Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

“Homestay” trên biển Phú Quý


Huyện đảo Phú Quý đang thu hút ngày một nhiều du khách bởi loại hình du lịch tham quan, nghỉ ngơi tại nơi nuôi cá lồng bè, được gọi một cách du lịch hóa là “homestay” trên biển.
Phú Quý hiện có 108 cơ sở nuôi hải sản trên biển tập trung tại bến Lạch Dù, thuộc xã Tam Thanh, giáp xã Long Hải. Trong nhiều năm qua, không ít ngư dân đã nuôi thành công các loại cá mú, cá bớp, cá chình, cá gáy và tôm hùm... nhờ đó  mà khấm khá lên.

Gần đây, nhiều ngư dân  đã mở rộng nhà  lồng  dạng bán kiên cố. Đây cũng là thời điểm để tự phát hình thành loại hình du lịch “homestay” trên biển. Mỗi nhà lồng có không gian đủ rộng cho  chừng chục người ăn ở  một hoặc hai ngày. Để  ra được nhà lồng, du khách chỉ cần alo với chủ nhà lồng rồi mất từ 15 – 20 phút đi canô máy ra tận nơi.

Khi  đến nơi, du khách sẽ thăm quan các mô hình nuôi hải sản, đắm mình trong dòng nước mát lạnh để ngắm rạn đá san hô, cá biển và đặc biệt là tự mình câu cá, tạo cho  mình một cảm giác riêng tư đến tuyệt vời.

Anh Ngợi, chủ cơ sở nuôi trồng và kinh doanh các mặt hàng hải sản tươi sống mang tên Hồng Ngợi tại huyện Phú Quý, chia sẻ: “Dịch vụ nghỉ ngơi vui chơi tại khu nhà lồng tuy mới nhưng đã hút du khách”.
Theo CHÂU THỌ (binhthuanonline)

Phải lòng cù lao Thu

(iHay) Dân gian quen gọi đảo Phú Quý là cù lao Thu, cù lao Khoai Xứ. Nhiều dân đảo giải thích rằng vùng đảo này ngày xưa cá thu nhiều vô kể. Dân tứ phương trôi dạt thường mang theo khoai lang làm lương thực và trồng tươi tốt khắp đảo. “Phú quý” là mong ước của mọi người.



Phú Quý là huyện đảo của Bình Thuận, cách Phan Thiết 56 hải lý (103,712 km); có diện tích 16,4 km2 và dân số chừng 27.000 người. Là tập hợp gồm 10 đảo lớn nhỏ (còn gọi là hòn) bao gồm Lớn (Phú Quý), Tranh (nhiều cỏ tranh), Đỏ (toàn đá đỏ), Đen (toàn đá đen), Giữa (như cầu nối giữa hòn Đen và hòn Đỏ), Trứng (nhiều chim), Đồ Lớn - còn gọi là hòn Tro, Đồ Nhỏ, Hải, Đá Tý. Gần nhất chỉ hơn 100 m (hòn Đá Tý, hòn Đen), còn xa nhất là hơn 70 km (hòn Hải).
Chỉ đảo chính là có dân cư. Trạm ra đa trên hòn Tranh, cách Phú Quý 700 m, có tầm quan sát rộng 500 hải lý, bao quát cả biển Đông. Hòn Tranh còn có hang Cò Nước, hang Cò Khô, giếng Nguyễn Ánh, đền thờ cá Voi (thần Nam Hải), vũng Phật... với nhiều giai thoại kỳ thú. Hòn Trứng, cách đảo chính 3 km, là “thủ đô” của các loài chim biển. Hòn Đồ Lớn, tức hòn Tro, mới được hình thành từ năm 1923, là đảo núi lửa mới nhất của ASEAN. Đây là nhóm đảo núi lửa cấu tạo địa chất đồng nhất mà đa dạng sinh học, có nguồn hải sản cực kỳ phong phú, góp phần cho Bình Thuận vững vàng vị trí á quân của ngư trường Việt Nam, sau Kiên Giang.

 Cù lao Thu phú quý chân quê
Đảo Phú Quý - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hiện nay, từ đất liền ra đảo, nếu thuận buồm xuôi gió thì đi tàu mất 5 - 7 tiếng. Trước đây có tàu nhanh rút ngắn được một nửa thời gian nhưng đã ngưng hoạt động. So với tàu đi Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc thì tàu Phú Quý lạc hậu vài chục năm. Tàu nhếch nhác, chở khách gần gấp đôi nên nằm ngồi la liệt. Từ lối đi, lan can cho đến hầm hàng, ngột ngạt không khí tàu xe thời bao cấp. Phải đi sớm để giành chỗ. Buồn nhất là việc khách và cả nhân viên tàu cứ vô tư hút thuốc, nhả khói như lò gạch, bất chấp bảng “Cấm hút thuốc”. Nguy cơ cháy nổ cứ lơ lửng. Trên tàu không có thùng rác và cũng chẳng ai nhắc nhở nên mọi người cứ thoải mái vứt mọi thứ rác xuống biển. Từ hộp cơm, vỏ lon, vỏ chai, túi ni lông và hầm bà lằng khác. Nhà vệ sinh thì ôi thôi, bẩn không thể tưởng.
Nhưng khác với thành kiến của chuyến tàu “giảm béo”, Phú Quý rạng rỡ đón khách với bạt ngàn xanh cây trái. Nhà cửa khang trang, đường sá rộng đẹp, quy hoạch bài bản. Hình như Phú Quý cố bù đắp lại những bực dọc cho du khách bằng cảnh đẹp và ẩm thực. Cả sự thân thiện đến bất ngờ. Còn giá cả thì có lẽ rẻ nhất ở Việt Nam, dù đường xa cách trở, nhiều thứ phải chở từ đất liền ra. Giá ăn ở đây chỉ bằng 35% Côn Đảo, 60% Phan Thiết nhưng tươi ngon thì hơn hẳn. Mấy ngày ở đảo, tôi đã thuê xe gắn máy, chạy khắp đảo khám phá và đầy ắp chuyện lạ. Đảo đẹp và bình yên lạ lùng, lại có nhiều quán cà phê sân vườn lịch lãm, thoáng rộng và xinh đẹp đến bất ngờ.
Ăn chè sâm bổ lượng, uống nước mía hay ăn 2 cái bánh plan... cũng chỉ đồng giá 5.000 đồng mỗi thứ. Các món mặn như bánh canh, mì quảng, gỏi cuốn... chỉ từ 8.000 - 15.000 đồng là hết giá. Là nhóm đảo núi lửa nên đất đảo toàn bazan màu mỡ. 2 loại trái cây đặc trưng là xoài cát Hòa Lộc và ổi xá lỵ, cứ từng vườn trĩu quả. Xoài và ổi Phú Quý cũng như con gái đảo, nhìn bề ngoài xuề xòa, chẳng có gì đặc biệt mà ăn thì ngọt thơm tê lưỡi, giá 10.000 - 15.000 đồng/kg mỗi loại. Có lẽ nhờ khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù nên trái cây có hương vị rất riêng, không lẫn vào đâu được. Chỉ có cây mía là chê đất bazan biển, cây tốt nhưng độ ngọt kém nên cứ phải mua từ đất liền. Do gió biển có độ ẩm và mặn cao, các nhà và vườn ở đảo đều dùng hàng rào bằng cây xanh để chắn gió, nom rất ngộ nghĩnh. Rất nhiều cây tra, cây bồ đề... xòe tán thành những chiếc dù che nắng tự nhiên và mát mắt.
Sáng tinh mơ, ra cảng xem thuyền cá đổ hàng. Hoa mắt với đủ chủng loại lớn nhỏ, học cả buổi vẫn chưa nhớ hết tên. Rồi hỏi cách săn bắt từng loại, hấp dẫn hơn xem phim “khám phá đại dương”. Tôi đã học cách phân biệt các loại cá bò hòm, bò da, bò giấy... Rồi các loại cá mú đỏ, mú trắng, cá tà ma, cá hồng chuối, các loại ốc, các loại mực... Cầm con cá chuồn lên ngắm nghía, mới hiểu vì sao cá có thể bay là là trên mặt nước cả trăm mét. Đó là bởi 2 vi cá chuồn dài gần bằng thân. Chỉ cần quẫy đuôi, phóng lên khỏi mặt nước, xòe vi là “bay” được. Cá ngừ nhỏ thì gọi là cá lồ ồ, cá ghim (giống ghim đan lưới) còn gọi là cá nhái, cá mập là cá nhám...
Thử làm “Robinson và đồng đội”, tự câu cá, bắt ốc, mò cua, tắm tiên... mới thấy cái sướng của con người thời nguyên thủy

Dân đảo nhìn mắt cá là biết độ tươi chứ không cần vạch mang xem xét. Nếu thích thì chọn cho mình và thứ đặc sản, về tự chế biến theo sở thích. Cá nục ở cảng, giá sa cạ chỉ 8.000 đồng/kg, cá cam 40.000 đồng/kg cả con, cá ghim 20.000 đồng... Về tới chợ, cách cảng mấy trăm mét là giá đắt gấp đôi trở lên. Đem chuyện hỏi mấy ngư dân “Sao không bảo vợ con đem ra chợ bán lẻ cho được giá hơn?”. Họ cười bảo “Mỗi người một khâu, chia nhau mà sống chứ. Mình bán rẻ vì bán sỉ, họ về xẻ thịt bán lẻ, không hết thì ôm sô, rồi còn tiền chỗ, tiền thuế... ”. Cái triết lý kinh doanh của dân gian giản đơn mà thực tiễn và đầy tính nhân văn.
Anh Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện là thổ địa đảo đãi tôi mấy bữa đặc sản Phú Quý. Quả là “danh bất hư truyền”. Ốc thì có ốc gai, ốc nhảy, ốc nón, vú nàng... hấp gừng, làm gỏi, nướng than đều tuyệt. Mà phải là ốc sống, đang bò lổm ngổm mới ngon. Thơm, ngọt, mềm dai, sần sật. Giá ốc tươi chỉ 60.000 đồng/kg. Tôm thì có tôm mũ ni hoặc tôm hùm nướng hoặc hấp. Tôm hùm loại nhỏ giá 280.000 đồng/kg nhưng chất lượng khỏi chê. Cua có 2 loại nổi tiếng là cua mặt trăng và cua huỳnh đế. Gọi là cua mặt trăng vì mai cua có những đốm màu đỏ hoặc hồng như viên bi. Có lẽ gọi cua mặt trời thì giống hơn. Cua huỳnh đế là loại cua tiến vua, mai và càng đều cứng như đá. Thiên hạ bảo cua mặt trăng ngon nhất. Càng cua phải dùng kim loại hoặc đá đập mạnh mới vỡ, không thể dùng kéo. Thịt cua và gạch thì cua huỳnh đế hơn hẳn. Cả bề ngoài cũng không hấp dẫn bằng. Tôi đã ăn thử cua huỳnh đế ở Phú Yên nhưng thua xa Phú Quý.
Du lịch Phú Quý, độ vài chục người trở lại thì lý tưởng nhất là thuê xe gắn máy đi phượt. Ưu tiên số một  là chùa cổ Linh Quang, xây dựng từ năm 1747. Chùa đẹp, có 3 tượng Phật cổ, 1 tượng bằng đá nguyên khối khá lớn, 2 tượng bằng đồng, chân tượng bị nung chảy khi cháy chùa hơn trăm năm trước. Đáng tiếc là cả 3 tượng cổ đều được sơn mới, nhìn qua cứ tưởng bằng xi măng. Vạn An Thạnh, xây dựng năm 1781, nơi thờ 77 thần Nam Hải và trưng bày bộ xương cá voi dài hơn 20 mét, có nhiều hình ảnh và thông tin giá trị. Núi Cao Các, cao hơn 70 mét, là điểm lý tưởng để ngắm cảnh toàn đảo. Trên núi có chùa Linh Sơn, cảnh quan kỳ vĩ với những tảng đá không lồ cheo leo, bị sóng biển bào mòn từ hàng triệu năm trước. Đường bậc thang lên núi đi giữa vòm cây xanh mát. Có thể viếng chùa Linh Bửu rồi lên núi Cấm cao nhất đảo, 108 mét, nơi có ngọn đèn biển oai phong. Có thể vào tham quan những vườn xoài, vườn ổi trĩu quả hay xem trại nuôi dông cát. Nếu có thời gian thì đi ca nô khám phá hòn Tranh, hòn Trứng và nhiều thứ lạ lùng của các đảo không người ở. Thử làm “Robinson và đồng đội”, tự câu cá, bắt ốc, mò cua, tắm tiên... mới thấy cái sướng của con người thời nguyên thủy. Dứt khoát phải ra nhà bè tìm hiểu cách nuôi đặc sản biển. Chọn thứ ưng ý nhất, nhờ chế biến và dứt điểm tại chỗ rồi phê qua đêm giữa trăng thanh, gió mát thì nhất hạ giới.
Mấy ngày ở Phú Quý, tôi phát hiện ra các nhà lầu mới xây đều có khoảng sân thượng để ngủ. Phú Quý chỉ có điện đến 23 giờ 30 là cúp, không phải để hưởng ứng giờ trái đất mà vì thiếu điện. Mấy nhà nghỉ chạy máy phát, chỉ đủ cho quạt, mà phòng thì bé tẹo và bí rị nên cứ như xông hơi.
Nghe đâu Bình Thuận đang xúc tiến làm sân bay 1.600 tỉ. Từ Sài Gòn đi Phan Thiết, chỉ cần đường bộ cao tốc, 2 giờ là đến nơi. Đi máy bay có khi chậm hơn vì phải đến sớm làm thủ tục, rồi lấy hành lý... Du lịch Phú Quý, chỉ cần có tàu chạy nhanh hơn và sạch sẽ hơn. Chỉ cần có thêm điện thì các nhà đầu tư sẽ dám bỏ vốn, du khách dám rủ nhau ra đảo.
Nguyễn Văn Mỹ
Một lần trở lại Phú Quí

Chuyến tàu ra đảo Phú Quí của chúng tôi bắt đầu trong một buổi sáng nắng đẹp, gió lồng lộng có lất phất mưa. Biển dậy sóng ồn ào, tung bọt trắng xóa lạ mắt. Dân đi biển chuyên nghiệp gọi đó là sóng bạc đầu, chỉ xuất hiện khi biển động.
 
Chẳng bù cho lần đoàn đi mở tuyến vào tháng trước. Ngày hôm đó buổi sáng biển lặng như gương, đến trưa sóng chỉ lăn tăn chút đỉnh và gió thì trốn biệt tăm.



Hơn bảy giờ tối đoàn mới vào đến bờ. Niềm vui đầu tiên trên đảo là bữa ăn ngon tuyệt vời với ốc giác luộc, tôm hùm hấp, cá bóp chiên, canh chua cá mú hồng… Mọi thứ đều tươi rói, ngọt lừ.

Đặc sản ở đây có món cua mặt trăng phải dùng chày mới đập vỡ được càng.Lần đầu tiên thưởng thức loại cua này, ai nấy xuýt xoa khen ngon, quả là không bõ công vật lộn cả ngày với sóng to gió lớn.

Ăn xong, từng cặp du khách nhận xe gắn máy và nón bảo hiểm chạy thử làm quen đường đảo. Đêm về đã có nhà nghỉ khang trang, thoáng đãng, gió mát rượi, cửa mở thoải mái suốt đêm.
Hôm sau cả đoàn chạy xe đi chợ cá khi mặt trời chưa mọc. Ra cảng thấy vắng hoe, hỏi ra mới biết cảng cá dời về bãi Phủ từ mấy bữa nay vì đổi mùa gió. Biển động nên tôm cá không dồi dào như lần trước nhưng không khí mua bán vẫn nhộn nhịp.

Vòng quanh đảo toàn đường rải nhựa hẹp mà xinh xắn. Hai bên đường lúc mượt mà cây cối, lúc biển xanh ngút ngàn, có lúc lại thấy nhấp nhô vườn cây trái trĩu quả. Phú Quí đang vào mùa xoài.

Gió mơn man mang mùi hương nồng nàn của đất biển cỏ cây. Một cảm giác lâng lâng khó tả đến với những người lần đầu đi tham quan đảo bằng xe gắn máy.

Không bị gò bó tầm nhìn, lại được thỏa sức hít thở không khí tươi lành của biển đảo, ai nấy tha hồ dừng chân nghía cảnh và chụp hình theo sở thích. Dân đảo nhìn du khách ngạc nhiên rồi chân tình trò chuyện.

Gặp khách lạ, dân nói tiếng Việt “phổ thông”, còn trò chuyện với nhau thì cứ dùng ngôn ngữ trên đảo líu lo như chim hót người ngoài không ai hiểu.

Phú Quí có nhiều cảnh đẹp. Nhiều người đã đến đây mấy lần mà vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Từ trên đỉnh Cao Các, cả Phú Quí bạt ngàn xanh biếc hút tầm mắt. Biển mênh mông và những rừng chồi trải dài.

Như tên gọi, bãi Nhỏ cát trắng phau e ấp nằm cạnh thảm cỏ nhung xanh mượt như sân golf. Mấy chú bò thong dong gặm cỏ ven biển, gợi nhớ những vùng quê yên bình.

Ấn tượng nhất là bãi hang Dơi, nơi đá khoe sắc và tạo dáng với biển. Những khối đá ngũ sắc, đủ hình thù góc cạnh, điệu đàng biểu diễn thời trang đá giữa đất trời.

Sóng nô đùa trêu chọc, đá vẫn quấn quýt thủy chung. Du khách cẩn thận bò men các vách đá, xuống hang Dơi, ra mấy mỏm đá cheo leo để có những tấm ảnh để đời.

Buổi trưa, cả đoàn lên xuồng nhỏ ra nhà bè chơi. Chưa thể sánh với các nhà bè du lịch ở nước ngoài về sự chuyên nghiệp nhưng nhà bè Phú Quí nổi bật nhờ sự mộc mạc thân tình.

Anh Đỗ Văn Phận, chủ nhà bè vừa dựng ngay hai gian nhà trống để kịp đón khách. Mừng “nhà” mới và đón khách quý khai trương, anh đãi cả đoàn món ốc bàn là, cá mú chưng hấp cuốn bánh tráng, tôm hùm và cháo cá.



Món nào cũng ngon nhớ đời. Riêng món ốc ngọt mềm ăn không biết no. Biển Triều Dương xanh sạch đến nao lòng, lại xa khu dân cư nên càng yên tâm về môi trường.
Tin rằng một ngày không xa, Phú Quí sẽ gần hơn khi có tàu chở khách đúng chuẩn giúp thời gian đi tàu giảm xuống. Trong khi chờ đợi, đảo vẫn mở rộng vòng tay đón khách.

Yêu nhau chẳng quản đường xa. Những gian nan cực nhọc trong chuyến đi sẽ được bù đắp tương xứng bởi cảnh đẹp và ẩm thực độc đáo của đảo ngọc này.

NGUYỄN VĂN MỸ/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét