Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Tết Hà Nội xưa

Bài 1: Hoa và thú chơi hoa 
06/02/2011 07:34

LTS: Ngày 23 tháng Chạp, gia đình người Việt làm lễ đưa ông Công, ông Táo về trời, gói bánh chưng hay bánh tét, ngày 30 làm cỗ tất niên, sang năm mới đi chúc tết họ hàng người thân... Phong tục Việt Nam là vậy.
Tết Nguyên đán ở Thăng Long - Hà Nội cũng không khác biệt so với các tỉnh thành khác trên cả nước. Tuy nhiên vì là kinh đô lại là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương, nên Tết Thăng Long - Hà Nội có những nét riêng. Nhân đầu Xuân Tân Mão 2011, Báo Hànộimới xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về nét riêng của Tết Hà Nội xưa.


Chợ hoa Quảng An ngày Tết. Ảnh: Linh Tâm

Tương truyền từ đời vua Lý Thái Tông (1028-1054), Thăng Long hình thành Tam thập trại (Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên, Giảng Võ, Hữu Tiệp...) ở phía Tây kinh thành. Ngoài trồng lúa, các trại còn trồng rau quả và hoa cung cấp cho Long thành. Trong ca dao và tục ngữ Hà Nội có câu: "Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát /Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa /Hỏi người xách nước tưới hoa /Có cho ai được vào ra chốn này?".

Những vùng đất trồng hoa
Dù là câu ca dao về tình yêu nhưng qua đó cho thấy Ngọc Hà là vùng trồng hoa của kinh thành Thăng Long. Dưới triều Nguyễn (bắt đầu từ năm 1802), nhiều quan lại về hưu đã mua đất ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp trồng cây và hoa vui thú điền viên. Một câu ca dao khác tuy không "nhã" nhưng nói lên cây đào có từ lâu trên đất Hà Nội "Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế". Sử sách cũng chép Mai Động, Hoàng Mai và Bạch Mai xưa là vùng đất nằm ở phía Nam thành Thăng Long từng trồng giống mai trắng, mai vàng (vì thế mới có tên là Hoàng Mai và Bạch Mai). Vùng này có giống mai đặc biệt là song mai, hoa màu trắng nở một chùm hai bông. Những năm 80 thế kỷ trước cụ Mài ở xã Đông Mỹ còn giữ được nhưng nay thì song mai không còn.

Cuối thế kỷ XIX, một số nhà thực vật người Pháp đã lập ra Bách thảo để trồng thí nghiệm các loài cây (người dân quen gọi là Trại Hàng hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Ngoài trồng các giống cây bản địa, viên giám đốc còn cho nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ, quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Hoa nhập từ châu Âu gồm có: qillet (cẩm chướng), panse'e (hoa bướm), marquerite' (cúc vàng), violette (hoa tím)... Những luống hoa lợp kính đã tạo ra kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa. Giám đốc vườn thuê mướn dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp vào làm vườn. Ban đầu hoa trồng ở đây chỉ phục vụ những gia đình người Pháp trong các dịp sinh nhật, quốc khánh hay tiệc tùng. Nhờ có vườn Bách thảo mà dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp biết gây giống các loài hoa mới vì trước kia họ chỉ trồng: mẫu đơn, huệ, hồng, sói, cúc vạn thọ, ngâu, thiên lý... Những người đầu tiên trồng giống hoa mới là hai ông: Phạm Hữu Tỉnh và Trịnh Văn Quang. Hồi đầu thế kỷ XX, dân Ngọc Hà, Hữu Tiệp mang hoa vào phố rao nửa Tây nửa ta "La flơ bà đầm" (mời bà đầm mua hoa).

Chợ hoa
Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi chép: "Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông". Do biến cố lịch sử, bến Đông Bộ Đầu bị lấp và một phần chợ Cầu Đông xưa nay là chợ Đồng Xuân. Sau đó chợ hoa chuyển sang họp ở Hàng Lược. Chợ hoa Thăng Long có lịch sử lâu đời, ngoài bán hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng. Chợ hoa còn là nơi vui chơi thanh lịch và lưu giữ văn hóa truyền thống. Chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Sau ngày ông Công, ông Táo về trời chợ bắt đầu nhóm họp, nhưng nhộn nhịp nhất vào ngày 27 đến 30 Tết. Cúng tất niên vào trưa ngày 30 xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chợ hoa. Vì thế chợ hoa chiều và đêm 30 bao giờ cũng đông vui nhất. Những người cao tuổi ở vùng Nhật Tân bây giờ vẫn lưu truyền câu chuyện đi bán đào Tết. Ngày xưa, từ Nhật Tân xuống chợ hoa Hàng Lược không xa nhưng đường vắng lặng và heo hút, chỉ nhà nào có vườn lớn mới dám thuê xe tay còn lại vác vài cành chạy bộ. Vì phải bán hết hoa nên người bán đào thường về nhà muộn. Phòng bị cướp, người bán đào phải kẹp tiền vào bắp chân rồi quấn vải xung quanh, lại có người còn quấn vải trắng lên đầu như nhà có tang. Chỉ có dân trồng hoa Ngọc Hà và Hữu Tiệp là không lo lắng vì làng gần chợ hoa và có nhiều lính canh vì gần Tử cấm thành.

Bây giờ thì chợ hoa ngày Tết mọc lên khắp nơi, tiện thì có tiện nhưng nó nặng tính thương mại và mất đi ý nghĩa văn hóa.

Thú chơi hoa
Trong "Vũ trung tùy bút", Phạm Đình Hồ viết: Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả. Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà người Thăng Long - Hà Nội tìm một loài hoa phù hợp. Cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm vì thế những người có tâm hồn, những gia đình có truyền thống Nho giáo thích cắm cúc trong ngày xuân. Mẫu đơn là "thiên hương quốc sắc" và theo tích của Trung Hoa, mẫu đơn không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn của đám vương quyền để đem sắc đẹp, hương thơm ban rải cho mọi người. Vì thế mẫu đơn được nhiều nhà Nho khẳng khái ưa trưng trong ngày Tết. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, ăn ở như bát nước đầy nên các gia đình nền nếp thích mua. Cành hải đường cắm vào bình sứ Bát Tràng men xanh, loại men không khoe khoang, có chiều sâu sẽ càng làm tăng vẻ chín chắn, mặn mà. Hoa hồng thanh cao được chọn làm hoa để cúng ở chùa chiền, đền miếu và trên bàn thờ tổ tiên. Hoa thủy tiên trắng ngần tượng trưng sự tinh khiết, cao sang. Sự tích hoa thủy tiên trong dân gian Việt Nam cho thấy loài hoa này mộc mạc và chân tình. Song chơi thủy tiên rất cầu kỳ và mất thời gian nên phần lớn người có tuổi, kỹ tính mới chơi loài hoa. Trước Tết, người ta ra chợ Đồng Xuân mua củ sau đó cắt tỉa rồi cho vào bát men trắng và sau này thì cho vào cốc thủy tinh, nhà giàu sang cho vào lọ pha lê. Và chỉ có người nhiều kinh nghiệm mới biết cách làm cho hoa thủy tiên nở hàm tiếu đúng vào sáng mồng Một Tết. Ban đầu chỉ là thú chơi riêng lẻ, những người chơi thủy tiên hợp nhau và tiến tới ngày hội của loài hoa này. Hội hoa thủy tiên được tổ chức vào dịp Tết tại đình làng Yên Phụ, Ngũ Xã, đền Bạch Mã (nay nằm trên phố Hàng Buồm) và Văn Miếu. Trong sách "Dư địa chí" Nguyễn Trãi viết về thú chơi hoa đất Thăng Long không nhất thiết phải là loài hoa độc đáo, đắt tiền mà "phú quý lòng hơn phú quý danh".

Từ ngày có vườn Bách Thảo, hoa ở Hà Nội phong phú hơn và thú chơi hoa cũng đa dạng hơn. Tiếp nhận văn hóa chơi hoa từ người Pháp đầu tiên là những người làm sở Tây, thanh niên du học về, trí thức có tư tưởng và những gia đình giàu có. Không chỉ bày lọ hoa ở bàn tiếp khách ngày Tết, ngày thường họ cũng trưng hoa và đi với hoa là salon Tây. Những người có đức tính thủy chung thích chơi hoa violette, ai vui vẻ, hớn hở thì chơi hoa bướm. Song nói đến chơi hoa trên đất Thăng Long - Hà Nội, không thể bỏ qua hoa đào. Ngày Tết, người Hà Nội xưa và nay đều thích chơi đào và dù có chơi các loài hoa khác thì trong nhà vẫn phải có đào. Vì sao lại là đào mà không phải hoa khác? Về hình thức, cành đào hay cây đào thế là biểu trưng cho mùa xuân vì có lá, nụ, hoa và cả quả non. Trong tranh dân gian, bộ tranh tứ bình vẽ 4 loài hoa trong năm thì hoa đào đại diện cho mùa xuân. Chơi đào cũng không cầu kỳ như chơi thủy tiên, hết Tết đào cũng vừa tàn. Thông qua việc chọn đào, người ta cũng gửi gắm mong muốn vào trong đó, ví dụ mong muốn gia đình đoàn tụ người chọn thế Long giao, muốn con cái phương trưởng người ta chọn cành hình nơm. Đào là khí dương nên chơi đào bích, đào phai, đào thất thốn hay đào bạch thì đều rực khí dương trong nhà. Nếu Tết nào rét ngọt, sắc hồng của đào bích sẽ làm ấm thêm gian nhà và kéo các thành viên lại gần nhau. Về tâm linh chơi đào còn để trừ ma quỷ. Chuyện rằng, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc có một cây hoa đào lâu đời, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy đầy quyền uy trú ngụ ở đây che chở cho dân chúng khắp vùng. Thế nên ma quỷ không dám bén mảng, chỉ nhìn thấy hoa đào là chúng bỏ chạy. Như các vị thần khác dưới trần, cuối năm hai vị này cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Lợi dụng hai thần đi vắng, ma quỷ đã đến quấy nhiễu. Vì thế để ma quỷ khỏi quấy phá, vào ngày Tết, dân chúng đã bẻ cành hoa đào cắm trong nhà, còn ai không bẻ được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai thần dán trước cửa để xua ma quỷ.

Người anh hùng áo vải Quang Trung sau khi đập tan quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789) đã cho ăn Tết lại, đồng thời cho trung thần phi ngựa mang cành đào vào Phú Xuân như món quà Tết và cũng là báo tin chiến thắng cho vợ yêu là Ngọc Hân, người con gái Thăng Long. Câu chuyện trong lịch sử ấy cho thấy hoa đào có ý nghĩa như thế nào đối với Thăng Long - Hà Nội. Chơi đào không chỉ vào dịp Tết mà ngay từ rằm tháng Chạp, nhiều người đã mua đào, chơi đến giáp Tết thì thay cành mới. Ra Giêng, họ mua những nhánh đào mà nụ chưa kịp nở chơi nốt cho kiệt vụ đào. Thú chơi đào 3 lần vẫn còn đến ngày nay.

Chơi hoa gắn liền với chơi chậu, đôn, lọ. Hoa nào đi với chậu nào, lọ nào, bình nào và màu men ra sao. Hoa đẹp nhưng cắm trong lọ không ăn nhập với màu hoa sẽ trở nên cọc cạch có khi vô duyên.

Nguyễn Ngọc Tiến
 
Bài 2: Cầu kỳ cỗ Tết 

(HNM) - Cỗ Tết trên đất Việt Nam nói chung không khác nhau bao nhiêu, tuy nhiên cỗ Thăng Long - Hà Nội, ngoài điểm chung lại có những khác biệt. Sự khác biệt là ở chỗ, sản vật ngon khắp miền đất nước đổ về và nữa, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ cư dân các vùng miền, vì thế ẩm thực cũng theo họ và qua thời gian được sàng lọc, chưng cất những tinh túy nhất.
Thăng Long - Hà Nội là nơi đến của tàu buôn các nước nên tiếp nhận một phần ẩm thực của thế giới. Song, điều đáng nói là bàn tay chế biến khéo léo của người Thăng Long - Hà Nội khiến mâm cỗ thi vị hơn, thanh lịch và sang trọng hơn.
Mâm cỗ Tết Hà Nội đủ 6 bát 8 đĩa.
Mâm cỗ tất niên của gia đình Hà Nội xưa không thể thiếu món nem rán bên cạnh các món truyền thống. Nem gồm có thịt lợn băm nhỏ, trộn với trứng, mộc nhĩ và nấm hương, thêm chút miến hay một chút giá, cuốn lại bằng bánh đa gạo, sau đó rán lên. Song, có một thứ rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến mùi và vị của nem, đó là nước mắm. Nước mắm dù thế nào cũng phải là ngon và thơm. Nước chấm nem gồm nước mắm pha với nước lọc, một chút đường phèn, dấm và ớt thái nhỏ. Khi ăn có thể cho thêm dưa góp gồm xu hào, cà rốt thái hình con giống. Cỗ Tết Hà Nội có mấy loại, nhà bình dân thì 4 bát 6 đĩa, nhà giàu làm 6 bát 8 đĩa. Cỗ 6 bát 8 đĩa là cỗ to, 6 bát gồm: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa là: gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà và cá trắm đen kho. Món cá trắm đen kho cũng rất cầu kỳ và mất công, ngoài riềng, xả, ớt, người ta còn cho cả nước chè tươi, nước dừa và mỡ gà. Vì sao lại là cá trắm đen mà không phải là cá chép? Trắm đen là loài cá thuần Việt, mình dày và chắc thịt, kho với nước chè xanh, khúc cá rắn lại, khi gắp ra đĩa khúc cá vẫn nguyên, trông vừa ngon mắt vừa tôn trọng khách mời. Trong bữa cỗ tất niên của các gia đình Thăng Long - Hà Nội không thể thiếu đĩa xôi gấc. Nhà cầu kỳ còn đóng xôi trong khuôn cho sang. Đĩa xôi không dừng ở xôi thuần túy mà phải là xôi gấc với màu đỏ, màu của sự may mắn. Trong mâm cỗ cúng sáng mồng một, không thể thiếu bát măng lưỡi lợn ninh với móng giò, giò tai, bát canh bóng nấu với tôm he, miến nấu lòng gà, bên trên có vài cọng rau thơm trồng ở làng Láng, bát mọc nấu, đĩa cá trắm kho, trứng muối và hạnh nhân. Gia đình khá giả hơn có thêm bát vây yến. Theo cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, cỗ tất niên Thăng Long còn có đĩa thịt khỉ. Sau này không thấy có món thịt khỉ trong ngày Tết nữa. Cũng như các vùng miền khác, cỗ to đến mấy đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết không thể thiếu cốc nước mưa trong. Cốc nước là sự bày tỏ tấm lòng thanh bạch trước tổ tiên.

Không chỉ chú trọng đến chất lượng, cỗ Tết Thăng Long - Hà Nội rất chú ý đến hình thức của nguyên liệu. Ví dụ thái bóng để nấu canh không phải thái thế nào cũng được mà phải thái hình bình hành, xắt xu hào theo hình chữ nhật và pha thêm cả cà rốt để đĩa xào bắt mắt hơn. Đĩa thịt gà luộc chặt ra bày lên đĩa phải úp ngược để màu vàng của da gà lộ ra mới là đúng kiểu. Hoặc đơn giản như hành củ cho vào canh cũng phải chia cọng sao cho đều và cho vào làm sao để khi múc bát canh, lá hành vẫn còn nguyên mà lại không sống. Ngày xưa sắm đồ nấu cỗ Tết không chỉ ở chợ Cầu Đông, "cái dạ dày" của kinh đô mà măng, miến ngon còn có thể mua ở Hàng Buồm và Hàng Ngang.

Cũng như cỗ Tết ở các vùng miền khác, cỗ Tết Thăng Long - Hà Nội không thể thiếu bánh chưng. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, bánh chưng từ thế kỷ XV về trước có hình trụ, giống như bánh tét ở Nam bộ ngày nay, ở giữa có nhân đậu và thịt, khi ăn xắt từng khúc. Loại bánh chưng hình trụ hiện vẫn còn ở vùng Cổ Loa và các xã lân cận của huyện Đông Anh. Bánh chưng Thăng Long - Hà Nội với chất liệu vẫn là nếp, thịt, đậu nhưng người Thăng Long - Hà Nội xưa chế biến có khác. Nhân đậu được đồ chín, sau đó đánh cho tơi rồi chia đều thành từng nắm. Bánh chưng sau khi vớt ra, ngâm vào nước lạnh, rồi ép hết nước sau đó lại gói thêm lá dong tươi, buộc lạt đỏ bày lên mâm rất đẹp mắt. Bánh chưng Thăng Long - Hà Nội xưa gói nhỏ để vừa mép đĩa mai (đĩa có hình cây mai). Người Thăng Long - Hà Nội không gói bánh chưng nhân mật hay bánh chưng nhân hành. Lại có nhà cầu kỳ gói bánh chưng gấc. Bánh chưng gấc có mùi thơm và ngọt thanh khi cắt ra, vô cùng hấp dẫn vị giác. Gấc là loại thuốc làm cho sáng mắt nên bánh chưng gấc thường dành cho người cao tuổi.

Ngày thường có thể dùng mâm gỗ mộc để ăn cơm nhưng ngày Tết dứt khoát phải bằng mâm gỗ son. Loại mâm có chữ hỷ và thếp vàng xung quanh. Nhà sang hơn thì dùng mâm đồng với nhiều họa tiết được chạm trổ cầu kỳ. Bát múc canh không phải là loại bát có đường kính miệng lớn mà là bát chiết yêu - loại bát nhỏ vừa phải, hẹp dần từ giữa bát xuống đáy. Dùng bát chiết yêu và đĩa cây mai làm cho bữa cỗ thanh hơn.

Vì dùng bát to sẽ bị thiên hạ chê cười cho là "ăn thùng, uống chậu".

Do điều kiện kinh tế và cộng thêm các yếu tố khác, cỗ Tết Thăng Long - Hà Nội có sản vật của rừng núi, của đồng bằng và của biển cả. Cỗ Tết Thăng Long xưa to và cầu kỳ hơn bây giờ nhiều. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn (gốc làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) sống ở phố Hàng Lam (nay là Hàng Ngang) từ cuối đời Lê ghi lại, cỗ Tết to đến mức vua Lê phải ra lệnh cấm dân thành Thăng Long không được làm cỗ to. Nay cỗ Tết Hà Nội không còn cầu kỳ như xưa nữa.

Nguyễn Ngọc Tiến 
 
Bài 3: Rượu xuân 

NM) - Rượu không chỉ để cúng lễ hay uống vào ngày Tết mà còn được sử dụng cả ngày thường. Ngày Tết, dù mâm cao cỗ đầy, nhưng thiếu rượu thì không ra cỗ. Trên bàn thờ khi làm lễ dâng cúng tổ tiên không thể thiếu rượu vì người Việt quan niệm "trần sao âm vậy" và "thắp hương 3 nén, rót rượu 3 đài".
Điệu múa “Mời rượu ngày xuân” của dân tộc Thái. Ảnh: Lê Quân

Thăng Long nổi tiếng về nấu rượu ngon. Trong sách "Dư địa chí", Nguyễn Trãi ghi nhận, phường Thụy Chương nấu rượu ngon có tiếng. Ngon đến mức Phật cũng không cưỡng lại được cho dù trong giáo lý "ngũ giới" của nhà Phật có "giới tửu" (cấm rượu). Tương truyền Phật đã nhiều lần uống say, nên dân vùng này đã cho dựng tượng Phật say ở chùa Đõ (nay chùa này không còn). Có lẽ vì thế trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

Làng Võng (Võng Thị ngày nay) bán lợn bán gà
Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) nấu rượu la đà cả đêm.


Nằm cạnh Hồ Tây với hoa sen thơm ngát nên Thụy Chương cũng nổi tiếng khắp kinh thành với loại rượu nhụy sen. Một vùng đất khác cũng nấu rượu rất nổi tiếng, đó là Kẻ Mơ.

Em là con gái kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành...
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.


Trong dân gian lưu truyền "Rượu làng Mơ, thơ làng Lũ" (Kim Lũ, quận Hoàng Mai nổi tiếng có nhiều người làm thơ hay trong đó phải kể đến Nguyễn Siêu). Một câu khác là "Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch" (làng có nhiều người chơi cờ tướng giỏi ở huyện Bình Giang, Hải Dương), điều đó cho thấy rượu Mơ không chỉ có tiếng ở Thăng Long mà còn có tiếng vang khắp thiên hạ. Phía Tây nam thành Thăng Long có làng Vọng (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) nấu rượu rất ngon, ngoài ra trong ca dao tục ngữ còn nói đến rượu làng Ngâu (nay là Yên Ngưu, Hoàng Liệt, huyện  Thanh Trì), làng Thổ Khối (Gia Lâm). Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi cũng nhắc đến rượu sen, rượu cúc như đặc sản lâu đời của Thăng Long.
 
Trưng bày rượu cổ truyền tại Lễ hội Câu đối, Hoa và Đồ uống Tết.

Trước rằm tháng Chạp, dân kinh thành đã mua rượu chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo về trời. Nhà bình thường thì đợi các cô bán rượu làng Thụy, làng Mơ gánh be sành đi qua mua đầy chóe dùng đủ cho ngày Tết. Nhà giàu không mua rượu rong mà  đặt, rượu phải được nấu bằng nếp trồng ở Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai). Người bán mang đến tận nhà và họ cho vào các nậm sứ, nhà giàu đựng bằng nậm bạc. Khác với nhiều vùng, dân thành Thăng Long còn mua rượu nếp, dành cho đàn bà, cho con trẻ. Ngày Tết ăn bát rượu nếp cho gương mặt hồng hào có sắc khí. Có nhiều phường nấu rượu ngon nhưng người Thăng Long cũng sành uống rượu, biết tửu lượng của mình mà uống đủ nóng mặt để thêm hứng với sắc xuân, không để ma men làm mất lý trí cho thiên hạ chê cười. Trong cỗ tất niên hay tân niên, con cháu chúc ông bà sức khỏe và trường thọ cũng chỉ dùng loại chén nhỏ, uống tạo ra sinh khí trong bữa cơm, cho câu chuyện thêm rôm rả. Trong "Vũ Trung tùy bút", Phạm Đình Hồ ghi nhận tục đẹp của người Thăng Long: "Khi nào có khách cần thết rượu thì dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái mà uống vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là đắm say".

Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497), Bộ luật Hồng Đức được ban hành. Đây là bộ luật đầu tiên của Việt Nam, có nhiều điều khoản với mục đích bảo vệ chế độ vương quyền và duy trì  Nho giáo của nhà Lê. Luật Hồng Đức quy định dân chúng phải duy trì thuần phong mỹ tục của Đại Việt, đàn ông không được uống rượu say. Uống rượu say bị coi là phàm tục và  tùy theo mức độ có thể bị phạt tới cả trăm roi nên các đệ tử của Lưu Linh chỉ uống đủ là thôi. Năm 1811, vua Gia Long ban hành "Hoàng Việt luật lệ" (còn gọi là Luật Gia Long) cũng có điều khoản cấm đàn ông uống  say trong hội hè, lễ tết. Có lẽ vì thế mà Thăng Long không có đám "ngưu tử".

Thế kỷ XVIII và XIX, sỹ phu Bắc Hà ăn tết "trùng cửu", trước Tết này là mùa thu nên hoa cúc nhiều và Kẻ Mơ đã chế ra thứ rượu cúc thơm nhẹ, uống vào thấy người bay bay, thế nên mới có "Thu ẩm hoàng cúc hoa". Rượu này còn được dùng trong dịp Tết của sỹ phu. Có một điều rất ít người biết là đầu thế kỷ XVIII, người Thăng Long - Hà Nội đã uống rượu vang trong ngày Tết, tất nhiên chỉ là các gia đình giàu có. Rượu nho này làm ở Bồ Đào Nha đưa sang Ma Cao, rồi được các nhà buôn đưa sang Việt Nam.

Năm 1895, Pháp xây nhà máy rượu trên đất của hai thôn Cảm Ứng và Hòa Mã. Chủ hãng rượu tên là Fontaine. Nhà máy sản xuất ra các loại rượu trắng 35o, rượu cúc hay ngũ gia bì. Cũng từ  năm 1890  đến 1900, phố Hàng Than có 2 nhà máy rượu của chủ Tây là Wurhlin chuyên sản xuất rượu nếp đóng chai với công suất 500 lít/ngày và Denoc sản suất rượu Rhum bằng mật mía. Rượu đóng chai ra đời nên các cô bán rượu rong bị ế và mất dần. Năm 1933, lấy cớ rượu nấu theo kiểu thủ công trốn thuế nhà nước nên chính quyền ra lệnh cấm, vì thế rượu truyền thống bỗng nhiên thành thứ quốc cấm và cái tên rượu quốc lủi ra đời. Ngày Tết, người dân Hà Nội ghét Tây vẫn lén mua rượu quốc lủi để thờ tổ tiên và uống.

Nguyễn Ngọc Tiến 
 
Bài 4: Thú chơi chữ và câu đối 

(HNM) - Văn hóa Việt Nam lưu truyền phong tục treo bùa "Đào phù" (hay bùa đào) trước cửa, ma quỷ trông thấy giấy đỏ tưởng hoa đào nên không dám đến. "Đào phù" vẽ hai vị Thần Đồ và Uất Lũy trên giấy hồng điều. Dần dần, người ta thay "Đào phù" bằng câu đối viết trên giấy hồng điều, vừa xua được ma quỷ lại bày tỏ được mong muốn của họ.
Phố ông đồ Hà Nội dịp Xuân Tân Mão. Ảnh: Bá Hoạt
Hoàng Sĩ Khải đỗ tiến sỹ năm 1554, làm quan lên đến chức Thượng thư kiêm Tế tửu Quốc tử giám triều Mạc đã làm bài thơ bằng chữ Nôm dài 336 chữ “Tứ thời khúc vịnh”, trong có câu: “Chung Quỳ (tranh) khéo vẽ nên hình/bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà”. Thế kỷ XV, thú chơi câu đối tết phổ biến khắp thành Thăng Long, không chỉ có tầng lớp “sĩ, công, thương” mà cả những người làm nghề nông cũng treo. Câu đối treo từ nhà quan, các cửa hàng buôn bán đến nhà dân. Tương truyền, một năm, gần đến giao thừa, vua Lê Thánh Tông vi hành quanh Thăng Long xem con dân của mình ăn tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối, hỏi mới biết đó là nhà một người ở phường nhuộm vải, đã góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút, rồi tự tay mài mực và viết: “Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ/Triều đình chu tử tổng ngô gia (Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ/Đỏ tía triều đình tự cửa ta)”.

Viết câu đối thường là các bậc túc Nho hoặc người hay chữ. Thời nhà Mạc, vua lệnh chỉ không dùng chữ Hán (hay còn gọi là chữ Nho) mà phải dùng chữ Nôm (do người Việt sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán). Khi nhà Mạc thất thế, phải chạy khỏi Thăng Long, chữ Nho được dùng trở lại. Sở dĩ nhiều người dùng chữ Nho vì chữ Nôm khó hơn. Nhưng đến triều Nguyễn, người có học hoặc đỗ đạt cao thích dùng chữ Nôm. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều bằng chữ viết của dân tộc. Ở đền Ngọc Sơn (thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và Quan công), sau khi Nguyễn Siêu đứng ra tu sửa lại đã cho xây một bể dùng để đốt chữ. Hằng ngày có người đi khắp 36 phường ở Thăng Long lượm các giấy có chữ Hán, chữ Nôm bỏ đi mang về đốt vì người ta cho rằng chữ Nho hay chữ Nôm là chữ thánh hiền, không thể để dân giẫm đạp lên.

Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đưa ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối cụ viết hiện còn lưu giữ thì 47 câu đối bằng chữ Nôm. Cụ viết cảnh tết của một nhà nghèo với tinh thần hết sức lạc quan qua giọng điệu hài hước:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Hay: Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.


Những câu đối kèm theo chữ đại tự cũng được viết trên giấy đỏ treo trên tường, ví dụ như “ Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông nhớ đến nguồn), “Đức lưu quang” (Đức chan hòa ánh sáng). Ngoài viết câu đối, các ông đồ còn viết chữ mừng xuân theo yêu cầu của người xin chữ. Thường là chữ: Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc Đức, Phú, quý, lộc... Nhà nào không hạnh phúc thì các ông đồ cho chữ Bình, ai nóng vội, “Dục tốc bất đạt” thầy cho chữ Nhẫn. Các chữ này được viết to hết khổ giấy. Cuối thể kỷ XIX, có thầy đồ viết chữ móc máy Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải theo Pháp, đêm 30 tết mang dán trên tường nhà Hoàng Cao Khải (nay là Sứ quán Trung Quốc). Nửa cuối thế kỷ XIX, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc, trước gọi là Hàng Bút (còn phố Hàng Bút hiện nay xưa là phố Hàng Mụn) chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Tầu. Cạnh các cửa hàng này, các ông đồ cũng trải chiếu và bán câu đối, hay chữ đã viết sẵn, ai không thích thì đọc chữ hay trình bày mong muốn để thầy tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều. Song nhà có tang phải dùng giấy màu vàng hay màu xanh lục. Một bài báo đăng trên tờ Tương lai Bắc Kỳ năm 1889 mô tả: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào dịp gần tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”. Chữ Hán mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống từng bán cả câu đối tết.

Nguyễn Phan Lãng là một nhà Nho tích cực trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án rồi đầy ra Côn Đảo. Đầu thập kỷ 2 thế kỷ trước, mãn hạn tù, ông về phố Thuốc Nam (nay là phố Hàng Da) viết chữ, câu đối tết kiếm ăn. Khi chữ Quốc ngữ được trọng, chữ Pháp dùng trong công sở thì người xin chữ và viết câu đối tết ở Hà Nội thưa dần, ông đã làm thơ về sự sa sút của Nho học. Tuy nhiên, bài hay nhất và ý nghĩa nhất về đề tài này là “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, đăng trên báo Tinh hoa vào năm 1936:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
...Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Dăm bảy năm nay, Hà Nội lại xuất hiện thú xin chữ thầy đồ trước Tết. Không chỉ "cho" chữ, không ít người còn nhờ thầy viết câu đối. Thật là mừng khi văn hóa chơi chữ và câu đối của Kinh thành Thăng Long sống lại.

Nguyễn Ngọc Tiến 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét