Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, tại sao không?

Thành phố Trà Vinh vốn là một địa bàn đa dân tộc. Cộng đồng các dân tộc cộng cư, trong nhiều thế kỷ qua, đã chung lưng đấu cật, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của mình cho sự tồn vong, phát triển và tính đa dạng sắc màu văn hóa của thành phố trẻ trung này
Thành phố Trà Vinh vốn là một địa bàn đa dân tộc. Cộng đồng các dân tộc cộng cư, trong nhiều thế kỷ qua, đã chung lưng đấu cật, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của mình cho sự tồn vong, phát triển và tính đa dạng sắc màu văn hóa của thành phố trẻ trung này. So với người Việt, người Hoa anh em, trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa, do những điều kiện đặc thù của mình, đồng bào dân tộc Khmer có những bất lợi riêng, chưa thể đồng hành ngay từ vạch xuất phát. Thế nhưng, trong cuộc sống bao giờ cũng tồn tại tính hai mặt của một vấn đề. Trong cơ chế kinh tế thị trường của sự cạnh tranh ráo riết và khốc liệt, sự bất lợi nếu được nghiên cứu thấu đáo có thể biến thành lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được. Tôi muốn nói đến những sắc thái văn hóa đặc thù và nếp sống thuần nông, còn ít nhiều mang dáng dấp tự cấp tự túc của đồng bào Khmer tồn tại vừa hài hòa vừa khu biệt ngay tại một thành phố trẻ trung đang sôi động quá trình đô thị hóa. “Làng văn hóa du lịch Khmer thành phố Trà Vinh” là một ý tưởng đáng được lưu tâm để người Khmer bản địa phát huy tối đa nguồn nội lực, tự thân vươn lên, bình đẳng với các tộc người anh em trong sự phát triển chung năng động của thành phố.
Trà Vinh có hơn 140 ngôi chùa Khmer, nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa dân tộc độc đáo
Nhìn qua thực trạng du lịch ĐBSCL hiện nay, dễ dàng nhận thấy các tuyến, các loại hình, các sản phẩm du lịch của các địa phương trong khu vực đang có sự “giống nhau đến từng milimet”. Ở Tiền Giang có loại hình du lịch sinh thái sông nước, sinh thái vườn… với các sản phẩm bơi xuồng trên sông, ăn trái cây, tát đìa, câu cá, xem đờn ca tài tử... thì ngay lập tức được lặp lại y chang ở Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… Rồi tất cả cùng dắt nhau vào chỗ đìu hiu, vắng vẻ bởi du khách “đi một biết mười” nên “một đi không trở lại”. 
Trong khi đó, làng văn hóa du lịch Khmer ngay tại thành phố nếu được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động sẽ là một lợi thế độc đáo và đặc thù mà không phải địa phương nào muốn cũng làm theo được, ngoại trừ Sóc Trăng. Thực tiễn, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai xây dựng, khai thác thành công mô hình này như Lào Cai với làng văn hóa du lịch dân tộc H'mông - Sapa, Đắc Lắc với làng văn hóa du lịch dân tộc Lào - Buôn Đôn… Những làng văn hóa du lịch dân tộc thiểu số kiểu này trực tiếp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh địa phương mình ra cả nước, quốc tế. Qua đó, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà vừa cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cư dân bản địa.
 Nghề điêu khắc gỗ mỹ thuật dân tộc Khmer Trà Vinh
Chúng ta thử phác thảo “Làng văn hóa du lịch Khmer thành phố Trà Vinh” trong điều kiện thực tế hiện nay. Ngôi làng này nên bắt đầu từ khu văn hóa du lịch tỉnh đang qui hoạch xây dựng tại Phường Tám và kết thúc tại Chùa Hang (thị trấn Châu Thành). Trên không gian trải dài hơn năm cây số, qua địa bàn các phường Bảy, Tám, Chín và xã Lương Hòa, thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), nằm ngay cửa ngõ phía Nam thành phố Trà Vinh, đang hiện hữu một số cơ sở, thiết chế văn hóa quí giá như khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Âng,  đại cổ thụ “cây dầu dù” vài trăm năm tuổi, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, các đội múa dân gian Chhay yam, Robam, làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ mỹ nghệ và sân chim Chùa Hang… xen lẫn trong các phum sóc thanh bình, yên ả của đồng bào Khmer.
Địa bàn này cũng là nơi cư trú của các nghệ nhân Khmer chuyên làm đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc, dàn nhạc ngũ âm như Thạch Tư, Lâm Phene… Ngôi chợ Ba Se (Lương Hòa) còn là địa chỉ nổi tiếng của món ẩm thực đặc sản bún nước lèo. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã là nguồn tài sản vô giá để hình thành làng văn hóa và là lợi thế lớn trong việc cạnh tranh khai thác du lịch. Trong quá trình xây dựng làng văn hóa du lịch, bằng những biện pháp mang tính khuyến khích kinh tế, có thể thu hút thêm nhiều nghệ nhân tiêu biểu, có tay nghề cao ở các làng nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào Khmer rải rác khắp các huyện thị tập trung về như làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ, làng đan đát tre trúc Đại An, làng cốm dẹp Ba So… Đồng thời khuyến khích các nghệ nhân này sáng tác các mẫu mã mới, thích hợp hơn với việc làm quà kỷ niệm, quà tặng của du khách trong ngoài nước. Trên những con giồng đất cát trong các phum sóc thuộc làng văn hóa du lịch và lân cận, khuyến khích bà con xây dựng một số ngôi nhà sàn truyền thống nhưng tiện nghi làm chỗ lưu trú, trồng lại những loại cây trồng truyền thống của người Khmer như cây quách, cây viết, thốt nốt… mà trái của nó có thể đưa vào phục vụ khách du khách hàng ngày. Song song với con đường nhựa hiện hữu, có thể xây dựng một con đường đất chuyên dụng chạy dọc theo các phum sóc, dưới những lũy tre, những cội sao, dầu cổ thụ mà phương tiện di chuyển phục vụ du khách là những cỗ xe bò truyền thống được thiết kế lại thật đẹp mắt, an toàn.
Nhiều lễ hội dân tộc Khmer diễn ra quanh năm
Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo một cấu trúc hợp lý, điều hết sức cần thiết là giúp người dân Khmer tại chỗ nâng cao năng lực làm kinh tế du lịch theo phương thức xã hội hóa. Từ khâu quảng bá, hướng dẫn tour tuyến, giới thiệu các sản phẩm du lịch, giới thiệu các sắc thái văn hóa truyền thống, giới thiệu truyền thống đoàn kết chiến đấu anh dũng của ba dân tộc anh em… đến những công việc tưởng hết sức giản đơn nhỏ nhặt mà lại rất quan trọng là phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại… Nhất thiết, mọi công việc, dù lớn dù nhỏ, trong Làng văn hóa du lịch Khmer thành phố Trà Vinh phải do chính người Khmer địa phương đảm trách. Có như vậy, sắc thái văn hóa đặc trưng không bị phai nhạt, biến dạng theo thời gian và người Khmer địa phương mới thực sự hưởng lợi trực tiếp từ Làng văn hóa du lịch Khmer.
Sinh hoạt ngày thường trong phum sóc Khmer Trà Vinh
Trong quá trình hoạt động thực tiễn, bằng kinh nghiệm tích lũy được và bằng những điều học hỏi được từ các làng văn hóa du lịch dân tộc tương tự trên cả nước, Làng văn hóa du lịch Khmer thành phố Trà Vinh sẽ không ngừng chỉnh sửa, bổ sung để tự hoàn thiện mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch gần xa.
Thiếu nữ Khmer Trà Vinh trong điệu múa truyền thống     
Việc đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Làng văn hóa du lịch dân tộc Khmer ngay cửa ngõ ngoại vi thành phố Trà Vinh không phải là việc gì đó cao xa hay quá tầm với, nhất là trong định hướng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong dân cùng làm du lịch. Hãy tưởng tượng, thay vì phải mất vài ba ngày di chuyển để đến tham quan, du lịch khắp các khu di tích Ao Bà Om Chùa Âng, xuống Trà Cú thăm Chùa Cò, làng chiếu Cà Hom Bến Bạ, làng đan tre Đại An, vòng qua Cầu Ngang thăm làng cốm dẹp Ba So, rồi trở về Châu Thành thăm làng điêu khắc gỗ mỹ nghệ Chùa Hang… thì chỉ trong một ngày, trên phương tiện xe bò truyền thống, khách du lịch có thể tận mắt chứng kiến mọi sinh hoạt, hoặc ăn uống, ngắm nhìn, mua sắm… những sản vật đặc trưng. Ngay trong một ngày đó, du khách còn có thể tìm hiểu, nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Nam bộ, thông qua Bảo tàng văn hóa dân tộc, thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn Ánh Bình Minh. Hoặc, nếu muốn trực tiếp tham gia, du khách có thể dừng chân tại phum sóc, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nhịp sống đời thường của cư dân Khmer bản địa.
Sân khấu hóa lễ cưới người Khmer Trà Vinh
Làng văn hóa du lịch dân tộc Khmer thành phố Trà Vinh không chỉ là một đơn vị kinh tế mà còn là một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng dân tộc học sống động ngay chính trong không gian đặc trưng của nó. Và, đó chính là điểm nhấn hết sức cần thiết trên đường phát triển của thành phố đa dân tộc Trà Vinh.
TRẦN DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét