Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Về với Nà Luồng


Nằm nép mình bên dòng Nậm Mu hiền hòa, bản Nà Luồng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), là nơi cư trú của trên 90 hộ đồng bào dân tộc Lào. Nhờ gìn giữ được những phong tục tập quán lâu đời, bản của người Lào ở Nà Luồng đã trở thành điểm đến thân thiện với du khách.
Theo dân gian, cách đây 300 năm, một bộ lạc người Lào du cư đã vượt qua Thanh Hóa, Sơn La… tìm nơi canh tác, cư ngụ, tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn thấy phong cảnh bình yên, có thể khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống, mới dừng chân hạ trại. Tại vùng đất ven dải Hoàng Liên Sơn ấy, người Thái đã làm chủ, người Lào xin phép được khai khẩn và định cư. Tộc trưởng người Thái rộng lòng tiếp đón và đệ đơn lên quan trên cho bộ lạc người Lào nhập cư.

Đến nay, trên tiến trình lịch sử của đất nước, Lào, Thái và các dân tộc anh em khác cư trú tại các thung lũng ven dải Hoàng Liên Sơn vẫn đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no theo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó, rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa của người Lào không bị đổi thay theo thời gian và không gian, giúp bản Nà Luồng hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bản làng, gắn liền với các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân.

Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản làng thì Nà Luồng là địa điểm hấp dẫn, không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc. Cảm giác khoan khoái, hồi hộp đến với du khách ngay từ khi đặt chân trên cây cầu chênh vênh dẫn lối vào bản. Dòng Nậm Mu ngay dưới chân cầu hiền hòa chảy như được dát vàng trong ánh chiều hắt qua dãy núi, cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà thấp thoáng bên sườn núi tạo nên vẻ đẹp dung dị cho bản Nà Luồng.

Phong cảnh yên bình của bản Nà Luồng.

Cuộc sống người Lào ở bản Nà Luồng còn khá đơn sơ.

Phụ nữ Lào bản Nà Luồng miệt mài bên khung cửi.

Công việc hàng ngày của phụ nữ Lào ở bản Nà Luồng là thêu thùa.

 Dưới gầm sàn, đầu nhà là bóng dáng các cô gái Lào.

Trang phục mang đậm bản sắc phụ nữ Lào.

Đồ trang sức phụ nữ Lào.

Vòng cổ độc đáo tô điểm thêm vẻ đẹp phụ nữ Lào.

Người Lào ở Nà Luồng chân thật và mến khách.

Bản Nà Luồng là điểm đến thân thiện với du khách trên cung đường
khám phá dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Bản Nà Luồng là ngôi nhà chung của 90 hộ, hơn 400 nhân khẩu người Lào. Người Lào ở Nà Luồng rất thân thiện, chân thật và mến khách. Phương thức canh tác chính của người Lào ở đây là trồng lúa nước, trồng ngô. Diện tích lúa chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Dọc theo đường vào bản ngập tràn những thửa ruộng đang vào mùa gặt, những nương ngô trĩu hạt, cho thấy cuộc sống ấm no, đủ đầy của người dân nơi đây.

Không chỉ làm nông nghiệp, phụ nữ Lào vẫn gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những sản phẩm thổ cẩm như khăn, mũ, túi, đặc biệt là trang phục không chỉ thể hiện sự khéo tay của phụ nữ Lào mà còn thể hiện bản sắc dân tộc Lào, là sản phẩm du lịch đặc sắc đối với du khách khi muốn khám phá, tìm hiểu về văn hóa Lào. Ngoài ra, người Lào vẫn giữ gìn được nhiều phong tục độc đáo trong lễ nghi như tục té nước (còn gọi là Bun Vốc Nặm – PV) và cả tục cầu may, cưới xin, tang ma, cúng lễ cùng những món ăn lạ, những điệu khèn, điệu dân vũ độc đáo và hấp dẫn…

Cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, mang đặc trưng vùng cao Tây Bắc, con người hiền hòa, hiếu khách... tất cả đã tạo nên những tiềm năng du lịch của Nà Luồng. Bởi vậy, cách đây chưa lâu, bản Nà Luồng đã được Tổng cục Du lịch lựa chọn đầu tư phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, tương lai không xa sẽ đưa vào khai thác trong tour du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, hứa hẹn giúp du khách hiểu hơn vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, con người Việt Nam./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Nà Luồng - điểm bản đặc sắc trong “Vòng cung Tây Bắc”.

Nếu bạn là người thích khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì hãy đến với Nà Luồng – nơi không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc.
Nằm bên dòng Nậm Mu quanh năm nước chảy hiền hòa, cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà thấp thoáng bên sườn núi, tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp dung dị cho bản Nà Luồng làm nao lòng bao lữ khách.
Bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường (Lai Châu) là nơi cư trú của hơn 90 hộ dân với 400 nhân khẩu dân tộc Lào. Nơi đây khung cảnh còn hoang sơ và các giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn được người dân lưu giữ nên không bị đổi thay theo thời gian. Điều này đã giúp bản người Lào ở Nà Luông trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Giải thích cho cái tên bản Nà Luồng, người dân ở đây cho biết, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng, có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc trồng ngô, cấy lúa. Với cảnh sắc thơ mộng, con người lại chân thật, giàu lòng mến khách nên Rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…Từ xa, phóng tầm mắt du khách sẽ  thấy rất rõ dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang của bản Nà Luồng. Từ trên cao nhìn xuống, Nà Luồng ẩn khuất trong vạt rừng xanh bát ngát, có mây núi mênh mang, có những thửa ruộng lúa chín vàng óng đẹp đến mê hồn. Khi buổi bình minh, tiếng chim hót vui réo rắt, rồi sau mỗi buổi chiều tà cảnh ấm cúng, sum họp lại rộn ràng trong các ngôi nhà gỗ thưng hữu tình nơi miền sơn cước này.
Đến với bản Nà Luồng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu.
Cuộc sống của người dân bản địa nơi đây phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Đa số đàn ông trong bản đều giỏi nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát, chài lưới. Còn phụ nữ dân tộc Lào rất giỏi với việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, may vá tự trang trí họa tiết hoa văn cho trang phục của mình. Những sản phẩm thổ cẩm như khăn, mũ, túi, đặc biệt là trang phục không chỉ thể hiện sự khéo tay của phụ nữ Lào mà còn thể hiện bản sắc dân tộc Lào, là sản phẩm du lịch đặc sắc đối với du khách khi muốn khám phá, tìm hiểu về văn hóa Lào.
Ngoài việc được trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất thường ngày của người dân bên những thửa ruộng bậc thang, cánh rừng gần như nguyên sơ hay những thảm thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, du khách còn được hòa cùng không gian văn hóa đặc trưng, truyền thống. Những bộ trang phục đẹp mắt, hàm răng đen bóng của các thiếu nữ đến những bài ca dân vũ cổ xưa bên điệu khèn, tiếng sáo hay tục té nước (Bun Vốc Nặm) trong những dịp hội hè, lễ tết, cưới xin… Tất cả như hòa quện vào nhau tạo lên một Nà Luồng đặc sắc, thân thiện và mến khách.
Chi Na (thethaovietnam.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét