Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Tôn Thất Thuyết và phong trào Cần vương


Tôn Thất Thuyết là một trong những quan nhà Nguyễn chống thực dân Pháp tiêu biểu nhất, là người cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương.

Cuộc đời gắn liền với binh nghiệp

Tôn Thất Thuyết sinh ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi (12/5/1839) tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến, kinh thành Huế nay là thôn Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế. Ông là con thứ hai của Đề đốc Tôn Thất Đính và bà Văn Thị Thu và là cháu 5 đời của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687).

Cuộc đời Tôn Thất Thuyết gắn liền với binh nghiệp. Năm 1869, ông giữ chức Án sát tỉnh Hải Dương. Tháng 7/1870 được sang làm biện lý Bộ Hộ và sau đó giữ chức Tán tương giúp Tổng thống quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm "dẹp loạn" ở các tỉnh phía Bắc. Sau chiến dịch này, Tôn Thất Thuyết được phong chức "Quang lộc tự khanh" và làm Tán lý quân thứ Thái Nguyên. Tháng 12/1870, ông chỉ huy đánh dẹp nhóm Đặng Chí Hùng ở Thái Nguyên, đánh tan quân Tàu Ô ở Hải Dương (1872); đánh thắng toán giặc khách ở Quảng Yên tháng 8/1872; tháng 12/1873 ông cùng Hoàng Tá Viêm phục binh tại Cầu Giấy (Hà Nội) giết chết viên chỉ huy quân sự trong đợt thực dân Pháp tiến đánh miền Bắc lần thứ nhất là đại úy Francis Garnier.

Với những chiến công này, Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức cho thăng tiến nhanh. Tháng 4/1874, ông giữ chức Tuần vũ tỉnh Sơn Tây kiêm Tham tán đại thần; Hiệp đốc quân vụ Đại thần; Thượng thư Bộ Binh. Năm 1883, Tôn Thất Thuyết được cử vào Cơ mật viện. Ngày 19/7/1883, trước khi băng hà, vua Tự Đức chọn Tôn Thất Thuyết làm Đệ tam phụ chính đại thần cùng với Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành để giúp Dục Đức kế vị ngôi vua.

Với chức Phụ chính đại thần, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã nhiều lần làm việc phế lập. Phế Dục Đức, đưa Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi lên ngôi chỉ trong một thời gian ngắn nhằm tìm ra những thủ lĩnh tinh thần cùng chí hướng kháng thực dân Pháp. Tôn Thất Thuyết trở thành đối tượng cần thanh toán số một của người Pháp. Trong tình thế luôn bị thực dân Pháp loại bỏ, Tôn Thất Thuyết đã chủ động ra tay trước bằng cuộc tấn công quân Pháp tại Huế đêm ngày 4/7/1885, khi quan Pháp đang chiêu đãi Tòa khâm sứ Pháp, tuy nhiên cuộc đánh úp đã bị thất bại. Sau đó, ông đưa Vua Hàm Nghi ra thành Tân Sở ở Quảng Trị, giúp Vua ban dụ Cần Vương. Lời dụ nhấn mạnh "người giàu đóng góp tiền của, người mạnh khoẻ đóng góp sức lực, người can đảm đóng góp cánh tay, để lấy lại đất nước trong tay quân xâm lược".
Cuộc đời Tôn Thất Thuyết gắn liền với binh nghiệp.
Cuộc đời Tôn Thất Thuyết gắn liền với binh nghiệp.

Mọi hoạt động chấm dứt vì bị quản thúc

Em trai ông là Tôn Thất Lệ và hai người con trai của ông là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp cũng theo phò Vua Hàm Nghi và trở thành những nhân vật lịch sử hàng đầu trong phong trào Cần Vương. Tháng 2/1886, Tôn Thất Thuyết giao cho hai con mình là Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp trực tiếp bảo vệ và giúp Hàm Nghi trong mọi việc. Còn ông tìm đường sang cầu viện nhà Thanh. Nhưng cuộc cầu viện không thành, ông đành tìm các người bạn lưu vong cố gắng liên hệ với phong trào trong nước tiếp tục đánh thực dân Pháp... Đến năm 1888, được tin thuộc hạ của ông là Trương Quang Ngọc làm phản bắt vua Hàm Nghi giao nộp cho thực dân Pháp, hai con ông là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Tiệp tuẫn tiết, ông vô cùng phẫn nộ và thương tiếc.

Năm 1889, Tôn Thất Thuyết cử người về Hà Tĩnh và phong cho Phan Đình Phùng làm Bình Trung tướng quân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Nghĩa quân Phan Đình Phùng đã đánh một trận lớn ở Vụ Quang và giành được thắng lợi lớn. Đây là đỉnh cao nhất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.

Năm 1895, chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, biên giới Việt Trung bị kiểm soát, người Pháp yêu cầu nhà Mãn Thanh quản thúc Tôn Thất Thuyết và theo dõi Lưu Vĩnh Phúc nên mọi hoạt động của ông chấm dứt. Tôn Thất Thuyết bị quản thúc, không được đi lại bất cứ đâu. Tương truyền trong những năm cuối đời, ông như điên dại, thường múa gươm chém đá. Ông mất tại Trung Quốc ngày 22/9/1913.

Dương Tuấn

Dụ Cần Vương: Đỉnh cao của truyền thống yêu nước


 - Hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Hàm Nghi, khắp các vùng lãnh thổ Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng có khởi nghĩa nổ ra chống lại quân thực dân Pháp.
Ngày 5/7/1885, Kinh thành Huế thất thủ, phái chủ chiến phò vua Hàm Nghi rời bỏ Kinh thành Huế dời đến căn cứ Tân Sở.
 
Sau 4 ngày đêm vất vả, ngày 10/7/1885, đoàn hộ tống vua Hàm Nghi có Tôn Thất Thuyết và hai con Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp, em trai Tôn Thất Lệ cùng các quan như Trần Xuân Soạn, Hồ Văn Hiển, Phạm Văn Mỹ, Hoàng Văn Hòe, Phạm Cát Xu, Phạm Thận Duật... đến thành Tân Sở.
Khu di tích lịch sử Tân Sở (nguồn Internet).
Khu di tích lịch sử Tân Sở (nguồn Internet).
Ngày 11/7/1885, vua Hàm Nghi nhận được một tín thư từ Huế đề nghị nhà Vua quay về trị vì ngai vàng như cũ, nhưng Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đã cự tuyệt và càng quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến để giành lại giang sơn.

Nhận thấy phải động viên toàn thể quan lại, sĩ phu, binh lính cùng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi đã ban dụ Cần Vương ngay tại thành Tân Sở, yêu cầu thần dân khắp cả ba miền đứng lên chống thực dân Pháp để "chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, khôi phục lại bờ cõi" cho đất nước.

Trong tờ dụ có đoạn: "... Trẫm đức mỏng, gặp phải biến cố này, không thể hết sức chống giữ, để Kinh thành bị hãm, Từ cung phải lên xe lánh nạn, tội ở mình trẫm cả, hổ thẹn vô cùng. Nhưng mối luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, chắc không nỡ xa bỏ trẫm, người trí giúp mưu, người dũng giúp sức, người giàu xuất của để giúp quân nhu, cùng nhau đoàn kết, chẳng ngại gian hiểm, làm cách gì mà có thể cứu nguy đỡ ngã, gỡ chỗ khó, giúp khi bí, thảy đều hết lòng hết sức...".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Hàm Nghi, khắp các vùng lãnh thổ Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng có khởi nghĩa nổ ra chống lại quân thực dân Pháp mà mạnh nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
 
Đó là các cuộc khởi nghĩa của Ngô Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp hoạt động mạnh trên vùng sông Đà. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) ở vùng Lạng Sơn, Bắc Giang.
 
Tại vùng đồng bằng Bắc Kỳ có các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Giáp ở Phú Thọ; Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; Nguyễn Đức Huy ở Nam Định, Thái Bình... Trong phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892).

Ở Trung Kỳ hầu hết ở các tỉnh đều có các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp:

- Ở Thanh Hóa có cuộc khởi nghĩa của Phạm Bành và Đinh Công Tráng (ở Nga Sơn);

Tống Duy Tân và Cao Điển (Vĩnh Lộc).

- Ở Nghệ An có khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ (vùng Yên Thành, Diễn Châu).

- Ở Hà Tĩnh có khởi nghĩa của Lê Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng (ở Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê) tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

- Ở Quảng Bình có cuộc khởi nghĩa của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân.

- Ở Quảng Trị có khởi nghĩa của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như.

- Ở Thừa Thiên - Huế có cuộc khởi nghĩa của Đặng Hữu Phổ.

- Ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, có Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tán, Nguyễn Bá Loan...

- Ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận, Lê Thành Phương...

Có thể nói, thành Tân Sở và Dụ Cần Vương của Hàm Nghi cùng với cao trào kháng Pháp hưởng ứng Dụ Cần Vương là đỉnh cao của truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường chống ngoại xâm của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.

Trịnh Dương

Thành Tân Sở với dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi

29/07/2012 07:34:16
 - Thành Tân Sở và dụ Cần Vương của Hàm Nghi cùng với cao trào kháng thực dân Pháp hưởng ứng dụ Cần Vương là đỉnh cao của truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường chống ngoại xâm của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.

Mô phỏng thành Tân Sở.
Mô phỏng thành Tân Sở.
Thành Tân Sở là tên một tòa thành cổ, một tòa thành dự phòng khi kinh đô hữu sự. Thành Tân Sở được triển khai xây dựng từ năm Quý Tị (1883). Tên Tân Sở (vùng đất mới nằm giữa một vùng đất đỏ bazan có tên gọi là vùng Cùa).
 
Khu vực này nay thuộc địa phận làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm huyện lỵ Cam Lộ 10km về phía Tây Nam. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm cửa Thuận An (tháng 8/1883) dẫn đến hiệp ước Harmand được ký kết, Tôn Thất Thuyết khẩn trương cho xây dựng thành Tân Sở.

Tham gia xây dựng thành là các quan triều đình gồm: Nguyễn Văn Trường, Tôn Thất Lệ, Đặng Huy Cát. Thực hiện việc đôn đốc nhân dân và binh lính là Chánh Sơn phòng Nguyễn Khắc Kiện, Phó Sơn phòng Nguyễn Tuy, Chánh sứ Lê Hữu Thương.
 
Hàng ngàn dân phu binh lính ở Bảo Trấn lao được huy động. Nhân dân vùng Cùa đóng góp nhiều công sức trong việc dựng trang trại, đào hào, đắp lũy, trồng tre, xây dựng nhà kho, trại lính, nhà cửa.

Qua tư liệu của các học giả người Pháp như Pirey, Delvaux và những nhà nghiên cứu Việt Nam như Phan Khoang, Hồ Vĩnh, Đỗ Bang thì thành Tân Sở được cấu trúc theo hai vòng thành.
 
Thành có hình chữ nhật, chiều dài 548m, rộng 418m, tổng diện tích là 22,9ha. Bờ thành cao 4m, phía ngoài có hào bao quanh sâu 2m rộng 10m. Xung quanh thành được trồng tre đan kín. Có 4 hàng tre ken dầy. Bờ tre ngoài cùng cách bờ tre thứ hai 21m, bờ tre thứ hai cách bờ tre thứ ba 13m và bờ tre thứ ba cách bờ tre thứ tư 5m. Giữa các bờ tre là lớp tường thành đắp bằng đất. Bốn phía có 4 cửa.

Thành nội được xây bằng gạch vững chắc, chiều dài 160m, chiều rộng 100m, tổng diện tích là 1,65ha. Có 5 cửa, tiền, hậu, tả, hữu và ngọ môn dành cho Vua và các đại thần ra vào hành cung. Trong thành nội có những khu nhà kiên cố làm bằng gỗ, tường gạch dùng cho Vua và các quan làm việc. Ngoài ra, còn có nhà bếp, kho báu...
 
Do tính chất là một thành dã chiến nên các công trình này quy mô không lớn và bề thế như ở Kinh thành. Theo Picard Destelan: "Ở đấy người ta xây nhà cửa và có làm các Đại nội nhưng trên thực tế thì cũng làm tốt hơn nhà dân thường một chút". Ở bốn góc thành có 4 khẩu đại bác.

Dọc trên con đường độc đạo từ huyện lỵ Cam Lộ vào Tân Sở được bố trí nhiều đồn binh canh phòng, bố trí nhiều đại bác, nhất là đoạn trước khi vào vùng Cùa. Đến đầu năm 1885, về cơ bản công trình xây dựng thành Tân Sở đã được hoàn thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét