Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

4 món ăn từ hải sâm tư thận, tráng dương


(SKDS) - Hải sâm là thực phẩm cao cấp, tính chất bổ dưỡng gần như nhân sâm. Trong Đông y, hải sâm là vị thuốc quý nên thường dùng bổ thận, tráng dương, ích tinh, thông trường, nhuận táo, chữa các chứng suy nhược, thường bồi bổ cho bệnh nhân vừa ốm dậy. Có thể phối hợp với một số vị thuốc khác, nhất là các vị thuốc bổ âm, để điều trị âm suy, làm cho chân âm mạnh lên, quân bình với dương, người khỏe mạnh.
Một số món ăn - bài thuốc từ hải sâm tốt cho nam giới 
Nấm - hải sâm - tôm he: hải sâm đã ngâm nở 200g, tôm he 100g, trứng gà 3 quả, nấm đông, măng tre, thịt gà chín thái sợi, bột thịt hun một ít, mỡ hoặc dầu, rượu trắng, mì chính, muối, bột mì, nước luộc gà, hành, gừng lượng vừa đủ. Lấy 1 lòng trắng trứng gà đánh bông rồi trộn với bột mì. Nấm, măng chần qua nước sôi, để nguội vắt kiệt nước, trộn đều với thịt gà, cho thêm muối, mì chính, rượu trộn đều. Dùng muôi hình bầu dục tráng một lớp mỡ lớn rồi cho nửa muôi nước hồ trứng bột, lấy 3 thứ (nấm, măng, thịt gà) đã thái nhỏ làm nhân rồi phủ lên một lớp bột trứng nữa thành hình quả trứng, rắc bột thịt hun lên cho vào chảo mỡ lợn rán nhỏ lửa (khoảng 10 chiếc bánh) rồi gắp ra.
 
Tôm he bóc vỏ rửa sạch, xắt khúc, cho muối, rượu, bột và lòng trắng trứng gà vào xào qua. Hải sâm thái hình lá bài, chần qua nước sôi rồi vớt ra, cho mỡ lợn vào chảo, khi mỡ sôi cho hành hoa, bột gừng vào chảo đảo lên cho nước luộc gà, rượu, muối, mì chính, hải sâm, trứng đánh bông, tôm bao, nước khiếm thảo và mỡ gà vào chảo, bột trứng bọc ngoài, bên trong có hải sâm, tôm; rồi lấy ra ăn. Cách ngày làm một lần, mỗi liệu trình là một tháng. Công dụng: tư thận tráng dương, chứng thận dương bất túc. Chứng này phần nhiều do bẩm sinh bị thiếu hoặc do bệnh mạn tính làm thận dương hư suy, hạ tiêu không được ôn dưỡng, xuất hiện âm lãnh làm xuất tinh chậm, sắc mặt tái xám, mệt mỏi.
Hải sâm nấu thịt dê: hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Trước tiên, bỏ phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước thuốc, cho thịt dê, hải sâm (đã rửa sạch) và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi thịt dê nhừ là được, bắc ra thêm gia vị vừa đủ là có thể dùng được. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, điều trị chứng liệt dương, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.
Hải sâm hầm táo đỏ đảng sâm: táo đỏ 10 quả, đảng sâm 10g, hải sâm 50g, nấm mèo 30g, cà rốt 100g, rượu 10ml, gừng 5g, muối 5g, hành 10g, nước luộc gà 300ml, dầu ăn 50g. Táo đỏ bỏ hạt, nấm mèo, hải sâm ngâm cho nở, thái miếng, cà rốt thái khúc khoảng 4cm, hành thái khúc, gừng đập giập. Để chảo nóng rồi đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm rồi bỏ hải sâm, rượu, muối, đảng sâm, táo đỏ, nấm mèo, cà rốt vào xào đều, đổ canh gà vào, vặn lửa nhỏ hầm cho chín. Ngày ăn một lần, mỗi lần ăn 25g hải sâm. Công dụng: Bổ khí huyết, thêm tinh ích tủy.
 Hải sâm hầm nấm hương, mộc nhĩ bổ thận ích tinh, bổ âm, nhuận táo.
Hải sâm hầm nấm hương, mộc nhĩ:
hải sâm 100g, gừng 5g, tỏi 5g, dầu ăn 10g, xì dầu 5g, muối ăn 5g. Nấm hương, mộc nhĩ đem ngâm trong nước ấm, sau đó rửa sạch, cắt vụn. Hải sâm ngâm trong nước ấm khoảng 3 giờ rồi rửa sạch, cắt lát. Cho dầu ăn vào đun nóng rồi bỏ hải sâm vào xào, cho xì dầu, tỏi, gừng đã đập, muối ăn vào xào, đảo vài phút. Thêm nấm hương, mộc nhĩ và một lượng nước vừa phải, đậy nắp nồi lại, đun lửa nhỏ, hầm cho đến lúc hải sâm, nấm hương, mộc nhĩ chín nhừ thì thêm gia vị, muối ăn vừa ăn là được. Mỗi ngày chia làm hai lần, ăn liên tục từ 5 - 7 ngày. Công dụng: bổ thận ích tinh, bổ âm, nhuận táo. Thích hợp với người bị ung thư tiền liệt tuyến sau phẫu thuật, bị tổn hư và trong thời gian hóa liệu, xạ liệu, bị giảm bạch cầu.       
BS.  Phó Đức Thuần

Hải sâm tăng cường sinh lực

Thứ Sáu, 08/06/2012 14:15
Hải sâm (Stichopus japonicus Sel) thuộc họ Holothuridae, gọi theo dân dã là sâm biển, dưa biển, đỉa biển, là một loại động vật không xương sống. Thuộc ngành động vật da gai, có cơ thể dạng ống dài, gần giống hình quả dưa, bộ da mềm phủ đầy gai bướu, sống ở biển, thích nghi với điều kiện nước chảy mạnh ở vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm.
Trong y học cổ truyền, hải sâm được coi là một vị thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh, nhuận táo, có tác dụng không kém vị nhân sâm nên được mệnh danh là “nhân sâm ở biển”. Nó còn được dùng để cầm máu, tiêu đờm, chữa thần kinh suy nhược, viêm phế quản, ho, mụn nhọt. Cách chế biến và sử dụng hải sâm như sau:
 Hải sâm
Hải sâm bắt về, mổ bỏ ruột, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Tốt nhất là loại có màu đen, thịt quánh dính. Dược liệu có vị mặn, tính ấm, thường được dùng dưới dạng nướng giòn, tán nhỏ thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 - 10g với nước ấm hoặc rượu. Hải sâm đã được bào chế cùng với 3 loại: rắn hổ mang, cạp nong hay cạp nia và rắn ráo dưới dạng rượu ngâm lấy tên là “Rượu hải sâm - tam xà” được dùng làm thuốc bổ, tăng cường sinh lực, mạnh gân xương.
Người ta dùng hải sâm dưới dạng thuốc đơn thuần hoặc chế biến thành thức ăn - vị thuốc như sau:
Dùng cho người lao phổi: hải sâm 500g; bạch cập 250g; mai rùa 1 cái, nướng giòn. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 25g với nước ấm.
Chữa cơ thể nhiệt táo: hải sâm 30g, mộc nhĩ 30g, thái nhỏ, nhồi vào một khúc ruột già lợn, luộc cho chín nhừ. Ăn trong ngày.
Thuốc bổ khí huyết, hạ huyết áp: hải sâm 50g, thái miếng; tỏi 30g giã nhỏ; gạo 100g vo sạch. Tất cả nấu chín nhừ thành cháo. Ăn làm 1 lần trong ngày vào buổi sáng.
Thuốc bổ gan, thận: hải sâm 50g, đỗ trọng 5g, cho vào nồi cùng với 100ml nước luộc gà, ít gừng, hành, muối. Nấu cho nhừ thịt, ăn làm 1 lần trong ngày.
Chú ý: Tránh nhầm lẫn hải sâm với “thủy hoài sâm” (cùng được gọi là hải sâm) - một loại nấm men phát triển trong nước chè, được dùng làm nước uống giải khát.
DS. Hữu Bảo

Rượu hải sâm - Thuốc quý cho cả hai giới


Trong các vị thuốc quý có nguồn gốc động vật được phát hiện ở biển Việt Nam, trước hết phải kể đến hải sâm (Holothuria). Sở dĩ có tên như vậy, vì nó là một vị thuốc quý, được đánh giá như nhân sâm, và lại sống trên biển, nên có tên hải sâm. Trong dân gian, hải sâm còn có tên đỉa biển, dưa chuột biển, nhím biển. Với rượu hải sâm, hoặc hải sâm phối hợp với hải  mã, dùng tốt cho các bệnh  suy giảm sinh dục của cả hai giới. Với đấng mày râu, hải sâm chống được chứng di tinh, tảo tiết. Với phái đẹp, hải sâm chống chứng lãnh cảm, dửng dưng…
Chế biến hải sâm
Trước hết đem rửa sạch bùn đất bên ngoài, sau đó dùng một ngón tay hoặc một đoạn gỗ nhỏ, ấn vào miệng hải sâm, rồi đẩy nhẹ để lộn toàn bộ phía bên trong ruột ra phía ngoài. Vứt bỏ hết các bộ phận bên trong. Rửa sạch kỹ, rồi  đem hải sâm tẩy mùi bằng dịch gừng/rượu (1kg hải sâm/200g gừng tươi/300ml rượu trắng 35- 40 %). Đem gừng tươi rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, thêm rượu, trộn đều. Sau đó cho hải sâm vào, bóp đều. Để 30 phút, thỉnh thoảng đảo lại cho đều. Sau đó, lấy hải sâm ra, bỏ sạch gừng, rượu. Để khô se, rồi có thể tiến hành theo hai cách sau:
 Hải sâm.
Ngâm rượu hải sâm tươi: Đem hải sâm đã chế ở trên cắt thành miếng nhỏ, rồi ngâm trong rượu dược dụng có nồng độ 60%. Có thể tiến hành với tỷ lệ một hải sâm năm rượu, trong 3 tháng, chiết lấy dịch rượu lần một. Ngâm tiếp hai lần nữa, với lượng rượu giảm dần một phần hải sâm, bốn phần rượu và ba phần rượu, tính theo khối lượng/thể tích, thời gian cũng  giảm dần, 2 tháng (lần 2), 1 tháng (lần 3). Trộn đều rượu chiết của ba lần lại. Để lắng, gạn bỏ tủa.  Song song ngâm riêng một thang thuốc Đông y, với tỷ lệ hải sâm/rượu (1: 1),  theo (khối lượng). Chẳng hạn với 100g  hải sâm tươi, có thể dùng 100g thuốc đông y, với một số vị thuốc bổ thận dương: nhục thung dung, dâm dương hoắc (chích mỡ dê), ba kích, hà thủ ô đỏ (chế đỗ đen)  mỗi vị 20g, các vị thuốc vừa có tác dụng hành khí vừa làm thơm, như trần bì, thiên niên kiện, mỗi vị 10g. Các vị thuốc có thể cắt nhỏ hoặc tán bột thô, rồi ngâm với rượu 35%. Cũng có thể chiết 3 lần để lấy kiệt dịch thuốc
Sau đó có thể phối hợp giữa rượu hải sâm với rượu thuốc theo tỷ lệ 50-50.
Hải sâm khô: Đem hải sâm đã chế biến sạch ở trên, lấy dao hoặc kéo cắt dọc thân,  rồi dàn đều khối thịt trên khay men để sấy. Khi sấy khô, cần chú ý nhiệt độ sấy. Ngay từ đầu nhiệt độ sấy phải đảm bảo từ 50 - 60oC để hải sâm khỏi bị ôi, thiu. Sau đó tăng dần nhiệt độ. Trong quá trình sấy, cần lật đảo các mặt cho đều,  đến khi chín hẳn, khô vàng, cho mùi thơm, ngậy.
Sau khi đã có hải sâm khô, có thể đem tán thành bột thô, rồi đem ngâm với rượu 35-40% theo tỷ lệ, một phần hải sâm 5 phần rượu, trong 1 tháng, chiết lấy dịch rượu lần một. Ngâm tiếp hai lần nữa, với lượng rượu giảm dần một phần hải sâm, bốn phần rượu và ba phần rượu, tính theo khối lượng/thể tích,  thời gian cũng  giảm dần, 3 tuần lễ (lần 2), 2 tuần lễ (lần 3). Trộn đều rượu chiết của 3 lần lại. Song song cũng  ngâm riêng một thang thuốc Đông y, cũng với tỷ lệ giữa bột hải sâm và rượu, là (1:1) theo (khối lượng). Chẳng hạn với 100g bột hải sâm, có thể dùng 100g thuốc Đông y, với một số vị thuốc bổ thận dương: nhục thung dung, dâm dương hoắc (chích mỡ dê), ba kích, thỏ ty tử, mỗi vị 20g, các vị thuốc vừa có tác dụng làm thơm và hành khí, như trần bì,  hoặc vừa mang tính chất bổ huyết và tạo mầu, như  huyết giác, mỗi vị 10g. Các vị thuốc cần thái nhỏ, hoặc tán thành bột thô, chiết với 1 lít  rượu 35 %. Chiết 3 lần. Khi pha chế, có thể dùng tỷ lệ 50 – 50, giữa hải sâm và rượu thuốc. Cũng có thể phối hợp ngâm giữa hải sâm và hải mã (cá ngựa), theo tỷ lệ,  lượng hải sâm gấp đôi lượng hải mã, có thể ngâm dưới dạng tươi hoặc làm bột khô như cách trên. Quá trình chế biến và pha chế tương tự như làm với hải sâm.
Có thể pha thêm ít mật ong, hoặc đường kính vào rượu hải sâm để tăng thêm khẩu vị. Với rượu nên dùng vào các buổi trước bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ, ngày 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml.
Ngoài dạng thuốc rượu ra, hải sâm có thể được dùng dưới dạng bột, thích hợp cho các anh, chị có tửu lượng thấp, hoặc không uống được rượu. Hải sâm đem sấy khô, như trên rồi tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g-10g với rượu hoặc nước gừng ấm.             
Ngoài cách bào chế dưới dạng thuốc,  hải sâm cũng được dùng dưới dạng thực phẩm, như hải sâm xào riêng hoặc xào với thịt dê, với cá ngựa…
GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Rượu hải sâm chữa yếu sinh lý



Hải sâm là loài động vật không xương sống, ngành da gai, từ xưa đã được xếp vào loại "tứ đại danh thái", tức 4 loại thức ăn quý giá: hải sâm, óc khỉ, tay gấu, yến sào.
Hải sâm có  thân dạng ống, dài như quả dưa chuột, do đó còn có tên "dưa chuột biển - sea cucumber". Thân hải sâm phình ra ở đoạn giữa và thon nhỏ lại ở hai đầu với những gai thịt nhỏ. Hải sâm có hai đầu, phía đầu trước có miệng và các vành tua miệng, đầu sau có hậu môn, dọc thân có các dãy chân ống, phát triển ở mặt bụng. Da hải sâm mềm, dưới da có các phiến xương nằm rải rác trong các lớp mô. Thức ăn của hải sâm là động vật, thực vật nhỏ, mùn bã. Chúng sống bò trên các nền đáy, ở các độ sâu khác nhau của biển, từ ven biển đến độ sâu 8.000m, thường ở các vùng vịnh và nơi có nhiều đá ngầm. Trên thế giới, hải sâm phân bố nhiều ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Malaysia và vùng biển Đông Phi.
 Hải sâm trắng (ăn được).
 
Hải sâm đồm độp (không ăn được).
Ở Việt Nam, hải sâm phân bố chủ yếu ở các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Kiên Giang... phổ biến là các  loài: hải sâm đen Holothuria vagabunda, hải sâm trắng H.scabra, hải sâm vú Microthele nobilis Selenka, hải sâm mít Actinopyga echinites Jaeger, hải sâm hổ phách H. thelenota, hải sâm nâu. Cần chú ý, một số loài hải sâm có độc tính, không  ăn được như loài Stichopus variegatus và loài đồm độp Holothuria martensu.
Có thể dùng hải sâm dưới dạng thực phẩm, như hải sâm xào với thịt dê, hải sâm xào mướp đắng.
Để trị các bệnh về suy giảm sinh dục, có thể dùng hải sâm dưới dạng bột. Hải sâm đem sấy khô, tán bột, ngày 3 lần, mỗi lần 6g-10g, hoặc dùng dưới dạng ngâm rượu: Hải sâm tươi 400g, ngâm trong cồn dược dụng 60-70o trong 3 tháng, chiết lấy rượu, hòa với dịch thuốc ngâm của các vị thuốc: ba kích, đương quy, hà thủ ô đỏ, ngưu tất, mỗi vị 100g, dâm dương hoắc, phá cố chỉ, thỏ ty tử, mỗi vị 50g, trần bì 12g, thiên niên kiện 8g. Có thể tiến hành chiết 2-3 lần với các loại thuốc trên.
Nếu ngâm hải sâm khô thì sau khi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Cắt nhỏ, tán bột thô rồi tiến hành ngâm như trên, tuy nhiên độ rượu lần đầu chỉ cần 35-40o. Thời gian ngâm của các lần cũng rút ngắn lại (30, 21, 15 ngày). Việc phối hợp giữa hai loại có thể theo các tỷ lệ (1:1), một rượu hải sâm, một rượu thuốc (theo thể tích), hoặc (1:2). Tùy khẩu vị, có thể pha thêm ít mật ong hoặc đường kính. Cần chú ý, không nên cho tỷ lệ hải sâm quá nhiều để tránh rượu bị tủa. Có thể dùng rượu hải sâm trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ, ngày 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Tác dụng của hải sâm theo YHCT
Theo YHCT, hải sâm, có vị ngọt đậm, tính ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy, dùng trong các trường hợp yếu sinh dục, các trường hợp di tinh, liệt dương, tiết tinh sớm. Còn dùng trị táo bón,  lỵ, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, cầm máu. Ngoài làm thuốc, hải sâm còn là một món ăn bổ dưỡng rất tốt. Trong hải sâm khô chứa 55,5% chất protid và 0,2% chất lipid. Ngoài ra còn có các loại vitamin: B1, B2, PP, E, các nguyên tố vi lượng: Ca, Fe, Zn, Se, I, các acid amin: arginin, cystin, lysine, prolin... Từ các loài hải sâm, người ta đã phân lập được các thành phần saponin triterpenic, có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, điều hòa miễn dịch, một số loài cho hoạt tính làm lành vết thương. Từ lipid của loài hải sâm Stichopus japonicus, có tác dụng làm bình thường hóa quá trình trao đổi chất protid và lipid trong máu và gan của thỏ, làm tăng hấp thụ ôxy ở cơ tim và gan, giảm các xơ vữa động mạch. Gần đây, các nhà khoa học đã xác định, có một số chất được chiết  từ hải sâm, có hoạt tính kháng ung thư gan, ung thư phổi và ung thư màng tim.

Hải sâm - Thực phẩm và vị thuốc quý cho phái mạnh


Một trong những hải sản quý hiếm được đàn ông ưa chuộng đó chính là hải sâm hay còn gọi là đỉa biển. Đó là một loại động vật không xương, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết. Hải sâm xưa được dùng cho các vua chúa quan lại thưởng thức, nay dùng để chế biến các món ăn, làm thuốc rất có giá trị về mặt dinh dưỡng và chữa các bệnh khó nói ở nam giới như liệt dương. Theo y học cổ truyền, hải sâm vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tinh huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón. Trong 100g hải sâm khô có chứa 76g protein, ngoài ra còn nhiều nguyên tố vi lượng như P, Cu, Fe... Có thể dùng hải sâm tươi và khô đều được.
 Hải sâm.
- Hải sâm xào mướp đắng: hải sâm tươi 200g, mướp đắng 400g, hành hoa, dầu ăn, gia vị đủ dùng. Hải sâm rửa sạch, bỏ nội tạng, thái miếng nhỏ. Mướp đắng bỏ ruột, rửa sạch, thái nhỏ. Bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn cho sôi, cho hải sâm vào xào chín tới, sau đó cho mướp đắng vào xào cùng tới khi mướp chín nêm gia vị, cho hành hoa vào và bắc xuống. Dùng nóng.
- Hải sâm hầm thịt dê: Hải sâm khô 50g, thịt dê tươi 100g, gia vị, nước đủ dùng. Hải sâm ngâm nước tới khi mềm, rửa sạch, thái nhỏ. Thịt dê rửa sạch, thái quân cờ. Cho thịt dê vào nồi, đảo qua với dầu ăn và gia vị, sau đó cho hải sâm vào đảo cùng, đổ nước xâm xấp đun tới khi thịt dê chín nhừ là dùng được. Nên ăn nóng.
- Chè hải sâm: Gạo lứt 20g, hải sâm 20g, đường, nước đủ dùng. Hải sâm thái miếng nhỏ, nấu chung với gạo đến khi gạo nhừ thì cho đường vào là dùng được. Ăn mỗi ngày một bát, ăn trong 5 ngày. Món chè có tác dụng bổ tinh tủy, ích huyết. Thích hợp với những người thận yếu, hay ra mồ hôi trộm, bị di, mộng tinh.
- Hải sâm nấu mực, chim cút: Chim cút 1 con, hải sâm, mực khô 50g, hành hoa, gừng, gia vị mỗi thứ một ít. Chim cút làm sạch lông, nội tạng rửa sạch; mực và hải sâm ngâm nước cho nở, rửa sạch thái nhỏ. Cho chim cút và mực vào hầm khoảng 30 phút, sau đó cho hải sâm, gia vị vào nấu sôi là dùng được. Món ăn này có tác dụng bổ thận dưỡng huyết, cường gân tráng cốt. Những người xuất tinh sớm, di tinh do thận nên dùng.           
BS. Nguyễn Nghiêm Huệ

Hải Sâm - thuốc bổ thận ích tinh


Hải sâm (HS) có tên khoa học là Stichopus japonicus selenka thuộc loại động vật thân mềm, thân hình dài, da có lông, xương trong nằm ngay dưới da, cư trú tại các thảm san hô chết hay dưới đáy biển, nhiều nhất thấy ở độ sâu từ 2-5m. HS vừa là loại thực phẩm biển tuyệt hảo, được coi là món ăn bổ dưỡng và khoái khẩu tại các nước như: Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, vừa là vị thuốc có công năng bổ thận ích tinh.
 
HS trong đông y
Ở nước ta, HS thấy nhiều ở vùng biển Khánh Hòa hay biển đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu… Ngoài ra, còn thấy HS phân bố khá nhiều, tại các vùng biển Tây và Nam Thái Bình Dương, Đông Ấn Độ, Đông châu Phi… Gần đây, với xu thế hướng Đông, các thầy thuốc Đông y luôn tìm lại những giá trị tuyệt hảo không những về dinh dưỡng, mà còn thiên nhiều về giá trị dược lý của nhiều loại cây cỏ động vật, trong đó không thể thiếu HS, để sử dụng trong các phương thuốc cổ truyền hay dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc dạng thực phẩm thuốc, nhằm khai thác chế phẩm tăng lực, giàu hoạt tính sinh học có nguồn gốc tự nhiên, mà xu thế thời đại cho rằng là loại thuốc có giá trị bền vững và độ an toàn cao.
 Hải sâm 
Đông y cho rằng, HS có vị mặn, tính ấm đi vào các kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế. Có công năng bổ thận ích tinh, thêm tinh tủy, tráng dương, sát khuẩn, dưỡng huyết, nhuận táo, sử dụng trị mọi chứng hư lao như: các chứng huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lị kinh niên. Liều dùng trung bình cho mỗi ngày là 12-20g, có khi tới 40g. Thứ HS to lớn, mình có gai gọi là HS tử, sắc xanh đen, mềm là loại tốt.
Trong nhiều y thư cổ như: Bản thảo tùng tân, Bản thảo nhiếp yếu, Cương mục thập di, Dược tính chỉ nam… đều nói HS bổ được thận kinh, ích tinh tủy, tiêu đờm dãi, có tính tráng dương đạo, sát khuẩn, chữa trị được chứng lở có sâu, lại giáng được hỏa, bổ ích thận, thông lợi tràng vị, nhuận chỗ táo kết, trị mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm. Đặc biệt là tác dụng bổ ích cường tráng (y học hiện đại thấy sự có mặt của testosterol trong HS) nên công hiệu bổ thận điều tinh, thích hợp với các phương trị liệu chứng di tinh liệt dương, tiểu tiện đêm nhiều… Đặc biệt có khả năng kháng ung nên còn được phối hợp trong trị liệu ung thư…
Bởi thế, ngay từ xa xưa HS đã được coi như một trong tứ đại danh thái (bốn loại thực phẩm nổi tiếng), sánh cùng óc khỉ, tay gấu, yến sào của ẩm thực cổ truyền phương Đông nên được mệnh danh là “Nhân sâm của biển cả”. Song về mặt thực phẩm, có nhiều y gia đã coi thịt HS ngang tầm với tám món ăn cao lương mỹ vị nổi tiếng trong “bát trân” của phương Đông, mà ngày xưa vẫn được sử dụng trong cung đình.
Phương thuốc trị bệnh tiêu biểu từ HS
Trị suy nhược thần kinh do thận hư (biểu hiện đầu choáng váng, mắt hoa, lưng đau, gối mỏi, tai ù, điếc, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm): dùng HS 30g, gạo nếp 100g, cho cả 2 thứ ninh nhừ thành cháo, nêm gia vị vừa miệng và ăn ngày 1 liều chia vài lần, cần ăn trong 5 - 7 ngày liền.
Trị chứng đái tháo đường: HS 2 con, trứng gà 1 quả, tụy lợn 1 cái, cho cả 3 thứ vào bát hấp chín và ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 - 7 ngày.
Chữa chứng huyết áp cao (kể cả xơ vữa động mạch): dùng HS 50g, cho hầm nhừ, thêm chút đường phèn và ăn hết trong ngày, cần ăn 7 ngày liền.
Chữa đau lưng và suy giảm trí nhớ do thận hư: dùng HS 30g, xương sống lợn 60g, hạch đào nhân 15g, cho vào hầm nhừ, nêm đủ gia vị vừa miệng, ngày ăn 1 lần, cần ăn 5 ngày.
Trị dương nuy (liệt dương): HS 20g, thịt dê 100g, hai thứ hầm chung đến nhừ, nêm đủ gia vị ăn 1 lần trong ngày. Cần ăn 5-7 ngày.
Trị liệt dương, di tinh, tinh lạnh, do thận hư (loại làm hoàn): dùng HS 480g (sao thơm), hạch đào nhân 100 hạt, thận dê 4-6 đôi, đỗ trọng 240g, thỏ ty tử 240g, ba kích 124g (tẩm nước cam thảo sao), câu kỷ tử 120g, lộc giác giao 120g, bổ cốt chỉ 120g (sao với muối), đương quy 120g, ngưu tất 120g (tẩm giấm sao), quy bản 120g (sao với giấm), sau đó tất cả sấy khô tán bột mịn, trộn đều luyện với mật ong làm hoàn, mỗi viên nặng 9g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên (27g).
Chữa động kinh: dùng nội tạng của HS sấy khô nghiền bột, mỗi lần uống 12g, chiêu với rượu vàng (rượu vàng là loại rượu được cất từ loại cơm nâu bởi 3 loại: gạo nếp, gạo tẻ, kê hạt vàng rồi rải mỏng cho nguội nhưng còn ấm, rắc men rượu đã tán nhỏ trộn đều, ủ thành cái rượu lấy ngâm nước cất thành rượu có màu vàng, độ cồn thấp có tác dụng thông hành huyết mạch, dưỡng huyết nhuận da), uống liên tục 7-10 ngày liền.
Chữa thiếu máu: HS, đại táo lượng bằng nhau, đem sấy khô tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g, chiêu với nước ấm hoặc lấy 1 con HS hầm cùng mộc nhĩ, lấy nước pha chút đường phèn vừa ngọt uống cùng, sau ăn cái.
Trị trĩ xuất huyết: lấy HS lượng vừa đủ đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 1,5g hòa với a giao 6g trong nước sôi cho tan mà uống. Ngày uống 3 lần, cần uống 5-7 ngày.
Táo bón do âm hư: HS 30g, đại tràng lợn 120g, mộc nhĩ đen 15g, 3 thứ cho vào hầm nhừ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền trong nhiều ngày.
BS. Lê Xuân Ơn, BS. Hoàng Xuân Đại
BS. Lê Xuân Ơn, BS. Hoàng Xuân Đạ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét