Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Hương rừng U Minh

Lâm Văn Sơn










Tắc ráng cao tốc đưa du khách đi sâu vào rừng U Minh. Ảnh: Lâm Văn Sơn
(TBKTSG Online) - Khởi hành từ 1 giờ sáng, chúng tôi phải ngủ trên xe vượt gần 190km để đến U Minh Thượng. Thay vì theo hướng đi ngã ba lộ tẻ Long Xuyên rồi đi Rạch Sỏi, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi chọn lối đi xuyên qua tỉnh Hậu Giang để đến An Biên và Vĩnh Thuận, vì tuyến đường này ít xe và con đường thì nhỏ nhắn thật hiếm có sau thời kỳ phát triển mở rộng lộ giới.
Từ đó chúng tôi đi qua Hỏa Lựu, kinh 5… những địa danh nghe ngồ ngộ và nhất là qua phà Tắc Cậu, chuyến phà gợi nhớ cảnh chờ phà Cần Thơ do kẹt xe mỗi buổi chiều trước đây.
Xe đến phà Tắc Cậu hay còn được gọi là Xẻo Rô vào lúc 5 giờ sáng. Đến đây tôi mới hiểu vùng mà người ta gọi là ‘miệt thứ’, nơi mà ngày xưa người ta nói là "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh". Tôi nhìn thấy nhiều bản ghi chú địa danh Thứ Hai… Thứ Bảy, Thứ Mười. Tuyến phà phải đi qua hai con sông và đi dọc dài con kênh xáng Xẻo Rô khá thích thú so với các phà khác là chỉ qua một con sông.
Tôi chợt nhớ câu hò ru con ngày xưa tôi thường nghe: Hò ơi!... Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, em về miệt thứ ơ ờ... Hò ơi!... Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai?!
Tắc, vàm, thứ hay xẻo cũng giống như Dak, Ea … ở vùng Tây nguyên là để chỉ đầu nguồn một con nước.
Kinh rạch chằng chịt trong rừng U Minh Thượng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Đến U Minh Thượng khoảng 6g30, chúng tôi phải lập tức vào rừng ngay để xem chim rừng khởi động bay đi kiếm ăn. Theo bản năng sinh tồn, các loài chim sau khi đi kiếm ăn ở bãi bồi ven sông hay biển, các nơi có nguồn thức ăn, chiều tối chúng quay về trảng, một nơi trống trải nằm giữa rừng để trú qua đêm, đề phòng con người và thú khác ăn thịt. Thường thì trảng là nơi có nước quanh năm để chúng không bị khát và cũng là nơi dễ sinh sản. Đứng từ xa, chúng tôi la lên là lập tức hàng đàn chim hoảng sợ tung cánh bay lên rồi lượn lờ trên bầu trời sớm tinh mơ.
Theo các ghi chép và nguồn tài liệu của trường đại học Cần Thơ thì ở U Minh Thượng có hơn 200 loài chim, trong đó có 30 loài được ghi vào sách đỏ. Về động vật quý hiếm có nhím samatra, chồn đuôi ngựa. Các loài khác như trúc, khỉ, heo rừng … Và đặc biệt là vào mùa mưa hay những nơi ẩm thấp trong rừng có rất nhiều vắt.
Chúng tôi thưởng thức bữa ăn sáng với món bún cá rừng. Món cá rừng tự nhiên kèm hơi nóng mới vừa nấu chín làm cho tô bún thêm đậm đà mùi vị tự nhiên hiếm có của vùng khỉ ho cò gáy. Sau bữa ăn sáng chúng tôi bắt đầu khám phá rừng bằng tắc ráng cao tốc. Thú vị làm sao khi lướt tắc ráng trên lục bình, trên bèo xuyên qua rừng chuối, rừng tràm… dọc theo các con kênh đào. Càng vào sâu, không khí rừng càng thêm thích thú. Hương rừng tự nhiên hòa với mùi sình non, cỏ cây, hương hoa tràm làm cho cái chất hoang dã của rừng càng thêm đậm đà.
‘Chụp đìa’ một hình thức đánh bắt cá sáng tạo, không làm hư hệ sinh thái tự nhiên của rừng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Người dân ở đây cũng gác kèo ong rừng để lấy mật bán cho khách tham quan. Ong mật làm tổ tự nhiên rất nhiều dọc theo kênh và sâu trong rừng. Trung bình mỗi ký mật giá khoảng 200.000 đồng. Người ta vắt lấy mật tại chỗ cho chúng tôi xem.
Cá rừng ăn bống tạo nên bọt bong bóng nhiều chỗ cho thấy sức sống tự nhiên trong rừng hết sức phong phú và tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của rừng. Từng nhóm chim, đôi khi là đàn cò bay lượn lờ như bị chúng tôi đuổi bắt từ tiếng vang ‘tạch tạch’ của động cơ chiếc tắc ráng. Chúng bay đi trước rồi đậu lại như chờ đợi chúng tôi đuổi kịp rồi lại bay đi tiếp. Xa xa là các lán nhà của các anh em bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Chúng tôi quay về điểm xuất phát nghỉ ngơi khoảng một giờ để chuẩn bị cho việc ‘chụp đìa’. Trong thời gian chờ chụp đìa chúng tôi chống xuồng đi hái rau rừng. Rau muống rừng, đọt chọi, rau má, cải tàu bay, bắp chuối rừng… tất cả đều là những món hấp dẫn thơm ngon một cách tự nhiên và là những món hiếm có đối với người sống ở thành thị.
Thu hoạch cá trong rừng từ chụp đìa. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Chụp đìa là hình thức đánh bắt cá sáng tạo của người dân trong vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên. Người ta phủ lưới bít hết diện tích mặt nước dài chừng 100 đến 200 mét cho một tàu lưới để làm cho cá ngộp do thiếu oxy và cá không thể ngoi lên mặt nước để hớp không khí. Khi đó chúng cố gắng len theo mé và phóng vào tay lưới nơi có nước và không khí để thở. Sau khoảng vài giờ người ta bắt đầu thu lưới để bắt cá. Đánh cá bằng hình thức ‘chụp đìa’ giúp cho con người không làm hư hệ sinh thái tự nhiên do tát nước làm cạn nguồn sống của tôm cá tự nhiên mà vẫn thu hoạch được cá.
Do trời mưa mấy hôm trước nên khi chụp đìa cá không nhiều lắm so với sức rừng nhưng đối với chúng tôi số thu hoạch từ chụp đìa lần này cũng là khá nhiều. Nhóm cá lóc to chừng dăm mươi con, các thác lác là nhiều hơn, còn lại là cá rô, cá sặc… Những con cá lớn dùng chế biến món ăn, số cá nhỏ hay cá có trứng được thả lại rừng.
Bữa trưa hoành tráng với món cá lóc, cá trê nướng, các loại cá nấu với mắm ăn với rau rừng, bắp chuối rừng thật tuyệt vời và tuyệt vời nhất đó là hương rừng U Minh như một huyền thoại của một vùng đất thiêng liêng ngày nọ.
Phà Tắc Cậu phải qua hai con sông ở hai đầu, phần giữa là con sông. Ảnh: Lâm Văn Sơn

"U Minh xứ sở lạ lùng"...                            
TTO - Chiếc vỏ composite chở chúng tôi phăng phăng rẽ sóng, bỏ lại phía sau những cụm bèo và những giề lục bình non tơ xanh biếc. Một ngày ở Vườn quốc gia U Minh Thượng dường như quá ngắn...
Ngư ông giữa cánh đồng nước bao la U Minh Thượng - Ảnh: Hoài Vũ
Sau khi qua phà Tắc Cậu, cho xe chạy dọc theo quốc lộ 63, tiến thẳng về U Minh Thượng, chúng tôi dừng chân ở hồ Hoa Mai - trung tâm du lịch của Vườn quốc gia U Minh Thượng - nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị cho một chuyến du lịch khám phá.
Lạc giữa màu xanh
Đến với U Minh là đến với màu xanh vì nơi nào cũng rừng cây, trảng cỏ, dòng kinh với nhiều loài thủy sinh đa dạng. Tại vườn du lịch Hương Tràm, hầu hết các phòng trọ đều được bố trí hài hòa giữa một khu rừng tràm kỳ thú và không kém phần lãng mạn, cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích đầy hương hoa cỏ dại và sắc màu quyến rũ.
Sáng dậy, sau khi dùng điểm tâm xong, mọi người thuê vỏ lãi để bắt đầu cuộc hành trình trên biển nước.
Người dân U Minh xưa kia có câu: “Đi rừng có bốn cái vui. Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo”. Bây giờ thì chỗ nào cũng xuồng máy, vỏ lãi rất tiện lợi và dễ dàng. Vừa đi, anh hướng dẫn viên vừa giới thiệu, chỗ này là rừng tràm nguyên sinh, kia là rừng tái sinh hiện còn mang nhiều dấu ấn của một U Minh cội nguồn. 
Người U Minh luôn coi nước là máu của rừng, cây là thịt của rừng. Ông Lê Hoàng Hưởng, giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, nói giờ đây các sinh cảnh đã hồi sinh. Chim muông đã quy tụ thành đàn, hấp dẫn nhất là sân chim nằm giữa mênh mông trời nước, về phía tây bắc vùng lõi được coi như một bảo tàng chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Đường vào Vườn quốc gia U Minh Thượng - Ảnh: Hoài Vũ
Sân dơi Vườn quốc gia U Minh Thượng - Ảnh: Hoài Vũ
Chiếc vỏ lãi lao vun vút giữa những dòng kinh. Lũ chim nước, cồng cộc, ốc cao, le le, cúm núm, chàng nghịt, vỏ vẻ… giật mình vỗ cánh bay đầy trên mặt nước màu đỏ tím, cất tiếng kêu hoang hoác làm ai nấy đều say mê, cảm giác như lạc vào một thế giới thần tiên.
Thích thú nhất là mỗi lần lách qua các bưng, bàu, nơi nào cũng dày đặc những bông súng, bồn bồn, rau muống… ở tầng cạn và tầng sâu che kín cả mặt nước giống như một tấm thảm hoa đầy màu sắc. Còn trên bờ, choại, dớn, giác bám đầy thân tràm, xen kẽ với những đám lau, sậy, đế, nga, tạo nên một sức sống kỳ diệu...
Một ngày ở U Minh Thượng
Đến U Minh Thượng, tùy theo sở thích khách thăm vườn có thể men theo các bờ rừng để chọn điểm tham quan cắm trại. Ai thích câu cá có thể ôm cần dọc theo hồ Hoa Mai, một hồ nước bao la, mát lạnh, ấn tượng nhất là mặt bèo hiện lên một màu xanh như trải thảm. Ai thích “phiêu lưu” thì thuê vỏ lãi đi sâu vào ruột rừng để tham quan, ngắm cảnh, may mắn sẽ được tận mắt nhìn thấy các đàn khỉ hoặc heo rừng đi thành bầy kiếm ăn, vô cùng thích thú!
Dọc theo các tuyến kinh, có thể lần lượt ghé qua khu rừng tràm nguyên sinh, nơi có một sân dơi đậu dày đặc trên những ngọn tràm cao vút, hầu hết là dơi quạ và một số ít dơi đầu ngựa thuộc loài quý hiếm.
Chiếc vỏ lãi chở chúng tôi tiếp tục rẽ sóng, len lỏi giữa những mảng bồn bồn cao khỏi đầu và lướt nhanh trên những thảm bèo, rau muống, bông súng ngan ngát một màu hoa trắng, tím rồi tiến về phía sân chim. Hàng nghìn hàng vạn chim cò đủ loại, con lượn lờ trên không, con nằm trong tổ, con sải cánh kéo theo cả đàn tung bay tạo thành một vũ điệu rừng xanh ngoạn mục.
Đánh bắt cá mùa nước nổi trong Vườn quốc gia U Minh Thượng - Ảnh: Hoài Vũ
Khu nhà nghỉ giữa rừng - Ảnh: Hoài Vũ
Đến với rừng U Minh Thượng, đa số du khách thích nhất là thuê xuồng vô rừng câu cá. Còn gì thích thú bằng mỗi người thuê một chiếc xuồng nhỏ mang theo đồ nghề, thức ăn, nước uống rồi bơi dọc theo những dòng kinh ngập tràn hoa súng, chọn điểm làm ngư ông.
Tại khu vực thả câu, lúc nào cũng có vài ba chục thanh niên và cụ già ôm cần. Có người câu rê, câu nhấp (cá lóc), có người câu phao (rô, trê, sặt). Đa số người câu đều là khách từ các nơi khác đến, đông nhất là TP.HCM, họ coi U Minh Thượng là điểm hẹn cuối tuần. Mỗi chuyến đi của các "câu thủ" kéo dài 2 - 3 ngày, nhưng họ vẫn say mê hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng thú thanh nhàn.
Anh Trần Quốc Bảo, một “sát thủ” cá U Minh, bộc bạch: “Ai câu rồi cũng mê, cũng ghiền, chủ nhật nào không đi là thấy buồn”. 
Sau một ngày ngồi trên chiếc xuồng con, lúc các đàn chim trời xếp thành hình chữ V kéo nhau bay về tổ cũng là lúc các “ngư ông” quay về hồ Hoa Mai. Tại đây, những món ngon dân dã, đậm đà hương vị U Minh như cá rô kho trái giác, cá lóc hấp bồn bồn, thát lát chiên sả, lươn um… cùng với các loại rau rừng như đọt choại, bông súng, bồn bồn… đang chờ đón mọi người.
U Minh Thượng - bảo tàng thiên nhiên vô giá
Vườn quốc gia U Minh Thượng được thành lập từ ngày 14-1-2002, tổng diện tích 21.107ha, trong đó diện tích vùng lõi chiếm trên 8.000ha. Đặc biệt các khu rừng nguyên sinh gồm rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn được bao bọc bởi một đê bao khép kín có chiều dài trên 60km. Được bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên như một bảo tàng thiên nhiên vô giá.
Ngày 12-8-2013, Ban quản lý Vườn quốc gia U Minh Thượng đã vinh dự đón nhận Chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN.
Ngày nay, U Minh Thượng không còn là vùng đất “U Minh xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh” mà là một U Minh với những màu xanh bạt ngàn và đầy sức sống. Tuy một vài hoạt động du lịch nơi đây còn đơn điệu, tổ chức chưa bài bản, đặc sản du lịch còn nghèo nàn nhưng một chuyến đi thú vị như thế cũng đủ giúp bạn hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của một U Minh cội nguồn và đầy bí ẩn mà ông cha ta đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ, bảo tồn và làm rạng danh cho vùng đất đầy huyền thoại.
Giá thuê xuồng: 50.000 đồng/xuồng. Giá vé vào rừng câu: 80.000 đồng/người. Nếu đăng ký vỏ lãi đưa đi và rước về, mỗi người phải đóng thêm tiền. Hiện ban quản lý dịch vụ câu cá có trên 70 xuồng cá nhân để cho thuê.
HOÀI VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét