Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Du lịch Cái Bè (Tiền Giang): Điểm đến không thể bỏ qua



Du lịch Cái Bè (Tiền Giang): Điểm đến không thể bỏ qua
Du lịch Cái Bè (Tiền Giang): Điểm đến không thể bỏ qua
Huyện Cái Bè có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho cả 2 tuyến giao thông thủy - bộ. Cái Bè vừa nằm cạnh bên bờ sông Tiền vừa có quốc lộ 1A chạy qua chia Cái Bè ra làm hai nửa, một nửa là diện tích trồng lúa, một nửa là diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh với nhiều loại trái cây đặc sản có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò bên cạnh đó Cái Bè còn có nhiều di tích lịch sử, di tích kiên trúc văn hóa, nền văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị làng quê và cả tấm lòng đôn hậu, mến khách của người dân nơi đây.

Du khách đến Cái Bè ngoài việc được sống giữa thiên nhiên không khí trong lành, thì du khách còn được đến thăm các di tích lịch sử như khu Thiên Hộ Dương, chiến thắng Đập Ông Tải, chiến thắng Cổ Cò, Chùa Bà Cạn, thăm làng nghề truyền thống, Cồn Cổ Lịch đặc biệt là 2 ngôi nhà khổ nơi còn lưu lại nhiều nét kiến trúc và nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với vùng đất Cái Bè thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX. Chính hai ngôi nhà cổ nầy là điểm du lịch thu hút khách du lịch đến tham quan khá đông.

Từ thị trấn Cái Bè đi bằng tàu du lịch khoảng 15 phút bạn sẽ đến ngôi nhà thứ nhất tọa lạc ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1938 gồm hai gian, ba chái, mang đậm truyền thống Á đông xen lẩn những nét kiến trúc mềm mại theo kiểu kiến trúc Pháp. Các đồ dùng trong nhà như tủ, bàn, ghế được trang trí rất gọn gàng, cân đối và đẹp mắt, các đồ dùng này đều có tuổi thọ từ 50 năm đến trên 100 năm, đặc biệt là 3 chiếc tủ thờ được cẩn ốc sà cừ rất tinh vi và độc đáo, cho thấy sự khéo léo, tinh vi và óc thẩm mỹ của các nghệ nhân thời trước, khách du lịch rất thích thú với nghệ thuật cẩn ốc sà cừ này nhất là qua các nội dung được cẩn với ý nghĩa giáo dục đạo đức rất sâu sắc.

Rời căn nhà thứ nhất đi đò khoảng 30 phút là đến ngôi nhà cổ thứ hai ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1860, vật liệu chủ yếu bằng gỗ. Ông Trần Quang Mẫn, chủ nhân thừa kế đời thứ năm của ngôi nhà thì gia phả ghi lại cho biết: ngôi nhà được các nghệ nhân tài hoa ở cố đô Huế vào thi công, đến năm 1923 ngôi nhà được sửa chữa lại một lần làm cho ngôi nhà bị biến đổi chút ít, từ kiến trúc theo kiểu cung đình Huế giờ có pha thêm những nét chấm phá theo kiểu kiến trúc Pháp, chủ yếu là mặt tiền của ngôi nhà còn phần bên trong vẫn được giữ gìn trọn vẹn với những nét cổ kính của nó. Đây là căn nhà của dòng họ Phạm thuộc tầng lớp quan lại của triều đình nhà Nguyễn, cho nên những đồ dùng trong gia đình thuộc tầng lớp phong kiến, giàu có của giai đoạn đó và đây cũng là gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho nên cũng có nhiều chuyện kể về gia đình giúp đỡ Việt Minh đánh Tây vào những năm 1930-1945.

Do chiến tranh nên một số cổ vật và đồ dùng trong gia đình bị thất lạc và bị mất, nhưng vẫn còn lại nhiều cổ vật và đồ dùng gia đình có thể giúp các bạn biết được đời sống văn hóa xã hội của vùng đất Cái Bè cách đây một hai thế kỷ. Đồ dùng trong gia đình được bài trí khá công phu, nhìn vào nơi bố trí bàn ghế chúng ta có thể biết được người ngồi ở đó thuộc vai vế nào trong dòng tộc.

Phát triển du lịch ngoài việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì du lịch còn tạo điều kiện để giao lưu văn hóa, giúp mọi người hiểu nhau hơn và gần nhau hơn. Với ý nghĩa đó Cái Bè một chấm nhỏ của du lịch Việt Nam sẽ phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình để thu hút khách du lịch đến với Cái Bè ngày một nhiều hơn./.
Tác giả bài viết: Xuân Trường
Nguồn tin: www.dulichvn.org.vn

Đến Cái Bè thăm nhà cổ Út Kiệt

“Đại mỹ gia” là từ mà nhiều chuyên gia và du khách Nhật Bản gọi căn nhà cổ Út Kiệt tại Ðông Hòa Hiệp (H.Cái Bè, Tiền Giang), như một đánh giá về giá trị lịch sử và kiến trúc thẩm mỹ của nơi từng là không gian sinh hoạt của một gia đình giàu có tại miền Tây Nam bộ.
Nhà cổ Út Kiệt
Căn nhà xây dựng từ năm 1838 đã trở thành di tích cấp tỉnh của Tiền Giang
Từ chợ nổi Cái Bè, mất khoảng 25 phút đi ghe, chúng tôi đến nhà Út Kiệt, một ngôi nhà cổ độc đáo toàn bằng gỗ nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.
Từ bờ kênh nơi chiếc ghe chở khách chờ, du khách đi bộ một quãng đường đầy vườn nhãn, đặc sản của vùng ngày, khoảng 1 cây số trước khi đến được căn nhà tại số 22 tổ 1, ấp Phú Hoà, xã Ðông Hòa Hiệp. Tọa lạc giữa vườn cây ăn trái 1,8ha, đây là căn nhà cổ của dòng họ Trần có tiếng sống tại Cái Bè.

Cổng cũ của ngôi nhà vẫn được duy trì
Căn nhà gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai, dựng theo hình chữ Ðinh với khoảng 100 cột gỗ. Mái của căn nhà được lợp theo kiến trúc âm dương, một hàng úp, một hàng ngửa, không chỉ theo phong thủy mà còn tạo rãnh để thoát nước khi trời mưa.
Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ. Chủ nhân căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ vật mang giá trị lịch sử cao, như bộ bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, được thếp vàng, thể hiện trình độ và tài nghệ thưởng thức nghệ thuật của người xưa.
Tường bao quanh mặt ngoài căn nhà được dựng theo kiến trúc thượng song hạ bản, gồm những thanh gỗ vuông dựng so le. Kiểu dựng này giúp lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và người trong nhà dễ quan sát người bên ngoài.

Vách được dựng theo kiến trúc thượng song hạ bản, giúp lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và người trong nhà dễ quan sát bên ngoài
Căn nhà đã được quỹ JICA Nhật Bản tài trợ trùng tu từ năm 1998, khi căn nhà xuống cấp vì chiến tranh tàn phá và phong hóa thời gian sau 150 năm xây dựng. Trong chương trình hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, do tổ chức JICA tài trợ cho dự án khảo sát và trùng tu một số ngôi nhà cổ dân gian Nam Bộ tại Việt Nam, có 355 ngôi nhà cổ ở Tiền Giang được khảo sát, nhưng cuối cùng căn nhà gỗ này đã được chọn. Kinh phí phục chế lên đến 1,5 tỉ đồng gồm toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong theo nguyên bản.
Hiện nay, khách dễ nhận biết những nơi trùng tu so với nguyên bản, đó là phần gỗ mới được lắp vá vào công trình.
Ngôi nhà đã trở thành di tích cấp tỉnh vào năm 2002. Tuy nhiên chủ nhân không hào hứng đón du khách trong nước. Lý do là phần lớn du khách trong nước thích đụng chạm đến các đồ vật và chủ yếu chụp hình, ít tìm hiểu những chi tiết độc đáo thú vị và giá trị của căn nhà.

Gian chính dành cho nghi thức cúng kiến và tiếp thượng khách

 Căn nhà gỗ gồm 5 gian, dựng theo hình chữ Ðinh
Bài, ảnhKim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét