Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Suối Ba Hồ ở Khánh Hòa

Phương Kiều










Suối Ba Hồ. Ảnh: Phương Kiều
(TBKTSG Online) - Từ  Nha Trang theo quốc lộ 1A ra hướng bắc chừng 20km, ngay dưới chân đèo Rọ Tượng rẽ trái vào chừng 3km là đến khu du lịch sinh thái Ba Hồ, thuộc xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Đây là con đường đất đỏ nhỏ hẹp, càng vào sâu càng xấu, khó lái xe. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ bé, bề ngang lớn hơn bề sâu, thấp lè tè, cái xây gạch không tô tường, cái vách đất, được bao bọc bởi những vườn cây trái không mấy tươi tốt.
Tới khu du lịch Ba Hồ, ta như “lọt” vào khoảng không gian tĩnh lặng, chốc chốc lại có tiếng chim ríu rít gọi nhau đâu đó trong những tán lá rừng. Cặp bên phải con đường trước ban quản lý khu du lịch và quầy giải khát là con suối nhỏ róc rách chảy xuyên cánh rừng rồi ra ruộng, đìa tôm, băng qua quốc lộ 1A và chảy ra đầm Nha Phu. Có một tấm bảng xi măng giả cẩm thạch đen nằm khuất trong đống bao cát, phải vẹt ra mới đọc được dòng chữ: “Suối Ba Hồ có độ cao – rộng khác nhau, sinh động và hấp dẫn được nhân dân nơi đây gọi là danh thắng Suối Ba Hồ".
Theo các tài liệu địa dư chí của Khánh Hòa, trên đỉnh Hòn Sơn cao hơn 600 mét là nơi khởi nguồn một dòng suối đổ xuống, gặp những chỗ bằng phẳng trên triền núi tạo thành ba chiếc hồ ở độ cao khác nhau, nên người ta gọi là Ba Hồ.
Lội bộ một đoạn gần một cây số ngược dòng nước trong mát lạnh của con suối len lỏi giữa những tảng đá lớn, nhỏ, lô nhô, chen chúc nhau thì đến hồ đầu tiên. Hồ này rộng khoảng 100 mét vuông, cảnh quan khá nên thơ, không gian thoáng đãng, dường như bao nhiêu mỏi mệt tự nhiên tan biến, thấy lòng nhẹ nhõm. Nước hồ trong xanh, cây cối bao quanh um tùm, rì rào khúc nhạc gió miên man.
Nhưng người địa phương cho hay, vào mùa mưa, hồ này có ngọn thác cao chừng 5 mét, nước tuôn xối xả xuống mặt đá tảng trơn bóng, chảy tràn con suối rộng chia thành nhiều nhánh bởi những tảng đá lớn. Khách nhàn du chỉ nên đến đây vào mùa trước tháng Tư âm lịch; sau đó, tuy chưa phải mùa mưa, những những cơn mưa giông trên đầu nguồn có thể ập về đột ngột, nước lũ hung hãn đổ xuống sẽ là mối nguy cho du khách vì không có đường thoát.
Men theo sườn dốc núi, lên đến hồ thứ nhì, êm đềm, phẳng lặng; vẫn một cảnh quan hấp dẫn người thành thị. Nhưng khi leo đến hồ thứ ba thì cảnh quan trở nên hấp dẫn lạ thường với khá nhiều hang động nhỏ. Dòng nước trắng xóa của ngọn thác từ trên cao đổ ầm ào xuống lòng hồ không ngơi nghỉ. Lòng hồ trên cao này rộng, có thể cho hàng trăm người cùng tắm một lúc. Nhảy ùm xuống hồ, nước mát lạnh, xóa tan bao mệt nhọc sau nửa ngày trời đi bộ và leo trèo, ngồi bên bờ hồ thoảng đưa trong gió hương thơm dìu dịu của những nhánh lan rừng hoang dã.
Quầy giải khát ở Khu du lịch Ba hồ, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: PK
Trên tấm bảng to đùng treo trước hàng hiên văn phòng của Khu du lịch Ba Hồ, người ta quảng cáo: Thú vị hơn khi được du ngoạn rừng nhiệt đới, tắm suối và thác nước hùng vĩ, thuê cần câu cá, bi-da, bơi thuyền, tổ chức cắm trại cuối tuần, khu nhà nghỉ, quầy lưu niệm và quầy giải khát. Nhưng thực tế thì ở đây chỉ có một quầy giải khát với chiếc tủ kính đựng vài ba thức uống thông dụng, chẳng có người phục vụ, mái lá lỗ chỗ nắng trời chiếu rọi!
Một nhân viên ban quản lý tâm sự: “Cảnh quan đẹp nhưng Ba Hồ khó phát triển du lịch vì năm nào cũng bị lũ lụt, đường từ quốc lộ 1 vào quá xấu”. Nhưng người bạn cùng đi với chúng tôi, vốn là dân Nha Trang đi xa lâu ngày trở về thì tiếc rẻ nói, ngày xưa Ba Hồ cùng với suối Tiên, suối Đổ ở Diên Khánh, suối nước nóng Dục Mỹ... luôn hấp dẫn người dân địa phương, nhất là giới thanh niên, học sinh du ngoạn dã ngoại vào những ngày nghỉ lễ, tết mà không ai sợ chuyện lũ lụt nguy hiểm vì hồi ấy rừng đầu nguồn hãy còn nguyên vẹn...
Đến chơi Ba Hồ ngày xuân, ngày hạ. Nằm trên tảng đá bằng phẳng, dưới bóng cổ thụ xanh tươi, nghe tiếng chim hòa tiếng suối, đón ngọn gió trộn mùi phong lan, thì bóng dáng người tiên nơi động Từ Thức hay động Thiên Thai thế nào cũng đi về trong giấc mộng.
Nhưng đến vào mùa thu mùa đông, nhất là sau những ngày mưa lụt, thì những cảnh nên thơ đều ẩn lánh. Nước từ trên đầu núi đổ xuống cuồn cuộn, ngàu ngàu, sóng lấp cả đá, chuyển cả rừng, tiếng dội ầm ầm như sấm dậy. Đứng tận trên cao ngó xuống, người yếu bóng vía không đủ can đảm đứng lâu.
(Trích Xứ Trầm Hương - Quách Tấn)

Chinh phục Ba Hồ

PNO - Cách thành phố Nha Trang khoảng 25 km về phía Bắc, Ba Hồ là một trong những điểm vui chơi trong tour du lịch biển - sông - hồ ở Nha Trang như: Dốc Lết, Ba Hồ, đầm Nha Phu…
    Khởi hành từ TP Nha Trang, chúng tôi đi theo Quốc lộ 1A, đến thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa) có đường rẽ vào Ba Hồ. Đi thêm khoảng 4km đường nhựa đến điểm đỗ xe, tại đây chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá cảnh quan thiên nhiên độc đáo này.
    Ba Hồ thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sông suối thơ mộng, hữu tình 
    Xuất phát từ đỉnh Hòn Son, ở độ cao 660m, dòng suối len lách giữa các triền núi đá đổ xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, rồi đổ ra đầm Nha Phu. Trên con đường vượt đại ngàn xuống biển, bàn tay của tạo hoá vô tình tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp. Có rất nhiều bậc thác được tạo thành trên đường đi của suối; nhưng có ba bậc thác cao và đẹp nhất, dưới chân mỗi thác, đá giăng chung quanh, tạo thành ba lòng hồ trên lưng núi.
    Từ  xa đã nghe tiếng suối đổ, chim rừng véo von ... Du khách "ngơ ngẩn” trước một cái hồ thật đẹp, thơ mộng với dòng nước trong vắt, dây leo rủ xuống như lời mời gọi một cuộc chinh phục, thám hiểm. Theo con đường mòn nhỏ, chúng tôi tiến bước. Hôm đó, vì có nhiều trẻ em nên chúng tôi tập kết tại khu vực hồ nhỏ dưới chân một thác nước. Không cần phải căng dù che nắng bởi đã có bóng mát của những tán cây cổ thụ để khách nấu ăn, vui chơi, tắm suối… Thú vị nhất là ở bất cứ chỗ nào trong khu vực này khách cũng có thể ngả lưng trên những phiến đá to, bằng phẳng, mát rượi…

    Hồ nhỏ, nước không sâu nên rất an toàn với trẻ em. Đặc biệt, thác nước đổ xuống là “công cụ” massage tuyệt vời cho du khách. Ngâm mình dưới hồ, mặc cho nước đổ trên lưng, mọi mệt nhọc tiêu tan, cảm giác sảng khoái thấm vào từng tế bào của cơ thể.
    Đội hậu cần nhanh chóng nhóm bếp phục vụ. Những cái bếp dã chiến đã có sẵn từ những hốc đá tự nhiên, một nhóm thanh niên xung phong đi kiếm củi, chỉ một loáng, nồi nước luộc gà đã bắc lên và các món được bày ra trên những phiến đá lớn, bằng phẳng… Tôi cùng hai người bạn rủ nhau tiếp tục cuộc thám hiểm.
    Đường lên Hồ 1
    Đường đi lên Hồ 1 có nhiều đoạn gập ghềnh toàn đá và đá. Có lúc, chúng tôi phải chui qua các hang động, len lỏi giữa mạng dây rừng chằng chịt để tiến lên. Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ nên không ai thấy mệt. Khách có thể dừng lại nghỉ ngơi dưới bóng cây rừng xanh um hoặc bên dòng nước trong vắt.
    Dòng suối chảy giữa hai bờ đẹp đến mê hồn. Những cây cổ thụ, dây leo đan xen nhau, thấp thoáng những dải hoa rừng màu vàng, điểm xuyết hoa đỏ. Dòng nước đổ xuống khi dịu êm, hiền hòa, khi ầm ào tung bọt trắng xoá.
    Càng đi. chúng tôi càng bị cuốn hút bởi cảm giác muốn chinh phục. Dây leo phủ xuống vách đá như những bức rèm. Cao cao, trên những tán lá hiện ra những bông hoa rừng đỏ thắm, bầu trời cao và xanh đến lạ.
    Hồ 2 hiện ra trước mắt chúng tôi với khung cảnh thật tuyệt vời. Dưới hồ có những phiến đá mới nhìn tưởng như những con cá sấu to đang nằm dưới nước. Nước đổ ầm ào, tiếng chim rừng rộn rã. 
    Đường lên Hồ 3 khá cheo leo, hiểm trở, chúng tôi phải trèo lên những tảng đá chông chênh. Cam go nhất là đoạn phải bám vào những tay nắm bằng sắt gắn trên vách đá dựng đứng để trèo lên cao hơn. Chúng tôi cứ theo mũi tên hướng dẫn màu đỏ mà trèo, trước mặt chỉ có những phiến đá và dưới sâu kia cũng là đá… Khách không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải bám vào các tay vịn mà leo lên. Chỉ cần sơ sảy một chút là có thể lăn xuống vực hay rơi tõm xuống nước.
    Hết đoạn “tay vịn”, qua vài cây “cầu khỉ” bằng dây leo là một khung cảnh như tranh vẽ hiện ra trong tầm mắt. Thật khó diễn tả hết tâm trạng khi đến được nơi này. Đó là niềm vui vượt qua được sự sợ hãi để chinh phục độ cao, là cảm giác thư thái,dễ chịu khi ngắm nhìn mặt nước hiền hòa dưới chân thác đổ…
    Dựa lưng vào phiến đá to, chúng tôi chụp hình kỷ niệm. Nhìn sang bên kia hồ, trên một vách đá có ai đó đã khắc những dòng chữ “để nhớ mãi” cùng ngày tháng đến đây là năm 1976. Một vài bạn trẻ chưa chịu dừng lại, họ lội qua hồ, băng qua phía bên kia, trèo lên những tảng đá cao hơn để hạ trại. Các bạn muốn tận hưởng cảm giác thư giãn với khí hậu trong lành tuyệt đối, ở độ cao ít ai lên đến được.
    Đi chơi Ba Hồ thích hợp nhất vào mùa hè
    Các bạn trẻ thường chọn Ba Hồ để vui chơi và khám phá bằng xe máy. Đi theo tour, khách đến Ba Hồ cắm trại, ăn uống buổi trưa, nghỉ ngơi, xế chiều đi tiếp qua Dốc Lết. Đây cũng là điểm độc đáo của chuyến đi: vừa mới tắm suối, băng rừng buổi sáng, lại được tắm biển buổi chiều; vừa chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ, hoang dã của núi rừng lại được tận hưởng sự hiền hòa, dịu êm của biển.
    BÌNH AN

    Ba Hồ – Nét đẹp nguyên thủy

    (PetroTimes) - Cách thành phố Nha Trang không xa, chừng 25km về hướng bắc, Ba Hồ được coi là một thắng cảnh độc đáo và lạ lẫm, còn in đậm nét hoang sơ ở Khánh Hòa.
    Khu du lịch này thuộc xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa. Trong mấy chục năm nay, Ba Hồ vẫn ầm ỉ tiếng nước chảy từ đỉnh Hòn Son, cao trên 660m xuống giữa hai triền núi đá, là nguồn nước tưới cho cánh đồng Phú Hữu và hòa nhập những hạt nước của mình vào đầm Nha Phu lộng lẫy.
    Nơi này gọi là Ba Hồ.
    Cũng là suối đổ từ trên cao xuống, cũng là nước chảy len qua các ghềnh đá, nhưng ở nhưng địa danh khác ở Khánh Hòa thì được gọi là suối Đá Giăng, suối Tiên… thì nơi này gọi là Ba Hồ. Lý do là nước từ trên thượng nguồn ầm ỉ chảy xuống đó tạo ra hồ ba ở độ cao 600m, lưng chừng suối là hồ thứ hai và thường thì du khách cũng chỉ đi tới hồ thứ nhất cách mặt nước chừng 30m là nhiều.
    Con đường dẫn lên ba hồ.
    Từ Nha Trang đi theo lộ 1A, qua xã Ninh Ích tới cánh đồng nuôi tôm là thấy tấm bảng chỉ rẻ về hướng trái , từ đó vào Ba Hồ khoảng ba cây số. Ngay con đường vào nơi này đã thấm đẫm chất thơ và hữu tình, làm no mắt tầm mắt của khách du lịch , thậm chí ngay cả người dân thành phố đã quen sống với không gian đô thị cũng phải thích thú ngắm nhìn.
    Ba Hồ còn trọn vẹn sự hoang sơ của mình, với đường đất gập gềnh, cỏ cây rũ xuống, đá chồng chen đá, nước lách qua đá tìm đường về xuôi. Một dòng suối nhỏ trước mặt khi vừa chạm chân tới, cây cỏ phủ duyên dáng khiến cho ai thích chèo thuyền ngao du trong không gian tĩnh mịch này sẽ nhẹ lòng hơn.
    Con suối ở Ba Hồ còn trọn vẹn sự hoang sơ.
    Sự hấp dẫn của Ba Hồ chính là chông chênh chân bước. Suối vào mùa khô nước chảy dịu dàng, khách có thể bỏ dép ra, bám bàn chân lên từng mỏm đá qua bên kia bên kia bờ. Đó là thâm u của rừng cổ thụ, là những dây leo chằng chịt níu nhau như chẳng bao giờ lìa nhau, là cả những cây non đang nhú những chiếc lá đầu tiên trong lớp lá mục từ năm trước rơi rụng để cố tìm một tia nắng mặt trời nào đó tình cờ xuyên qua tàn lá chiếu rọi xuống. Những tảng đá thật to, có mặt bằng phẳng ẩn hiện sát bên bờ suối là chỗ nghỉ ngơi, dọn thức ăn mang theo, vừa ăn vừa tận hưởng cảm giác nghe rừng đang lay gió và nghe suối róc rách con nước tìm về tận đại dương.
    Nước lèn giữa đá.
    Nhưng đối với các bạn trẻ, đến Ba Hồ không phải chỉ là nhìn ngắm, nhón chân xuống dòng nước trong xanh kia hay ngồi lên một tảng đá nhìn nước trôi về. Với họ sẽ là ham muốn chinh phục, phải lên tới hồ. Lên tới hồ tận cùng cũng là cách thỏa lòng chinh phục và tận mắt chứng kiến sự kỳ ảo của thiên nhiên tạo ra vẻ đẹp kỳ diệu. Một con đường nhỏ, chìm trong cỏ cây đã được mở ra cứ lên cao dần để ai có ham muốn ấy cứ đi. Con đường lúc dầu rộng và đi dễ dàng, nhưng càng lên cao thì càng hiểm trở, nhiều đá tảng. Muốn đi chắc chắc có thể bẻ một nhánh cây ven đường làm chiếc gậy, rồi tiếp tục bước.
    Sự hoang sơ ấy tạo đã một sự tĩnh lặng khá bất ngờ
    Hồ một, hồ hai hay hồ ba sẽ hiện ra. Nước từ trên chảy xuống trắng xóa xuống hồ. Hồ đẹp và soi bóng cây, những chú cá nhỏ tha hồ đùa vui. Lòng hồ có những tảng đá nổi lên. Nếu thích, có thể nhảy xuống hồ mà tắm. Để cảm nhận là nước ở đây như đang mơn man da thịt mình, nước ở đây ngọt và tinh khiết quá.
    Ba Hồ là điểm đến cho chinh phục và khám phá. Sự hoang sơ ấy tạo cho người đến một sự tĩnh lặng khá bất ngờ, tạo cho người đã tới sự tiếc nuối vì sao mình không kéo dài thời gian cho chuyến rong chơi ấy.
    Khuê Việt Trường

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét