Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Một ngày ra huyện đảo Kiên Hải

Trần Kiêm Mỹ Xuyên










Hòn Tre, trung tâm huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang. Ảnh: Mỹ Xuyên
(TBKTSG Online) - Du khách đến Kiên Giang ít để ý đến Kiên Hải, một huyện gồm 23 hòn đảo lớn nhỏ cách nhau chừng 30 km, nằm rải rác trên vùng biển Tây Nam. Huyện đảo này có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Phong cảnh biển đảo đẹp, dân cư chuyên nghề chài lưới. Hòn Tre - trung tâm hành chính của huyện, được quy hoạch đầu tư vùng du lịch sinh thái mới của tỉnh Kiên Giang.

Nếu đi tàu khách từ Rạch Giá ra hòn Sơn Rái (Lại Sơn) mà muốn quay về trong ngày thì thời gian lên đảo chỉ được hơn một tiếng đồng hồ, vì thế chúng tôi bao hẳn một tàu cao tốc với giá 5 triệu đồng.
Nhổ neo lúc 8g30 sáng, thay vì đi thẳng Sơn Rái, chúng tôi hướng về hòn Tre ngay trước mặt Rạch Giá. Lũ hải âu bay theo tiễn một đoạn xa. Những giề lục bình mới trôi ra biển lớn vẫn còn tươi xanh. Chỉ sau 20 phút, hòn Tre rõ dần trước mặt. Lúc này nó rất giống một con rùa với đám mây thường trực trên đỉnh.
Nhấn vào đây để xem ảnh lớn hơn
Người địa phương có cả một bài vè để nhớ tên các hòn này:
“Hòn Mấu nhìn thấu Đô Nai; Đô Nai quay sang hai Bờ Đập; Bờ Đập đắp qua hao hòn Lò; hòn Lò mò sang hòn Ngang; hòn Ngang nhìn sang hòn Đụng; hòn Đụng cụng về Bỏ Áo; Bỏ Áo tháo qua hòn Dầu; hòn Dầu chầu qua hòn Ông; hòn Ông dong qua hòn Dâm; hòn Dâm đâm sang hòn Tre; hòn Tre de lại hòn Móc; hòn Móc sóc qua hòn Nhàn; hòn Nhàn quàng qua hòn Hàng; hòn Hàng quàng qua ba hòn Nồm; hòn Nồm chồm lên hòn Khô; hòn Khô nhảy vô hòn Lớn…”
Chúng tôi lên bờ hòn Tre, nơi này gần Rạch Giá, thuộc xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Nắng đẹp nên người ta phơi, vá lưới đầy cầu cảng. Một chú bé chuyển lú (một loại bẫy mực) xếp lên ghe, chuẩn bị ra biển bẫy mực. Vài chiếc ghe chất đầy vỏ ốc, thoạt nhìn tưởng như vừa ăn no ốc biển chờ bốc lên bờ. Nhưng không phải vậy, những vỏ ốc này cũng dùng để bẫy mực. Lũ mực thấy vỏ ốc rỗng là bò vào ngủ và khi chúng tỉnh giấc thì đã nằm trên tàu!
Chỉ cần 20.000đ, bạn có thể thuê một cuốc xe ôm chạy hết đảo (mà thực ra chỉ có một con đường ngắn dọc bờ biển). Hòn Tre còn có các địa danh như hòn Non, động Dừa, đường Đá Chuông, đường suối Lách, suối ông Tà, mũi Viết, đá Bia, đá Tàu, đầu Rùa, đuôi Hà Bá… có các suối nước chảy quanh năm như suối Lớn, suối Nhỏ, suối Vàng.
Sau vài chục phút loanh quanh hòn Tre chúng tôi nhổ neo đi về phía nam. Chừng hơn nửa tiếng sau thì thấy Sơn Rái hiện rõ trước mặt. Tên chính thức của hòn đảo này là Lại Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải; ngoài ra còn gọi hòn Sơn hay hòn Rái. Có hai truyền thuyết về cái tên hòn đảo này: Một cho rằng do Nguyễn Ánh đặt để nhớ ơn một con rái cá không lồ dâng cá và thức ăn khi ông bôn tẩu đến đảo này. Tích khác cũng cho rằng tên do Nguyễn Ánh đặt, nhưng để ghi ơn lũ rái cá xóa dấu vết của ông khi trốn chạy quân Tây Sơn.
Một chú bé chuyển lú (một loại bẫy mực) xếp lên ghe, chuẩn bị ra biển bẫy mực. Ảnh: Mỹ Xuyên
Sơn Rái không có cầu cảng nên tàu thả neo ngoài xa, thuyền nhỏ ra tận nơi đón khách vào bờ. Ảnh: Mỹ Xuyên
Tàu vào Bãi Nhà, thuyền nhỏ túa ra đón. Ở đây không có cảng mà chỉ có bãi (cũng là ấp), tàu lớn không cập bến được nên nếu có đến đây bạn phải dự trù cả chi phí thuê ghe nhỏ đón, đưa. Tại ấp Bãi Nhà có đình Thần Lại Sơn, miếu Bà Cố Chủ, thánh thất Cao Đài và chùa Hải Sơn.
Sơn Rái có diện tích 11,7km2 mà hầu hết là núi rừng, toàn đảo như một quả núi có 7 đỉnh nhấp nhô. Có 5 bãi và cũng là 5 khu dân cư: bãi Nhà (bãi chính, có trụ sở UBND xã Lại Sơn), bãi Bấc, các bãi Thiên Tuế, bãi Giếng, bãi Bàng đều là những bãi tắm đẹp. Ngoài ra còn lối đi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh với độ cao 450 mét so với mặt biển là một thử thách hấp dẫn.
Đình thần trên đảo Lại Sơn (hòn Sơn Rái) ở bãi Nhà. Ảnh: Mỹ Xuyên
Miếu thờ Nam Hải tướng quân (cá voi) trên hòn Sơn Rái. Ảnh: Mỹ Xuyên
Đường sá trong thôn xóm trên hòn Sơn Rái khá sạch sẽ. Ảnh: Mỹ Xuyên
Chúng tôi thuê tàu nhỏ đi quanh hòn để tìm một bãi thích hợp cho việc tổ chức một kỳ dã ngoại, cắm trại vài chục người nhưng ở đây không thể tìm đâu ra một mặt bằng sạch, có thể đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ hậu cần, cấp cứu, chợ búa và giao thông thuận tiện. Với điều kiện hiện nay, Sơn Rái chỉ thích hợp cho vài người đi tour mạo hiểm, tour dã ngoại nhóm nhỏ.
Trên đảo chỉ có nhà trọ của ông Bảy Nữa nằm sát vách trụ sở ủy ban xã tại Bãi Nhà. Giá 30.000đ/phòng 1 giường. Có điều lạ là thức ăn của quán xá ở đây lại chỉ chế biến từ thịt. Nếu muốn thưởng thức những đặc sản biển, bạn chỉ có cách đặt trước một quán ăn nào đó. Tiện nhất là đặt cơm chủ nhà trọ, giá cả khá bình dân.
Từ biển nhìn vào các bãi đều thấy bảng hiệu rải rác và hầu hết là của các hãng nước mắm. Cần nói rõ là chất lượng nước mắm Lại Sơn không hề thua kém Phú Quốc, cũng đã có tên tuổi lâu đời nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu mạnh như Phú Quốc. Vấn đề ở khả năng tổ chức tiếp thị, quảng bá thương hiệu.
Từ biển nhìn vào các bãi đều thấy bảng hiệu rải rác và hầu hết là của các hãng nước mắm. Ảnh: Mỹ Xuyên
Tình cờ chúng tôi gặp được một con tàu đang kéo lưới trước bãi Thiên Tuế. Không nhiều cá lắm. Trong tương lai, một chợ cá trên biển sẽ được xây dựng tại đây, được kỳ vọng trở thành một trong mười khu kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng như hòn Tre, Sơn Rái đang làm đường bộ quanh hòn. Lâu nay các bãi qua lại chỉ bằng ghe nhỏ. Việc làm đường đã tạo sự phấn khích rất lớn cho người dân và xe gắn máy cũng bắt đầu xuất hiện.
Gần 2 giờ chiều, chúng tôi quay về mà vẫn không tìm được một địa điểm mới trên vùng biển Tây Nam cho một chuyến dã ngoại đông người; có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài Phú Quốc. Những bãi tắm hoang sơ như tiên cảnh của Sơn Rái chỉ còn trong quá khứ hoặc phải tìm đến hòn Nam Du xa hơn về phía nam.
Đỉnh Ma Thiên Lãnh trên hòn Sơn Rái. Ảnh: Mỹ Xuyên

Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre

Sự kiện: Du lịch Việt

Đối với nhiều người dân miền Tây, vào những ngày hè nóng nực thường có tổ chức một chuyến hải hành ra Hòn Tre để nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức các món "sơn hào hải vị" ở nơi đây.

   
Là một trong 140 hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển Kiên Giang, Hòn Tre cách bờ Rạch Giá 30 km. Chúng ta lên tàu cao tốc ngồi thoải mái chưa tới 1 tiếng đồng hồ là tới nơi. Kể từ năm 1983 hòn đảo duyên dáng này đã trở thành trung tâm của huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tuy còn mang dáng vẻ nguyên sơ nhưng nhờ có sự tô điểm của bàn tay và trí óc con người mà vùng biển đảo kỳ thú đầy huyền thoại này nay đã trở thành một hòn đảo sung túc và vô cùng quyến rũ. 

Hòn Tre có hai ngọn núi, một cao, một thấp tạo thành hình con rùa.   Tuy là núi nhưng ở cao trình từ 200 – 300 mét mét lại có những vườn cây ăn trái và hoa màu, rẫy bái tốt tươi, cây chủ lực là xoài, mít, tiêu, dừa, thanh long… Chính vùng đất núi đồi hoang sơ nơi đây đã cưu mang và đùm bọc nhiều nông dân từ đất liền ra đây lập nghiệp. 
       
Từ trung tâm Hòn Tre, Du khách có thể đi bộ hoặc dùng xe gắn máy vòng quanh đảo từ ấp 1 đến ấp 3 với chiều dài 12 km để vừa du lịch dã ngoại vừa khám phá các làng chài, rừng cây, dốc núi, bãi biển, động dừa và nét sinh hoạt đặc thù của bà con xứ đảo. Dọc theo các bãi biển, nhiều hòn đá to, nhỏ xếp thành một quần thể trông như những viên quái thạch đang đùa giỡn trên sóng nước. Có những tảng sừng sững giống như đá bia, lại có những hòn to như cái thúng úp lại, độc đáo nhất là những viên đá hình người mà dân địa phương gọi là đá Bà Già. Tất cả những kỳ công của tạo hoá đã làm nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo, đẹp đến mê hồn. 
       
Đa số du khách đến Hòn Tre đều thích khám phá Bãi Chén, một bãi biển còn hoang sơ, thiên tạo nhưng được ngành du lịch xếp vào loại đẹp nhất nhì ở Hòn Tre. Nơi đây không những có cảnh quan tươi đẹp, trời nước mênh mông, thơ mộng mà còn có một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, lạ nhất là những hòn đá to giống như cái chén úp lại tạo nên những kỳ quan thật sinh động. Đặc biệt, bao quanh các hòn đá đều có những lớp hàu bám dầy đặc.
Cái chất dân gian từ trong các món ăn thức uống ở mỗi miền đều có nét tương đồng nhưng mỗi nơi còn lưu lại những nét riêng độc đáo, nhất là đối với Hòn Tre khiến cho nhiều du khách sau chuyến đi xa trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị đậm đà của mỗi món ăn. 

Ai đã đến Hòn Tre, cùng trải nghiệm với bà con ngư dân về cuộc sống biển khơi và khám phá những nét đẹp hoang sơ của núi rừng mới cảm thấy quê hương mình tuyệt đẹp và càng yêu biển đảo hơn bao giờ hết.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 1
Bãi Chén – Đệ nhất thắng cảnh của Hòn Tre.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 2
Bãi tắm Hòn Tre.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 3
Dọc theo bãi biển Hòn Tre.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 4
Làng chài Hòn Tre.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 5
Đường lên đỉnh núi Hòn Tre.
Cùng trải nghiệm, khám phá nét đẹp hoang sơ ở Hòn Tre - 6
Xoài trồng trên lưng chừng núi Hòn Tre.

Bài, ảnh: Phúc Lộc
Kiên Hải, biển đẹp không ngờ
TTCT - Trên nền xanh thẫm của biển cả bao la, Kiên Hải (Kiên Giang) như một nét chấm phá duyên dáng. Những bãi cát trắng mịn màng, lấp lánh với những con sóng vỗ về bờ cát làm say lòng du khách muôn phương.
Bình minh trên Hòn Tre - Ảnh: phù sa lộc
Trời biển xanh ngắt, ai cũng háo hức dõi tầm mắt ra xa như thể sợ bỏ sót chi tiết đẹp nào đó của biển. Trước biển ta thấy mình nhỏ bé, chỉ là một chấm nhỏ li ti trên đại dương bao la. Biển dịu êm từng con sóng hiền hòa, những cánh chim hải âu là là nhịp cánh như đón chào đoàn khách phương xa. Khi “sóng đã cài then, đêm sập cửa”, đặt chân lên đảo, cái cảm giác lâng lâng con sóng vẫn còn dư âm khó quên.
Huyện đảo Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 30km, với 23 hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dài gần 100km đường biển.
Từ bến tàu Rạch Giá, tàu cao tốc sẽ đưa du khách đến xã đảo Nam Du thuộc Kiên Hải với giá vé 210.000 đồng/người. Nếu đi bằng tàu thường thì giá là 150.000 đồng/người. Đến thị trấn Hòn Tre bằng tàu cao tốc giá 65.000 đồng/người...
Bám “đuôi hà bá”
Nhiều người nói ở đây có những bãi biển đẹp nhất, độc đáo được thiên nhiên ban tặng như Bãi Nhà, Bãi Bấc, Bãi Bàng, Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, Hòn Đá Bia… Nổi bật nhất là Bãi Chén với bờ biển dài tựa lưng những tảng đá tròn, to như những cái bát úp khổng lồ nằm rải rác trên bãi biển. Hòn Tre tựa như con rùa biển khổng lồ ung dung sưởi mình dưới nắng mai, màu xanh của cây rừng xen lẫn với màu đỏ thẫm của những quả thanh long đang độ chín bám dọc theo những sườn núi phẳng lì tạo cảm giác dễ chịu. Bãi cát vàng mịn màng êm ái. Biển trong xanh hiền hòa.
Bãi Bàng lại mang một vẻ đẹp riêng, uốn mình thành một vòng cung với nước xanh trong nhìn đến tận đáy cùng những hòn đá đủ mọi hình thù, những rặng dừa nghiêng mình vươn ra bãi biển đón làn gió lúc dịu dàng khi mạnh mẽ mang vị mặn nồng của biển khơi kết tinh vào quả làm nên vị ngọt đằm thắm của nước dừa.
Với những ai ưa thích mạo hiểm thì Đuôi Hà Bá là địa điểm hấp dẫn đầy sức cuốn hút bởi những bàn đá tự nhiên phẳng lì nhưng cũng không ít cheo leo nơi cuối ghềnh của đảo. Những bàn tay bám chặt lấy mấu đá khéo léo lựa thế đu mình chinh phục đỉnh cao của những hòn đá nhấp nhô tầng tầng lớp lớp, thế mới là du lịch mạo hiểm chứ! Hoạt động này chỉ dành cho những người ưa thích mạo hiểm. Vì tính chất nguy hiểm, khi tham gia trò chơi này, người trưởng đoàn bao giờ cũng khuyến cáo mọi người đề phòng những rủi ro đáng tiếc.
Góc yên bình trên đảo - Ảnh: Trương Anh Sáng
Và câu mực đêm
Màn đêm buông xuống cũng là lúc những chiếc thuyền câu mực chong đèn thức giấc ra khơi sau một ngày ngủ vùi dưỡng sức. Biển đêm lung linh ánh đèn pha soi sáng khoảng nước rộng gọi mực đến ăn mồi. Câu mực rèn tính kiên trì, sự khéo léo và bền bỉ. Cách câu mực không khó lắm, nhưng để câu được mực thì quả là không đơn giản chút nào. Dùng lưỡi câu chùm gắn trên một cục chì, được sơn lên những màu sắc khác nhau thả câu rồi làm các động tác để con mồi nhựa nhảy tung tăng “gọi bạn”.
Khi mực cắn mồi, cuốn dây, giữ con mồi dưới mặt nước, ánh đèn chiếu vào, màu sắc của nó càng sặc sỡ, bám theo nó là những con mực có màu hồng sáng,  phải khéo léo thu hút để những con mực “quây quần” bên con mồi. Có hai cách để có thể bắt được mực. Hoặc là chờ đợi cho mực cắn câu, hoặc là dùng vợt một lúc có thể bắt được hàng chục con.
Câu được mực, du khách có thể thưởng thức ngay trên thuyền, gọi là món “mực nhảy nướng”. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá đặc biệt, lợi dụng sức nóng của đèn măngxông hoặc đèn pha, người ta chỉ cần gắn một cái chảo lên đó, thế là cây đèn trở thành “lò nướng mực” tiện lợi. Du khách còn được thưởng thức mực tái chanh. Con mực còn tươi roi rói được cắt thành từng miếng vừa ăn cho vào đĩa hoặc tô rồi tưới nước chanh lên đợi vài phút cho mực “chín” là có thể dùng được. Ăn một miếng mực, chiêu một hớp rượu trong cái lắc lư chòng chành của con thuyền lồng lộng gió thật thú vị biết bao.
Không thể bỏ qua các món ăn dân dã của biển như cua, ghẹ, tôm tích, hàu nướng chấm muối tiêu chanh, đặc biệt là món gỏi cá trích cuốn bánh tráng chấm nước mắm, bánh tráng cuốn rau rừng chấm nước mắm Hòn Sơn, cá nhám nhúng dấm, cá trích tái chanh cuốn bánh tráng, hay ốc voi, một sản phẩm đặc trưng, làm gỏi trộn với bắp cải hoặc chuối cây, thịt ngọt lừ, ngon hơn ốc bươu hay ốc lác…
Du khách có thể tìm hiểu nghề nuôi thủy hải sản tại các làng bè trên đảo - Ảnh: Trương Anh Sáng
Ra đảo, khách được trải nghiệm nhịp cầu khỉ - Ảnh: phù sa lộc
Cá tươi nướng tại chỗ cho vị ngọt khó quên
TRƯƠNG ANH SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét