Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Đình làng Yên Lương ở Minh Tiến


YBĐT - Nhằm ngày 4/3 Âm lịch hàng năm, nhân dân trong xã Minh Tiến (huyện Trấn Yên) lại tưng bừng mở hội đình Yên Lương. Nhưng mùa lễ hội nay vui hơn nhiều so với trước đây bởi khách thập phương cùng con em ở Minh Tiến xa quê cùng nhau kéo về tề tựu mừng đình làng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ rước bằng Di tích lịch sử văn hóa đình Yên Lương.
Theo thư tịch cổ của dòng họ Nguyễn ở xã Minh Tiến còn lưu giữ cùng kết quả nghiên cứu khoa học để tiến tới xếp hạng di tích thì đình này vốn là nơi dân làng Yên Lương thuộc tổng Giới Phiên xưa hội họp và phối thờ sơn thần thổ địa.
Sau này, đình tiếp tục được kết hợp thờ thần hoàng làng là cụ Nguyễn Văn Vỉ (tức quan Thương). Theo những ghi chép và truyền ngôn trong dòng họ Nguyễn ở đây thì quan Thương là người quê ở xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cụ là người học rộng nên làm tới chức Thương tá ở tỉnh Hưng Hóa và được bổ làm Khẩn chủ ở hai huyện: Lâm Thao, Đoan Hùng chuyên trông coi việc thu thuế. Sau khi Pháp mở rộng xâm lược các tỉnh miền Bắc và triều đình nhà Nguyễn rối ren, cụ Vỉ đã từ quan về quê.
Vùng Mạn Lạn của huyện Thanh Ba khi ấy vốn là vùng quê nghèo, khó làm ăn nên cụ Vỉ ngẫm thấy những miền đất mình đã đi ngược lên thượng nguồn sông Thao có nhiều nơi đất rộng, bằng phẳng lại chưa có người ở nên có thể đến đó mở làng lập ấp. Từ suy nghĩ này, cụ quyết định đưa 9 hộ trong họ lên vùng Minh Tiến để khai khẩn đất hoang.
Chẳng bao lâu, nhiều người cùng quê và những nơi khác cũng kéo đến đây vỡ đất thành làng xóm đông vui. Sau này cụ Nguyễn Văn Vỉ qua đời, triều đình nhà Nguyễn thấy cụ là người đã từng có công trong lúc làm quan mà lúc cuối đời lại là người đức độ, không kể gian khó đi mở mang đất đai tìm kế mưu sinh cho dân nghèo, đồng thời, cụ còn kéo theo được nhiều con cháu như cụ đồ Nguyễn Văn Phòng; hương sư Nguyễn Văn Tuấn lên vùng đất mới dạy chữ Hán, chữ quốc ngữ mở mang nền học vấn cho dân để làm nên một vùng quê vừa trù phú vừa hiếu học, nên phong cho cụ làm thần hoàng làng Yên Lương, dân làng có trách nhiệm dành đất hương hỏa, lập nơi thờ tự cúng tế hàng năm để ghi nhớ công ơn.
Các cụ già ở trong làng cho biết đình làng Yên Lương trước đây làm bằng gỗ rộng 5 gian theo kiến trúc tiền đình hậu điện và không gian của phần đình cũng là khu đại bái. Đồ thờ khá nhiều và có cả những bức đại tự, câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp cùng 3 đạo sắc phong. Hàng năm, vào ngày hội đình, các chức sắc trong làng thường mổ trâu, lợn cúng tế, mở hội linh đình với nhiều trò chơi dân gian và đón các phường hát về biểu diễn.
Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đình Yên Lương là địa điểm làm việc của xã, là nơi du kích, bộ đội luyện quân. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh, lũ lụt đến năm 1964 đình bị hư hỏng hoàn toàn, đồ thờ cũng có sự thất tán ít nhiều nhưng con cháu dòng họ Nguyễn và dân làng vẫn cố gắng dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ tự.
 Đến nay, nhờ có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có sự chỉ đạo chuyên môn tổ chức nghiên cứu khoa học và xếp hạng di tích đình Yên Lương. Con cháu của dòng họ Nguyễn và nhân dân xã Minh Tiến có nhiều người công tác, làm ăn thành đạt đã cùng chung sức với địa phương xây dựng lại ngôi đình thờ thành hoàng rất khang trang, kiên cố.
Những nỗ lực đó sẽ càng góp phần nêu cao đạo lý "Uống ước nhớ nguồn" của nhân dân với công lao của tiền nhân. Đồng thời, nó cũng là nhân tố đắc lực trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã Việt Nam từ ngàn xưa để lại.
 Hoàng Nhâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét