Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Về quê chơi đu tiên

 
VIT -Trò chơi Đánh đu (gồm nhiều loại như Đu tiên, Đu vân xa, v.v…) là một trò chơi dân gian của đồng bằng Bắc bộ. Chơi đu thường được tổ chức vào các dịp lễ tết, hội hè.
Tên gọi "Trò đu tiên" xuất phát từ cây đu tiên mô phỏng cái guồng (cọn) chuyển nước. Trên bãi ruộng rộng, người ta trồng 2 cột gỗ, ở phần giữa cột có một trục gỗ bắc ngang, có một bánh xe gỗ xuyên qua trục và quay được như guồng nước.
Cây đu tiên với 06 bàn ngồi
Một cây đu tiên có thể đóng được 4 đến 6 bàn ngồi. Các bàn bố trí cách đều nhau. Người chơi ngồi trên bàn, thường xen kẽ một nam một nữ hoặc chỉ có nữ. Khi khởi động, phải có một người đẩy, sau đó người chơi luân phiên lấy chân mình đạp đất đẩy đu chuyển đều. Vòng quay có thể mỗi lúc một nhanh, tuỳ theo ý thích của người chơi. Những người chơi đu đều mặc quần áo ngày hội, nhiều màu sắc nên lúc đuôi áo hay thắt lưng bay, ở xa trông như tiên múa. Trò chơi dân gian này chủ yếu dành cho phụ nữ.
Lấy  chân  đạp đất đẩy đu
Ngày nay, "trò đu tiên" được tổ chức khá phổ biến và quy mô ở một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Cao Bằng...hay ở các làng xã tỉnh Thanh Hoá, Hà Tây... đơn giản  chỉ là dựng cây đu cho các em nhỏ cùng thanh niên trong làng vui chơi trong ngày tết. Đó cũng là những chương trình hết sức ý nghĩa không những tạo sân chơi lành mạnh mà còn góp phần tạo dựng nét văn hoá dân gian trong mỗi thế hệ.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc vui tươi của các em với "trò đu tiên" huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Vui xuân Mậu Tý.
Niềm vui trên gương mặt lũ trẻ
 
Háo hức chờ tới lượt ngồi đu 
Người lớn hay trẻ con cũng chung một niềm vui, hy vọng niềm vui của các em sẽ là sự khởi sắc tốt lành suốt cả năm. Và giá trị của những trò chơi cổ truyền sẽ được lưu truyền cùng thời gian.
Tra My

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét