Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Trịnh Hoài Đức- nhà chép sử số 1 triều Nguyễn


(Người nổi tiếng) - Cống hiến xuất sắc nhất của Trịnh Hoài Đức đối với tiến trình lịch sử, văn hóa dân tộc là bộ sách “Gia Định thành thông chí”- một bộ sách lịch sử, địa lý, văn hóa ra đời sớm và giá trị nhất về miền đất Nam Bộ thời bấy giờ.


Bộ địa chí này gồm 6 quyển biên khảo công phu về quá trình hình thành đất đai, sông núi, sản vật, phong tục, con người, bộ máy hành chính Nam Bộ, đã được người Pháp dịch và xuất bản ở Paris từ năm 1863 và trở thành tài liệu vô giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về miền Nam Việt Nam.

Ba lần được vua triệu về kinh làm Lại bộ thượng thư

Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu (1765), tại thôn Bình Trước, dinh Trấn Biên (nay là thành phố Biên Hòa- Đồng Nai) tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam sống ở thế kỷ 18.

Bộ sách “Gia Định thành thông chí” của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam. Ông cũng là một công thần của triều Nguyễn, đã giúp cho vua Gia Long rất nhiều về các phương diện ngoại giao, chính trị và kinh tế.

Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức từng làm quan dưới triều Minh, sau đó chống Thanh đã đưa cả gia đình sang Việt Nam xin tỵ nạn, cư ngụ tại dinh Trấn Biên (nay là Biên Hòa) theo Trần Thượng Xuyên. Thân sinh ông là Trịnh Khánh là người học rộng tài cao, giỏi nghề buôn bán.

Vào đời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Trịnh Khánh được bổ làm Cai thu, sau được thăng Cai đội, nhưng mất lúc Trịnh Hoài Đức mới 10 tuổi.

Năm 1776, Nguyễn Lữ mang quân Tây Sơn vào tấn công 3 dinh trấn Gia Định, Long Hồ và Trấn Biên, Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy dạt về Bà Rịa lánh nạn, thời thế hỗn loạn nên ngay sau đó, mẹ ông rời nhà về dinh Phiên Trấn (Gia Định) cho ông theo học chữ của nhà giáo học lỗi lạc là cụ Võ Trường Toản, quê ở Bến Tre.

Cũng tại đây ông kết bạn với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh để sau này thành lập nhóm “Bình Dương thi xã”, uy tín như Chiêu Anh Các của họ Mạc ở Hà Tiên và ba ông sau này được mệnh danh là “Gia Định tam gia”.

Khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, Trịnh Hoài Đức chạy sang Chân Lạp (Campuchia) lánh nạn một thời gian. Thơ Trịnh Hoài Đức bộc lộ tình yêu sâu đậm đối với quê hương, làng cảnh Việt Nam, nơi nhà thơ đã chọn là quê hương của mình và phản ánh chân thật đời sống, sinh hoạt của con người thời bấy giờ.

Năm 1788, khi Chúa Nguyễn Gia Long mở kỳ thi hương đầu tiên tại đất Gia Định, cả 3 ông ra ứng thi và đều đỗ đạt, thành danh. Trịnh Hoài Đức được bổ làm Hàn lâm Viện Chế cáo, rồi được sung chức Điền Tuấn Quang, trông coi việc khai khẩn đất ở Gia Định.

Năm 1793 ông được lãnh chức Đông Cung Thị giảng, rồi phò Đông Cung Thái tử Cảnh ra giữ thành Diên Khánh-Khánh Hòa.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức

Năm sau, ông được thăng làm Ký lục dinh Trấn Ninh, đến năm 1801 thăng Tham tri Bộ Hộ. Ngay năm sau đó, 1802, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Hộ rồi sung làm Chánh sứ cùng với Binh bộ Tham tri Ngô Nhân Tịnh và Hình bộ Tham tri Hoàng Ngọc Uẩn sang sứ Trung Quốc.

“Quan quang tập” là một tập thơ trong toàn bộ “Cấn Trai thi tập” của Trịnh Hoài Đức viết trên đường đi sứ Trung Quốc từ giữa năm 1802 đến đầu năm 1804. Người đời đọc dễ dàng cảm nhận đó là khúc ca của một người đắc lộ thanh vân mang trọng vụ bang giao giữa hai nước Việt -Trung trong giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn.

Có lẽ rất lâu sau đời Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Hiền… chúng ta mới bắt gặp lại một phong thái ung dung tao nhã của một sứ thần Việt Nam trong giao tế như Trịnh Hoài Đức. Dù ở góc độ nào, thơ của ông vẫn trăn trở, tâm huyết với từng động thái của nước nhà và nghĩ về ơn chúa, thấm nhuần đạo lý văn hoá của dân tộc Việt tại mảnh đất miền Nam nơi ông sinh ra, lớn lên và thành đạt.

Những quan viên nhà Thanh lúc bấy giờ vô cùng mến phục Trịnh Hoài Đức. Đồng thời nhân dân những nơi ông đến cũng rất có cảm tình với ông và sứ đoàn Việt Nam. Đến đâu ông cũng có thơ đề tặng, ghi lại mối tình của mình đối với những quan nhân triều Thanh.

Đối với các nhân sĩ nhà Thanh, ông làm thơ, hoạ thơ, đề vịnh lên tranh lên quạt tặng họ. Những bài thơ như thế vừa bày tỏ tình giao nghị giữa nhân sĩ hai nước vừa bộc lộ nét tài hoa của sứ thần Việt Nam.

Trong bài “Sứ hành tự thuật”, Trịnh Hoài Đức còn nói những chặng đường ông đã trải qua, những ứng biến của ông khi nói tiếng Quảng, khi nói tiếng Bắc Kinh, rồi lại nói chuyện ông phải để râu để giữ gìn quốc thể:

Tu phụng đế vương lưu.
Nam bắc tùy thanh ứng,
Giang sơn hữu cú thù...
(Sứ hành tự thuật)

(Tạm dịch :Tay này, gặp tuần phủ thì dang ra, Râu này, vì phụng mệnh vua mà để dài. Ở Nam hay ở Bắc đều tùy tiếng nói mà đối đáp, Cảnh đẹp non sông, thì dùng thơ thù họa…).

Đoạn chú văn trong bài thơ sau đây cho thấy tài năng và phong thái của Trịnh Hoài Đức cùng sứ đoàn Việt Nam rất được quan viên triều Thanh đánh giá cao: “Sứ đoàn đến tỉnh Hồ Nam, gặp mặt quan Tuần phủ Cao Kỷ, sau khi nói chuyện xong, Cao cầm lòng tay tôi, xem tướng chỉ tay, nhân hỏi rằng:

Sứ bộ là người Nông Nại, cái tên Nông Nại ấy, xưa nay chưa từng nghe thấy, nay xem cách đi đứng nói năng của đoàn sứ bộ, thật là những người có văn hoá, giống với phong tục của Trung Quốc, so với sứ giả trước đây từ An Nam đến thật khác xa, ngỡ rằng Nông Nại là một nước xưa nào khác, văn học, phong tục, cương vực, thổ sản thế nào? Tôi bèn nói rành rọt hết, được đãi trà rồi lui.

Thành Gia Định, thường gọi là Đồng Nai, thổ âm Quảng Đông gọi là Nông Nại. Đến khi quan Khổn thần là Tuần phủ Quảng Đông hỏi thăm biết được duyên cớ, khi lên đường, ông viết tấu là đoàn sứ nước ta là người Nông Nại, không phải là người Giao Chỉ An Nam như trước đây, cho nên những nơi sứ bộ đến, từ kinh, tỉnh, phủ, huyện đến sĩ dân, quan lại kiểm tra đều vì điều ấy mà tiếp đãi rất chu đáo, mà cái tên Nông Nại cũng được ghi chép vào sử quán vậy”.

Năm 1808, ông được bổ làm Hiệp trấn Gia Định thành, phụ tá cho Tổng trấn thành Gia Định Nguyễn Văn Nhân. Năm 1812, ông được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm thiên giám, năm sau đổi làm Lại bộ Thượng thư.

 Năm 1816, ông lại được bổ nhiệm làm Hiệp Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai. Mùa hè năm 1820, vua Minh Mạng triệu ông về kinh làm Lại bộ thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư, sung chức Phó Tổng tài Quốc sử giám, thăng Hiệp biện Học sĩ. Ông đã từ chối ba lượt nhưng vua Minh Mạng vẫn tỏ lòng ưu ái nên sau đó ông phải vâng mệnh.

Tháng 7 năm 1823, Trịnh Hoài Đức xin về Gia Định nghỉ vì sức khỏe. Đến tháng 9 cùng năm, ông trở lại kinh lãnh chức Thượng thư bộ Lại và bộ Lễ. Tháng 10 cùng năm, ông trở về Gia Định liệu việc nhà. Tháng 3 năm 1824 trở ra kinh, lãnh chức Thượng thư bộ Lại kiêm quản Lễ bộ sự vụ. Tháng 7 cùng năm, ông được sung chức Tổng tài và quyền lãnh công việc ở ty Thương Bạc.

Chẳng bao lâu, do bệnh nặng tuổi cao, ông từ trần tại Quỳ Viên (3 1825), thọ 61 tuổi. Vua bãi triều 3 ngày, truy tặng ông là Thái bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ, phái hoàng tử Miên Hoằng đưa về an táng tại làng Bình Trước, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long (nay là phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa - Đồng Nai).

Khi linh cữu về tới Gia Định, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã đích thân tới phúng điếu và đưa tới huyệt. Đến đời vua Tự Đức, nhà vua truyền liệt thờ ông trong miếu Trung Hưng Công Thần và đền Hiền Lương.

Ông có 2 con trai, con cả là Quan, làm đến chức Lang trung, con thứ là Cẩn, lấy công chúa, làm đến chức Đô úy.

Công trình đồ sộ của Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức đã để lại cho hậu thế những công trình văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Gia Định thành thông chí”; “Cấn trai thi tập gồm 3 tập: Thối thực truy biên tập, Quan quang tập, Khả dĩ tập; Bắc sứ thi tập”; “Lịch kỷ nguyên”; “Kháng tế lục”; “Gia Định tam gia thi tập” (viết chung với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh).

 “Gia Định thành thông chí” là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức viết về miền đất Gia Định bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam Bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Cho đến nay, không ai rõ thời gian Trịnh Hoài Đức biên soạn sách này, một số học giả cho rằng sách này được hoàn thành vào đời Gia Long (1802–1820) và được hiến vào năm Minh Mạng thứ nhất (Canh Thìn, 1820) sau khi triều Nguyễn có chiếu tìm kiếm và thu thập thư tịch cũ.

Nhưng theo G. Aubaret thì sách được viết vào thời Minh Mạng, khoảng những năm 1830, còn Dương Bảo Quân - một học giả của trường Đại học Bắc Kinh, thận trọng cho rằng việc biên soạn được tiến hành vào giữa các năm 1820 và 1822.

Quyển sách ghi chép rất công phu và tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, cũng như về phong tục tập quán, tính cách và sinh hoạt của dân cư tại vùng đất Gia Định từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất này từ năm 1698 cho đến những năm đầu thế kỷ 19.

Gia Định hay Gia Định thành ban đầu vốn là tên gọi để dùng toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam. Cho nên bộ sách viết về cả miền Gia Định, hay Nam Bộ xưa.

Nguyên bản (bản khắc gỗ) hiện nay không thấy, nhưng theo bản chép tay lưu tại thư viện Viện sử học Việt Nam thì sách gồm sáu quyển, đóng làm 3 tập khổ 17x30cm, chữ hàng 8 (8 cột), mỗi hàng 21 chữ, mỗi quyển viết về một phương diện khác nhau.

Quyển I, có tên là “Tinh dã chí” có 6 tờ, nội dung quyển này viết về vị trí đất Gia Định so với các vì sao theo thiên văn cổ cũng như phân tích khí hậu vùng đất này.

 Tác giả căn cứ vào các thiên văn chí và địa lý chí của sách, sử Trung Quốc như Chu lễ sớ, Tiền Hán thư, Đường thư, Nam Việt chí, Tinh kinh... xác định các đất Ngô, Việt và Dương Châu đối với các vì sao để suy ra vị trí của đất Gia Định về mặt thiên văn. Đào Duy Anh đánh giá phần này không có giá trị thiết thực, còn phần về khí hậu thì có phần thiết thực hơn, mặc dù vẫn ảnh hưởng căn bản của Hán học.

Quyển II, có tên là “Sơn xuyên chí”, gồm 90 tờ nội dung mô tả núi, sông Gia Định theo từng trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Tên các núi, sông được ghi bằng chữ Hán và chú thêm chữ Nôm, rất tiện lợi cho việc tra cứu, không như các sách địa chí từ thời Minh Mạng trở về sau chỉ chép tên dịch nghĩa bằng chữ Hán.

Quyển III, có tên “Cương vực chí”, bao gồm 85 tờ nội dung chép lịch sử khai phá vùng đất Gia Định của các Chúa Nguyễn, dẫn nhiều từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, có những tài liệu độc đáo về các cuộc gặp giữa các chúa Nguyễn và các vua Cao Miên.

Phần sau chép về cương vực đất Gia Định và các trấn với danh sách các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, lân. Phần về trấn Hà Tiên có những tư liệu độc đáo về quan hệ với Cao Mên và Xiêm La.

 Quyển IV, có tên “Phong tục chí”, gồm 18 tờ, nói về các tập tục, cách ăn mặc, nhà cửa, tín ngưỡng, lễ tết, hội hè trong toàn cõi Gia Định, và những phong tục đặc sắc của mỗi trấn. Quyển V, có tên “Vật sản chí” gồm 25 tờ nội dung nói về nông sản, tình tình ruộng đất, giống lúa và hoa màu, lâm sản, thổ sản, thủy sản... của đất Gia Định xưa.

Quyển VI cuối cùng có tên “Thành trì chí” gồm 45 tờ có nội dung giới thiệu về vị trí, giới hạn, quy mô các các thành, trấn và huyện lỵ, đồn, lũy, đền, chùa, cầu, chợ, phố xá địa giới hành chánh, đất đai, nhà cửa, công trình...

Nội dung bộ sách viện dẫn nhiều sách cổ Trung Quốc, và sử dụng nhiều chữ Nôm, cũng như các tên riêng, thổ ngữ, tập tục tại các địa phương. Điều này thể hiện tác giả là một nhà Hán học uyên thâm và hiểu rõ vùng đất mà ông sinh sống.

Đồng thời việc dịch tập sách này cũng đòi hỏi kỹ năng dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, và phải am hiểu về các tên gọi và phong tục của miền Nam, nhất là tên các địa danh bằng chữ Nôm. Hơn nữa, một số bản chép tay còn sót lại cũng chứa đựng không ít sai sót gây khó khăn cho các dịch giả.

Sau khi thực dân Pháp đặt chân tới Nam Kỳ, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp đã yêu cầu Gabriel Aubaret dịch sách này sang tiếng Pháp để họ nắm tình hình thổ địa và nhân dân vùng đất Nam Bộ, phục vụ cho công cuộc chinh phục của họ.

 Bản dịch này được Imprimerie Impériale (Nhà in Đế quốc) xuất bản năm 1863 tại Paris với tựa đề “Histoire et description de la Basse Cochinchine” (chuyển tự từ chữ Hán thành Gia-dinh-Thung-chi). Bản dịch này không theo đúng kết cấu của nguyên tác, mục đích phục vụ cho độc giả người Pháp và thực dân Pháp.

Các khu vực hành chính không được dịch vì dịch giả này cho rằng chúng đã lạc hậu, hơn nữa lại quá khó dịch vì lúc bấy giờ thực dân Pháp mới chỉ xâm lược 3 tỉnh miền Đông, ông ta chưa có điều kiện thực địa để đối chiếu với tên gọi tại các địa phương bằng chữ Nôm.

Thay vào đó, ông thay bằng một bảng phụ lục những khu vực hành chính thời Tự Đức. Đào Duy Anh đánh giá tác giả sách này có phiên âm sai các tên riêng, tuy nhiên không nhiều, và khuyết điểm nghiêm trọng nhất của bản dịch là dịch sai do dịch giả không hiểu vững vàng Hán văn.

Cho đến những năm 1964, các nhà Hán học thuộc Ban Cổ sử của Viện Sử học Việt Nam bao gồm Đỗ Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tỉnh đã dịch sang chữ Quốc ngữ sách này, với sự hiệu đính và chú thích của Đào Duy Anh.

Bản dịch này dựa theo một bản chép tay từ thư viện của Viện Sử học, có sự đối chiếu với bản của Thư viện Khoa học trung ương, cũng như bản dịch của Gabriel Aubaret và các sách có liên quan, như Phủ Biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí. Tuy nhiên bản dịch này chỉ được lưu truyền nội bộ tại Viện Sử học dưới dạng bản đánh máy.

Mãi sau này, Nhà xuất bản Giáo dục mới tiến hành biên tập lại và xuất bản vào tháng 12 năm 1998 dưới dạng sách bìa cứng, gồm bản dịch và toàn bộ bản chép bằng chữ Hán Nôm.

Bản dịch này đã đáp ứng được nhu cầu thực tế, làm tài liệu tốt cho nghiên cứu, và giáo dục trong nhà trường; nhân dịp các tỉnh thành Nam Bộ kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển.

Tuy thế, bản dịch này cũng nhầm khi dịch các tên địa danh như nhầm Láng Thé thành Lãng Đế, Cần Giuộc thành Cần Dọt; hay “tư võ (tư mã) giặc Trần Tuấn” dịch nhầm thành “quân giặc là Võ Trần Tuấn”.
Tượng Trịnh Hoài Đức
Tượng Trịnh Hoài Đức

Tại miền Nam Việt Nam trước đây, nhóm học giả Tu Trai Nguyễn Tạo đã dịch và xuất bản sách này vào năm 1972. Đây là bản thông dụng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, bản dịch này cũng có nhiều sai sót.

Năm 1991, tại Trịnh Châu, Trung Quốc, Nhà xuất bản sách cổ Trung Châu đã cho xuất bản một bộ gồm 3 quyển sách sử của Việt Nam là “Gia Định thành thông chí”, “Lĩnh Nam trích quái” và “Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả”, bằng chữ Trung giản thể, do Đái Khả Lai biên dịch và Dương Bảo Quân hiệu chú.

Năm 2004, Lý Việt Dũng đã tổng hợp và điều chỉnh các sai sót của các bản dịch trước thành 6 nhóm: nhầm địa danh, nhầm nhân danh, nhầm tên sản vật, nhầm nghĩa Hán văn, chép sai hoặc thiếu, lỗi mo-rát sau đó biên dịch lại, chú giải, được Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu và Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai tái bản.

“Gia Định thành thông chí” là bộ sách quý giá được xem là một trong những công trình nghiên cứu đặc sắc nhất thời nhà Nguyễn, được người đương thời đánh giá cao và tin cậy vào độ sử liệu của chúng và coi như một tác phẩm kinh điển và ở khía cạnh nào đó là tác phẩm chính thức về Nam Bộ dưới góc độ địa lý và lịch sử, đương thời quan lại Nam Bộ hầu như đều phải nắm rõ sách này.

Các sử gia triều Nguyễn đã dựa vào sách này để soạn các bộ: “Đại Nam thực lục” (Tiền biên), “Đại Nam liệt truyện” (Tiền biên), “Đại Nam nhất thống chí” (phần Lục tỉnh Nam bộ).

Năm 1862, sau khi Thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa đã tổ chức biên dịch ngay sách này thành tiếng Pháp để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của họ.

Tại Trung Quốc, sách này cũng được xuất bản cùng với “Lĩnh Nam trích quái”, và “Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả” năm 1991 nhằm giúp hiểu rõ hơn về lịch sử di dân sang Việt Nam của người Trung Quốc vào đầu thời nhà Thanh.

‘Gia Định thành thông chí’ là sách đầu tiên mô tả kỹ lưỡng sông núi miền Nam, cũng như mô tả kỹ càng các khu vực hành chính Gia Định từ trấn, phủ tới thôn, lân; các sách địa chí đời sau, như Đại Nam nhất thống chí ở đời Tự Đức cũng không mô tả kỹ hơn.

Tên các núi, sông được ghi bằng chữ Hán và chú thêm chữ Nôm, rất tiện lợi cho việc tra cứu, không như các sách địa chí từ thời Minh Mệnh trở về sau chỉ chép tên dịch nghĩa bằng chữ Hán, ví dụ Chợ Củi chép thành Sài Thị.

Trong chương Phong tục, tác giả đã kỹ lưỡng trong việc chú giải cách phiên âm chữ Nôm của mình: nếu gặp quốc âm hay tên địa phương thì cũng lấy trong sách chữ Hán có âm y hệt hay na ná rồi thêm vào trên đầu hay bên hông trái.

"Đất trời đâu chẳng là quê hương"

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hoà-Đồng Nai, người dân địa phương quen gọi là “lăng Ông”. Từ bùng binh Biên Hùng của trung tâm thành phố Biên Hoà, theo đường 30/4, hướng Đông Bắc khoảng 300m, rẽ đuờng Trịnh Hoài Đức hoặc vào hẻm 39 (còn gọi là hẻm Đường Rầy – trước đây, một nhánh của tuyến đường từ ga thẳng đến sân bay Biên Hoà) ta sẽ đến được di tích.

Nằm trong khu vực của khu phố 3, phường Trung Dũng có rất nhiều ngôi mộ cổ, được xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh lăng Ông, nhiều người cho rằng, trước kia đây là khu mộ của họ tộc Trịnh Hoài Đức.

Dưới thời Nguyễn, mộ Trịnh Hoài Đức thuộc thôn Bình Trúc, dinh Trấn Biên. Thời Pháp thuộc, địa danh Bình Trúc được đổi thành Bình Trước, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Trường Viễn Đông Bác cổ đã xếp mộ Trịnh Hoài Đức là di tích vào năm 1938. Phần mộ của ông cùng với phần mộ của vợ ông, được xây theo hình lân phục.

Phía trước có câu đối: “Sơn thuỷ hữu tình thành quyến thuộc, Càn khôn vô vực thị gia hương” (Non nước hữu tình thành quyến thuộc, Đất trời đâu chẳng là quê hương).

Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức. Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức.

 Trong vòng thành là thành tố chính của kiến trúc, gồm hai phần mộ: một của Trịnh Hoài Đức và một của chánh thất phu nhân, người họ Lê. Kết cấu mộ giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dạng chân quỳ.

Nội dung các bia ở hai phần mộ Trịnh Hoài Đức nêu vắn tắt các danh, chức, phẩm hàm mà Trịnh Hoài Đức được ban tặng, cùng người vợ của ông; đồng thời có ghi cụ thể thời gian là tháng 11 năm Ất Dậu, con cái là Trịnh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên Nhiên Bảo, Trịnh Thiên Bảo cùng lập bia.

Trước năm 1975, đáo lệ hằng năm vào lễ Thanh minh, con cháu Trịnh Hoài Đức từ các địa phương khác đến cúng viếng với nghi lễ rất trang trọng. Về sau, có lẽ do một số con cháu trong thân tộc họ Trịnh đã lớn tuổi hay lưu lạc mà các lễ viếng không còn duy trì như trước.

 Tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Chợ Lớn, từ xưa đã có chùa Gia Thạnh (của người Minh Hương) thờ vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức, những công thần người Minh. Trong chùa, còn đó đôi liễn của họ Trịnh ngày xưa. Cùng với lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở Biên Hòa, ngôi chùa này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Nam Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét