Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Le Cochinchine và những hành trình sông nước Mekong

Lâm Văn Sơn

 

 

 

 

Vùng giáp nước, nơi tàu, thuyền lớn neo đậu chờ con nước thuận để xuôi dòng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
(TBKTSG Online) - Bầu trời sáng hôm nay quang đãng. Con tàu Le Cochinchine êm đềm đưa chúng tôi xuôi theo dòng sông Hậu hướng ra biển. Tuyến Cần Thơ - Cái Bè một trong những tuyến được yêu thích nhất của khách du lịch quốc tế khi chọn du hành trên sông Mêkong.
Gió thổi khá mạnh làm giảm bớt đi khí nóng nực của tiết trời mùa hè. Khoang thuyền rộng rãi, trước mỗi phòng đều có lan can. Phòng có máy điều hòa và có cửa nhìn ra sông để ngắm cảnh nếu du khách thích ngồi trong phòng. Chúng tôi mở hết cửa phòng để gió tự nhiên lùa vào. Bị cách ly với đất liền nên hầu như mọi du khách có thời gian nghỉ ngơi thật sự, người thì đọc sách, một số du khách nữ ra trước mũi thuyền nơi có đặt nhiều ghế dựa ngả lưng để đón gió và phơi nắng. Trên boong tàu trời nắng chang chang nhưng lại là cái thú phơi nắng nhiệt đới của du khách phương Tây.
Con thuyền tiếp tục vượt sông Hậu rồi đến ngã rẽ trái đi về hướng thị trấn Trà Ôn. Đây là tuyến đường thủy thuận lợi nhất để đi Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp nối những vòng tour đi Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp…
Tàu thả neo ở Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chúng tôi được tàu nhỏ đưa vào bờ cùng với mỗi người một chiếc xe đạp để khám phá vùng nông thôn. Con đường rải đá xanh vòng vèo xuyên qua những vườn cây ăn trái với những kênh rạch chằng chịt. Nhìn đồng ruộng mênh mông với những cánh cò trong buổi xế chiều làm con người ta dễ gợi nhớ quê hương. Chúng tôi ghé tham quan vườn trồng cây cacao. Khu vườn đơn sơ, quê mùa nhưng lại khiến nhiều du khách thích thú.
Tàu gỗ Le Cochinchine. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Con thuyền vẫn đỗ chờ chúng tôi ở khu giáp nước. Đó là nơi mà các ghe xuồng lớn chờ thuận con nước để tiếp tục hành trình. Nơi đây diễn ra cảnh các thuyền chèo con con từ nhiều nơi đổ về bán trái cây, cung cấp nông sản địa phương cho tàu để phục vụ các món ăn chân chất ở vùng quê hẻo lánh cho du khách nghỉ trên tàu. Sản vật tại chỗ thường tươi xanh, không to lớn, tròn trịa như ở các siêu thị nhưng ngon ngọt và đậm đà chất quê. Có nhiều chỗ giáp nước và từ đó cũng có nhiều khung cảnh mua bán trên sông rất thú vị.
Tiếp tục lên đường, chúng tôi vượt qua kinh Nicolai, rồi kinh Măng Thít để ra sông Măng Thít. Từ đó vượt kinh chợ Lách để ra sông Cổ Chiên đến với sông Tiền. Mùi mật đường chín tới làm thơm phức cả một đoạn con kênh Măng Thít khi tàu chúng tôi đi ngang qua lò nấu đường cạnh bờ sông.
Ngược xuôi trên sông là các tàu buôn, tàu vận chuyển hàng hóa, các loại nông sản, tàu chuyên chở vật liệu xây dựng... hành khách có được nhiều dịp chứng kiến quang cảnh sinh hoạt, đánh bắt cá trên sông như đăng lưới, kéo lưới, giăng câu, câu cá, gió cá…
Thấp thoáng xa xa, những chợ quê ven sông và con đường làng quê nay đã được trải bê tông cặp theo sông rạch len len lỏi lỏi xuyên vườn, băng ruộng trong không gian êm đềm, yên tĩnh.
Do tàu Cochinchine được thiết kế hai tầng nên khi đứng trên boong tàu chúng tôi có thể nhìn thấy những mảng xanh ẩn hiện. Cảnh đồng lúa vàng, nhiều nhà thờ, chùa theo nhiều kiểu kiến trúc dọc hai bên bờ sông như tô điểm cho cảnh vật thêm phong vị thôn quê thanh bình.
Nhìn khung cảnh yên ả của buổi trưa hè, ngồi lặng nghe gió đi về làm cho nhóm du khách nước ngoài và kể cả chúng tôi thật sự thoải mái. Du khách nước ngoài, có người nằm phơi nắng trên boong tàu. Có người nằm đọc sách trước mũi thuyền, nơi hứng gió nhiều nhất. Hành trình trên sông nước xua tan cái nóng oi nồng mùa hè lại tiết kiệm chi phí và thời gian lưu trú trên đất liền của du khách.
Bỗng vọng từ đâu đó những tiếng hô ‘dzô, dzô’ và tiếng ca nhạc xập xình của một đám cưới quê làm du khách choàng tỉnh, tò mò thích thú. Có lúc, chợt nghe văng vẳng làn điệu vọng cổ từ một căn nhà lá nào đó bên sông quyện vào cảnh quê tạo nên một cảnh tình phù hợp.
Thỉnh thoảng lại xuất hiện đám trẻ quê bu thành từng nhóm hai bên bờ sông ríu rít "hê lô", rồi "bái bai" xen những chuỗi tiếng cười khúc khích trong trẻo, hồn nhiên khi tàu chúng tôi đi ngang qua. ‘Bye bye cậu ơi!’ một em bé trai vẫy vẫy cánh tay đưa cao chào tôi như muốn nói lời chào người quen. Dường như những giây phút tình cờ, tự nhiên đó đã ít nhiều giúp cho những du khách nước ngoài cảm thấy một niềm vui rộn rã đón nhận thái độ thân thiện, mộc mạc của người dân vùng sông nước miệt vườn Nam bộ.
Thuyền con từ các xẻo, vàm, rạch nhỏ chở nông sản, trái cây bán cho các tàu thuyền ở vùng giáp nước. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Chiều đến, bữa cơm dân dã đúng kiêu Nam bộ cũng diễn ra nhẹ nhàng, chầm chậm, khác hẳn những tiệc tùng ầm ĩ hay bữa ăn vội vội vàng vàng ở những khách sạn, nhà hàng chốn đô thị náo nhiệt.
Chúng tôi đến kinh Chợ Lách vào lúc 20g30. Không khí tĩnh lặng đến nỗi người dưới sông nghe rõ mồn một tiếng người trên bờ nói chuyện. Tôi nằm trên boong tàu bao phủ bởi bầu trời đầy sao sáng, hoà mình vào sự tĩnh lặng của cảnh quê trong khi con thuyền vẫn nhẹ nhàng lướt chậm trên sông.
Ra đến sông Tiền là 22 giờ, con tàu được neo lại giữa sông cho du khách tìm giấc ngủ sâu sau một ngày di chuyển. Con người và cuộc sống bình thản làm sao ở hai bên bờ kinh chợ Lách.
o0o
Đêm trôi qua chầm chậm trên sông nước. Nằm trên con tàu Cochinchine, tôi chợt nhớ đến câu chuyện kể về Cô Chín Chine trong tác phẩm “Chuyện nội cung 9 đời chúa Nguyễn”, một huyền thoại đẹp ghi lại công lao của công nữ Ngọc Vạn trong sự nghiệp mở cõi của người Việt.
Năm Canh Thân (1620), công nữ Ngọc Vạn (tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái thứ hai của chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên) bái lạy tổ tiên, cha mẹ rồi cùng với đoàn tùy tùng xuất giá trở thành vợ của vua Chân Lạp Prea Chey Chetta II. Bà Ngọc Vạn đã khéo léo tâu xin cho người Việt vào đất Chân Lạp sinh cơ lập nghiệp, mở xưởng đóng tàu, thuyền cho vua Chân Lạp, giúp phòng thủ chống quân Xiêm. Bà cũng tiến cử nhiều người Việt có tài vào làm quan văn võ trong triều đình Oudong.
Năm 1625 vua Prea Chey Chetta II đột ngột băng hà. Bà Ngọc Vạn chuyên tâm vào kinh kệ, đưa các con thoát khỏi những cuộc tranh chấp quyền lực trong triều đình Outdong. Người dân địa phương ngưỡng mộ đức hạnh của bà, tôn kính như một vị Phật Bà. Chùa Cô Chín (tên dân gian thời ấy gọi bà Ngọc Vạn) được lan truyền từ đó và bà được coi là một quý nhân ở vùng đất mới Prey Konor.
Về sau người phương Tây qua buôn bán gọi vùng Thủy Chân Lạp xưa là Cochinchine. Phải chăng địa danh Cochinchine sau này để gọi vùng Nam kỳ nước Việt có nguồn gốc từ “Cô Chín Chine”? Thực hư ra sao không quan trọng, nhưng huyền thoại Cô Chín Chine đã đưa tôi vào một giấc ngủ thật sâu, thật đẹp trên con tàu Cochinchine hôm ấy.
o0o
Mờ sáng hôm sau, tiếng gà gáy nhiều giọng đua nhau rộ lên, nghe vừa rộn ràng nhưng vẫn tạo cảm giác êm ả của bình minh nơi thôn dã. Tiếng chim chóc ríu rít, tiếng bìm bịp kêu nước lớn như đón chào ngày mới tươi đẹp hơn. Trên boong đã loáng thoáng bóng du khách thức sớm tập thể dục, lắng nghe tiếng dòng sông và ngắm bình minh với ráng mây nhuốm vàng một góc trời.
Làng mạc hiện rõ dần. Trên sông Cồn Tròn, xã Ngũ Hiệp, người ta đánh cá từ buổi sớm với nhiều ngư cụ và cách thức khác nhau. Cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp thuộc thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) hiện rõ dần hai bên sông.
Hiện nay, trên những dòng Mekong xuội ngược từ Vàm Nao, Phú Tân Châu Đốc đến Cần Thơ, từ sông Tiền đến sông Hậu đã có khoảng sáu công ty với khoảng 19 tàu thuyền lớn nhỏ, từ 2 phòng cho đến 14 phòng trên một tàu. Trên 120 phòng riêng và khoảng 5 phòng tập thể với sức chứa bình quân trên dưới 330 khách trên ngày đã nói lên sức hấp dẫn của tiềm năng văn hóa sông nước Nam bộ. Được đi trên 9 nhánh sông đổ ra biển - Mekong là con sông đứng hàng thứ ba sau Mississipi, Amazon - là ước mơ của nhiều du khách quốc tế.
Bình minh trên sông Tiền. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét