Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Du lịch Đà Lạt ăn, chơi, ngủ, nghỉ thế nào


Sơ lược

 Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km². Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Về phía Bắc, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương, về phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Đơn Dương, về phía Tây và Tây Nam giáp với hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng. Hàng trăm năm trước đây, Đà Lạt là địa bàn cư trú của người Lạch, hay toàn bộ cao nguyên Lang Biang, diện tích hơn 400 km², bao bọc bởi các đỉnh núi cao và dãy núi liên tiếp: Phía Bắc và Tây Bắc giới hạn bởi dãy Chorơmui, Yộ Đa Myut (1.816 m), Tây Bắc dựa vào chân dãy núi Chư Yang Kae (1.921 m), thuộc quần sơn Lang Biang mà đỉnh cao nhất là Chư Yang Sinh (1.408 m). Phía Đông là chân dãy núi Bi Doup (2.278 m) dốc xuống cao nguyên Dran. Phía Đông Nam chắn bởi dãy Cho Proline (1.629 m). Phía Nam và Tây Nam có dãy núi Voi (1.754 m) và Yàng Sơreng bao bọc. Do ảnh hưởng của độ cao và rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. Nhiệt độ trung bình 18—21°C, nhiệt độ cao nhất chưa bao giờ quá 30°C và thấp nhất không dưới 5°C.
Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm
Đôi nét về lịch sử
Ngày 3 tháng 8 năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên với ý định tìm đường núi từ Nha Trang vào Sài Gòn, nhưng chuyến đi này bất thành. Từ 28 tháng 3 đến 9 tháng 6 năm 1892, Yersin thực hiện một cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Đắk Lắk để đến Stung Treng, nằm bên bờ sông Mê Công (thuộc địa phận Campuchia).
Tháng 1 năm 1893, Yersin nhận nhiệm vụ từ toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan, khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi... Từ ngày 8 tháng 4 đến ngày 26 tháng 6 năm 1893, Yersin đã thực hiện ba chuyến đi quan trọng. Và 15h30 ngày 21 tháng 6, Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô).
Với nhu cầu tìm một vùng đất có khí hậu ôn hòa, gần giống với châu Âu để xây dựng khu nghỉ mát, trạm điều dưỡng, toàn quyền Paul Doumer viết một bức thư hỏi ý kiến của Yersin, và Yersin đã trả lời là cao nguyên Lang Biang. Tháng 3 năm 1899, Yersin cùng toàn quyền Doumer thực hiện một chuyến đi lên cao nguyên Lang Biang và chuyến đi này có ý nghĩa quyết định về việc thành lập một trạm điều dưỡng ở đây.
Trong hai thập niên 1900 và 1910, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường từ Sài Gòn và từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Hệ thống giao thông thuận lợi giúp Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Vào năm 1893, vùng Đà Lạt ngày nay hầu như hoang vắng. Đến đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn còn là một khu thị tứ nhỏ với độ 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ dòng Cam Ly, chỉ có 9 phòng khách sạn phục vụ du khách, đến cuối năm này mới nâng lên được 26 phòng. Cuối năm 1923, đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt đã có 1.500 dân.

Đến Đà Lạt, bạn chẳng những được thoả chí” trèo đèo, lội suối” mà còn được đến thăm những khu biệt thự của Bảo Đại hay các ngôi chùa cổ kính và những ngôi nhà thờ của người dân tộc.
Được ví như một Tiểu Paris, Đà Lạt từng mộng mơ và nên thơ nhờ cái lạnh cao nguyên ban đêm, sương mù buổi sớm và những dải rừng thông bao quanh thành phố.
Thắng cảnh
_Chùa và thiền viện
Thiền viện Trúc Lâm
  • Thiền viện Trúc Lâm là thiền viện lớn nhất Việt Nam, khánh thành năm 1994, là một trong những công trình xây dựng Phật giáo lớn nhất sau năm 1975. Chùa tọa lạc bên cạnh hồ Tuyền Lâm trên một khu đất rộng 25 ha. Thiền viện Trúc Lâm hiện nay được nối với Trung tâm thành phố Đà Lạt (đồi Robin) bằng hệ thống cáp treo, chuyên chở khách đến Thiền viện và quay về.Hồ Tuyền Lâm năm 2005 được chính quyền tỉnh Lâm Đồng xây dựng thành một khu du lịch lớn, thu hút khoảng khoảng 30 nhà đầu tư.
  • Chùa Linh Phước còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai, sành sứ. Chùa là mộtkiến trúc khảm sành độc đáo của Đà Lạt. Chùa tọa lạc tại Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông.
  • Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
  • Chùa Thiên Vương Cổ Sát được khởi xây năm 1958, cách trung tâm Đà Lạt vào khoảng 5 km, nằm trên một đồi thông. Chính điện chùa có 3 tượng Phật cao 4 m thỉnh từ Hồng Kông, phía sau chùa, trên đồi thông là tượng Thích Ca Phật Đài cao 20 m. Chùa còn được gọi là Chùa Tàu, theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của Trung Quốc.
  • Chùa Linh Phong tọa lạc tại đường Hoàng Hoa Thám, được xây dựng năm 1944. Trong chùa chỉ có sư nữ tu nên chùa còn được gọi là Chùa Sư Nữ.
  • Chùa Linh Quang, ngôi tổ đình đầu tiên của Đà Lạt, tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng do hòa thượng Thích Nhân Thứ tạo lập năm 1931.
Nhà thờ
Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt thường được gọi là Nhà thờ Con gà vì có hình con gà trên nóc, biểu tượng cho thánh Phê-rô. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1931, đến năm 1942 thì hoàn thành. Nhà thờ là một trong những kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa của Đà Lạt.
Nhà thờ Con Gà
Nhà thờ Con Gà
Ngoài ra Đà Lạt còn có nhiều nhà thờ khác như Nhà thờ Domaine de Marie với kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp, trong nhà thơ còn có một vườn hoa tuyệt đẹp với 2 cây Tùng trên 75 năm tuổi, nhà thờ Du Sinh có kiến trúc cổ truyền Việt Nam với mái cong và rồng. Nhà thờ Cam Ly được xây dựng từ năm 1960 đến 1968 theo kiểu nhà rông Tây Nguyên.
Dinh thự
Đà Lạt có nhiều dinh thự và biệt thự đẹp như
  • Dinh I: đã từng là văn phòng quốc trưởng của Bảo Đại, nay được Công ty K'Gim - Hàn Quốc đầu tư thành khu khách sạn,giải trí cao cấp.
  • Dinh II: từng là biệt thự nghỉ mát của toàn quyền Decoux, rồi sau đó là của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Cao Kỳ. Sau năm 1975 là nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng.
  • Dinh III: còn gọi là dinh Bảo Đại, xây dựng từ năm 1933, nằm ở đường Triệu Việt Vương, gần Viện vacxin và các chế phẩm sinh học Đà Lạt. Từ năm 1949, Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ, vua Bảo Đại sống với gia đình và làm việc tại đây. Hiện nay còn lưu giữ lại nguyên trạng 25 phòng và một số hiện vật của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, hoàng hậu Nam Phương, các hoàng tử và công chúa. Vườn hoa trước biệt điện được chăm sóc công phu.
  • Biệt thự Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan - vợ vua Bảo Đại).
  • Biệt thự Thống đốc Nam kỳ, nay là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng.
  • Biệt thự Hằng Nga.
Phong cảnh
  • Đồi Cù
Đồi Cù

Đồi Cù nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt nằm kế bên là Hồ Xuân Hương do vậy thường được nhắc đến như một địa danh dính liền nhau - nhiều người cho rằng Đà Lạt sẽ kém phần mỹ lệ nếu thiếu Đồi Cù và hồ Xuân Hương. Năm 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạtkiến trúc sư Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực bất khả xâm phạm nhằm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Đà Lạt. Về sau, một kiến trúc sư người Anh đã thiết kế biến Đồi Cù thành sân golf 9 lỗ khá nổi tiếng của vùng Đông Nam Á và hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân golf 18 lỗ. Tên Đồi Cù không rõ có từ bao giờ, và vì sao gọi là "Đồi Cù" lại có hai hướng lý giải, có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như tấm lưng trần của những con cù khổng lồ nên đã ví von gọi là "Đồi Cù"; cũng có người giải thích sở dĩ có tên "Đồi Cù" vì nơi đây là một địa điểm chơi golf hay còn gọi là đánh cù.
  • Hồ Xuân Hương
Nắng trên hồ Xuân Hương
Nắng trên hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt và bên cạnh Đồi Cù. Hồ thực chất là hồ nhân tạo được xây dựng vào năm 1919 do sáng kiến của Cunhac. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, hồ có diện tích mặt nước rộng 25 ha, chu vi dài 5,1 km. Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao được xây dựng như khách sạn Palace, thao trường Lâm Viên, nhà nghỉ Công Đoàn, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ... Trước kia hồ có tên gọi Grand Lac (hồ lớn). Vào buổi sáng sớm sương mù hiện lên rất đẹp và thơ mộng.
  • Hồ Suối Vàng
Hồ suối Vàng
Hồ suối Vàng
Hồ Suối Vàng là hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố qua đập tràn của công ty cấp nước Đà Lạt. Thung lũng Suối Vàng còn là điểm đến du lịch nổi tiếng với vườn hoa và rừng thông.
  • Công Viên hoa Đà Lạt

Công viên hoa rực rỡ ở Đà Lạt
Công viên hoa rực rỡ ở Đà Lạt

Công viên hoa Đà Lạt nằm quanh trên bờ phía Bắc của hồ Xuân Hương, trên thung lũng của Đồi Cù. Trước đây công viên hoa Đà Lạtcó tên là Bích Câu, hiện nay diện tích của công viên hoa được mở rộng tới 7000 m², với cách bố trí thoáng đãng, tạo ấn tượng cho người chợt ghé. Các loại hoa và cây cảnh nổi tiếng của Đà Lạt được trồng tỉa chăm sóc chu đáo, cảnh sắc tươi mát, phong phú bốn mùa. Hàng năm thường tổ chức lễ hội hoa và là thông điệp nhằm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu hoa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
  • Đỉnh Lang Biang
Lang Biang
Lang Biang
Nằm ở độ cao 2.169 m so với mặt biển, Langbiang ẩn chứa trong mình truyền thuyết về một tình yêu say đắm, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến. Langbiang còn được ví như "nóc nhà" của Cao nguyên Lâm Viên, nóc nhà Đà Lạt, là chốn lý tưởng để du khách tận hưởng những cảm xúc bồng bềnh, là nơi mà bao lữ khách khát khao chinh phục, khám phá những bất ngờ và thoả thú phiêu lưu, tang bồng. 
  • Hồ Than Thở
Là một hồ nước tự nhiên thuộc thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và cũng là một địa điểm du lịch của thành phố này. Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13 tháng 3 năm 1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa. Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất: hồ Than Thở.
  •  Thác Cam Ly
Thác Cam Ly
Thác Cam Ly
Ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, chỉ cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía đông - nam. Thác không đẹp và thường ít nước vào mùa khô nhưng nhờ vị trí gần trung tâm thành phố nên du khách thường ghé thăm.
  • Thác Prenn
Mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu. Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20.
Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.
  • Thác Pongour: hay còn gọi là thác Bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nằm cách Đà Lạt 50 km về hướng Nam.
Thác Pongour
Thác Pongour
Thác đổ từ độ cao gần 40 mét, trải rộng hơn 100 mét, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú.
  • Thung lũng Tình Yêu
Là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về hướng Đông Bắc. Đó là nơi đập Đa Thiện (xây năm 1972) quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao, thành một hồ nước (hồ Đa Thiện) trong vắt uốn quanh thung lũng rợp bóng thông xanh. Ban đầu, người Pháp gọi nơi đây là Vallée d'Amour (Thung lũng tình yêu) sau nó được đổi tên thành Thung lũng Hòa Bình, và năm 1953 trở lại là Thung lũng Tình yêu.
Thung lũng tình yêu
Thung lũng tình yêu

Thung lũng Tình Yêu đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông. Năm 1972, một đập ngăn nước được xây dựng vắt ngang qua thung lũng tạo thành hồ Đa Thiện, làm tăng thêm sức quyến rũ cho cảnh quan chung, đồng thời xuất hiện thêm hai tên gọi khác bên cạnh Thung lũng Tình Yêu là đập 3 và hồ Đa Thiện 3.
Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động.
Ngoài ra còn có những đại điểm mà bạn không thể không đến thăm khi tới Đà Lạt
  •         Chợ Đà Lạt
  •         Thác Datanla
  •         Đồi Mộng Mơ
  •         Thung Lũng Vàng
  •         Hồ tuyền Lâm
  •         Biệt thự Trần Lệ Xuân
  •         Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt
  •         Ga Đà Lạt
Đà Lạt mộng mơ là một điểm đến lí tưởng cho những tâm hồn lãng mạn và những ai trót yêu vùng cao nguyên lộng gió với khí hậu ôn đới này.

Đà Lạt quen mà lạ với 10 điểm dừng chân thú vị

Nếu đã đến Thung lũng Tình Yêu, ga Đà Lạt, thì trong lần trở lại nơi đây, bạn đừng bỏ qua XQ sử quán, Dinh III và chùa Linh Phước.

Di tích kiến trúc Ga Đà Lạt được xây từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, là nhà ga “cao nhất” Việt Nam vì nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Hiện nay, cùng với nhà ga Hải Phòng, ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.
 
Nhà thờ Domaine De Marie hay còn gọi là nhà thờ Mai Anh do tọa lạc trên ngọn đồi có nhiều hoa anh đào, cách trung tâm Đà Lạt một km về phía tây nam. Nhà thờ có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc nhà dài Tây Nguyên. Nét đặc sắc của nhà thờ là không có tháp chuông; hệ thống chiếu sáng được làm bằng những ô kính màu; tượng Đức Mẹ cao 3 m đứng trên quả địa cầu, được khắc họa theo hình người phụ nữ Việt Nam, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
 
Thung lũng Tình Yêu cách trung tâm Đà Lạt 6 km về hướng đông bắc. Có 3 khu vực tham quan là hoa viên đầu thung lũng, hồ Đa Thiện ở dưới thung lũng và khu dã ngoại. Đứng ở đây, du khách có thể ngắm núi Lang Biang cùng mây trôi bồng bềnh phía xa.
 
XQ sử quán là điểm tham quan mang đậm nghệ thuật trưng bày ấn tượng từ kiến trúc cổng vào đến từng phòng trưng bày, với những bức tranh thêu tay đẹp huyền ảo trong từng đường kim mũi chỉ, được mỗi nghệ nhân Việt chăm chút thực hiện. Du khách đến tham quan không chỉ để xem tranh thêu mà còn để trở về với những câu chuyện quê hương, huyền thoại.
 
Dinh III (Dinh Bảo Đại) nằm trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt 2 km về hướng tây nam, là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại được xây dựng từ năm 1933. Khuôn viên bên ngoài biệt điện trồng những loại hoa đủ màu sắc. Bên trong biệt điện có phòng khánh tiết, phòng tiếp khách, phòng làm việc, 25 phòng ngủ và phòng bếp. Những hiện vật còn được lưu giữ trong căn phòng làm việc của vua Bảo Đại như ấn tín quân sự, ngọc tỷ, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bán thân của vua Bảo Đại và vua Khải Định. Phía ngoài phòng ngủ của cựu hoàng hậu Nam Phương là lầu vọng nguyệt (nơi ngắm trăng).
 
Chùa Linh Phước là công trình kiến trúc khảm sành với hơn 100 tấn sành sứ, mang đậm bản sắc Á Đông, nằm ở Trại Mát, cùng hướng với ga Đà Lạt. Khu Long Hoa Viên có tượng rồng uốn lượn dài 49 m quanh Phật Di Lạc, vảy rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia. Chánh điện dài 33 m, rộng 22 m. Tiền đàng bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng, thờ 108 tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Trước Long Hoa Viên là Linh tháp 7 tầng cao 37 m – được xác lập kỷ lục là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Đặc biệt, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 17 m được kết bằng 650.000 hoa bất tử (một loài hoa đặc trưng Đà Lạt).
 
Thiền viện Trúc Lâm nằm trên đồi Phụng Hoàng, cách trung tâm Đà Lạt 5 km, là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có 4 khu: ngoại viên, tịnh thất hòa thượng, nội viện tăng và nội viện ni. Bên trong chánh điện có tượng Phật Thích Ca cao 2 m, tay phải cầm cành hoa sen đưa lên, miêu tả điển tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười.
 
Núi Lang Biang cách thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về hướng bắc, thuộc thị trấn Lạc Dương. Du khách mua vé đi xe jeep lên núi với giá 50.000 đồng cho cả lượt lên và xuống. Đỉnh Lang Biang cao 2.167 m so với mặt biển, cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ và các thảm thực vật thay đổi theo từng độ cao khác nhau. Từ đỉnh núi cao chót vót này, du khách có thể phóng tầm mắt ra mọi hướng mà không hề bị che khuất.
 
Thác Datanla nằm giữa đèo Prenn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5 km. Cảnh vật xung quang còn hoang sơ và mang vẻ đẹp của Tây Nguyên trữ tình, nước từ trên ghềnh cao đổ xuống thành dòng suối len qua các mỏm đá rồi xa hút vào rừng sâu. Phía trên thác là cánh rừng thông xanh tốt có tuổi đời 100 năm. Dưới chân thác là vực Tử Thần, hấp dẫn du khách với những trò chơi mạo hiểm như chinh phục vách đá, leo xuống thác bằng dây…
 
Chợ Đà Lạt bày bán các mặt hàng đa dạng với các loại rau, bông atisô, hoa, đặc sản Đà Lạt như dâu tây, mứt dâu, khoai lang dẻo, đặc biệt là hàng len. Dạo quanh chợ vào buổi tối, du khách có thể thưởng thức các món ăn đường phố như thịt nướng với giá 5.000 đồng một xiên que, bánh tráng nướng thơm ngon 10.000 đồng.
 
Phan Ngọc Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét