Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Cù lao Giêng ở An Giang

Anh Việt










Bến đò cù lao Giêng. Ảnh: Anh Việt
(TBKTSG Online) - Nằm giữa sông Tiền, bốn bề sông nước mênh mang, cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có chiều dài 12km, chiều rộng khoảng 7km với những khu vườn mướt xanh, sum sê cây trái. Trên cù lao này có nhiều công trình kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Nhà thờ cù lao Giêng ở xã Tấn Mỹ, là một tòa kiến trúc cổ, được linh mục Gafignol (thường gọi là cha Nho) khởi công xây dựng từ năm 1875, dưới thời vua Tự Đức. Việc xây dựng một công trình lớn trên đất cù lao lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.
Kiến trúc nhà thờ cù lao Giêng mang phong cách Roman, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp qua. Năm 1887, đời Đồng Khánh, công trình hoàn thành. Trải hơn 120 năm, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ cù lao Giêng vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn.
Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc rất bề thế, ngoạn mục và hoành tráng.
Cù lao Giêng, còn có những ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc truyền thống với rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao quanh bốn phía. Sân nhà thường có những chậu kiểng cổ với nhiều dáng hình mang màu sắc triết lý cuộc sống như thế “tam cang ngũ thường”, “tam đa”, “Thái sơn”, “mẫu tử”, “cầu hiền"… rất đa dạng và phong phú.
Ngoài những nhà thờ, khách các nơi hay tìm đến những ngôi chùa ở cù lao Giêng để vãn cảnh, cúng viếng, đông nhất là trong các dịp rằm hay lễ lớn. Nổi tiếng khắp vùng có chùa Ông Đạo Nằm, còn gọi là Thành Hoa tự. Chùa Phước Minh (tức chùa Bà Vú) có ngọn tháp chín tầng và cổng tam quan nằm dọc theo con đường nhỏ như một bao lơn án ngữ tiền đình chùa tạo ra nét lạ về kiến trúc… Chùa Phước Thành uy nghi, hoành tráng, sừng sững giữa một vùng quê yên bình, tĩnh lặng.
Nhà thờ cù lao Giêng xây dựng hoàn thành năm 1887, đến nay đã tồn tại hơn 120 năm. Ảnh: Anh Việt
Ngay trước nhà lồng chợ Phủ Thờ xã Bình Phước Xuân trên cù lao Giêng, có di tích lăng mộ của “Ba quan thượng đẳng”, ấy là ba anh em người địa phương đã theo phò Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công, sau đó cả ba anh em đều hy sinh ngoài chiến trường. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long hạ chiếu phong tước Thư Ngọc Hầu cho người anh cả là Nguyễn Văn Thư.
Điều đặc biệt là ba ngôi mộ nầy có nấm mộ rất lạ lùng, thường gợi sự tò mò cho khách tham quan. Khu mộ không bia ký và chỉ chôn các hình nhân tượng trưng, kích cỡ như người thật, được chở từ kinh đô Huế về bằng ghe bầu đi biển. Nằm giữa (Thư Ngọc Hầu) nấm đắp hình cá lý ngư; bên phải (Nguyễn Văn Kinh) nấm mộ đắp hình con rùa và bên trái (Nguyễn Văn Diện) nấm mộ đắp hình con cá mực.
Phủ thờ hay còn gọi là Dinh Ba quan Thượng đẳng - Nguyễn Tộc, năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Vào phủ, ta sẽ gặp các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, đồ minh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ hãy còn khá nguyên vẹn. Có bảy bàn thờ, gian giữa là bàn thờ chính thờ ngài Thư Ngọc Hầu, có tàn lọng, bài vị, trên xiên ngang có tấm biển sơn son thiếp vàng lớn đề ba chữ Hán “Bắc Đẩu Quang”...
Hàng năm, vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 6 âm lịch, có đến hàng ngàn người tụ hội về Phủ thờ Nguyễn tộc tham gia lễ giỗ với đầy đủ nghi lễ cổ truyền, sau đó là các màn trình diễn, vui chơi giải trí như là hát bội, rước sắc từ Cao Lãnh về, múa lân cùng với các trò chơi dân gian phổ biến...

Gia đình Thư Ngọc Hầu ở cù lao Giêng

Cúc Tần










Cổng vào lăng Ba Quan Thượng Đẳng. Ảnh: Cúc Tần
(TBKTSG Online) - Thư Ngọc Hầu tên tục là Nguyễn Văn Thư, con cụ ông Nguyễn Văn Núi và cụ bà Lê Thị Nhạc, từ mảnh đất Bình Định xa xôi lưu lạc vào định cư tại một cù lao trên đất cù lao Giêng (huyện Kiến Phong, Định Tường, nay thuộc huyện Chợ Mới, An Giang) chẳng biết từ năm nào.
Khi đó, đây là vùng đất giồng hoang vu với một vài mái lá đơn sơ dựng dọc bờ sông. Để có miếng cơm manh áo sống qua ngày, họ phải cật lực đấu tranh với thiên nhiên và bệnh tật.
Cũng như hầu hết các lưu dân khác, gia đình ông Thư Ngọc Hầu ngoài việc khai hoang khẩn đất, làm ruộng, trồng rẫy, bắt cá tôm, còn săn bắn để có thêm thức ăn. Đất cù lao này ngoài sấu, trâu rừng, mèo rừng, còn có cọp.
Chính trong một lần đi săn bắn mà người anh cả của Thư Ngọc Hầu đã bị cọp vồ. Cả nhà cùng lối xóm bủa ra lùng sục khắp các xó xỉnh rừng rậm mấy ngày liền vẫn không tìm thấy xác anh ấy. Là những người mang nghiệp võ, nên cả gia đình Nguyễn Văn Thư không thể bó tay ngồi yên. Vậy là ba anh em ông Thư thường tổ chức săn bắn cọp, trước trả mối thù cho anh trai, sau trừ hậu họa cho bà con chòm xóm.
Một hôm, anh em ông Thư rủ nhau kéo xuống Rạch Ngang (nay là Kinh Ngang) chận đăng chờ nước ròng bắt cá. Khi nước ròng sát đáy, cá bự kẹt trong đăng rất nhiều, họ chưa kịp xuống bắt, đã bị một con cọp phỗng tay trên. Càng thêm tức tối, anh em ông Thư chận đăng lần nữa, rình giết cọp. Đáng tiếc là đến tối, nước ròng, cá không dính đăng nên cọp chẳng thèm xuống bắt.
Cho rằng bị “lộ”, vì cọp đánh hơi người tại đây, nên anh em ông Thư bèn dời đăng xuống rạch Cái Dứa cách đó khá xa. Sau khi chận đăng, ông Thư bảo người em út xuống rạch núp trong một lùm cỏ dưới gió, chờ nước ròng, thấy cọp xuất hiện thì gây tiếng động như cá mắc cạn nhử nó lội xuống để ông và người em kế ra tay giết cọp.
Quả nhiên cọp trúng kế, bị anh em ông Thư giết chết một cách khá dễ dàng. Việc làm này của anh em ông Thư bị cụ Núi rầy, nhưng thâm tâm cụ lại rất thích thú và mong sẽ diệt được con cọp đầu đàn – con cọp đã sát hại con trai mình.
Một hôm, sau khi theo dõi dấu chân cọp, chọn được địa điểm thuận lợi, cả nhà cùng nhau bày thế trận. Cụ Núi giỏi võ nên nhận phần xuống lung bắt cá, làm mồi nhử cọp; ba người con trai đứng ba phía thủ sẵn binh khí và cụ bà Nhạc do có tài bắn cung bách phát bách trúng nên nấp vào một bụi tre rừng gần đó để đảm nhận phần việc chuyên môn, tạo thành thế tứ trụ hỗ tương.
Khiêng xác cọp dữ (Ảnh tư liệu).
Trời chiều không gió, mấy ngọn cờ lau vươn cao nhưng cũng không lay động. Mắt mọi người đều đăm đăm phóng tầm nhìn từ những bụi rậm đằng xa. Bốn bề yên lặng như tờ.
Nhưng…. Kìa! Mấy ngọn lau đột nhiên từ từ ngã xuống. Tiếng gãy giòn của mấy cây lau khô càng lúc càng gần, rồi yên lặng - một thứ yên lặng dễ hiểu của những người thợ săn. Cọp đang quan sát và lấy thế để bất giác phóng tới, vồ lấy con mồi. Khi cọp vừa phóng mình lao tới con mồi thì bị ngay một mũi tên tẩm thuốc độc cắm thẳng vào họng. Cọp lồng lộn, giãy đạp làm rạp bằng cả đám nghể bờ lung.
Mọi người vẫn án thủ bất động. Giữa lung, trực tiếp chứng kiến kẻ tử thù đang giãy chết, cụ Núi thấy lòng thỏa mãn. Chờ một lát, không thấy có cọp khác tiếp cứu, cụ ra hiệu cho mọi người rời khỏi vị trí, khiêng cọp về.   Giết được cọp dữ, cả nhà như trút được gánh nặng. Nhưng cọp ở rừng nào chỉ một con! Từng đêm, tiếng gầm rống của chúng vẫn còn quanh quất đâu đây. Hàng ngày người ta vẫn con thấy dấu chân đi tìm mồi ban đêm của chúng, nên những cuộc săn bắn cọp lại được tiếp tục.
Đó cũng là lúc Nguyễn Văn Thư cùng hai người em lên đường theo phò chúa Nguyễn Ánh vào năm 1782, khi có một viên quan đến mộ binh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần Nhân vật tỉnh Định Tường ghi: “Nguyễn Văn Thư người huyện Kiến Phong, khẳng khái có khí tiết, bắt đầu chiêu mộ binh mã, theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc, trải làm đến Hậu quân Phó tướng, Khâm sai Chưởng cơ, theo đi đánh Thị Nại, bị đại bác của giặc bắn chết, tặng Chưởng dinh, liệt thờ ở miếu Trung hưng công thần”.
Sách “Đại Nam liệt truyện” (trang 2, quyển 17) chép: “Nguyễn Văn Thư người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường. Năm Đinh Mùi ra đầu quân, chiêu mộ nghĩa dũng, theo Tiền quân Tôn Thất Hội đi đánh giặc; năm Kỷ Dậu cho chức Tổng nhung Cai cơ giữ đạo Kiên đồn, rồi thăng Chánh trưởng chi Chi tiền hậu quân, đem quân đóng ở Sao Châu phòng giữ phủ Ba Thắc.
Mộ bà Lê Thị Nhạc – người bắn tên giết cọp – tại lăng Ba Quan Thượng Đẳng ở cù lao Giêng. Ảnh: Cúc Tần
Năm Canh Tuất, thăng Phó tướng hậu quân, rồi chuyển làm Phó tướng tiền quân Khâm sai Tổng nhung cai cơ, coi thu thuế nhà nước ở hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc; bị  tội phải giáng cai đội. Mùa hạ năm Giáp Dần đánh giặc ở cửa biển Thị Nại, bị đạn bắn chết, được thờ ở đền Tinh trung trấn Khánh Hòa, sau được truy phục Phó tướng, gia tăng Chưởng doanh, được thờ ở đền Hiển trung và miếu Trung hưng công thần”.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long truy tặng các tướng sĩ có công dựng nghiệp, Nguyễn Văn Thư được sắc truy tặng “Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khâm sai Chưởng doanh Thư Ngọc Hầu”.
Phủ thờ Nguyễn tộc tọa lạc trên diện tích 3.000m2 tại ấp Bình Quới (Bình Phước Xuân, Cù lao Giêng). Phủ thờ còn gọi “Dinh Ba quan Thượng đẳng”, thờ ba anh em Thư Ngọc Hầu là ông Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Diện, đều là võ tướng chết trận ở Thị Nại (cũng viết là Thi Nại) vào năm 1801.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét