Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Quảng Ngãi: Hồ chứa nước độc nhất vô nhị trên... miệng núi lửa

Công trình hồ chứa nước xây tại miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới ở Lý Sơn là một công trình rất có ý nghĩa, phục vụ đời sống, sinh hoạt, góp phần đem lại vụ mùa bội thu cho những cánh đồng hành - tỏi của nhân dân xã An Hải.
Đó là lời chia sẻ thật lòng của ông Đặng Lên, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nói hộ niềm vui chung của toàn người dân trong xã.

Toàn cảnh đập thuỷ lợi treo trên đỉnh núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Những lời nói mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa của ông Lên - người đã đại diện cho tộc họ Đặng hiến tặng tài liệu quý qua 6 đời tộc họ nối tiếp nhau gìn giữ suốt hơn 175 năm qua, liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về công trình hồ chứa nước độc nhất vô nhị trên miệng núi lửa với diện tích khoảng 10 ha, đã hình thành hàng triệu năm nay. Đây là công trình nhân dân huyện Lý Sơn mong đợi hàng trăm năm, nay mới trở thành hiện thực. Đây cũng là công trình hồ chứa nước được xây dựng tại miệng núi lửa trên huyện đảo đầu tiên trong cả nước.

Huyện Lý Sơn hiện có 3 xã, gồm: An Hải, An Vĩnh và An Bình, trong đó hai xã An Hải và An Vĩnh nằm ở đảo lớn mà ngày xưa thường gọi là Cù Lao Ré, và xã An Bình gọi là đảo Bé cách đảo lớn khoảng 5 hải lý về phía Bắc. Riêng tại đảo lớn có 5 miệng núi lửa trên 5 đỉnh núi. Trong đó có 3 miệng núi lửa lớn có thể xây dựng thành hồ chứa nước, một ở đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải) và 2 miệng núi lửa khác là Giếng Tiền, Hòn Sỏi thuộc xã An Vĩnh. Những miệng núi lửa này cũng là những điểm du khách thường đến thưởng ngoạn khi ra đảo tham quan.
Miệng núi lửa từ hàng triệu năm trước được đầu tư xây dựng thành đập ngăn giữ nước, với chiều dài 208 mét trên đỉnh núi Thới Lới. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Hàng nghìn năm nay, cứ vào mùa hè, hàng nghìn hộ dân sinh sống trên các xã đảo Lý Sơn (trên 21.000 người) đều phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt hàng ngày và thiếu nước tưới cho các loại cây trồng hành, tỏi. Riêng tại đảo lớn có nguồn nước ngọt, nhưng vào mùa hè hầu hết các giếng đều bị cạn kiệt, có năm duy nhất chỉ còn “Giếng vua” là không bao giờ cạn. Nước phục vụ nhu cầu ăn, uống của cả đảo đều trông nhờ vào “Giếng vua” này. Đặc biệt, tại đảo Bé hoàn toàn không có nước ngọt, nhân dân tại đây xây hồ, mua lu đựng nước để chứa nước mưa dùng sinh hoạt hàng ngày, vào mùa nắng hạn phải qua đảo lớn mua nước ngọt, có năm lên đến 200.000 đồng/mét khối.

Từ sự cần thiết về nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân các xã của huyện đảo, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng một hồ chứa nước ngay chính miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới. Khi có quyết định đầu tư, nhân dân huyện đảo vui như mở cờ trong bụng, bởi đây là công trình không những chủ động cung cấp nguồn nước sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ tưới cho hàng trăm hecta đất canh tác ở địa phương.

Công trình hồ chứa nước này được xây dựng trên diện tích lòng hồ miệng núi lửa khoảng 10 hecta, dung tích chứa nước trên 270.000 m khối. Công trình do Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi thi công với các hạng mục chính: Đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước. Hồ được thiết kế xây dựng theo hình thức kết cấu bê tông chống thấm để tích nước trong mùa mưa.

Anh Nguyễn Minh Sang - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi cho biết: Hệ thống đập dâng bằng bê tông dài 208 m, rộng 10 m, cao trình 120 m. Mực nước dâng bình thường trên 119 m so với mặt nước biển. Hệ thống bể chứa nước, bể lọc có dung tích trên 1.600 m khối và gần 1.000 m đường ống dẫn nước đến khu dân cư. Gần hai năm qua, Công ty đã khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, về nguồn nước đã xây đắp trên 5.000 m khối bê tông, đào đắp hơn 10.000 m khối đất đá các loại và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Sau khi đập đầu mối được xây dựng xong cuối năm 2011 lòng hồ này bắt đầu tích nước. Ngay trong những ngày mùa hè năm nay mực nước ở khu vực lòng hồ đã dâng lên được khoản 6-7m, bắt đầu cung cấp nước cho nhân dân phục vụ sinh hoạt cho nhân dân xã An Hải.
Nhà bảo vệ và điều tiết nước ngọt trên hồ chứa đỉnh núi Thới Lới. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Ông Nguyễn Nguyên, thôn Đông, xã An Hải cho chúng tôi biết:Vào mùa khô hạn hằng năm, nước sinh hoạt của nhân dân trong xã An Hải này rất thiếu thốn. nước tưới cho cây hành, cây tỏi bà con khoan giếng lấy nước ngầm, nước lờ lợ chứ không có nước ngọt để tưới cho cây trồng. Được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới và thấy công trình làm xong bà con rất mừng. Tuy nước chưa được dẫn về các cánh đồng, nhưng thấy mực nước trong hồ ngày càng dâng lên người dân mừng lắm. Từ nay, ngoài việc cung cấp sử dụng cho sinh hoạt, bà con còn có nước tưới cho các cánh đồng, sẽ chủ động hơn trước đây.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định, việc xây dựng hồ chứa nước Thới Lới hoàn thành và đưa vào sử dụng bước đầu chấm dứt nạn khan hiếm nước ngọt vào mùa hè. Trước mắt, công trình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho gần 10.000 dân xã An Hải và một phần dân xã An Vĩnh; cung cấp nước ngọt cho hàng trăm chiếc tàu thuyền của huyện, đồng thời chủ động nguồn nước tưới cho hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã An Hải.

Huyện Lý Sơn cũng đang phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh xúc tiến nghiên cứu để tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ở miệng núi lửa Giếng Tiền và Hòn Sỏi trong thời gian tới, nhằm chủ động và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho nhân dân xã An Vĩnh.

Nguyễn Đăng Lâm
TTXVN

Trên miệng núi lửa Lý Sơn


Tôi đi khá nhiều đảo trên đất nước mình, nhưng không thấy cấu tạo địa chất của hòn đảo nào giống như đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cả năm ngọn núi đều là năm miệng núi lửa của thời tiền sử

Khi mùa mưa đã vãn, mùa trồng tỏi ở Lý Sơn bắt đầu, cát trắng và đất đỏ chen giữa những bờ thửa bờ vùng ngăn ngắt xanh, cánh đồng tỏi lúc này chẳng khác nào như một bức tranh nhiều màu được chia thành miếng mảng, trông rất bắt mắt. Đứng trên miệng núi lửa Thới Lới, nhìn vào lòng chảo, trông giống như một sân bóng cỡ lớn, hoang vắng sau một trận cầu sôi động. Đất trong lòng chảo khá phì nhiêu, trở thành điểm hẹn của những đàn bò béo tốt. Buổi chiều, nhìn xuống lòng chảo sẽ bắt gặp sự yên tĩnh đến lạ kỳ. Đàn bò lúc này thành những đốm lửa yếu ớt, như sắp tiễn chiều vào đêm.

Các cụ già ở Lý Sơn nói rằng, trong lòng chảo của núi lửa Thới Lới trước đây là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý, to bằng hai người ôm. Sau năm 1945, dân lên đây khai thác hết, khai tử luôn cánh rừng từ bấy đến nay. Khi còn cánh rừng nguyên sinh này, nguồn nước ngọt trong lòng chảo của núi lửa khá phong phú. Nước ngọt từ đây thoát ra, đổ thẳng xuống chân núi, tạo nên suối Chình. Có lẽ những cư dân cách nay 2 - 3 ngàn năm đã chọn khu đất bên suối Chình làm nơi sinh sống. Những hiện vật lấy được từ cuộc khai quật di chỉ khảo cổ học bên suối Chình cách đây hơn mười năm đã giải mã nhiều điều về hòn đảo đầy quyến rũ nhưng cũng rất bí ẩn này.

Con người đã có mặt tại Lý Sơn từ khá sớm, dấu vết mà họ để lại là các loại gốm có từ thời văn hóa Sa Huỳnh, xuyên qua văn hóa Chămpa. Trong các hố khai quật, những lớp gốm chồng lên nhau, có cả gốm Việt và gốm Trung Hoa, đã chứng minh rằng, từ rất xa xưa, những con thuyền xuyên đại dương đã từng ghé lại đây để giao lưu, buôn bán với người bản địa trên đảo Lý Sơn.
Miệng núi lửa Thới Lới nhìn từ biển
Trong 5 ngọn núi hình thành nên đảo Lý Sơn thì núi Thới Lới được xem như núi toàn đá. Trông xa xa, những vỉa đá dát vào núi Thới Lới như da một con khá sấu khổng lồ. Tiến sát lại, lớp đá này mang những hình thù kì quái, trông giống như lớp bọt của một chảo đường lúc sôi trào. Có lẽ, khi hình thành hòn đảo này, các ngọn núi lửa tại đây hoạt động liên tục trong một thời gian rất dài.

Chùa Hang dưới chân núi là một ví dụ. Có lẽ trong lòng chùa Hang là một lớp kiến tạo địa chất khác nên khi gặp sóng biển vỗ vào liên tục hàng ngàn năm, lớp đá mềm bị xói mòn và khoét sâu để tạo nên một ngôi chùa độc nhất vô nhị trên nước Việt Nam này: Không xây bất cứ một viên gạch, một lớp vôi vữa nào mà vẫn có chùa! Ngôi chùa đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia là vì vậy.

Nếu núi Thới Lới toàn đá thì núi Giếng Tiền lại có rất nhiều đất đỏ, giống đất bazan Tây Nguyên. Lòng Giếng Tiền cũng có miệng núi lửa nhưng không lớn bằng Thới Lới. Đất đỏ của ngọn núi lửa này được người dân Lý Sơn lấy về rải lên ruộng tỏi. Cùng với cát được lấy từ biển quanh đảo, loại đất đỏ ở núi Giếng Tiền đã thành lớp phân để bón tỏi. Chính hai loại đất và cát ấy đã tạo nên hương vị rất riêng cho tỏi Lý Sơn.

Cũng tại miệng núi lửa Giếng Tiền, có một khoảng đất nhỏ, dù là đất đỏ nhưng lại không có một loài cây cỏ nào mọc được. Những ông thầy cúng ở đảo, lên núi Giếng Tiền đào đất chỗ này mang về làm hình nhân để chôn trong những ngôi mộ gió. Có lẽ, các thầy cúng quan niệm rằng đây là chỗ đất tinh khiết nhất nên dành để làm thân thể cho người đã khuất.
Trên miệng của cả 5 ngọn núi lửa ở Lý Sơn đều có lòng chảo hình phễu nhưng tất cả đều bị khuyết một góc. Riêng miệng núi Thới Lới, người ta đang bít lối thoát nước này để hình thành một cái hồ chứa nước khổng lồ ngay trên đỉnh núi. Những cánh đồng tỏi, hành và hai vạn dân trên đảo sẽ có một chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ từ ngay miệng núi lửa này.
(Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét