Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tiểu thư Mạc Mi Cô và kho báu ở Hà Tiên


Miền đất Hà Tiên thơ mộng là mảnh đất gắn liền với lịch sử dòng họ Mạc, là bậc khai quốc công thần khai khẩn, mở cõi và bảo vệ vùng đất cuối biển Tây Nam Tổ quốc thiêng liêng. Hà Tiên lưu dấu trong trí nhớ người đời với 10 cảnh đẹp như mơ, có Tô Châu, chùa Phù Dung, Mũi Nai, Thạch Động…
Biển Mũi Nai nhìn từ đồi Vọng Cảnh
Biển Mũi Nai nhìn từ đồi Vọng Cảnh

Hà Tiên thập vịnh là mười bài thơ làm để vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích đề xướng từ năm Bính Thìn 1736: Kim Dự lan đào, Bình San điệp thuý, Tiêu Tự thần chung, Gianh Thành dạ cổ, Thạch Động thôn vân, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc.
 
Cảnh đẹp Hà Tiên càng làm cho du khách ngẩn ngơ khi tìm về lịch sử vùng đất giàu lịch sử này. Câu chuyện về gia tộc họ Mạc luôn gắn với lịch sử Hà Tiên, tạo nên nhiều huyền thoại, truyền thuyết lưu truyền trong nhân gian mãi đến nay.
 
 Chuyện người khai khẩn đất Hà Tiên
 
Chuyện dân gian kể lại rằng: Đầu thế kỷ 18, khi thế lực triều nhà Thanh đã vững mạnh, những cựu thần nhà Minh kháng cự yếu ớt dần và tan rã.
 
Căn cứ địa kháng chiến “phục Minh” ở vùng Quảng Đông, Đài Loan tan rã, một số tướng đã nhất quyết không đầu hàng, mang quân binh và gia quyến vượt biên xuôi về phương Nam.
 
Trong số này, có danh tướng Trần Thượng Xuyên vào đất Biên Hòa (Đồng Nai) xin chúa Nguyễn tá túc và khai khẩn đất đai. Tướng Dương Ngạn Địch cùng thuộc hạ, gia quyến đến khai khẩn vùng đất Mỹ Tho.
 
Cùng bỏ xứ tha phương còn có một thương buôn Mạc Cửu, nhưng điểm đến là đất nước Chân Lạp Hạ được vua xứ Cao Miên (Campuchia) trọng đãi.
 
Nhưng vì nội bộ triều chính rối ren, triều thần gièm pha và Hoàng hậu phải lòng người thương nhân này nên vua Cao Miên đã ban cho Mạc Cửu một chức quan nhỏ và đày sang vùng đất mới Hà Tiên còn hoang vu rậm rạp để cai quản và mở mang bờ cõi. Và câu chuyện về danh nhân Mạc Cửu bắt đầu trang sử mới khai khẩn, mở mang đất Hà Tiên của Việt Nam.
 
Mạc Cửu hay còn gọi là Mạc Hính Cửu (1655 - 1735), là một thương gia người Hoa Quảng Đông có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ 18 ở Việt Nam.
 
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành.
 
Ban đầu có người tên là Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), nhà Minh mất hẳn (nhưng mãi đến năm Khang Hy thứ 19, vùng Quảng Đông mới bình định xong).
 
Mạc Cửu không khuất phục và nhận thấy chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh không thể chấp nhận được. Do vậy mà ông mới chừa tóc, không buộc đuôi sam rồi chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên.
 
Ông thấy ở phủ Sài Mạt của nước ấy, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và)…thường tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, nên đã thầu mua thuế ấy nên kinh doanh chẳng bao lâu mà trở nên giàu có. Cũng có giai thoại kể rằng, tình cờ ông đào được một hầm bạc mà bỗng trở thành giàu có.
 
Từ đó, Mạc Cửu chiêu mộ dân Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ (hay Trũng Kè, Lũng Cả -réam), Cần Bột (Cần Vọt - Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm - Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau lập thành bảy xã thôn.
 
Tương truyền ở đây thường có Tiên nữ xuất hiện tắm trên sông, do đó mới đặt tên vùng đất mới khai khẩn là Hà Tiên (Tiên trên sông). Có tài liệu cho rằng, Mạc Cửu bỏ tiền ra mua chức quan Ốc Nha và cai quản luôn xứ này.
 
Mạc Cửu xuất thân là một thương nhân đất Quảng Đông, là người có óc tổ chức, kinh doanh nên ông chiêu tập dân xiêu tán người Hoa, Việt mở phố xá, xây thành lũy, đẩy mạnh khai hoang lập ra bảy thôn trải dài ven biển từ Kompong Som (Chân Lạp) kéo dài đến tận Cà Mau.
 
Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ dân cư đến Mang Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập.
 
Sự thịnh vượng khiến cho đất này gặp tai họa. Trong khoảng thời gian từ 1687-1688, quân Xiêm vào cướp phá Mương Khảm, bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm ở Vạn Tuế Sơn. Sau đó, ông trốn về Lũng Kỳ (Lũng Cả), dân xiêu tán tụ về với ông ngày một đông, nhưng do địa thế chật hẹp, khoảng năm 1700, ông trở về Phương Thành (Hà Tiên).
 
Năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
 
Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm, Long Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Lình Quỳnh và Phú Quốc (đảo Koh Tral).
 
 Thủ phủ đặt tại Cảng Khẩu (còn gọi là Mán Khảm, Kan Kao, Căn Khẩu, Căn Kháo, Căn Cáo).Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).
 
Lúc này ở Gia Định, các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định. Người Việt và các di thần người Hoa đang định cư yên ổn. Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng.
 
 Sau khi cân nhắc, năm 1708 Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục.
 
 Việc này, trong sách Gia Định thành thông chí chép: “Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
 
 Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc.
 
Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Mão (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.
 
 Tháng 5 mùa hạ năm thứ 11, Ất Mão (1735) đời chúa Nguyễn Phúc Chú Tổng binh Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu mất, thọ 78 tuổi, con trưởng dòng chánh là Mạc Tông tự là Thiên Tứ (hiệu Sĩ Lân Thị, Thụ Đức Hiên) dâng cáo tang”.
 
Theo Sổ tay hành hương đất Phương Nam, Mạc Cửu được truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công.
 
Mạc Công miếu, khi xưa thờ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh. Hiện nay là Đền thờ họ Mạc nơi chân núi Bình San.
 
Tác giả Trương Minh Đạt căn cứ vào lời tựa của Hà Tiên thập vịnh, do Mạc Thiên Tứ viết năm 1737: Trấn Hà Tiên ở An Nam xưa thuộc vể đất hoang vu xa xôi.
 
Từ khi đất Tiên quân (chỉ Mạc Cửu) khai sáng đến nay hơn 30 năm, người dân mới được an cư, biết đo lường trồng trọt, để suy ra rằng Mạc Cửu không thể ở và mở mang xứ Hà Tiên sớm hơn năm 1700.
 
Việc Mạc Cửu “cũng không ở Nam Vang xuyên suốt”, được tác giả giải thích như sau : “Bởi năm 1687, Phó tướng Hoàng Tiến nổi loạn giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi chiếm lĩnh dòng sông Tiền, phong tỏa đường đi Nam Vang và cướp bóc người Cao Miên, khiến họ căm ghét.
 
 Thêm nữa, năm 1688, tại Nam Vang xảy ra một sự kiện: “Với sự giúp đỡ của Việt Nam và một đơn vị lính đánh thuê người Hoa, Ang Non (Nặc Nộn) đã có một cố gắng nữa để chiếm ngôi vua.
 
Mặc dù chiếm được Nam Vang, Ang Non không thể giành được thắng lợi quyết định”. Do đó, người Miên ở trong thành nổi giận, họ truy lùng người Hoa để tàn sát.
 
Biến cố này quá ác liệt đến nỗi Mạc Cửu phải tìm đường thoát thân. Vì sông Cửu Long bị phong tỏa nên Mạc Cửu phải trốn chạy qua Xiêm.
 
 Ông được vua Xiêm cho ra bãi Vạn Tuế Sơn ở khoảng mười năm, đến năm 1699 Mạc Cửu mới về Lũng Kỳ, mở ra 7 xã thôn.
 
Mạc Cửu không bị Xiêm bắt, điều đó cũng đã được Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh xác nhận: Tướng nước Tiêm (Xiêm La) thấy ông Thái Công (Mạc Cửu) người có vẻ hùng nghị, nên rất yêu mến, rồi dụ khéo ông đem về nước, ông bất đắc dĩ phải theo về Tiêm La. Vua thấy dung mạo ông, rất vui mừng và giữ ông ở đấy.
 
Sau ông phải nói khéo với những bầy tôi thân cận của vua nước Tiêm, xin cho ông ra ở nơi bãi bể núi Vạn Tuế, thuộc địa của nước Tiêm. Chợt gặp lúc nước Tiêm có nội biến, ông mới ngầm đem những người dân theo ông cùng về đất Long Cả (Lũng Kỳ).
 
Điều này chứng tỏ, nhân biến cố vừa kể trên, Mạc Cửu bị dụ chạy lánh nạn qua Xiêm, chứ không phải bị quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên rồi bắt đi.
 
Không biết Mạc Cửu có bao nhiêu vợ, chỉ biết theo “Gia định thành thông chí”, thì ông có người vợ tên Bùi Thị Lẫm, người huyện Đồng Môn (Biên Hòa) và sinh được con trai đầu lòng tên Mạc Sĩ Lân tức Mạc Thiên Tứ.
 
Căn cứ bia mộ của bà ở khu mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San (Hà Tiên), do chính Mạc Thiên Tứ lập, thì bà được chúa Nguyễn cho phép mang họ Nguyễn.
 
Thi sĩ Đông Hồ có thơ nói về công trạng của hai cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ như sau:
 
Chẳng đội trời Thanh Mãn
Lần qua đất Việt bang
Triều đình riêng một góc
Trung hiếu vẹn đôi đường
Trúc thành xây vũ lược
Anh Các cao văn chương
Tuy chưa là cô quả
Mà cũng đã bá vương
Bắc phương khi vỡ lở
Nam hải lúc kinh hoàng
Giang hồ giữa lang miếu
Hàn mạc trong chiến trường
Đất trời đương gió bụi
Sự nghiệp đã tang thương...
 
Vào sáng ngày 7 tháng 9 năm 2008, tại thị xã Hà Tiên, UBND Tỉnh Kiên Giang đã khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu và kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên (1708-2008).
 
Khi chúa Nguyễn cho Mạc Thiên Tứ nối nghiệp cha vào năm 1975 ông đã hết lòng phụng sự cơ nghiệp nhà chúa.
 
Ông đã giúp chúa Nguyễn trong việc phòng giữ sự xâm lăng của quân Xiêm La, Chân Lạp và bọn cướp biển, ngoài ra còn giúp mở mang phát triển kinh tế vùng này. Năm 1756 ông đã thi hành nhiệm vụ của một đặc sứ và giúp chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ miền Cửu Long.
 
Dưới sự dẫn dắt của Mạc Thiên Tứ, lần lượt hai đời vua Chân Lạp là Nặc Nguyên và Nặc Tôn đều thần phục chúa Nguyễn, dâng cho chúa Nguyễn đất Tầm Bôn (vùng Tân An), Lôi Lạp (Gò Công) và Kampong Luôn ( tiếng Việt là Tầm Phong Long).
 
Thời điểm đó có thể nói vùng Hà Tiên bao gồm cả vùng Hậu Giang ngày nay kinh tế và xã hội phát triển nhờ công của Mạc Thiên Tứ.
 
Tại thủ phủ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ đã thành lập “Tao Đàn Chiêu Anh Các” là nơi gặp gỡ giao lưu giữa các thi nhân, danh sĩ, tạo nên một nền văn học thi ca rực rỡ danh tiếng bậc nhất của miền Nam.
 
Ảnh hưởng của nhóm Chiêu Anh Các lan rộng ra khỏi phạm vi trấn Hà Tiên, danh sĩ Nguyễn Cư Trinh- ở Gia Định cũng thường xuyên đến Hà Tiên gặp gỡ xướng họa với các thi hữu trong Chiêu Anh Các.
 
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Mạc Thiên Tứ là “Hà Tiên thập vịnh” vịnh về mười cảnh đẹp nhất của Hà Tiên được Mạc Thiên Tứ cho khắc in năm 1737 bao gồm: Kim Dữ lan đào và Bình San điệp thúy, Tiêu Tự thần chung và Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn vân và Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt và Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn khê và Lư Khê ngư bạc.
 
 
Vào năm 1776 khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định, Mạc Thiên Tứ vẫn giữ lòng trung thành với chúa Nguyễn, cùng chúa Nguyễn chạy qua Xiêm La trốn.
 
Nhưng do nghe lời dèm pha, vua Xiêm La đã giết hại nhiều người thân trong gia đình ông, bản thân ông cũng bị bắt giam tra hỏi, quá phẫn uất ông đã tự tử và chết trên đất Xiêm La (Thái Lan).
 
 Sau này con cháu họ Mạc tiếp tục phò tá làm quan cho chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn cho đến đời vua Minh Mạng thì chấm dứt vì một số con cháu họ Mạc nhận lãnh chức từ Lê Văn Khôi và do đó bị xem dính líu tới vụ việc Lê Văn Khôi chống lại triều đình.
 
Về sự ra đời của Mạc Thiên Tứ trong gia phả nhà họ Mạc ghi lại rằng: vào đêm mùng 7 tháng 3 năm 1706, tại Lũng Cà tự nhiên nước sông bắn vọt lên trời, lúc ấy xuất hiện tượng vàng cao bảy thước, tỏa sáng cả một khúc sông.
 
Một vị quan trông thấy ngạc nhiên nói với Mạc Cửu : “Đây là điềm có người tài xuất hiện, thật là phúc đức”. Mạc Cửu liền cho người đưa tượng vàng ấy lên bờ, nhưng không có cách nào di chuyển được, bèn xây chùa nhỏ bên bờ sông để thờ.
 
Vào đêm ấy, Mạc Thiên Tích ra đời. Mạc Thiên Tích thông minh, hiểu rộng, văn võ song toàn. Năm 1735 Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích kế tục sự nghiệp của cha. Đầu xuân 1736, được chúa Nguyễn phong Đô đốc trấn Hà Tiên .
 
Từ thị xã Hà Tiên đến Ao Sen chừng 800 mét là tới chân núi Bình San, còn gọi là núi Lăng vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh của họ Mạc.
 
Từ chân núi đi lên sẽ bắt gặp cổng đền thờ họ Mạc, có hai câu liễn đối bằng chữ Hán do nhà Nguyễn ban tặng:  “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng. Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh”
 
(Một nhà trung nghĩa, danh thơm cả họ. Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu)
 
Cả lăng và đền thờ Mạc Cửu đều do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác; bên phải là Đại Kim Dự.
 
Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến ba mét, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng.
 
Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, núm mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu). Lăng Mạc Cửu theo kiểu Tàu, bên trái đắp nổi đầu rồng, bên phải đắp đầu hổ (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ).
 
Lần theo các lối mòn và những bậc thềm là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tứ (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn).
 
 Đi vòng theo chân núi chừng 3km, du khách sẽ bắt gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho nàng thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.
 
Đền thờ họ Mạc cũng có một câu chuyện bí ẩn liên quan đến người con gái thứ năm của Mạc Thiên Tích. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, ngôi đền thờ này thờ ba người họ Mạc:
 
Vũ Nghị Công Mạc Cửu, Quốc lão Mạc Thiên Tích, Chính Lý Hầu Mạc Tử Sanh. Bên hữu thờ các con cháu dòng họ Mạc, bên tả có bài vị phu nhân Thái Thái mẹ Mạc Cửu, phu nhân Nguyễn Thị Thủ vợ Mạc Thiên Tích, tiểu thư Mạc Mi Cô.
 
Huyền thoại về tiểu thư Mạc Mi Cô và lời sấm truyền kho báu họ Mạc
 
Người đương thời không một ai dám kể lại chuyện gia đình Đô đốc Mạc Thiên Tứ với việc sinh cô tiểu thư kỳ dị Mạc Mi Cô.
 
Nên mọi người chỉ biết mơ hồ về chuyện sinh nở của Hiếu Túc Nguyễn phu nhân, vợ chánh của Đô đốc Mạc Thiên Tứ, có một điều gì bí ẩn lạ lùng. Là chuyện lành hay dữ, chuyện tốt hay xấu không ai tường tận nhưng cũng chính vì thế mà màn bí ẩn bao trùm lên phủ thành huyền thoại.
 
Hình như đã từng có chuyện trong Mạc phủ cấm tiết lộ việc này. Nhưng một thời gian sau, nhân lời nói hớ của một thị nữ trong phủ khi về thăm nhà, và nhân một tờ giấy tình cờ bắt được trong mình người thợ đá chết vì bạo bịnh, thì câu chuyện bí mật về tiểu thư kỳ dị Mạc Mi Cô trong phủ họ Mạc được kể ra nhân gian rất huyền bí.
 
Theo như cuốn Mạc Thị Gia Phả của ông Trần Thiên Trung thì Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích ăn ở với bà Hiếu Túc Chánh Thất phu nhân Nguyễn Thị Thủ được tất cả là 7 người con: 6 trai, 1 gái.
 
Cô con gái duy nhất tên là Mạc Mi Cô. Tương truyền rằng bà sanh liên tiếp năm người con trai.
 
Bà thầm cầu mong lần sau đổi bầu con, sanh được một Tiểu Thư cho vui cửa vui nhà. Đô Đốc và Hiếu Túc thường đi chùa chiền, miếu mạo cầu khẩn Phật Trời và làm nhiều việc thiện tích đức.
 
Một đêm bà nằm mộng, thấy một tiên nữ từ trên trời bay xuống trên tay bồng một em bé gái rất xinh.
 
Đáp xuống trước mặt phu nhân rồi nói: “Ta cho ngươi đó”. Liền thảy đứa bé vào lòng phu nhân rồi biến mất. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân nửa mừng nửa lo. Quả nhiên chỉ sau một thời gian ngắn bà cấn thai. Bà rất mong ngày sanh đến sớm để gặp mặt coi trai hay là gái.
 
Bỗng một hôm phu nhân chuyển dạ sanh non, bụng đau quặn thắt, mồ hội hột tuôn ra. Phu nhân nhẩm tính phải còn gần một tháng nữa mới đúng ngày sinh nhưng sao bụng bà lại chuyển dạ đau dữ dội.
 
Phu nhân lăn lộn rên la, các tỳ nữ xoa bóp tay chân liên hồi. Các lương y tài giỏi nhất trong Trấn cũng được triệu tập đến kê thuốc cho bà.
 
Tiếng đại hồng chung ở ngôi Tiêu tự đổ liên hồi thay cho lời cầu nguyện của dân chúng trong Trấn khấn cầu bà được mẹ tròn con vuông.
 
Cuộc trở dạ của phu nhân sang đến ngày thứ ba, bà đã sanh ra được một tiểu thư như ngọc như ý vô cùng xinh đẹp.
 
Nước da trắng hồng như bột, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, đôi môi đỏ như son, đôi mắt phượng đen nhánh. Nhìn gương mặt giống như Tiên Đồng, Ngọc Nữ chốn thiên cung. Nhưng có điều đặc biệt là Tiểu thư không giống như các trẻ sơ sinh khác.
 
Tóc cô chấm dài tới gót không giống tóc trẻ sơ sinh, răng mọc đủ hai hàm như người đã trưởng thành, cô cười nói rành rẽ như đứa trẻ lên năm lên bảy. Khi sanh ra tiểu thư cũng không khóc như mọi trẻ khác.
 
Khi đi thị sát trở về, Đô Đốc hay tin phu nhân đã sanh được một tiểu thư thật xinh đẹp. Ông vội vàng đến thăm, khi bước vào phòng nhìn con thì thấy Tiểu thư nhấp nháy đôi mắt nhìn, miệng với đôi môi mọng đỏ chúm chím cười. Sau giây phút ngỡ ngàng ông cũng ra vẻ mừng rỡ.
 
Ông đặt tên cho Tểu thư là Mạc Mi Cô. Sau đó Đô Đốc về tư dinh ngồi suy tư tìm sách cổ viết về những hiện tượng đầu thai thoát kiếp và tự hỏi: “Đây là Tiên nữ đầu thai hay là yêu quái hiện hình, ta phải đối xử sao đây?”.
 
Ít hôm sau, có một phái đoàn 4 người từ Quảng Đông đến ra mắt Đô Đốc. Trong số những người này, có hai người là thầy Địa lý giỏi xem phong thủy, phong thổ. Còn hai người là Pháp sư biết hô phong hoán vũ, xoáy đậu thành binh, có bùa phép trừ tà ếm quỷ.
 
Lúc bàn quốc sự xong chia tay, thầy địa lý thưa: “Thưa Đô Đốc. Đúng là Tiên Vương (Chỉ Mạc Cửu) chọn chỗ an nghỉ không lầm, nằm ngay hàm rồng con cháu sau này đều là công hầu khanh tướng cả.
 
Đây chính là con Ly Long tu lâu năm sắp thành Rồng. Đầu nó chính thật là ở đây, mõm nó là mũi Đại Kim Dự, mình nó uốn khúc nằm dọc theo bờ biển này của rặng núi Nai.
 
 Nó sắp sửa thành rồng không nên làm kinh động nó. Nếu làm kinh động nó sẽ vùng vẫy bay lên làm sụp đổ hết cả dinh Trấn này”. Đô Đốc Mạc Thiên Tứ ngạc nhiên hỏi: “Vậy ta phải làm mới không kinh động nó ?”.
 
Mộ của tiểu thư Mạc Mi Cô
Mộ của tiểu thư Mạc Mi Cô
 
“Thưa Đô Đốc, muốn không làm kinh động nó thì đừng tạo chiến tranh ngay trung tâm dinh Trấn. Điều này thì có hai cách: một là ta chịu hòa với địch, hai là ta dùng hoàn toàn lực quyết đánh thắng giặc để chúng phải đầu hàng không sang đây quấy nhiễu ta nữa. Chỉ có hai điều này sẽ tránh được dãy núi Bình San nơi Giao Long yên nghỉ. Tất cả đều do Đô Đốc mà thôi”.
 
Mạc Đô Đốc nghe nói vậy, trầm ngâm suy nghĩ rồi hỏi việc Pháp sư. Vị Pháp sư liền bẩm báo: “Thưa Đô Đốc. Quả đúng là âm khí yêu quái sắp bao trùm Trấn Hà Tiên, nặng nhứt là phía Tây Nam Trấn.
 
Chỉ còn phía Đông Bắc mà thôi. Nhưng hiện nay yêu khí tích tụ trong dinh. Nếu Đô Đốc không trừ khử sớm thì e sợ cơ nghiệp nhà Mạc của ngài không tránh khỏi điều tai họa. Nghe đến đây, Đô đốc toát mồ hôi trán vì cảm thấy rất lo nên hỏi kế trừ khử yêu ma.
 
Vị pháp sư cho biết, sẽ cắm bùa bốn góc thành không cho con yêu này thoát được. Sau đó tôi phái người đến bắt nó vào thùng phép thế là yên. Nhưng e sợ ngài chẳng bằng lòng.
 
Đô đốc ngạc nhiên hỏi vì sao sợ chẳng bằng lòng với việc làm tốt đẹp phải làm. Pháp sư nhìn Đô đốc ngập ngừng một hồi lâu, đơi thúc giục mấy lượt mới nói: “Yêu quái chính thật là Tiểu thư vừa mới sinh ra đó”.
 
Tác giả bài viết: Thu Hà
Nguồn tin: phunutoday.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét