bộ Lĩnh sang đầu quân cho Trần Lãm. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Bấy giờ Trần Lãm là thủ lĩnh của sứ quân cát cứ ở Bố hải khẩu (phủ Kiến Xương tức Thái bình và Nam Định ngày nay). Quân Trần Lãm mạnh thuộc loại bậc nhất trong các sứ quân lúc bấy giờ, với các tướng tài như Ngô Văn Chấn, Ngô Tất An, Bùi Quang Dũng, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Phúc…
Nhận thấy Đinh Bộ Lĩnh nhanh nhẹn, hoạt bát, nói năng lễ độ, lại chững chạc, Trần Lãm liền cho làm lính thân vệ. Mỗi lần Trần Lãm họp cùng các tướng lĩnh, Đinh Bộ Lĩnh đều đứng canh cửa, nên hiểu biết nhanh việc quân cơ.
Một hôm Trần Lãm bàn với các tướng việc thu phục Sứ quân ở Tế Giang là Lã Đường, nhiều ý kiến đưa ra nhưng chưa có ý nào đủ sức thuyết phục. Lính canh cửa Đinh Bộ Lĩnh liền góp ý một câu:
“Thưa! Theo thiển ý của tôi, muốn đánh Lã Đường tất phải đi qua Đằng Châu của Phạm Bạch Hổ. Đằng Châu và Lã Đường đánh nhau liên miên mấy năm nay không phân thắng bại. Chi bằng ta cho người qua Đằng Châu nói sẽ hợp lực với quân của họ để đánh Lã Đường. Đánh xong Lã Đường thì lấy Đằng Châu dễ như lấy vật trong túi áo vậy. Đấy là kế ‘mượn đường diệt Quắc’ của người xưa đó.”
Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng
Các sứ quân cát cứ. Thực chất, các sứ quân không phải cùng một lúc xuất hiện, mà có thời gian khác nhau. Xuất hiện sau cùng là sứ quân Ngô Xương Xí, con út của Ngô Xương Ngập, sau khi hai vị Ngô Vương đã qua đời. (Tranh qua thuvienlichsu.com)
Trần Lãm khen phải, nhưng không biết lấy ai là người đi Đằng Châu để thuyết phục. Đinh Bộ Lĩnh thấy vậy liền xin đi. Người thân vệ một người một ngựa sang Đằng Châu dùng tài hùng biện thuyết phục, khiến Phạm Bạch Hổ đồng ý đánh Lã Đường.
Với tài năng của mình, Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm tin tưởng cho làm tướng tiên phong cùng quân của Phạm Bạch Hổ tiến đánh quân Tế Giang. Sau đó quân Trần Lãm quay lại thôn tính luôn Đằng Châu.
Thế là chỉ khoảng 10 ngày, quân của Trần Lãm đã thu phục được hai sứ quân khác, chiếm được hai vùng đất rộng lớn ở Tế Giang và Đằng Châu. Đây là điều mà trước đó Trần Lãm chỉ nằm mơ mới dám nghĩ tới.
Đinh Bộ Lĩnh
Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội, là nơi Vạn Thắng Vương quyết định dời về, sau này khi lên ngôi lại quyết định đóng đô tại đây. (Ảnh từ thegioidisan.vn)
Nhận thấy tài năng của Đinh Bộ Lĩnh, Trần Lãm liền nhận làm con nuôi, giao toàn bộ binh quyền. Sau này Trần Lãm gả luôn con gái là Trần Nương cho Đinh Bộ Lĩnh. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh lên thay, dời đại bản doanh về Hoa Lư. Vạn Thắng Vương từ đó đã có đủ tiềm lực để sau này giải quyết cuộc nội chiến trong nước.

Cuộc chiến với hai vương

Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư cậy núi khe hiểm trở, không chịu xưng thần đối với hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Vì vậy, hai vương định đưa quân tiến đánh Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh lo lắng nên sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Tuy nhiên khi Liễn đến, hai vương trách tội Đinh Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh.
Hai bên giao chiến thời gian dài, nhưng suốt hơn 1 tháng quân của hai vương không thắng được. Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn liền cho trói Đinh Liễn treo lên ngọn sào, rồi thông báo nếu quân Hoa Lư không đầu hàng thì sẽ giết Đinh Liễn.
Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng
Vạn Thắng Vương quyết chí vì nghiệp lớn. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Đinh Bộ Lĩnh tức giận mà nói rằng: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao”. Nói rồi ông cho 10 tay nỏ nhắm Đinh Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì”, bèn không giết Đinh Liễn nữa mà rút quân về.
Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là Vạn Thắng Vương đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

    Từ con tin trở thành phò mã đô úy, thu phục sứ quân

    Tiếp theo phần 2, vài năm sau, Ngô Xương Ngập bị bệnh rồi mất, chỉ còn lại Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa được 10 năm thì đã 20 tuổi. Theo sử liệu từ họ Đinh Việt Nam thì Ngô Xương Văn thấy Đinh Liễn khôi ngô tuấn tú lại thạo việc binh đao, liền gả công chúa Bảo Ngọc cho, phong là phò mã đô úy.
    Đinh Liễn củng cố quân binh rồi đem quân tiến đánh hai sứ quân là Nguyễn Khoan ở Tam Đái và Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm. Hai sứ quân này liên kết với nhau nên rất mạnh.
    Đinh Bộ Lĩnh
    Hoa Lư. (Ảnh từ dulichninhbinh.com.vn)
    Nam Tấn Vương cùng Đinh Liễn tấn công quân Nguyễn Khoan, nhưng Nam Tấn Vương bị trúng tên mà tử trận. Đinh Liễn cho quân xông lên tràn vào đánh bại và giết được Nguyễn Khoan, rồi truy kích quân Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh. Về sau sứ quân Ngô Nhật Khánh xin hàng.
    Thế là hai sứ quân được xem là đối trọng lớn nhất của triều đình đã bị thôn tính. Không chỉ đánh bại hai lực lượng này, Đinh Liễn còn tham gia các trận đánh khác, công lao lập được rất nhiều.
    Trong sách “Thập quốc thế gia” có ghi chép sự kiện này như sau:
    Ngô Xương Văn mất ở Giao Châu, tướng tá của ông là Lã Xử Bình và Thứ sử Phong Châu là Kiều Trí Hựu tranh nhau lên thay. Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn ở Giao Châu đánh tan hai người ấy, Theo như sách chép thì lúc đó Nam Tấn mới mất, trong nước rối ren, Đinh Liễn có công dẹp loạn, lại được phong tước, chứ chẳng như những con tin tầm thường nhân lúc loạn lạc mà trốn về.
    Ngô Vương không còn, Ngô Xương Xí là con út của Ngô Xương Ngập còn nhỏ tuổi, thành lập sứ quân. Đinh Liễn liền trở về Hoa Lư với cha mình là Đinh Bộ Lĩnh.
    Về sự việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn như sau:
    Ất Sửu, năm thứ 15, (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư.
    Đnh Bộ Lĩnh
    Thành cũ Hoa Lư giữa trùng điệp núi rừng bao phủ. (Ảnh từ sotayvanhoc.com)
    Khi về Hoa Lư, Đinh Liễn đã là phò mã đô úy, thu phục được sứ quân Nguyễn Khoan, Ngô Nhật Khánh, có nguồn sử liệu còn cho rằng Đinh Liễn đã lấy được cả Ngô sứ quân của Ngô Xương Xí. Trong khi đó, Đinh Bộ Lĩnh cũng thu phục được 3 sứ quân khác. Với việc thu phục được 6 sứ quân, uy thế của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lúc ấy rất lớn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định sẽ thu phục 6 sứ quân còn lại để thống nhất giang sơn.

    Giang sơn về một cõi

    Sứ quân đầu tiên mà Đinh Bộ Lĩnh muốn thu phục là Đỗ Cảnh Thạc, đây là sứ quân mạnh, có thành cao hào sâu. Theo thần phả ‘Độc nhĩ đại vương’ ở Thanh Oai thì Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược.
    Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực, bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao chiến với nhau hơn 1 năm thì Đỗ Cảnh Thạch thua trận bị trúng tên mà chết.
    Sau đó Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đưa quân đánh sứ quân Nguyễn Siêu (ở Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Nguyễn Siêu nuôi dưỡng môn đệ hàng ngàn người, binh mã có hàng vạn, không ngừng thu phục anh hào, thế lực ngày càng mạnh. Trong cuộc chiến đấu tiên, quân của Đinh Bộ Lĩnh bị thất bại, 4 tướng bị tử trận.
    Ngày 15 tháng 7 năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đích thân thống lĩnh quân chia làm 3 cánh: Nguyễn Bặc làm đại tướng tiên phong, Lê Hoàn làm tiếp ứng, và một cánh do Đinh Bộ Lĩnh cầm quân. Ông truyền lệnh khi thấy lửa cháy và pháo hiệu thì đồng loạt tiến đánh.
    Trước sức mạnh của quân Vạn Thắng Vương, Nguyễn Siêu cho một nửa quân giữ thành, còn lại vượt sông Hồng tìm viện binh từ sứ quân khác, thế nhưng gần tới bờ Bắc thì gặp gió lớn khiến thuyền bị đắm.
    Đinh Bộ Lĩnh
    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư. (Ảnh từ wikipedia.org)
    Đinh Bộ Lĩnh nghe tin, cho quân tinh nhuệ lẻn vào thành phóng lửa rồi cho đốt pháo lệnh, quân Hoa Lư đồng loạt tiến đánh, quân của Nguyễn Siêu bị tan. Nguyễn Siêu bỏ chạy và tử trận.
    Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đưa quân tấn công thu phục các sứ quân còn lại. Đến năm 968 thì loạn 12 sứ quân bị dập tắt, giang sơn lại thu về một mối.
    Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, được tôn là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dời kinh đô về Hoa Lư.
    Việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc gìn giữ chủ quyền, bởi chỉ 3 năm sau, vào năm 971, nhà Tống diệt Nam Hán, áp sát biên giới Đại Cồ Việt. Nếu đến thời điểm ấy trong nước vẫn chia ra thành các sứ quân chiếm giữ các nơi, thì nhà Tống có thể thừa cơ vượt biên giới tiến đánh.
    Đánh giá về Đinh Tiên Hoàng, Đại Việt sử ký tiền biên cho rằng:
    Tiên Hoàng tài năng, sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng cường cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu (Việt) vương chăng?

    Trần Hưng

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét