Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Điểm 10 cho du lịch xứ “nẫu”

Ngô Thị Thùy Vy

 

 

 

 

Phú Yên, xứ "nẫu" an bình với màu xanh trên đầm Ô Loan. Ảnh: Thùy Vy
(TBKTSG Online) - Từng đi qua nhiều lần nhưng hôm rồi tôi mới cùng cô con gái ba tuổi đến xứ “nẫu” Phú Yên trong một dịp tình cờ. Đang trong "Năm Du lịch Phú Yên", một hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tầm quốc gia nhưng tỉnh nhỏ nằm ngay khúc ruột miền Trung này vẫn im lìm một cách đáng ngạc nhiên. Có phải do Phú Yên không có những danh lam thắng cảnh đủ sức quyến rũ những người yêu cái đẹp?
Tôi đề nghị anh Tuấn, tài xế khu nghỉ dưỡng Sao Việt nơi chúng tôi lưu trú trong mấy ngày ở thành phố Tuy Hòa, đưa tôi đi hết những nơi anh thực sự muốn giới thiệu cho du khách lần đầu đến đây như tôi. Và rồi tôi được chở đến đầm Ô Loan để thỏa thuê ngắm dải đất hình chim phượng hoàng tung cánh giữa mênh mông sông nước.
Trong lúc tôi say sưa chụp hình, anh tài xế kiêm hướng dẫn viên người địa phương còn cho biết thêm con chim phượng này có thể chuyển động, lúc nghiêng cánh bên này, khi sải cánh bên kia, theo hướng của mặt trời. Ngoài đầm Ô Loan, Phú Yên còn có nhiều danh thắng đẹp xao lòng tương tự, như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, vũng Lắm… Tôi chấm cho du lịch Phú Yên một điểm cộng.
Sau đó chúng tôi đến gành Đá Dĩa thuộc huyện Tuy An, một nơi không thể không ghé thăm khi đến Phú Yên. Gành có cấu tạo tự nhiên hết sức kỳ lạ với những khối đá hình ngũ giác, lục giác dựng đứng thành từng cột khít nhau, đều tăm tắp như có đôi tay khổng lồ nào đó sắp đặt.
Chợt nhớ đến tấm hình cô em út chụp ở một “gành đá dĩa” tân bên Scotland trong một chuyến du lịch bên ấy. Em tôi cho biết ở "đất nước sọc ca rô" này người ta quảng bá cho cái gành đá dĩa của họ ghê lắm để có thể thu hút một lượng khổng lồ du khách địa phương và quốc tế. Không biết đến bao giờ gành Đá Dĩa Phú Yên mới được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới như người anh em duy nhất của mình, và được quảng bá một cách xứng tầm hơn?
Một góc đầm Ô Loan. Ảnh: Thùy Vy
Chúng tôi còn ghé tham quan nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ nhất ở Việt Nam, cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam; rồi dạo qua làng cổ Long Thủy gây ấn tượng từ những ngôi nhà nhỏ với giàn hoa giấy trắng đỏ xen kẽ đẹp rực rỡ nằm dọc đường vào làng; rồi dừng chân bên đập Tam Giang nhìn người dân địa phương đạp xe trên con đập tràn nước mà tim đập thùm thụp.
Anh tài xế nhiệt tình còn muốn chở chúng tôi ra Sông Cầu để tới những bãi tắm đẹp như tranh: bãi Nồm, bãi Ôm, bãi Rạng, bãi Từ Nham, bãi Tràm nhưng phần do ngại đường xa mỏi mệt, phần do chúng tôi đã tắm biển tại bãi Xép thuộc khu nghỉ dưỡng Sao Việt với trời xanh nước xanh cát trắng mịn màng nên tôi nhanh chóng cộng thêm cho du lịch Phú Yên ba điểm nữa rồi quyết định quay về.
Cảnh đẹp là có thật, vậy có phải người ta ngại đến Phú Yên do ở đây không có những món ngon và lạ đủ để thỏa mãn những thực khách sành ăn?
Trong mấy ngày lưu trú tại Sao Việt, tối nào tôi cũng đến nhà hàng của khu nghỉ dưỡng để gọi đúng một món: bánh tráng sống cuốn bánh tráng chin, đặc sản nức tiếng của Phú Yên. Dĩ nhiên món ăn không đơn giản như tên gọi. Bữa tối đầu tiên, trong lúc tôi đang nhâm nhi một ly bia Tuy Hòa ướp lạnh, nhân viên phục vụ bưng ra một con cá dìa nướng nóng hổi phơm phức, dĩa bánh tráng mè nướng, dĩa bánh tráng sống đã nhúng sơ cho mềm, dĩa rau sống tươi ngon được hái ngay tại resort, dĩa ớt xanh và tỏi địa phương và chén nước mắm.
Dọc bờ biển Phú Yên có nhiều bãi tắm sạch, đẹp nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. Ảnh: Thùy Vy
Dẻ một miếng cá bỏ vào miếng bánh tráng sống cùng với rau sống và bánh tráng nướng cuộn lại, chấm nhẹ vào chén nước mắm nhĩ trong vắt điểm chút ớt xanh tỏi trắng, tôi nhai nuốt không ngừng nghỉ. Những tối hôm sau tôi cũng gọi đúng món ăn này, và nhà hàng cho tôi thưởng thức với cá bớp nướng, cá mú hấp, thịt heo luộc. Ngon tuyệt.
Dĩ nhiên không cần phải dùng bữa tại nhà hàng cao cấp mới thấy ngon. Hôm đi “tour”, chúng tôi ghé quán ăn ở hạ lưu đầm Ô Loan và được thưởng thức món sò huyết trứ danh vùng đất này. Con sò ở đây to gấp đôi gấp ba con sò tôi thường thấy bán ở các chợ Sài Gòn, và quan trọng là thịt sò dai hơn, thơm hơn và ngon hơn. Ở các quán bình dân khác ven biển, người ta xách vợt vớt cá mú nuôi trong lồng trên biển, chế biến cho chúng tôi món cá kho và canh chua dọn cùng cơm trắng.
Kén ăn như bé con của tôi mà cũng ăn hết cả chén cơm to trộn cá mú chan nước cá kho màu caramel dẻo quẹo... giờ nhắc tới vẫn còn thèm. Giá cả bữa cơm đặc sản ngon nức nở cho bốn người chỉ hơn hai trăm ngàn. Bạn chần chừ gì mà không đến Phú Yên để thưởng thức cho đã thèm? Là người có "tâm hồn ăn uống", tôi không ngần ngại cộng thêm cho Phú Yên bốn điểm.
Cảnh đẹp, thức ăn ngon, sao du khách không đến Phú YênCó phải do dịch vụ lưu trú có vấn đề?
Trong chuyến đi Phú Yên lần này, chúng tôi tình cờ biết đến khu nghỉ dưỡng Sao Việt, và dịch vụ ở đây không làm chúng tôi thất vọng. Đến đây rồi mới biết trang web của Sao Việt chưa thể hiện được hết đẳng cấp của khu nghỉ dưỡng này. Không tính đến chuyện khu nghỉ dưỡng này chiễm chệ trên đồi Thơm - một ngọn đồi nổi tiếng của Phú Yên và một bãi biển cũng nổi tiếng không kém là bãi Xép, với khuôn viên tổng cộng gần 50 héc ta, chỉ riêng cung cách phục vụ theo kiểu "vừa quê mùa vừa rất chuyên nghiệp" của các nhân viên người địa phương cũng đủ để khách hài lòng.
Riêng bé con của tôi rất khoái vụ đi xe điện lòng vòng bất cứ lúc nào mình muốn, bơi ở hồ bơi cho con nít thật rộng có cầu trượt nước và nhất là đến khu vực nuôi những con thú rừng hiền khô ngay trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng để chơi với thỏ, công, hươu sao…
Nghe nói ở Phú Yên còn nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng khác cũng tốt lắm, mà giá phòng lại rẻ, có khi chỉ hơn một nửa giá của các điểm lưu trú ở các tỉnh láng giềng. Thêm hai điểm cho dịch vụ lưu trú, Phú Yên đã có một điểm mười từ một du khách khó tính như tôi.
Hoàn toàn hài lòng với những trải nghiệm thú vị ở một vùng đất có nhiều nét đẹp tự nhiên, chúng tôi tự nhủ sẽ sớm quay lại Phú Yên trong một ngày không xa. Còn bạn, bao giờ đến xứ "nẫu" thăm chơi một chuyến?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét