Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Độc đáo nghệ thuật hát ả đào


(ĐVO) “Đưa ca trù hồi sinh với đời sống không chỉ là khao khát của ca nương, kép đàn, mà còn là nhịp cầu giúp du khách tới Việt Nam có thể tiếp cận với tinh hoa cổ nhạc dân tộc”, ca nương Phạm Thị Huệ, quản lý Giáo phường Ca trù Thăng Long chia sẻ.


Là một vốn quý trong tài sản văn hóa truyền thống và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ca trù (hát ả đào) là loại hình nghệ thuật của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15 và rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Tại sao lại gọi hát ả đào?

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm con hát đều gọi là đào nương.
Sách Công dư tiệp ký viết rằng, cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào… Theo đó, ả đào được coi là tên gọi cổ xưa nhất của thể loại âm nhạc ca trù.

Âm nhạc có tính đa diện

Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào lại có tính đa diện như nghệ thuật ca trù. Và thậm chí, trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu…

Ca nương sử dụng bộ phách, nhạc công gọi là “kép” thì chơi đàn đáy, còn khán giả gọi là quan viên, mỗi khi đắc ý về một câu hay một đoạn nào đó của bài hát thường đánh vào trống chầu để tán thưởng. Vì thế, để làm mê hoặc, đưa người nghe lạc vào không gian nghệ thuật quyến rũ và thanh tao của ca trù thông qua tiếng sênh phách rộn ràng và tiếng đàn ca réo rắt, đào hát phải có chất giọng khỏe, trầm và sang; giữ được “hơi trong”, buông được “hơi ngoài” trong nghệ thuật ém, nhấn, nhả như “đổ châu, nhả ngọc”…  hòa cùng những âm thanh trầm bổng của các loại nhạc cụ, tạo nên nét độc đáo riêng của loại hình nghệ thuật này.

Đau đáu… nỗi lo bảo tồn

Sau gần ba năm ca trù trở thành di sản, những nghệ nhân ca trù cũng như các CLB ca trù vẫn đau đáu nỗi lo bảo tồn. Theo tìm hiểu, năm 2009 có khoảng 22 câu lạc bộ ca trù hoạt động: CLB Ca trù Thái Hà với địa điểm diễn ở Thụy Khuê, Văn Miếu; CLB Ca trù Hà Nội diễn ở Bích Câu; CLB Thăng Long ở đình Giảng Võ; CLB Ca trù UNESCO ở Bảo tàng Dân tộc học…, nhưng đến nay con số này không phát triển thêm được bao nhiêu. Nguyên do là hạn hẹp kinh phí hoạt động và thiếu nghệ nhân truyền dạy.

Nghệ sĩ ưu tú, ca nương Bạch Vân cho rằng, việc cần làm ngay là quan tâm những nghệ nhân cao niên, có nghề, giúp họ đúc kết kinh nghiệm, truyền dạy một cách bài bản; đầu tư tuyển chọn đúng người để đào tạo; không nên mạnh ai nấy chạy, rót tiền không đúng chỗ… Muốn thế, phải có có hội đồng thẩm định chuẩn mực, nghiêm túc. “Đã là di sản mà bảo tồn không đúng cách, ca trù sẽ không còn là nó nữa, sẽ bị thui chột, biến dạng. Người mượn ca trù để nổi tiếng, để kiếm tiền, là phá ca trù”, bà Vân nhấn mạnh.

Đang đọc nhiều:

>> Khám phá những 'ngôi nhà ma' nổi tiếng thế giới
>> ‘Bỏng mắt’ với màn sex trên bãi biển giữa ban ngày
>> 7 lý do nên du ngoạn Manila
>> Rủ nhau tụt quần ngồi toilet tập thể trên bãi biển
>> Mê mẩn trong 'không gian cổ' nhất nước Đức
>> Ngây ngất món ngon đường phố Bangkok
Yên Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét