Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Làng nghệ sĩ Hàm Long


Cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh khoảng 10km có một ngôi làng đặc biệt nằm nép mình bên bờ sông Sài Gòn lộng gió, đó là làng nghệ sĩ Hàm Long.
Gọi là làng nghệ sĩ bởi chủ nhân của những ngôi nhà trong làng đa phần là những người thuộc giới nghệ sĩ của Tp. Hồ Chí Minh. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Ở đó, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những khu nhà vườn Huế, nhà sàn của người Mường, nhà cổ của Nam Bộ… Mỗi công trình là một quần thể kiến trúc nghệ thuật được bàn tay của gia chủ khéo léo tổ chức, bài trí vô cùng sinh động và tinh tế.

Một khu vườn rợp bóng cây xanh nhìn ra sông Sài Gòn.

Ngôi nhà của nghệ sĩ Nguyễn Hoài Hương mang phong cách nhà vườn Huế.

Điểm nhấn của ngôi làng chính là tư gia của hai hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương và Lý Khắc Nhu. Nếu như nhà của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương được xây dựng theo kiểu nhà vườn Huế thâm trầm, kín đáo mang dáng dấp cung đình, thì nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu lại mang dáng vẻ bình yên, dân dã với những mái lá đơn sơ. Đặc biệt, trong quần thể không gian sống của mình, các nghệ sĩ đã bài trí rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và tiểu cảnh độc đáo như: tranh, tượng, đồ gốm, hồ nước, non bộ, vườn hoa kiểng, vườn cây ăn trái… Thậm chí, ngay cả khu vực làm việc và sáng tác riêng của mỗi nghệ sĩ cũng là điểm tham quan thú vị đối với du khách.
Một vài không gian nghệ thuật ở làng nghệ sĩ Hàm Long:





Ngoài hai công trình trên, làng còn có nhiều công trình đẹp khác như: nhà của hoạ sĩ Thanh Châu nổi tiếng với nhiều tranh sơn dầu về đề tài chiến tranh, nhà của họa sĩ Hồ Hữu Thủ có nhiều tranh sơn mài vẽ theo lối trừu tượng, nhà của nghệ sĩ Dương Đình Hùng nổi tiếng với khu vườn tượng… Mỗi khu nhà mang một vẻ đẹp khác nhau, thể hiện rõ phong cách và cá tính của từng nghệ sĩ.

Một nét thú vị nữa của ngôi làng này là các khu nhà không ngăn cách nhau bằng một bờ tường lớn, mà bằng những bờ giậu có cửa thông qua nhau. Nhờ đó, các ngôi nhà trong làng được gắn kết với nhau rất tự nhiên, tạo cảm giác gần gũi và ấm cúng theo lối “tình làng, nghĩa xóm” như chốn thôn quê truyền thống của người Việt.

Du khách nước ngoài tham quan nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu.

Đến với làng nghệ sĩ Hàm Long, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn có thể ngắm cảnh sông Sài Gòn lúc bình minh lên hay hoàng hôn xuống, và tận hưởng làn không khí trong lành, mát mẻ của những làn gió từ sông Sài Gòn thổi về./.
Tại Kỳ Long Viên, nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu hiện có dịch vụ tham quan và phục vụ ăn uống

với giá khoảng 10USD/người.

Địa chỉ: Số 35 Đường Thích Mạt Thể, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-8) 38893871-(84) 0918031225
Bài: Bích Vân - Ảnh: Nguyễn Luân

Góc hồn Việt bên sông Sài Gòn

PN - Ngôi làng Hàm Long trên mảnh đất Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM) có nhiều nét độc đáo bởi những mái nhà lá, nhà tranh, nhà rường, nhà sàn thấp thoáng sau những tán cây. Một không gian thanh bình.

    Một góc không gian Kỳ Long's Art

    Tôi gặp họa sĩ Lý Khắc Nhu giữa không gian yên bình đó. Trong buổi mai ngập nắng, họa sĩ đang chăm chú tô màu cho những bức tranh với từng nét cọ phóng khoáng. “Với họa sĩ, không gian sáng tác và nơi lưu trữ tác phẩm vô cùng quan trọng, nhưng giữa Sài Gòn thì ngột ngạt quá. Vì thế, tôi và các nghệ sĩ khác đã đi tìm không gian cho riêng mình và gặp được mảnh đất này, như một cơ duyên vậy”, họa sĩ Lý Khắc Nhu tâm sự.
    Khoảng những năm 1980, nơi đây là vùng đất sình lầy, đầy cỏ lau hoang dại... Họa sĩ Lý Khắc Nhu đã kêu gọi người dân cùng kéo điện về làng và thuê người đào ao thả cá, trồng cây. Ít lâu sau, nơi đây trở thành một không gian lý tưởng.
    Tại đây, họa sĩ Nhu đã tạo nên một Kỳ Long’s Art với đầy đủ các khu vực sáng tác, phòng triển lãm, khu gốm Bàu Trúc, khu tượng nhà mồ và cồng chiêng Tây Nguyên… Cả quần thể Kỳ Long’s Art là tác phẩm lớn của Lý Khắc Nhu, đó là những hình ảnh sống động, hoàn chỉnh, đặc trưng nhất cho cả ngôi làng.
    Không gian trưng bày Kỳ Long Gallery
    Làng Hàm Long là nơi hội tụ của 30 nghệ nhân, trong đó có 15 họa sĩ sơn mài, sơn dầu, thủy mặc, điêu khắc gia… Nổi bật nhất là sáu ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc riêng mang đậm dấu ấn Việt: hàng rào thấp, có cổng thông nhau như ở quê để du khách có thể tham quan từ nhà này qua nhà khác. Đó là không gian vườn tượng và nhà thờ cổ của nghệ sĩ Dương Đình Hùng, nhà sàn Art của họa sĩ Bạch Trường Sơn, Nguyễn’s Art Garden của họa sĩ Hoài Hương, nhà trưng bày của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Thanh Châu…
    Sở VH-TT-DL TP.HCM đã xác định đây là điểm đến trong tour du lịch đường sông và hỗ trợ nhiều tour, tuyến đưa du khách tham quan. Hiện tại, làng đã có một bến cảng cho phép tàu khoảng 30 khách cập bến. Họa sĩ Nhu cho biết: “Làng từng tiếp nhiều đoàn khách nước ngoài như Thái Lan, Singapore, đoàn sinh viên Mỹ The Wisconsin University…”.
    Ngôi nhà thờ cổ hơn 100 năm tuổi
    Cạnh Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, ngôi làng Hàm Long là một góc hồn Việt độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa, đằm thắm, quyến rũ.
    Võ Thắm

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét