Người Việt có câu “nhập gia tùy tục”, đây cũng được xem là câu nằm lòng cho những ai muốn trở thành nhà ngoại giao xuất chúng. Nhưng để thực sự áp dụng được đạo lý ấy cũng không hề đơn giản. Trong sử Việt từng xuất hiện một bậc kỳ tài về ngoại giao nhờ có thể thực hiện tốt việc này.
Chiêu Văn đồng tử Trần Nhật Duật
Trần Nhật Duật là hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Tương truyền lúc mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử” (昭文童子), nên vua Thái Tông phong cho ông là Chiêu Văn Vương.
Trần Nhật Duật nổi tiếng là người hiểu biết rộng, rất tôn sùng và am hiểu Đạo gia. Ông tìm hiểu và thông thạo ngoại ngữ cùng phong cách sống của các dân tộc và các nước láng giềng, sử dụng thành thạo tiếng Hán và tiếng Chăm. Ông hay thăm hỏi các dân tộc khác, cũng như đến ngao du nước Tống và Chiêm Thành để hiểu thêm văn hóa của họ.
Am hiểu văn hóa, thu phục lòng người
Năm 1280, tù trưởng vùng Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống triều đình, cùng lúc nhà Nguyên đang chuẩn bị quân tấn công Đại Việt. Triều đình nhận thấy cần dẹp yên cuộc nổi loạn này, thì dân chúng mới đoàn kết, tạo cơ sở vững chắc để chuẩn bị đánh quân Nguyên đang chuẩn bị tiến sang.
Trần Nhật Duật được trao nhiệm vụ này, dẫn quân đến Đà Giang. Giác Mật được tin, muốn ám hại Trần Nhật Duật nên đưa thư dụ rằng: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay.”
Các tướng e rằng đây là kế của Giác Mật nên can ngăn, Trần Nhật Duật khẳng khái trả lời nếu quả như vậy triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng. Rồi ông cưỡi ngựa mang theo vài tiểu đồng đến gặp Giác Mật.
Tại doanh trại Giác Mật, quân lính gươm giáo tua tủa vây quanh Trần Nhật Duật nhiều lớp nhằm cố thị uy vị hoàng tử trẻ. Đi qua đám quân lính không sợ hãi, Trần Nhât Duật gặp Giác Mật, nói đúng theo phong tục người dân xứ Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải.”
Giác Mật cùng các đầu mục đều ngạc nhiên vì điều này. Rồi Giác Mật sai mang mâm rượu đến. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, rất tự nhiên cầm tay bốc thịt ăn, rồi cầm gáo rượu bầu dốc vào mũi, uống rượu bằng mũi, đây đều là phong cách tập quán của người địa phương.
Trịnh Giác Mật phải kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!” Trần Nhật Duật đáp lại rằng: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em.”
Giác Mật liền quên mất ý định ám hại Trần Nhật Duật lúc ban đầu, mà cùng các đầu lĩnh nói chuyện rôm rả thân mật với Trần Nhật Duật như anh em trong nhà.
Trần Nhật Duật gọi tiểu đồng đến, tự tay mở tráp, lấy những vòng bạc lấp lánh tặng cho các đầu mục. Giác Mật được một chiếc vòng lớn có lồng thêm một chiếc vuốt cọp.
Sau chuyến đi này Trịnh Giác Mật đem cả gia quyến đến doanh trại xin hàng, ai cũng đều vui vẻ.
Bang giao với phương Bắc
Trần Nhật Duật không cần đánh mà thu phục được cả vùng Đà Giang, khiến biên giới phía Tây Bắc được yên ổn, giúp nhà Trần tập trung lo chuẩn bị đối phó với quân Nguyên cũng đang chuẩn bị binh lực tiến sang.
Có lần nhà Nguyên cử sứ giả đến, Trần Nhật Duật tiếp sứ thần nhà Nguyên bằng tiếng Hán rất vui vẻ và tự nhiên suốt cả ngày. Sau đó sứ nhà Nguyên cứ khăng khăng cho rằng ông là người Hán ở Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.
Khi đại quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, nhiều tôn thất của nhà Tống chạy sang Đại Việt, xin được gia nhập vào quân Việt để chống lại Mông Cổ với hy vọng sau này trở lại khôi phục nhà Tống.
Trần Nhật Duật tiếp đón các binh tướng nhà Tống. Nhờ thành thạo ngôn ngữ và phong tục, ông rất được các tướng lĩnh nhà Tống mến mộ. Nhà vua cũng giao luôn các tướng lĩnh nhà Tống cho Trần Nhật Duật. Sau này ông lập nên một đội binh mã nhà Tống, lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên.
Trần Hưng
Trần Khát Chân phá thế phong thủy khiến nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm?
- Trần Hưng
- •
- Thứ Hai, 22/10/2018 • 21.3k Lượt Xem
Với thời gian tồn tại chỉ 7 năm (1400 – 1407), nhà Hồ được xem là một trong những vương triều ngắn ngủi nhất trong lịch sử nước ta. Một trong những nguyên nhân khiến vương triều này sụp đổ được cho là vì bị danh tướng Trần Khát Chân phá thế phong thủy kinh thành Tây Đô.
Nổi danh nhờ đánh bại Chiêm Thành, khiến vua Chiêm Chế Bồng Nga tử trận
Trần Khát Chân là tướng quân có công lao to lớn khi giúp triều đình đánh tan quân Chiêm Thành. Chuyện là vào thời điểm ấy, vua Chiêm Chế Bồng Nga nhiều lần cho quân tiến đánh nhà Trần, vào thành Thăng Long như chốn không người.
Năm 1389, quân Chiêm lại tiến đánh nhà Trần, Hồ Quý Ly đem quân đi đánh nhưng bị trúng kế của Chế Bồng Nga, thiệt hại nặng nề phải bỏ chạy về kinh thành.
Trần Khát Chân lúc này chỉ là một Đô tướng (quan võ cấp thấp) trẻ tuổi đem quân đi chặn Chiêm Thành. Nhờ biết được thuyền chở vua Chiêm, Trần Khát Chân liền cho hỏa pháo tập trung bắn vào thuyền vua Chiêm khiến Chế Bồng Nga chết tại chỗ, quân Chiêm bại trận phải rút về nước. Từ đó quân Chiêm không còn dám đánh Đại Việt nữa.
Sau chiến công này Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, gia phong tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp.
Là hậu duệ của Bão nghĩa vương Trần Bình Trọng, sau chiến công này, Trần Khát Chân trở thành vị tướng quân trụ cột của họ Trần.
Hồ Quý Ly muốn đổi kinh đô nhằm cướp ngôi nhà Trần
Năm 1397, Hồ Quý Ly làm Thái Sư, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, giữ chức Bình chương phụ chính nắm mọi quyền hành trong tay. Quý Ly muốn dời kinh đô về Thanh Hóa, nhiều người phản đối đều bị ông ta tìm cách diệt đi.
Khi triều thần đang bàn bạc việc xây thành với yêu cầu chọn vị trí hiểm yếu, quan khu mật chi sự là Nguyễn Như Thuyết nói rằng “đức bất tại hiểm”, tức ý nói rằng cốt là ở “đức” chứ không phải ở việc xây thành hiểm yếu, nhưng Hồ Quý Ly đã không nghe.
Đầu năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây thành ở Thanh Hóa để làm kinh đô mới và đặt tên là thành Tây Đô. Đến ngày nay một số đoạn tường thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Để đáp ứng yêu cầu quân sự, thành Tây Đô được xây dựng ở địa thế khá hiểm trở, có sông nước bao quanh, có lợi để phòng thủ hơn là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa.
Trần Khát Chân ngầm phá thế phong thủy thành Tây Đô
Là người tinh thông phong thủy, lại không muốn Hồ Quý Ly lấn át mà cướp mất nhà Trần, nên khi thành Tây Đô xây xong, Trần Khát Chân đã tấu lên rằng:
“Chọn đất vàng để xây thành hay lắm, phía trước có Cung sơn làm án. Thiết tưởng cung mà không có tên thì cũng như vua không có uy, theo ý thần nên đắp một con đường từ Cung Sơn chạy đến trước cửa thành Tây Đô như một mũi tên. Có cung, có tên mới đủ vẻ hùng tráng của đức Thiên tử. Đường ấy thần sẽ đặt tên là Tiễn Lộ.”
Hồ Quý Ly nghe lời nên cho đắp đá Hoa Cương gọi là Hoa Nhai (Tiễn Lộ). Thế nhưng xét về phong thủy thì việc đắp đường Tiễn Lộ là rất tệ hại vì mũi tên chạy xuyên thẳng vào điện của vua chẳng khác nào một mũi tên đâm thẳng vào tim. Sau này nhiều người cho rằng chính con đường như mũi tên này làm nhà Hồ nhanh chóng bị diệt.
Tháng 11/1397, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông phải dời kinh đô về Thanh Hóa. Cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm bí mật nói cho Vua biết nếu đồng ý dời đô thì thế nào cũng bị cướp ngôi. Hồ Qúy Ly biết được liền đem giết cả 2 người này.
Năm 1398, Hồ Quy Ly bức vua Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là Thái tử Án mới lên 3 tuổi nhằm dễ bề điều khiển, năm 1399 thì cho người giết chết Thuận Tông.
Sau sự việc này nhiều người bất mãn với Hồ Quý Ly, kể cả những người từng thân thiết với ông ta. Các tôn thất nhà Trần cùng nhiều người quyết định lên kế hoạch diệt Hồ Quý Ly trong đó có Trần Khát Chân.
Mùa hè năm 1399, Hồ Quý Ly tổ chức hội thề trên đỉnh núi Đốn Sơn, ngồi trên lầu nhà Khát Chân để dự tiệc và xem lễ hội. Theo kế hoạch Phạm Thu Tổ và thích khách Phạm Ngưu Tất cầm gươm định tiến lên lầu, thế nhưng Trần Khát Chân lại trừng mắt ngăn lại.
Hồ Quy Ly chột dạ cảm thấy nghi ngờ không yên liền quyết định xuống lầu với hộ vệ ở dưới. Ngưu Tất liền vứt gươm xuống đất nói: “Cả lũ chết thôi”. Quả nhiên sau việc này Hồ Quý Ly cho truy bắt gần 400 người là tướng lĩnh nhà Trần cùng những ai liên quan đem hành hình. Con cái của họ, gái thì bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì bị chôn sống hoặc bị dìm nước cho chết.
Hồ Quý Ly cũng cho tìm bắt tất cả những ai thân thích hay liên quan đến vụ việc này suốt mấy năm liền, khiến người quen biết cũng chỉ dám đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi, nhà dân không được phép chứa người xin ở trọ, nếu có người xin trọ thì phải báo lên làng xã để xét giấy tờ và truy tìm lý do xin ở trọ, các làng xã đều có lính canh ngày đêm.
Trần Khát Chân và bí ẩn không có lời giải
Bị truy bắt, lúc lâm sự Trần Khát Chân trèo lên đỉnh núi Đốn Sơn gào lên 3 tiếng rồi tự vẫn. Về sau Quan Đốc học người Hoằng Hoá là Nhữ Bá Sĩ (1788 – 1867) có thơ hoài cảm:
Tướng quân đời vẫn giữ binh phù
Khẳng khái còn toan chí diệt Hồ
Lên núi đỉnh cao gào mấy tiếng
Ào trận gió thét đến nghìn thu.
Khẳng khái còn toan chí diệt Hồ
Lên núi đỉnh cao gào mấy tiếng
Ào trận gió thét đến nghìn thu.
Chỉ cần để Phạm Thu Tổ và Phạm Ngư Tất lên lầu là giết được Hồ Quý Ly, mọi việc đang tiến hành thuận lợi theo kế hoạch, vì sao Trần Khát Chân lại ngăn lại? Đây là một dấu hỏi lớn không có lời giải trong lịch sử.
Diệt hết các thế lực chống đối mình, năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi Vua, thành Tây Đô được chọn làm kinh đô. Nhiều người cho rằng chính con đường “tiễn lộ” như mũi tên đã làm nhà Hồ sớm bị diệt vong chỉ sau 7 năm ngằn ngủi.
Sau này các triều đều có sắc phong cho Trần Khát Chân làm Thượng đẳng phúc thần. Làng Hà Lương nơi ông mất và 29 làng xã khác vùng Cao Mật, Bình Bút, Nam Cai (Thanh Hóa) cùng các làng vùng Kẻ Mơ (Thăng Long) sau đó đều lập đền thờ ông.
Quan án sát, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1830-1889) một lần qua đền Phượng Nhai vịnh thơ rằng:
Tướng quân tiết liệt đãi cương trường
Yêu nước lòng son một kiếm vàng
Nhà mới mưu toan dời chúa Hán
Tước phong ơn dám phụ vua Hàn
Nhà Trần đời vẫn noi rường mối
Núi Đốn nay còn ngát khói hương
Phỏng trước cam lòng phò đảng giặc
Đền ai tri kỷ? Thác ai thương?
Yêu nước lòng son một kiếm vàng
Nhà mới mưu toan dời chúa Hán
Tước phong ơn dám phụ vua Hàn
Nhà Trần đời vẫn noi rường mối
Núi Đốn nay còn ngát khói hương
Phỏng trước cam lòng phò đảng giặc
Đền ai tri kỷ? Thác ai thương?
Lời thề ứng nghiệm hay phong thủy ứng nghiệm?
Khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn còn sống có nói với Hồ Quý Lý rằng:
“Nhà ngươi là thân tộc nên bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nước Trẫm đều ủy thác cho cả. Nay quốc thể suy nhược, Trẫm thì già rồi, ngày sau con Trẫm có nên thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy”.
Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc mà thề rằng:
“Nếu hạ thần không hết lòng hết sức giúp nhà vua thì trời tru đất diệt”.
Là Thượng hoàng mà lại mù quáng đến mức cho Quý Ly “tự làm lấy”, lời của Trần Nghệ Tôn đã ứng nghiệm. Giả bộ trung thành mà thề thốt trước trời đất, Hồ Quý Ly cũng chẳng thể tránh khỏi thảm cảnh…
Sử gia Ngô Sĩ Liên có bình về Hồ Quý Ly như sau:
Họ Hồ (ý chỉ Hồ Quý Ly) giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. Họ Hồ tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì người nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng. Còn như người Minh giả nhân giả nghĩa, sát hại sinh linh thì chính là một bọn giặc tàn bạo. Cho nên Thái Cao Tổ Hoàng Đế ta lại có thể tiêu diệt được bọn chúng.
Trần Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét