Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Vua Hàm Nghi với thành Sơn Phòng


Vua Hàm Nghi là vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn và là một ông vua yêu nước, người đã phê chuẩn Chiếu Cần Vương, kêu gọi các văn thân, nghĩa sĩ giúp vua cứu nước. Sự nghiệp của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương gắn liền với một địa danh ở Hà Tĩnh: Thành Sơn Phòng.

Sơ đồ thành Sơn Phòng.
Sơ đồ thành Sơn Phòng.

Ngày 1/8 năm Giáp Thìn (1884), Nguyễn Ưng Lịch lên làm vua lấy hiệu Hàm Nghi. Lúc đó, hoà ước Giáp Thân (6/6/1884) đã được ký kết, lễ đăng quang của Hàm Nghi không được thông báo cho khâm sứ Pháp tại Trung kỳ, vì thế chúng không thừa nhận nhà vua mới. Chúng yêu cầu các đại thần cơ mật sang toà khâm sứ để bàn định nghi thức gặp gỡ giữa vua Hàm Nghi và đại diện tối cao của Chính phủ thực dân Pháp, song Tôn Thất Thuyết từ chối. Tướng Đờ Cuôcxy dọa sẽ đem quân tới bắt vua.
 
Trước tình thế đó, đêm ngày 7/7 năm Ất Tỵ (1885), Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công đồn Mang Cá và đồn Pháp cạnh toà Khâm sứ. Quân của Tôn Thất Thuyết đánh rất hăng hái, song vũ khí quá thô sơ và giao liên yếu kém nên chỉ mấy giờ sau bị thất bại. Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tập hợp tàn quân, chờ sẵn ở cửa Chương Đức và ông vào cung đón vua Hàm Nghi cùng tam cung ra khỏi Hoàng thành, xa giá ra Quảng Trị.

Chiều ngày 8/7, sau 2 ngày ngự ở hành cung Quảng Trị, theo lệnh của Hoàng thái hậu Từ Dụ, chia đạo ngự ra 2 đoàn: Một đoàn theo Hoàng thái hậu trở lại Huế, một đoàn theo vua ra Tân Sở xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp.

Căn cứ Tân Sở nằm ở một vị trí không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, cây cối thưa thớt, cằn cỗi, mùa hè gió Lào nóng như thiêu đốt. Sau 3 ngày ở Tân Sở, vua Hàm Nghi yêu cầu trở về Huế, nhưng Tôn Thất Thuyết kiên quyết ngăn lại. Nhà vua hiểu ra và quyết tâm kháng chiến. Hàm Nghi đã phê chuẩn chiếu Cần vương. Hưởng ứng chiếu Cần vương, nhân dân cả nước liên tiếp đứng dậy cầm vũ khí chống thực dân Pháp. Sau 2 tháng, nhà vua thấy Tân Sở không thuận lợi cho việc phòng vệ nên quyết định dời ra thành Sơn Phòng.

Thành Sơn Phòng được xây dựng từ năm 1883 trên núi Ấu Sơn thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thành có diện tích khoảng trên 42.000m2 với chiều dài 210m, chiều rộng 200m với 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chân thành rộng 9m, mặt thành rộng 7m, chiều cao cửa thành 2,2m. Cách chân thành về phía ngoài khoảng 3m là hệ thống hào bao quanh rộng 6m, sâu hơn 2m. Phía trong thành có nhiều công trình phục vụ cho việc bố phòng và sinh hoạt của quan quân vua Hàm Nghi. Phía đông thành Sơn Phòng có ngôi miếu Trầm Lâm thờ "Đức thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc Thanh y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần".
 
Theo lời kể của dân làng Phú Gia, vua Hàm Nghi được nữ thần Trầm Lâm báo mộng có bọn bạch quỷ đang bao vây, cần lo bề định liệu. tỉnh dậy, vua Hàm Nghi liền thiết triều giao cho Tôn Thất Thuyết và các quan quân vào miếu làm lễ tạ ơn và ban sắc phong cùng với nhiều hiện vật quý giá cho dân làng, sau đó nhà vua và các triều thần rời khỏi Sơn Phòng vào Rú Quạt - một vùng rừng núi hiểm trở, nhiều khe suối, nằm giáp giới giữa huyện Hương Khê và huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét