Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Đón khách du lịch giữa rừng sâu


(Dân Việt) - Điều khiến chúng tôi tò mò là giữa núi rừng đại ngàn ấy lại hiện diện những ngôi nhà sàn khang trang với đủ tiện nghi theo mô hình du lịch tại vườn.

Trong khi ở một số địa bàn có rừng đặc dụng, người dân đang quay lưng lại và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thì một bộ phận người dân vùng đệm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) đã biết cách dựa vào rừng để thu lợi ích qua hình thức tổ chức du lịch cộng đồng.
Bản Hiu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) có 30 hộ dân tộc Thái, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Điều khiến chúng tôi tò mò là giữa núi rừng đại ngàn ấy lại hiện diện những ngôi nhà sàn khang trang với đủ tiện nghi theo mô hình du lịch tại vườn.
Mọi kiến trúc và hạ tầng, từ nhà nghỉ, khu vệ sinh đến các vật dụng sinh hoạt dành riêng cho khách đều được làm từ nguyên vật liệu thiên nhiên. Và những chủ nhà nghỉ ở đây không ai khác chính là những người dân bản chân chất, vốn quen với việc hàng ngày lên nương, rẫy.
Mô hình du lịch sinh thái đã giúp cho người dân ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có thu nhập ổn định, không còn đi phá rừng.
Chị Vàng Thị Đạo - chủ một nhà nghỉ, đồng thời là cán bộ phụ nữ bản Hiu cho biết: “Trước đây, để có cái ăn, người dân trong bản chỉ biết cách vào rừng chặt phá hoặc săn bắn động vật. Nhưng giờ đây, chúng tôi biết xây dựng mô hình đón tiếp khách du lịch tại nhà, được hỗ trợ vốn để xây dựng khu vệ sinh, mua sắm một số trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt phục vụ du khách. Bà con không chỉ nấu ăn mà còn làm hướng dẫn viên du lịch, tuyên truyền giới thiệu về rừng nguyên sinh”.
Hiện nay, tại khu bảo tồn đã có 23 nhà nghỉ tại 7 thôn, bản theo mô hình du lịch cộng đồng. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 4.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ mát tại đây. Điều đáng nói là các hộ gia đình này tự nguyện trích 10.000 đồng/khách cho quỹ cộng đồng thôn, bản theo hình thức chia sẻ lợi ích. Năm 2011, mô hình du lịch cộng đồng này đã quyên góp được trên 50 triệu đồng, dùng hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh nghèo vượt khó và cho hội viên vay phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, hệ động, thực vật phong phú, nhiều khe suối, thác đẹp... được xem là nơi lý tưởng để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, nghỉ dưỡng.
Đến với Pù Luông, du khách không chỉ được tận hưởng thiên nhiên thơ mộng mà còn được biết nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây qua các bài hát, điệu múa sạp truyền thống, dệt thổ cẩm…
Ông Đỗ Ngọc Dương – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Phó Chi hội du lịch sinh thái Pù Luông cho biết: “Tại các thôn bản làm du lịch, số vụ vi phạm tài nguyên rừng thấp hơn so với thôn bản khác. Cái đạt được lớn nhất trong phát triển du lịch sinh thái Pù Luông, là những người làm du lịch trực tiếp nâng cao thu nhập, từ đó giảm áp lực trong công tác bảo tồn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét