Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Hôn nhân của người Bru-Vân Kiều

Nguồn: Langvietonline

Mỗi mùa trăng, trai gái thường đến bên khe suối, rừng cây để bày tỏ tình cảm của mình. Hàng vạn mùa trăng trôi qua đã để lại những bài hát giao duyên chân tình, mộc mạc của hàng bao thế hệ trai gái đi sim sáng tạo nên.

Tự do tìm hiểu - qua mối tác thành


Từ xưa đến nay, trai gái dân tộc Bru-Vân Kiều đến tuổi kết hôn được tự do tìm hiểu, gọi là đi sim. Người ta bảo, những bài hát giao duyên của người Bru- Vân Kiều từ hàng trăm năm vẫn làm say mê lòng người hiện đại là vì chúng được hun đúc từ không gian rộng mở với cửa rừng, ánh trăng, lùm cây, khe suối, lại được cộng hưởng với những khát khao yêu đương của tuổi xuân thì.

 Điểm độc đáo của nó là trên nền giai điệu truyền thống, trai gái phải tự sáng tác lời, sao cho ứng hợp với hoàn cảnh của mình. Khi ta lắng nghe lời tình tự của chàng trai: “Anh là con út/ bố mẹ già vẫn ngóng chờ anh/ người con sau cùng xây hạnh phúc”; và lời đáp của cô gái: “Em biết lắm nỗi lòng anh đó/ và vẫn đợi ông mối bên anh” thì mới hiểu vì sao chỉ bằng vài ba làn điệu chủ đạo đã biến hóa nên muôn ngàn bài hát giao duyên tình tứ. Thông qua những mùa đi sim, cô gái chọn cho mình người bạn đời khỏe mạnh, dũng cảm, thạo nghề, ứng đối nhanh; còn chàng trai thì tìm đến những cô gái siêng năng, biết lo toan việc gia đình, hiền hậu.

Mặc dù được tự do tìm hiểu, nhưng để đi đến kết hôn, trai gái Bru-Vân Kiều vẫn phải thông qua ông mối của hai bên, đó là luật tục lâu đời, đến nay vẫn còn hiệu lực. Khi chàng trai và cô gái cùng xác nhận với ông mối bên mình là đồng ý, thì chàng trai mới được phép đưa bạc cho cô gái, gọi là vantếch (bỏ của lần 1). Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà số bạc đưa cho cô gái dao động từ 1 đến 5 đồng. Khoảng 5 ngày sau đó, chàng trai đi atằm vantơr (bỏ của lần 2), số bạc đưa cho cô gái thường nhiều hơn lần trước. Sau atằm vantơr, người làm mối bên nhà gái thông báo cho bố mẹ cô gái biết rằng cô đã nhận bạc. Khoảng 10 ngày sau, không thấy gia đình nhà gái trả lại bạc thì ông mối bên nhà trai đến gia đình bên gái bàn định ngày rước dâu. Trong mỗi cuộc hôn nhân, người làm mối có vai trò rất quan trọng, là sợi dây nối liền hai gia đình, là người đi lại, chuyển tin trong từng tiến trình đi đến hôn nhân. Trong đám cưới, ông mối là chủ hôn. Sau đám cưới, ông mối là người giảng hòa nếu đôi vợ chồng có xích mích. Nhiệm vụ giám sát của ông mối kéo dài cho đến khi ông mối hoặc hai vợ chồng đó qua đời.

Tục lệ thiêng liêng


Người Bru-Vân Kiều thường chọn các ngày 6, 8, 10, 16, 18 trong các tháng đầu năm và cuối năm để làm lễ cưới; đặc biệt các tháng 11, 12 khi vừa thu hoạch xong, rất thuận tiện cho nhà có đám. Dù là tháng nào, vẫn kiêng các ngày cuối tháng vì sợ ốm đau bệnh tật. Trong ngày cưới, điểm nhấn đáng chú ý nhất là lúc chú rể trao kiếm cho cô gái. Đây là tục lệ thiêng liêng đối với người Bru-Vân Kiều. Do đó, màn trao kiếm được quy phạm hóa rất chặt chẽ, không cho phép hai bên nhà trai, nhà gái tự ý “chế tác”, thêm thắt.

Khi đến rước dâu, nhà trai đứng dưới sàn nhà gái và hai bên sẽ đối đáp những câu hàng trăm năm nay không thay đổi. Nhà gái sẽ giả vờ hỏi: “Các ông, các bà đi đâu?”. Nhà trai từ tốn thưa: “ Chúng tôi đi rước con gái ông bà về làm dâu”. Tiếp đến, nhà trai lại hỏi: “Các ông, các bà cần gì?”. Lúc đó, nhà gái đưa ra những yêu cầu về lễ vật và nhà trai lần lượt trao lễ vật cho nhà gái (Thực ra đây chỉ là màn diễn xướng đã được quy phạm hóa vì lễ vật đã được hai bên thỏa thuận thông qua người làm mối trước đó). Cuối cùng, chàng trai đưa cho cô gái thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng. Cô gái đưa 3 thứ đó cho bố mẹ đẻ. Lúc này, nhà gái mới mời nhà trai lên nhà. Mẹ cô dâu cho đồng bạc và một ít nước vào nồi đồng và bắc lên bếp. Khi nước sôi, bà sẽ đâm mũi kiếm xuống sát cạnh nồi đồng với niềm tin mãnh liệt rằng, từ nay trở đi, không gì có thể chia tách đôi vợ chồng này.

Sau lễ cưới này, người Bru-Vân Kiều còn bắt buộc phải tổ chức cưới lần hai, gọi là lễ khơi (lễ hoàn tất). Khi chưa thực hiện lễ khơi, đôi vợ chồng khi sang nhà vợ không được bước lên nhà, không được ăn chuối, củ kiệu. Chưa hết, trâu bò của hai gia đình không được chăn thả cùng một nơi. Những ràng buộc khắt khe đó, khiến các cặp vợ chồng dù khổ cực bao nhiêu cũng cố dành dụm để thực hiện bằng được lễ khơi. Lễ khơi tốn kém hơn cưới lần 1 nhiều nên thời gian tiến hành không ấn định. Khi nếp đầy kho, trâu bò đầy chuồng, gà vịt đầy sân thì làm. Hiện nay, cùng với đời sống khấm khá hơn, nếp sống mới lan tỏa đến từng bản làng nên lễ khơi không còn là nỗi ám ảnh của mỗi đôi vợ chồng nữa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét