Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Tên gọi tỉnh Điện Biên do ông Vua nào đặt?

Điện Biên - tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954. Tên của tỉnh này do một ông Vua triều Nguyễn đặt.


Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính. Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh, chiếm đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện (奠) nghĩa là "kiến lập", Biên (邊) nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Thiệu Trị (1807 – 1847), tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông là vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn. Ông kế vị vua cha là Minh Mạng, trị vì từ năm 1841 đến khi qua đời, tổng cộng 7 năm, được truy tôn miếu hiệu là Hiến Tổ.


Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 130 xã, phường, thị trấn (trong số đó có 29 xã biên giới); dân số gần 55 vạn người, gồm 19 dân tộc anh em. Ở Điện Biên, dân tộc Thái là dân tộc có số dân đông nhất, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh. Hiện nay dân tộc Thái sinh sống ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh (tập trung ở huyện Điện Biên và Tuần Giáo). Người Thái còn có các tên gọi khác là Táy, Hàng Tổng, Pa Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày – Thái. Phụ nữ Thái có bộ y phục rất độc đáo với chiếc áo cóm bó sát người đính hàng cúc bướm bằng bạc; chiếc váy dài chấm gót, đầu đội khăn piêu tạo nét duyên dáng cho người phụ nữ. Người Thái có 2 nhóm là Thái đen và Thái trắng phân biệt qua trang phục và cách vấn tóc của phụ nữ có chồng. Phụ nữ Thái đen khi đã lấy chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu) còn với phụ nữ Thái trắng thì không làm như vậy.

 Với diện tích 4.000 ha, trải rộng khắp lòng chảo Điện Biên Phủ, Mường Thanh được coi là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc, trở thành vựa lúa cho tỉnh Điện Biên. Nhiều du khách rất thích đến đây vào cuối tháng 9, khi mùa lúa chín rộ bởi nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh như một thung lũng vàng với hương lúa thơm ngan ngát.


Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi trên quốc lộ 6 ở ranh giới xã Phổng Lái huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên. Đèo có độ dài 32 km. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km. Đèo Pha Đin được xếp là một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét