Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Suối Khoáng Bản Hốc


Bản Hốc nằm kề bên quốc lộ 37, cách thành phố Yên Bái gần 70km về phía Tây, với diện tích tự nhiên 65 ha, có 530 nhân khẩu, 86% là người Thái Đen (Tay Đăm) định cư lâu đời từ khoảng thế kỷ XI-XII. Nằm giữa một quần thể thiên nhiên tươi đẹp và thanh bình, bản Hốc như một thiếu nữ Tây Bắc thuần hậu luôn đem niềm vui và sức sống cho mọi người. Phía tây là dãy núi đá vôi án ngữ có nhiều hang động, phía nam là hợp lưu hai dòng suối nước lạnh: một từ Thác Hoa, một từ Thác Vác chảy xuống thành suối Cửa Nhì, phía đông là dãy núi cao Suối Giàng vời vợi…
Tạm xa phố phường ồn ào, đắm mình vào không gian xanh êm đềm, thấp thoáng bóng áo cỏm của thiếu nữ Thái, ngắm những ngôi nhà sàn bên những rặng nhãn sum suê, đây đó lách cách tiếng thoi đưa bạn sẽ thấy bản Hốc đem đến một cái gì thật dễ chịu. Đặc biệt, khi ngâm mình trong bồn nước khoáng nóng hổi, bạn mới cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây.
Trong vùng từ lâu vẫn lưu truyền một giai thoại về sự tích suối nước nóng bản Hốc: "Thuở xa xưa, Ma Long Vương vốn là một con Thuồng Luồng của đất Mường Bảnh (xã Đồng Khê - Văn Chấn) vốn tính nóng như lửa. Biết ngòi Nhì đoạn chảy qua bản Hốc lắm cá tôm, nảy sinh lòng tham bèn hùng hổ đến chiếm. Ma Long Vương ngòi Nhì của đất Sơn Thịnh không chịu. Cuộc chiến long trời lở đất xảy ra, sau mấy ngày đêm giao tranh dữ dội, Ma Long Vương Mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về, phải lặn sâu xuống đáy nước trốn, từ đó đoạn bản Hốc nước nóng rát, sủi sùng sục. Đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận…".
Chỉ dừng chân nơi đây một vài ngày, bạn sẽ khám phá nhiều nét đặc sắc của văn hóa Thái. Đó là những điệu dân vũ nồng say như múa xòe, múa sạp, múa nón… Bạn sẽ thấy người dân nơi đây sống thuần phác và trẻ trung yêu đời. Buổi tối, bên bếp lửa nhà sàn, ăn cơm lam với cá suối nướng, rêu suối nướng, bát canh rau rừng mát lành, mỗi lần nâng chén, chủ nhà lại cất tiếng hát mời rượu (khắp mơi lẩu) khiến bạn không thể từ chối.
Ngoài sân, trẻ nhỏ nô đùa, hát những bài đồng dao dân tộc Thái vui nhộn, ngộ nghĩnh. Về khuya, các cụ già hát cho bạn nghe thiên tình sử bất hủ của người Thái Đen "Tiễn dặn người yêu" (Xống chụ xôn xao) hoặc kể về những huyền tích dân gian như "Bố khổng lồ" (Ải lậc cậc), "Cô chị cô em" (Ý ưởi, ý noọng), rồi chuyện ông Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, hay tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp sục sôi…
Ở bản Hốc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tổ chức khá thường xuyên, những nét văn hóa truyền thống được các nghệ nhân lưu giữ và truyền bá, có sân vận động 2000m2 và điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ 500m2. Con gái trong bản đều thành thạo quay xa, dệt vải, nam nữ đều rất giỏi múa hát và chơi những trò chơi dân gian. Môi trường văn hóa của địa bàn lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Đường vào suối đã dễ đi hơn, đã có nhà tắm công cộng, nhà mát-xa xông hơi. Từ những năm qua, điểm du lịch bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn tiến hành khảo sát, xây dựng thành khu bảo tồn văn hóa với đặc thù bản của người Thái Đen ở Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, các thuần phong mĩ tục, ẩm thực, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, y học dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được chú ý khôi phục và bảo lưu tôn tạo.
Nguồn:dulichgo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét