Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Bảo tàng Tôn Đức Thắng – Một địa chỉ văn hóa


Bảo tàng Tôn Ðức Thắng được thành lập nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (20-8-1888 – 20-8-1988) tại toà nhà vốn là tư dinh của Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

167.jpg - 56.03 KB

Mặt tiền bảo tàng Tôn Đức Thắng

Với tên gọi ban đầu  là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đến năm 1990 được đổi thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Bảo tàng là nơi lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng – một nhà yêu nước lớn, chiến sĩ kiên cường mẫu mực. 

 
178.jpg - 34.92 KB

Bàn thờ  Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là người Việt Nam duy nhất đã tham gia phản chiến trên chiến hạm tại biển Ðen vào năm 1917, ủng hộ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới - Cách mạng tháng muời Nga. Là người kế tục chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, từ năm 1969 đến năm 1980.

Hiện nay, Bảo tàng có 7 phòng trưng bày với diện tích trên 700 m2. Bảo tàng đã thể hiện một cách sinh động, khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng qua hơn 600 hiện vật, tài liệu, hình ảnh.

 
168.jpg - 77.75 KB

Không gian mô phỏng ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại
Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, An Giang)
 
Bên cạnh đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn tổ chức các chuyên đề mở rộng có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng như: Viên ngọc Côn Sơn, Bác Hồ và Bác Tôn, Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bác Tôn trong lòng nhân dân thế giới.

Riêng công trình trưng bày tái hiện không gian làm việc và nghỉ ngơi của Bác Tôn và việc trưng bày hiện vật gốc “Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đã khắc họa đậm nét đức tính giản dị, khiêm tốn, cuộc sống thanh đạm của một vị Chủ tịch nước. 
 
169.jpg - 68.74 KB

Những vật dụng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc sinh thời

Với những hoạt động đưa các chuyên đề đi triển lãm lưu động tại nhiều địa điểm như Củ Chi, Cần Giờ, phát hành nhiều chương trình ca nhạc, phim tài liệu, phim truyện về Bác Tôn; tổ chức các buổi nói chuyện, tìm hiểu và học tập gương sáng của Bác Tôn cho các em học sinh...

Bảo tàng Tôn Đức Thắng thực sự trở thành một địa điểm văn hóa, là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của các đồng chí lão thành cách mạng, của thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân. 

 
170.jpg - 73.32 KB

Mô phỏng chiến hạm mà Tôn Đức Thắng đã treo cờ phản chiến tại Biển Đen

Năm 1995, Bảo tàng Tôn Đức Thắng được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2001, bảo tàng này lại vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ trưng bày chuyên đề “Giải thưởng Tôn Đức Thắng qua 10 năm”. Đây là giải thưởng uy tín, vinh danh 105 cá nhân đã đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng từ năm 2000  đến 2010. 
 
179.jpg - 47.34 KB

Khuôn viên xanh mát trong bảo tàng

Trước đó, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM và Nhà Thiếu nhi thành phố tổ chức hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh với Bác Tôn” nhằm tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cũng như tình thương yêu đặc biệt của Người đối với các em thiếu niên nhi đồng.

 
Theo Congan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét