Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An

Trương Chi

 

 

 

 

Kết bẹ lá dừa nước. Ảnh: Trương Chi
(TBKTSG Online) - Đã một thời gian dài, bà con sống ở rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) đã bỏ hẳn nghề chằm lá dừa nước để lợp mái, dựng vách nhà vì hàng làm ra không bán được. Nhưng gần đây, khắp xã Cẩm Thanh lại rộn ràng trở lại nghề cũ, nhiều gia đình ăn nên làm ra cũng nhờ bằng cái nghề đơn giản, cha truyền con nối nhiều đời nay.
Khắp xã Cẩm Thanh, dường như từ già tới trẻ, từ đàn ông cho tới phụ nữ, hình như ai cũng biết làm lá dừa và kiếm sống bằng nghề này. Lão làng như bà Lê Thị Nhị năm nay 60 tuổi thì đã làm nghề này từ lúc hơn 10 tuổi; hay ông Trần Bừa có thâm niên trong nghề hơn 60 năm.
Ông Võ Tất Thắng - ở thôn 2, xã Cẩm Thanh - cho biết, cách đây chừng 5 năm, cả làng gần như bỏ nghề làm nhà bằng dừa nước, do nhà nhà ai cũng xây kiên cố, không còn cảnh nhà tranh, vách lá như xưa. Thời gian gần đây, chính từ những nơi sang trọng như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát ở ven biển lại tìm về đây đặt hàng với sô lượng lớn. Nhờ vậy mà nghề làm lá lợp sống lại.
Hằng năm, ăn tết Nguyên đán xong, trai tráng cả làng kéo nhau lên các huyện miền núi Quảng Nam, săn tìm những bụi tre già, đủ tuổi để mua rồi kết bè thả xuôi theo sông Thu Bồn về làng. Muốn cho tre chắc bền và giữ được màu, chống mối mọt, phải trẩy sạch mắt tre rồi chờ cho con nước cạn, dìm dưới đáy sông, ngâm từ 8 tháng cho đến 2 năm, chờ cho tre đủ mặn, đủ chắc mới sử dụng.
Nguyên liệu không thể thiếu nữa là bẹ lá dừa nước. Len lỏi trong những rặng dừa xanh um, rậm rịt để chọn những bẹ dừa đẹp, đủ độ già để chặt, chất lên ghe kéo về. Bẹ dừa phải chẻ đôi rồi mới đem phơi khô, có khi phải tách lá và cọng dừa ra riêng rồi đem ngâm để khỏi tiết ra nước ẩm làm mục thân. Bẹ dừa rất dễ bị mối mọt đục thân nên quy trình khai thác và xử lý lá, cọng dừa được làm rất kỹ.
Người làm công cắt lá, chặt dừa kiếm được chừng 50.000 đồng/ngày. Muốn làm được một tấm dừa, phải mất khoảng một tiếng đồng hồ. Giá một tấm dừa 5 nẹp chừng 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Người già, trẻ em, phụ nữ sức yếu thì chỉ nhận làm những thứ đơn giản như vậy rồi giao cho những chủ cơ sở lớn. Người giỏi nghề, có sức khỏe thì nhận theo hợp đồng làm nhà, với giá 350.000 đồng đến 370.000 đồng/m2 đối với loại trang trí kép, đẹp và chừng 120.000 đồng/m2 đối với các mẫu trang trí đơn giản. Với mức thù lao này, mỗi người kiếm được bình quân từ 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng.
Chẻ đôi bẹ dừa trước khi phơi. Ảnh: Trương Chi
Theo ông Lê Thanh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Thanh, nghề làm dừa nước được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời ở địa phương. Trong vòng 6 năm trở lại đây, nhu cầu làm nhà dừa nước rất nhiều, người dân ở đây trở nên khấm khá hơn nhờ nghề. Nhiều nhà có thu nhập mỗi năm khoảng ba đến bốn trăm triệu đồng nhờ cái nghề này.
Dừa nước Cẩm Thanh được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng vì có độ bền chắc và mẫu mã cũng đẹp. Khách hàng bây giờ không phải là những nông dân nghèo cần có túp lều che nắng che mưa mà là những doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở khắp nơi tìm đến đặt hàng.
Ngoài tiếng tăm của một làng nghề, giờ đây Cẩm Thanh còn là một điểm đến du lịch cộng đồng. Hiện đã có nhiều công ty lữ hành xây dựng lịch trình tour đưa du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái “Làng dừa Bảy Mẫu”. Eco-Tour của công ty TNHH Khoa Trần rất được nhiều du khách, đặt biệt là du khách nước ngoài ưa chuộng.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức khóa tập huấn “Lập kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng” cho người dân và đại diện đoàn thể tại điểm du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu. Mười hộ dân và đại diện các đoàn thể tham gia khóa học này sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ học cách tự lập kế hoạch tổ chức tour du lịch như xây dựng trung tâm đón khách; biểu đồ chỉ dẫn lộ trình tham quan; mở trang web quảng bá sản phẩm, thương hiệu; thành lập ban điều hành, đội ngũ hướng dẫn viên…
Không những có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, rừng dừa Bảy Mẫu vốn từng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng xưa kia của Hội An. Những rặng dừa xanh cắm trong dòng nước vừa mặn, vừa ngọt này đã nuôi sống, che chở biết bao nhiêu gia đình ở đây. Về thăm làng dừa Bảy Mẫu du khách còn có dịp tìm hiểu về một chiến khu xưa.
Khắp làng, đâu đâu cũng thấy bà con phơi bẹ và lá dừa nước. Ảnh: Trương Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét