Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của Hồ Quý Ly


Sau khi giành được ngôi vua (năm 1400), nhà Hồ đã tích cực chuẩn bị mọi khả năng, sẵn sàng chấp nhận đương đầu với giặc Minh trong một tình thế hết sức khó khăn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh, trước hết nhà Hồ phải tập hợp được một đội quân đông, như Hồ Quý Ly nói: "Ta làm thế nào để có trăm vạn quân thì địch nổi giặc Bắc". Ông đã cho chuẩn bị và có nhiều cải tiến quan trọng trong việc đúc súng thần công và đóng thuyền chiến. Việc quan trọng đó được giao cho Tả tướng quân Hồ Nguyên Trừng đảm nhiệm. Ông đã lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì, Hà Tây) kéo dài theo bờ nam sông Đà, sông Hồng đến sông Ninh (Hà Nam) lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400km.

Mặt khác, Hồ Nguyên Trừng cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua các khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục được trang bị bằng hỏa lực mạnh. Đặc biệt Hồ Nguyên Trừng đã gấp rút tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Nhờ trí thông mình và khả năng sáng tạo, Hồ Nguyên Trừng đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền. Trên cơ sở đó phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá lớn. Từ việc cải tiến, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc súng, ông phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng thần cơ với nhiều loại to nhỏ khác nhau. Loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng chừng 700m. Loại lớn thường gọi là "thần cơ pháo". Thần cơ pháo thực chất là súng thần công cỡ lớn được đặt cố định trên thành hoặc trên xe kéo cơ động. Việc chuẩn bị lực lượng quân sĩ, vũ khí và xây dựng các tuyến phòng thủ sẵn sàng ứng chiến.

Tháng tư năm Bính Tuất (1406), nhà Minh cử đại quân gồm 10 vạn ở Quảng Tây do Chính Nam tướng quân Hữu quân đô đốc đồng tri Hàn Quang, Tham tướng đô đốc đồng tri Hoàng Trung mượn cớ đem ngụy vương Trần Thiêm Bình về nước, núp dưới danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ" để tiến hành xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly một mặt chấp nhận đón rước ngụy vương, mặt khác đặt quân mai phục, bố trí lực lượng theo tuyến phòng thủ để tiêu diệt. Chi Lăng, Cần Trạm, Lãnh Kinh là những chốt quan trọng trên con đường từ Nam Quan về Đông Đô. Trên tuyến đường này có dòng sông Thương, sông Nguyệt Đức (sông Cầu) là những chiến hào thiên nhiên vững chắc. Hàng vạn quân Minh do Hàn Quang, Hoàng Trung cầm đầu hộ tống Thiên Bình ung dung theo đường bộ từ Pha Lũy (Đồng Đăng) qua Chi Lăng (Lạng Sơn), Cần Trạm (Kép, Bắc Giang) đến Lãnh Kinh (Đáp Cầu, Bắc Ninh).

Hồ Quý Ly chọn Lãnh Kinh làm quyết chiến điểm, ông đã bố trí đại quân tại đây do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy, có các tướng Phạm Nguyên Khôi, Chu Bình Trung, Trần Nguyên Huyên, Trần Thái Bộc cùng tướng Hồ Vấn tham gia. Trong cuộc đụng độ ở Lãnh Kinh do chủ quan khinh địch, lúc đầu, quân nhà Hồ bị thất bại nặng nề, bốn tướng phải hy sinh, Hồ Nguyên Trừng bỏ thuyền lên bờ, suýt bị bắt, có người đưa xuống thuyền thoát được. Nhưng tướng Hồ Vấn đã kịp thời kéo quân đến ứng chiến, đánh úp, quân Minh chống không nổi, nửa đêm phải rút quân. Trên đường tháo chạy, Hoàng Trung gặp phục binh do tướng chỉ huy quân Thánh dực Hồ Xạ, Trần Đĩnh bố trí quân chặn đánh ở Cần Trạm, Chi Lăng. Tướng Hoàng Trung nhà Minh sai viên quân y Cao Cảnh Chiến đưa thư xin hàng, giao nộp tên ngụy vương Thiêm Bình, xin tha cho đi. Tướng Hồ Xạ chấp nhận bắt giữ Trần Thiêm Bình và nhiều tù binh. Quân Minh rút về nước.
       

Thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh


 Sau thất bại nặng nề trong lần xâm lược thứ nhất (tháng 4/1406), vào tháng 9 năm Bính Tuất (1406) quân Minh đem 80 vạn quân, chưa kể một số đông dân cư và thổ binh tải lương đi theo chia làm hai đạo quân tiến vào nước ta (theo Toàn thư).
 
Thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ.

Một đạo quân do Trương Phụ chỉ huy đi từ Bằng Tường (Quảng Tây) kéo vào Lạng Sơn.

Một đạo do Trấn thủ Vân Nam Mộc Thạch chỉ huy, đi từ Vân Nam tiến theo sông Hồng, sông Lô vào nước ta.

Theo kế hoạch đã định, một đội kỵ binh của Trương Phụ sẽ tiến trước đến Gia Lâm, phô trương thanh thế, nghi binh như tập trung quân vượt sông ở đây, thu hút quân nhà Hồ. Trong khi đó, hai đạo quân Minh bí mật hội quân ở miền thượng lưu sông Hồng, tìm chỗ sông cạn để vượt qua rồi tiến đánh xuống Đông Đô. Về mặt chính trị, chúng kể tội Hồ Quý Ly, tuyên bố lập con cháu nhà Trần và dùng nhiều lời lẽ xảo trá để lôi kéo nhân dân ta. Sau khi bày binh bố trận các ngả và bày trò tâm lý chiến, tháng 10 (tháng 11 dương lịch) năm Bính Tuất (1406) quân Minh bắt đầu tiến công. Quân tiên phong của Trương Phụ nhanh chóng hạ được ải Lưu Quan và Kê Lăng (Chi Lăng), hai vị trí quan trọng của ta có địa thế hiểm yếu và khá đông quân phòng thủ. Sau đó chúng tiếp tục tiến về Cần Trạm (Kép, Bắc Giang ngày nay).

Tới đây quân Minh chiếm đóng vùng Xương Giang (Bắc Giang), Thị Cầu, kỵ binh tiến đến Gia Lâm, thu hút lực lượng quân ta, còn đại quân tiến về miền Đa Phúc, Lập Thạch bắt liên lạc với đạo quân Mộc Thạch. Dọc đường tiến quân, địch không vấp phải sức kháng cự nào đáng kể của quân ta.

Về phía Lào Cai, Hà Giang, quân Mộc Thạch cũng hạ được nhiều đồn ải, đánh tan các bộ phận án ngữ của ta trên tuyến phòng thủ sông Lô, sông Hồng rồi theo sông tiến xuống Bạch Hạc.

Ngày 11/12/1406, hai đạo quân Minh họp binh ở bờ Bắc sông Hồng chuẩn bị thêm thuyền bè, khí giới để tiến công.

Quân nhà Hồ dựa vào phòng tuyến phía Nam sông Hồng, kiên trì cố thủ, chờ địch đánh sang. Trước tình hình đó Thành Tổ nhà Minh sợ quân ta làm kế hoãn binh, chờ lúc quân Minh không hợp thủy thổ, ốm yếu rồi mới tiến công nên lệnh cho Trương Phụ tiến đánh quân ta vào mùa xuân sang năm.

Trương Phụ, Mộc Thạch quyết định tập trung lực lượng đánh vào thành Đa Bang, điểm chốt rất quan trọng của phòng tuyến. Từ lúc giặc vượt sông đến lúc giặc đánh vào thành, quân ta đều tích cực chống đỡ, có lúc phản kích lại quyết liệt, nhưng quân địch quá đông, quân nhà Hồ không giữ nổi phải bỏ chạy. Quân giặc thừa thế tràn xuống chiếm được Đông Đô vào ngày 22/1/1407, một số quan lại quý tộc đã phản bội, hợp tác với quân giặc đánh lại Hồ Quý Ly.

Quan quân nhà Hồ rút về Hoàng Giang (khúc sông Hồng thuộc địa phận huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị địch kéo tới đánh thua lại phải rút về Muộn Hải (Giao Thủy, Nam Định), xây thành đắp lũy, đúc súng, đóng thuyền cố thủ. Nhưng lại bị quân địch kéo đến đánh thua, phải lui về Đại An (cửa Sông Đáy).

Đến lúc này, do thời tiết ẩm thấp, quân địch không chịu được thủy thổ, sinh ra đau ốm nhiều, bọn địch phải bỏ Muộn Hải quay về Hàm Tử (Hưng Yên). Nắm thời cơ đó, quân nhà Hồ tập trung bảy vạn quân tiến lên phản kích, nhưng giặc đã đề phòng trước, đặt quân mai phục sẵn, nên trận phản công của nhà Hồ bị thất bại nặng.

Ngày 29/4 năm Đinh Hợi (1407), thủy quân giặc đuổi kịp quân nhà Hồ ở Điển Canh (điểm giáp ranh hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Gặp lúc nước cạn quân nhà Hồ bỏ thuyền lên bộ chạy về Nghệ An sau đó vào vùng Hương Khê (Hà Tĩnh). Cuối cùng, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và tướng sĩ, gia nhân lần lượt bị sa vào tay giặc. Bi kịch đó xảy ra vào nửa đầu tháng năm năm Đinh Hợi (1407).

Cuộc kháng chiến của nhà Hồ chống quân xâm lược nhà Minh chấm dứt, nhưng ở nhiều nơi nhân dân ta vẫn tiếp tục nổi dậy chống ách đô hộ của quân Minh.

Tuấn Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét