Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Món giò ngày Tết


Món giò ngày Tết
(Vitinfo) - Trên mâm cỗ Tết xưa, món giò được xếp vào hàng một trong những món “mỹ vị”. Cùng với những món cổ truyền như bánh chưng, thịt gà, nem… những khoanh giò ngon, hấp dẫn vẫn là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày xuân.
Sau đây Vitinfo xin giới thiệu một số loại giò phổ biến thường được sử dụng trong bữa cơm hàng ngày cũng như trong những ngày lễ Tết.
Giò lụa
Thịt heo được chọn để làm giò lụa phải là thịt heo nạc loại ngon, thịt tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn (gọi là giò sống), nhấc chày lên thịt không còn dính. Thời nay, thịt được xay bằng máy nên nhanh hơn và không tốn nhiều công sức của người làm giò.
 Tuy nhiên, cây giò làm theo cách cổ truyền vẫn giữ được hương vị ngon khác so với cây giò xay bằng máy bởi người làm phải bỏ công sức nhiều hơn nên cũng chăm chút, chắt chiu nhiều hơn cho sản phẩm của mình. Nước mắm làm giò cũng phải chọn loại nước mắm ngon và thơm. Khi xắt ra, khoanh giò có màu trắng ngà, bề mặt có một vài lỗ rỗ mới là cây giò lụa ngon.
Giò bì
Giò bì là một món đặc sản của vùng đất Phố Xuôi (tỉnh Hưng Yên). Giò bì cũng được làm từ giò sống và bì heo xắt hạt lựu, gói thành những chiếc giò bé bằng ngón tay. Giò bì ngon là miếng bì phải trắng, sạch, luộc chín, xắt hạt lựu, trộn đều với giò sống. Miếng giò bì giòn sần sật, là món ăn lai rai của các đấng mày râu.
Giò gà
Giò gà cũng là món ăn rất hấp dẫn và dễ chế biến. Thịt gà phải chọn được thịt gà ta, lọc bỏ xương, giữ nguyên bản miếng thịt đã lọc, ướp gia vị, hạt tiêu rồi phết lên một lớp giò sống, đặt vài lát nấm thông (nấm hương) rồi cuộn miếng thịt gà vào. Giò gà được gói bằng lá chuối, được lót thêm một lớp lá chanh đúng với hương vị của món gà rồi đem hấp chín.
Bảo quản giò gà trong tủ lạnh để được trong 3-4 ngày. Món giò gà ít được chế biến để bán nhiều như các loại giò khác mà thường là món các bà nội trợ tự làm lấy cho gia đình.
Giò xào (hay giò thủ)
 Trong các loại giò, giò xào là món dễ làm hơn cả nên thường được các gia đình tự làm trong dịp Tết. Các nguyên liệu chính của giò xào là các bộ phận ở phần thủ của heo như: tai, mũi lưỡi, má heo… và không thể thiếu được mộc nhĩ. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, trần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào chín.
Sau khi gói giò xong cho vào ngăn mát tủ lạnh, chất dính của nguyên liệu xào sẽ keo lại. Giò xào ngon là cây giò gói chặt tay, các nguyên liệu xào không bị khô vì xào quá tay, ăn sẽ giòn và có mùi thơm của gia vị.
Giò bò
 Cũng chế biến như giò xào nhưng giò bò được cho thêm mỡ phần để ăn không bị khô. Cây giò bò ngon khi xắt ra có màu hơi hồng của thịt bò, thêm mỡ trắng. Đặc biệt vị cay và mùi thơm của hạt tiêu làm dậy mùi thơm đặc trưng của miếng giò bò.
Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò. Ngày Tết có rất nhiều món ăn, các bà nội trợ cần chú ý mua lượng giò vừa đủ ăn trong những ngày Tết và nên chọn mua ở những cửa hàng có uy tín, đảm bảo giò ngon và an toàn thực phẩm.

TD (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét