VOV.VN - Dân tộc Giáy có nhiều lễ Tết nhất trong năm, Tết Nguyên Đán được người Giáy gọi là “Xiêng láo”, nghĩa là Tết to, Tết cả, là Tết quan trọng nhất của năm.
Dân tộc Giáy có nhiều lễ tết nhất trong năm như: Tết tháng Giêng; Tết tháng 7; Tết mồng 3/3, 4/4; Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; Tháng 9 ăn cơm mới; Tháng 10 làm bánh dày kết thúc mùa vụ; Tháng 11 đón Tết Đông chí và đặc biệt nhất là Lễ hội Xuống đồng “Roóng poọc” tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng.
Nét độc đáo là ngày tết, bà con người Giáy làm rất nhiều món ăn đặc trưng như: Bánh gù, bánh gai, xôi tím, khẩu nhục…
Sáng 30 tết nào cũng vậy, gia đình bà Lục Thị Nhính ở xã Thôn Tả Phời 1, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai thức dậy rất sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành dán giấy đỏ trong nhà.
Các vật dụng, vị trí trong nhà từ cái cuốc, cái cày cho đến cây cối, bàn thờ tổ tiên đều được dán giấy đỏ. Trong nhà cũng đều trang trí bằng giấy đỏ với quan niệm con người được đón tết thì vạn vật đều được mới mẻ đón chào năm mới.
Theo quan niệm của người Giáy, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng.
Theo quan niệm của người Giáy, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng.
Để làm được bánh khá kỳ công, nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng. Lá dong là loại lá được lấy ở trên rừng, khổ lá vừa phải. Lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon đều hạt do bà con tự cấy, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ.
Phần quan trọng không thể thiếu là lựa chọn thịt lợn, phải là thịt ba chỉ thái mỏng, ướp với gia vị và thảo quả nướng. Khi nguyên vật liệu đã chuẩn bị đầy đủ, các chị, các mẹ bắt đầu gói bánh.
Bánh có phần gù càng cao, càng cân đối thì càng đẹp: “Ngày tết làm bánh gù, bánh chưng này. Bánh gù này năm làm 2 lần, trước tết và cuối tháng riêng hết tết cũng làm. Tháng giêng thì buộc 3 cái bánh gù lại với nhau để cúng tổ tiên”, chị Nhính nói.
Cùng với bánh gù, người Giáy thường làm 2 loại xôi màu và tùy vào dịp lễ tết để chọn làm xôi cho đúng phong tục. Tết nguyên đán, các gia đình lại chọn làm xôi màu tím. Màu xôi được lấy từ một loại lá rừng đem đun xôi rồi lấy nước ngâm với gạo nếp sau đó cho vào đồ.
“Ngày tết thì làm xôi một màu thôi, còn tết tháng 7 thì làm xôi 7 màu còn tết tháng 3 thì làm xôi 3 màu”, chị Nhính cho biết thêm.
Anh Nông Văn Trường ở thôn Tả Phời 1 cho biết, cùng với bánh gù, xôi màu, người Giáy còn có món khẩu nhục truyền thống. Món ăn được làm từ thịt ba chỉ lợn, nhưng rất cầu kỳ và mất thời gian. Thịt rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ sau đó vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều và cho thịt vào chảo mỡ nóng rán cho vàng đều mới vớt ra.
“Món khẩu nhục mình làm vào ngày tết thì theo phong tục người Giáy là để cúng ông bà tổ tiên vào mùng 1”, anh Trường nói.
Mâm cơm mừng năm mới của đồng bào Giáy nhà nhà sum họp quây quần, đầy đủ các món: bánh gù, xôi màu, khẩu nhục. Sau lời chúc tết của chủ nhà, chén rượu được nâng lên mọi người cùng chúc nhau sức khỏe…./.
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét