Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Bánh chưng... nhân cá, rượu... sâu chít


(Hình minh họa)
Bánh chưng bóc ra, không có màu xanh mà là màu trắng. Bởi vì đồng bào dân tộc Dao không gói bằng lá dong. Họ gói bằng lá chít. Nhân bánh thì cũng đậu, cũng hành, nhưng thay vào thịt lợn lại là… cá.
Rằm tháng Giêng, đồng bào dân tộc thiểu số mới ăn Tết theo tập quán riêng của dân tộc mình. Đã là Tết, ở đâu cũng có bánh chưng, có rượu. Nhưng bánh chưng và rượu của đồng bào dân tộc Dao quả là đặc biệt.
Gói bánh chưng nhân cá còn công phu hơn nhân thịt lợn rất nhiều. Người dưới xuôi thả lợn từ đầu năm để cuối năm có thịt ăn Tết, gói bánh thì người miền núi lại lo thả cá ngay từ đầu năm. Chủ yếu là cá chép. Cá gói bánh phải vào loại trên dưới 1kg. Cá được đánh vẩy, bỏ đầu, bỏ đuôi, chỉ lọc lấy thịt. Thịt cá được để ráo nước rồi ướp muối tinh cho đậm. Thường là mỗi tấm bánh chưng một con cá. Tính ra, nhân cá còn nhiều hơn nhân thịt lợn. Luộc bánh cũng ninh hàng chục tiếng đồng hồ và bánh cũng để dành được hàng tháng.
Ai đã lên rừng một lần, được ăn bánh chưng nhân cá của đồng bào dân tộc Dao sẽ suốt đời còn nhớ mãi cái thơm, cái bùi của bánh. Đặc biệt là càng ăn càng không thấy ngán.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng rừng núi khác, xuân về Tết đến không thể thiếu được rượu sâu chít. Chất "nước cay" này có hương vị thật đặc biệt và còn là một loại rượu bổ. Nó là món rượu quý đãi khách trong những ngày Tết, ngày xuân của bà con người dân tộc thiểu số.
Cây chít vào độ nở bông đã làm đàn bướm phải ngẩn ngơ. Đó cũng là mùa bướm đẻ trứng vào đọt cây chít. Đủ ngày đủ tháng, mỗi trứng bướm nở một con sâu màu trắng ngà, béo ngậy, gọi là sâu chít.
Cuối xuân, sâu chít trưởng thành, ấy là lúc bà con đồng bào dân tộc thiểu số thu lượm cây chít về bện chăn, làm đệm, làm gối, đồng thời tách đọt ra lấy sâu ngâm rượu. Mỗi lít rượu được ngâm khoảng 50 con. Ngâm đến khi rượu ngả màu ngà là uống được. Càng ngâm lâu càng tốt. Sâu càng ngấm, rượu càng thơm, càng bổ.

(Báo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét