Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Sự thật làng “nói tiếng Âu Lạc” ở Thủ đô


Bí mật làng nghề được giấu kín nhờ “ngôn ngữ” lạ. Nhưng ngay cả người cao tuổi nhất trong làng cũng không biết nó ra đời từ bao giờ.

Làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mấy ngày nay được phen xôn xao khi có tờ báo dẫn lời một nhà khoa học đặt nghi vấn “ngôn ngữ lạ” của làng có từ thời… Âu Lạc.

Đi xa hơn, bài báo còn đặt giả thiết: “Trung Thành Đại Vương đã mang thủy quân của Hùng Vương xuống đây (làng Đa Chất?) chiếm đóng. Ngài đã truyền thụ thứ ngôn ngữ cổ trên vùng đất này”.

Tiếng lóng làng nghề

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến “ngôn ngữ cổ thời Âu Lạc”, các cụ cao niên làng Đa Chất vội cười xua tay: “Làm gì có ngôn ngữ cổ Văn Lang hay Âu Lạc. Chỉ là tiếng lóng thôi!”.
 
Cụ Hiệp kể về thứ ngôn ngữ lạ của làng với PV
Cụ Hiệp kể về thứ ngôn ngữ lạ của làng với PV
Cụ Lê Đình Hiệp, gần 90 tuổi, được xem là một trong số ít người có thể nói vanh vách thứ tiếng lóng gần như đã thất truyền này. Bởi ngay con trai cụ (ở tuổi 70) cũng không hiểu rõ.

Cụ Hiệp kể: Tiếng lóng của làng Đa Chất có từ khi làng làm nghề đóng cối (cối xay bằng  tre, gỗ và đất để xay thóc), truyền từ đời này sang đời khác. “Cụ tôi truyền cho ông tôi, ông tôi truyền đến bố tôi và tôi. Con tôi không theo nghề nữa nên không còn sử dụng tiếng lóng này”.

Những năm 1990 trở về trước, làng Đa Chất có nghề đóng cối xay truyền thống. Các tốp thợ của làng toả đi khắp tỉnh, thành từ Thanh Hoá đến Yên Bái làm nghề. Họ sáng tạo ra hệ thống tiếng lóng chỉ phường thợ cối với nhau mới hiểu để thuận tiện và giữ bí mật trong nghề. Cũng có khi người thợ cối nói chuyện với nhau bằng tiếng lóng để chủ nhà không biết họ đang nói gì.
Cụ Đoán đang giới thiệu về chiếc cối xay, sản phẩm của nghề đóng cối mà từ đó các thợ cối sáng tạo ra thứ ngôn ngữ lạ để giao tiếp với nhau
Cụ Đoán đang giới thiệu về chiếc cối xay, sản phẩm của nghề đóng cối mà từ đó các thợ cối sáng tạo ra thứ ngôn ngữ lạ để giao tiếp với nhau
Chỉ cho chúng tôi xem vật dụng làm nghề đóng cối còn được lưu giữ của làng, cụ Thủ từ Nguyễn Văn Đoán (73 tuổi) -  người thạo nhất về tiếng lóng của Đa Chất, nói một tràng câu quen thuộc của phường thợ cối trao đổi.

Khi được giá họ nói: Bệt này cong (nhà này đắt) hay không được giá: bệt này hớ (nhà này rẻ). Từ “hớ” khá gần gũi với ngôn ngữ phổ thông hay dùng. Ví dụ khi mua, bán, giá cả không như ý muốn chúng ta hay nói “bị hớ”.

Dù tiếng lóng từng được dân làng sử dụng phổ biến nhưng giờ chỉ còn ít người có thể nói được. Có người lớn tuổi thạo tiếng nhưng thính giác kém, có người lâu không sử dụng cũng quên.

Vì thế phải đi khắp làng, ông Đoán mới tìm được ông Lê Văn Vượng- người trước đây cũng trong phường thợ cối- để nói chuyện bằng tiếng lóng cho chúng tôi nghe.

- Ông Đoán: Thít chưa? (Ăn chưa)

- Ông Vượng: Thít rồi. Đồi ỏn cũng thít rồi (Tôi ăn rồi, cũng cho mấy đứa trẻ con ăn xong rồi).

- Ông Đoán: Mận thu chứ nhỉ (Chè thuốc chứ nhỉ).

- Tôi không thít vì phải tiếp Chủ tịch Mặt trận. (Tôi chưa ăn vì phải tiếp ông Chủ tịch Mặt trận).

- Hôm nay được bệt thít êm (Hôm nay có nhà mời ăn cỗ)

Cuộc trò chuyện không liền mạch sau chuyển thành cuộc tranh luận về từ vựng tiếng lóng. Có người nhớ, có người quên. “Mấy chục năm trước anh em chúng tôi đi làm hay dùng nên phải nhớ, lâu không sử dụng nên cũng quên rồi” - Ông Vượng cho biết.

Để giục nhau làm việc nhanh lên, họ nói: “Xấn nhẹn lên”; làm cối: “xấn vụ”. Những câu sử dụng phổ biến khi làm nghề: “Xấn lăn cho choáng” (Làm nhanh cho đẹp), “Xấn rỉa cho choáng” (chẻ dăm nhỏ ra cho đều mới đẹp). “Có thít êm, xấn cho rỉa” (ý là chủ nhà cho ăn cơm ngon đấy, làm cho đẹp vào); “Không thít êm, xấn xí” (không có cơm ngon đâu làm ẩu thôi). Thậm chí tiếng lóng này còn được dùng để họ trêu đùa nhau: “Nhát kia choáng nhỉ” (đứa con gái kia đẹp nhỉ).
 
Không phải ngôn ngữ cổ

Người làng Đa Chất không rõ “ngôn ngữ lạ” này có từ bao giờ bởi nó gắn liền với sự ra đời của nghề làm cối. Mà cả làng đều không rõ vị tổ nghề là ai.

“Tôi năm nay đã 73 tuổi, bắt đầu làm nghề từ năm 16 tuổi. Không ai soạn ra tiếng lóng này mà học qua thực tế, truyền khẩu thôi”, cụ Đoán khẳng định.

Đến những năm 70-80, cùng với sự xuất hiện của vật dụng hiện đại, dân làm cối tiếp tục sáng tạo ra những từ lóng như: “Sưỡn mố” (ô tô, xe máy, xe đạp); “Bệt” (tàu thủy); “Sưỡn nhật” (đồng hồ)…

Chúng tôi hỏi những từ lóng chỉ vật dụng “tivi”, “máy tính”, cả cụ Đoán và cụ Hiệp đều xua tay cười: “Từ điển tiếng lóng của Đa Chất không có. Từ khi nghề làm cối không còn, dân làng chúng tôi cũng không sử dụng thường xuyên và sáng tạo tiếng lóng nữa”.

Trong cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất”, hai tác giả Chu Huy và Nguyễn Dần gọi đây là “biệt ngữ làng nghề”. “Làng Đa Chất chẳng những có nghề đóng cối xay thóc truyền thống mà còn sáng tạo ra cả hệ thống tiếng lóng làng nghề. Đây là biệt ngữ mà chỉ riêng phường thợ cối mới hiểu được và giao tiếp với nhau”.

GS. TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH& NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích:  “Ngôn ngữ lạ” của làng Đa Chất chỉ có thể xem như là hệ thống tiếng lóng nghề nghiệp của một làng có nghề truyền thống.

Xét về mặt ngữ âm, những “từ” của “ngôn ngữ lạ” không thể hiện nó là tiếng cổ vì không thể hiện quy luật ngữ âm lịch sử nào của tiếng Việt cổ. Trong khi đó, ‘ngôn ngữ’ lạ này có cả những từ Hán-  Việt hay từ ám chỉ do nói trại đi.

Ví dụ, người ta có thể nhận thấy điều này trong quy ước số đếm: “Một” gọi là “nhất” (Hán - Việt), “hai” gọi là “lái” (nói trại đi), “ba” gọi là “tham” (nói trại đi của Hán - Việt "tam")..., “bảy” gọi “híp” (nói trại đi của Hán - Việt “thất”), “tám” gọi là “lát” (nói trại đi của từ Hán Việt “bát”).

GS Dõi cũng phủ nhận thông tin “ngôn ngữ lạ” này là ngôn ngữ của thời Văn Lang – Âu Lạc. Bởi nếu là ngôn ngữ của cả một dân tộc trong một thời gian lịch sử, nó không thể chỉ còn lưu giữ ở một làng hay một phường thợ cối.

Tuy nhiên, GS Dõi cũng đánh giá cao sức sáng tạo và bản sắc riêng của làng nghề làm cối  Đa Chất. Tiêu biểu là hệ thống từ vựng tiếng lóng rất phong phú được truyền qua nhiều đời.

Theo Khampha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét