Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Bí mật về làng sản xuất vũ khí


Làng rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng lâu nay nổi tiếng là làng rèn dao, rựa lớn nhất khu vực Tây Bắc. Nhưng phía sau làng rèn này còn ẩn chứa những bí mật oai hùng.

Làng cung cấp vũ khí cho cuộc kháng chiến

Bà Nhan Thị Kim Thi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng chia sẻ: "Phúc Sen là một ngôi làng đặc biệt, là nơi cung cấp súng đạn, vũ khí, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Tây Bắc. Ngoài việc rèn nông cụ sản xuất, làng này còn làm được cả đại bác, súng thần công, lựu đạn...".
Làng rèn Phúc Sen bình yên, trầm mặc nằm trải dài ven quốc lộ 3. Mặc cho trời mưa to, gió lớn, nhưng nhà nào cũng nung từng thanh sắt đỏ rực và đều tay quai búa. Nhìn cách rèn dao, rựa thủ công ở làng Phúc Sen không thể tin rằng bằng những công cụ hết sức thô sơ, người dân lại có thể chế tạo được cả những loại vũ khí hỏa lực mạnh như đại bác, súng thần công, lựu đạn... Nhưng khi gặp những người cao tuổi trong làng kể lại việc chế tạo đại bác chúng tôi mới tin điều đó là sự thật.
Ông Long Văn Thông, 62 tuổi, là một trong số ít người còn nhớ được lịch sử cùng cách chế tác vũ khí ở làng rèn Phúc Sen kể lại: "Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làng rèn trở thành công xưởng chế tác vũ khí phục vụ kháng chiến, các loạivũ khí được sản xuất nhiều nhất là súng thần công, súng kíp, lựu đạn, đại bác. Những loại vũ khí này sản xuất xong, một phần được chuyển lên căn cứ Pác Bó, một phần được phát cho quân du kích đóng tại địa phương tập luyện. Ngoài ra, vũ khí ở đây còn chi viện cho chiến trường phía đông bắc để đánh lại giặc Pháp".
Với những công cụ thô sơ, người dân Làng rèn Phúc Sen có thể làm được những khẩu súng thần công và đại bác...

Cũng theo ông Thông: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làng rèn Phúc Sen có gần trăm hộ làm nghề rèn thì cả trăm hộ đều tham gia chế tạo vũ khí. Nhà nào chế tạo đại bác thì cả làng phải gom góp nguyên liệu cho nhà đó nấu, nhà nào làm súng kíp thì tự túc về nguyên liệu.
Việc chế tạo súng kíp, nhà nào làm nhanh thì 2-3 ngày làm được một khẩu. Súng thần công và đại bác có thể làm 4-5 ngày được một khẩu. Nhà nào chế tạo vũ khíxong thì lập tức đem đi cất giấu, hoặc chuyển cho bộ đội để tránh bị phát hiện. Mặc dù thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Phúc Sen sản xuất vũ khí với số lượng lớn nhưng lại có rất ít người biết đến.
Những gia đình chế tạo vũ khí chỉ biết với nhau, tuyệt đối không nói với ai khác kể cả những người trong gia đình mình. Hàng xóm gặp nhau thì không bàn tán, không thắc mắc, hỏi han về chuyện chế tạo vũ khí. Những người nắm giữ bí quyết chế tạo thì phải tuyệt đối ẩn mình "sống để bụng, chết mang theo".
Vì lý do đó, cho nên đến nay, ai là người đã sáng tạo hoặc đem kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công về làng... không ai biết. Cũng vì lý do đó mà làng nghềPhúc Sen không có gia phả. Ông tổ nghề rèn là ai, hay làng nghề đã trải qua bao nhiêu năm đến nay không ai biết một cách chính xác.

Biến xoong, nồi thành... đại bác
Sau khi chiến thắng thực dân Pháp, việc chế tạo đại bác, súng thần công, súng kíp... ở làng rèn Phúc Sen mới dần được tiết lộ.
Ông Long Văn Thông bảo: "Nói là bí mật được tiết lộ nhưng thực ra thông tin được truyền ra ngoài rất ít, chỉ có những người thợ làm vũ khí lành nghề mới kể lại cho người thân tín trong gia đình, dòng họ biết. Hiện nay, ở làng rèn Phúc Sen chỉ còn bốn, năm người biết và kể được thời kỳ cả làng làm đại bác, làm súng...".
Ông Long kể lại: "Thời kỳ chống thực dân Pháp, người Phúc Sen thường đi quyên góp những cái xoong gang, lưỡi cày gang... hễ vật gì bằng gang là thu mua hết. Những đồ gang vụn sau khi mua về được trộn với sắt đưa vào lò luyện gang cho đến khi chảy thành nước thì đổ vào một cái khuôn dùng để đúc đại bác, súng thần công.
Khuôn đúc súng được làm từ một loại đất lấy trong các hang đá, loại đất này không ngót, không bị rạn nứt. Một khẩu đại bác đúc xong có chiều dài gần 3m, to như cột nhà và phải cần đến 6-8 người mới khiêng được một khẩu đại bác. Còn súng thần công thì bé hơn, chúng chỉ to bằng bắp chân người và có thể vác trên vai".
Đến nay, người dân làng rèn Phúc Sen vẫn bám trụ với nghề.

Theo ông Thông, việc chế tạo đạn đại bác và kim hỏa cũng rất phức tạp. Đạn đại bác là loại đạn ghém được làm từ gang và thuốc súng, người thợ phải đập miếng gang ra từng mảnh nhỏ để khi nổ sẽ có độ sát thương cao, đạn được gói lại và gắn với một dây cháy chậm.
Khi đi đánh trận, công việc vất vả nhất là khiêng đại bác, một khẩu đại bác rất nặng nên khó di chuyển. Bộ đội và người dân phải khiêng đại bác đến một địa điểm nào đó, đợi cho quân Pháp đến đông rồi bắn. Do đại bác rất nặng nên có những trận đánh đại bác mới bắn được một, hai lần đã phải vứt đó để chạy vì quân Pháp quá đông. Chính vì nhược điểm này nên số lượng đại bác được làm ra rất ít so với súng kíp và súng thần công. Ngoài việc đúc đại bác, súng thần công thì làng rèn Phúc Sen còn sản xuất cả súng kíp và vỏ lựu đạn phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo một số người cao tuổi ở làng rèn Phúc Sen thì súng kíp là loại được làm nhiều nhất trong thời kỳ chống thực dân Pháp, công đoạn khó nhất của việc làm súng là khoan nòng.
Nòng súng được làm từ một khối thép tròn, người thợ rèn phải dùng một mũi khoan nhỏ để khoan vào chính giữa. Để có được một nòng súng người thợ phải khoan mất 1 - 2 ngày mới xong. Công đoạn còn lại là lắp kim hỏa và báng súng vào để tạo nên khẩu súng hoàn chỉnh để đưa ra chiến trường.
Đến nay, ở làng rèn Phúc Sen không còn nhiều người nhớ được kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công... nhưng bí mật đó đã mãi đi vào huyền thoại của người dân Cao Bằng góp phần làm nên sự thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
"Việc làng rèn Phúc Sen làm súng kíp, đại bác để phục vụ kháng chiến là có thật. Tuy nhiên, việc này có rất ít người biết đến. Đến năm 1979, khi bị xâm lược, pháo phá nát làng rèn Phúc Sen, những khuôn đúc đại bác, súng ống đều bị phá nát hoàn toàn. Mặc dù bị chiến tranh, bom đạn tàn nhưng truyền thống yêu nước theo cách mạng, ý chí chống giặc ngoại xâm của người làng Phúc Sen thì vẫn giữ nguyên như cũ". Ông Linh Văn Phù (Chủ tịch UBND xã Phúc Sen).

Theo Kiến thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét