Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Viếng núi Trà Sư

Phước Hưng









Thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Phước Hưng

(TBKTSG Online) - Theo hướng từ thị trấn Nhà Bàng về thị trấn Tịnh Biên, đi chừng 150 mét, rẽ phải theo con đường dốc đá cạnh tiệm bán thuốc núi “Sáu Xứng và Năm My” sẽ đến núi Trà Sư, thuộc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo sách Thất Sơn mầu nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu thì một nhà khảo cổ ngoại quốc cho rằng dãy núi Thất Sơn gồm núi Két, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Tô và núi Trà Sư; nhưng theo ông Lương văn Phụng (tục gọi Chín Tròn ở thôn Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc) thì núi Trà Sư không nằm trong nhóm Thất Sơn mà thay vào đó là Thủy Đài Sơn.
Núi Trà Sư không cao, nhưng du khách tham quan không chỉ để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú mà còn tìm đến hành hương vùng đất thiêng, tìm kiếm sự bình an tâm hồn.
Để đến nơi miễu thờ hòn đá lăn, du khách đi chừng 50 mét theo con đường dốc thoai thoải đến ngôi chùa Bồng Lai với phong cảnh u tịch. Gửi xe, đi bộ chừng 200 mét là đến miễu thờ. Ông Lê Văn Xom, 55 tuổi, ông từ lo nhang khói ở miễu thờ hòn đá lăn và miễu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, cho biết: Vào ngày 25-7-1991, hai hòn đá lăn từ đỉnh núi xuống, một hòn nặng khoảng 1 tấn và một khoảng 300 ký. Nhưng có điều lạ là hai tảng đá không lăn thẳng xuống triền dốc mà lăn vòng vào ngay miếu thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ.
Bà con ai cũng lấy làm ngạc nhiên, tảng đá nặng cả tấn chỉ làm văng tượng thờ của Bà ra ngoài, riêng miễu thờ chỉ bể vách tường phía sau, ba mặt đều còn y nguyên. Từ đó, hai tảng đá yên vị tại chỗ, người dân gọi đó là “Chư vị Sơn thần” và hương khói thờ tự. Người ta xây một ngôi miễu khác để thờ Cửu Thiên Huyền Nữ cạnh miễu sơn thần. Địa điểm này rộng thoáng mát, du khách thường ghé lại tham quan và cúng bái.
Bước lần theo bậc thang lên khoảng 100 mét, du khách gặp ngay hang Ông Hổ; nơi đây có hai động đá, một bên là điện Ngũ Hổ và một bên là điện Cửu Phẩm nằm sâu trong hang đá. Theo hướng điện Cửu Phẩm đi lên khoảng 25 mét, sẽ gặp miễu Bà Chúa và tảng đá thần. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, 53 tuổi, người lo hương khói miễu Bà Chúa cho biết, tảng đá thần ngày càng lớn thêm (?). Từ một tảng đá nhỏ đặt trong miễu thờ, nay tảng đá đã cao lên đụng mái tôn.
Tảng "Đá Thần" trên núi Trà Sư. Ảnh: Phước Hưng
Tiếp tục đi lên phía đỉnh núi, gió lồng lộng, người thư thái dễ chịu khi đến một mặt phẳng có diện tích khoảng 80 mét vuông, được gọi là “sân tiên”. Khu vực sân tiên có bốn điểm thờ cúng: sân tiên, cửu quyền, chánh soái và trăm quan. Sau khi ngồi thư giãn với gió núi lồng lộng, hướng tầm mắt nhìn xuống thị trấn Nhà Bàng nhà cửa san sát, con người cảm thấy nhẹ nhàng, quên bao mệt nhọc.
Lần bước xuống núi vòng về phía tay trái, đi chừng 50 mét, sẽ gặp điện Huỳnh Long. Trong hang động chia làm hai nơi thờ, phía trong thờ rất nhiều vị thần, có cả hương án thờ Bác Hồ, đức Huỳnh giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, đức Phật Thầy Tây An. Bên ngoài thờ ông đạo Xom Lê Nhựt Long, người nổi tiếng trị bệnh cứu người cho nhân dân địa phương.
Sau khi tham quan, chúng tôi được cô Năm Hiền, người kế tục trong gia đình đã mấy đời lo việc hương khói đền thờ ông Đạo Xom dẫn ra sau điện Huỳnh Long xem dấu vết bàn chân tiên theo truyền thuyết trên tảng đá dựng đứng cao khoảng 12 mét.
Chơi núi ở Trà Sư, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên vùng đồng bằng, du khách còn thỏa tính tò mò, tìm hiểu những điều kì bí về những hang động và tỏ lòng thành kính chiêm bái những điểm mang tín ngưỡng của người dân đồng bằng phía Tây Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét