Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Ba ngôi đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ

 .
Ba ngôi đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ
Ba ngôi đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ
... Dưới lớp bụi thời gian và dư luận oan nghiệt, nhân cách lớn Nguyễn Thị Lộ vẫn sống trong lòng dân.
 



Đền thờ Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại Tân Lễ

Người Việt Nam ai cũng tự hào về Đại thi hào Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá thế giới, được tất cả các dân tộc ngưỡng mộ. Chúng ta cũng tự hào về Đại cáo bình Ngô - bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của đất nước Việt Nam - bản hùng ca bất diệt thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta, do Nguyễn Trãi biên soạn sau đại thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Vậy mà, tiếc thay, chỉ 14 năm sau ngày chiến thắng đại công thần Nguyễn Trãi đã trở thành nạn nhân của những âm mưu đen tối trong cung đình và ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất (1442) phải chịu án "tru di tam tộc". Cái cớ dẫn đến thảm hoạ này là câu chuyện bịa đặt về "tội giết vua" của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, người thiếp yêu vừa có tài vừa có đức của Nguyễn Trãi.

Hai mươi hai năm sau, vào tháng Bảy năm Giáp Thân (1464), sau khi yên vị trên ngai vàng được 4 năm, vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông. Lê Thánh Tông chính là hoàng tử Lê Tư Thành, được sinh ra đúng vào năm Nhâm Tuất. Khi vua cha Lê Thái Tông băng hà, Lê Tư Thành mới được hai tuần tuổi và đang cùng mẹ ẩn dật tại chùa Huy Văn. Nếu không có Nguyễn Thị Lộ hết lòng dậy dỗ chắc gì hoàng tử Lê Nguyên Long khi trở thành vua Lê Thái Tông lúc mới 11 tuổi đã đủ bản lĩnh đối phó với những vấn đề vô cùng phức tạp của triều đình, mâu thuẫn giữa các vị khai quốc công thần và các quan xuất thân khoa bảng lên tới đỉnh cao. Nếu không có Nguyễn Thị Lộ hết sức che chở và bí mật đưa đi trốn tại chùa Huy Văn thì tính mạng bà mẹ của Lê Tư Thành là Ngô Thị Ngọc Giao và tính mạng của chính hoàng tử cũng khó bảo toàn, nói gì đến việc nước ta có vị minh quân đưa Đại Việt lên thời hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Vậy mà, tiếc thay, lại một lần tiếc thay nữa, Lê Thánh Tông chỉ minh oan cho Nguyễn Trãi mà không minh oan cho Nguyễn Thị Lộ, để mặc người đời tiếp tục thêu dệt câu chuyện hoang đường về "rắn báo oán", một câu chuyện vay mượn từ cổ tích của Tầu, rồi tạo dựng ở chốn cung đình, rồi gieo rắc trong dân gian với dụng ý xấu từ gần 600 năm qua.
 


Tượng đồng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại Tân Lễ

Dưới lớp bụi thời gian và dư luận oan nghiệt, nhân cách lớn Nguyễn Thị Lộ vẫn sống trong lòng dân. Bà được dân làng Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội) lập đền thờ trên nền đất nguyên là nơi Ông Bà đã từng mở lớp dậy học. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, đây là ngôi đền duy nhất thờ Nguyễn Thị Lộ, cách không xa đền thờ Nguyễn Trãi. Ngày 19.12.2002, tại Khuyến Lương, theo đề nghị của Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Hội thảo tôn vinh Bà như một nữ sĩ tài hoa, một nhà giáo với văn chương và phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Sau Hội thảo, cuộc vận động xây dựng lại đền thờ Nguyễn Thị Lộ (do đền thờ cũ chỉ còn phần hậu cung hoang phế) được những người yêu chuộng công lý trong nước và kiều bào hưởng ứng nhiệt thành. Ngôi đền đã được xây dựng khang trang ngay trên nền cũ và trở thành nơi thăm viếng của khách thập phương.

Trong những ngày 30-31.08.2003, nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm… do giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và giáo sư Thượng tướng Hoàng Minh Thảo dẫn đầu đã thực hiện chuyến đi nghiên cứu điền dã tại làng Hải Triều xã Tân Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình để xác định địa điểm xây dựng nhà thờ Nguyễn Thị Lộ tại quê hương Bà. Công trình được xây dựng với sự đóng góp tiền của và công sức của hàng trăm nghìn người ngưỡng mộ Bà là tiếng nói chung minh oan cho người phụ nữ tài giỏi và đức độ, có đóng góp lớn lao trong lịch sử dân tộc. Đền thờ ở Tân Lễ có khuôn viên với hồ sen nâng cao bức tượng đồng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Gần một năm sau ngày khánh thành đền, dưới chân bức tượng có mạch nước ngầm trong mát phun lên thành dòng. Những người trông coi đền đã nhờ các cơ quan chức năng và nghiên cứu chuyên môn xét nghiệm chất lượng nước. Kết quả thật có hậu: đây là nguồn nước sạch rất cần thiết cho đời sống con người. Đáp ứng nguyện vọng của những người hành hương đến với đền thờ Đức Bà, Ban quản lý đền đã chuẩn bị chai nhựa cho bà con mang nước từ đây về nhà sử dụng. Sắp tới, một doanh nghiệp sẽ công đức thiết bị dẫn nước từ nguồn lên để tạo thuận lợi cho những người xin lấy nước.



Tượng đài giọt lệ trước đền thờ ở Đại Lai

Ở nơi vua Lê Thái Tông băng hà cách đây 568 năm, từ thời Lý đã có một ly cung xây dựng trong vườn vải lớn nên gọi là "lệ chi viên". Đất này nay thuộc địa phận làng Đại Lai xã Đại Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. Định mệnh dường như dành riêng đất này cho ngôi đền thờ người phụ nữ tài hoa, phẩm hạnh nên đã từ rất lâu không ai chiếm đất làm của riêng, chỉ có một thời hợp tác xã xây dựng nhà kho nhưng càng làm kho càng trống rỗng nên đã dỡ bỏ. Cho đến một ngày, ý tưởng xây dựng đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ ngay tại vườn vải xưa hình thành. Một dự án mới ra đời. Lại có hàng trăm nghìn tấm lòng Việt tôn thờ lẽ phải đồng lòng đóng góp tiền của và công sức xây dựng ngôi đền. Đồ án thiết kế cho thấy trên diện tích 20 ha đền thờ Đức Bà với hậu cung ẩn trong vườn vải, nhà thờ Lê Thái Tông, nhà tả vu và nhà hữu vu, trước sân đền có bức tượng hình giọt lệ đặt trên cuốn sách để ngỏ, rồi đến hồ bán nguyệt trồng sen như đền thờ ở Tân Lễ, xung quanh vườn vải là hàng tre ngà thân thiết với các làng quê truyền thống Việt Nam. Hiện mặt bằng và đường giao thông dẫn vào dự án đã hoàn thành, nhà thờ Đức Bà đã xây xong, giọt lệ bằng đá hoa cương nguyên khối nặng 8 tấn chuyển từ Bình Định ra đã được đặt trang trọng trên bệ xây, hồ bán nguyệt đang đợi trồng sen… Chính quyền tỉnh Bắc Ninh coi đây là một công trình văn hoá của địa phương, cần được tôn vinh thành di tích lịch sử. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Và, vẫn cần những tấm lòng Việt ở trong và ngoài nước hỗ trợ về tài chính. Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ tha thiết kêu gọi bà con xa gần tuỳ tâm hưởng ứng để chúng ta cùng hoàn thành ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ ở Đại Lai, góp phần vinh danh đạo nghĩa Việt Nam.



Tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ở hậu cung các đền thờ

Cả ba ngôi đền mới xây dựng trong thập niên đầu của thế kỷ XXI tại Khuyến Lương, Tân Lễ và Đại Lai đều thờ chung Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tên tuổi hai Cụ luôn gắn với nhau cả lúc sinh thời và khi đã về chín suối. Những thế hệ hậu sinh xin được thờ hai Cụ trong cùng một ngôi đền thờ những nhân cách lớn.

Phần kết bài này xin dành đôi dòng viết về người đã dồn toàn bộ tâm huyết vào việc minh oan, trả lại danh dự cho Đức Bà và xây dựng ba ngôi đền biểu tượng của lòng nhân ái Việt Nam.

Đó là Nhà giáo hưu trí Hoàng Đạo Chúc, người đã ở vào tuổi bát thập và chỉ có một điều mong ước là xây xong ba ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi trước khi về với Tổ tiên. Khi còn làm nghề dậy học, cứ mỗi lần nhắc đến vụ thảm án "lệ chi viên" dù đứng trước cả lớp hay chỉ một học sinh cụ cũng trào lệ. Hơn 20 năm nghỉ hưu, cụ không quản bất cứ khó khăn nào và làm bất cứ việc gì có thể dẫn đến việc minh oan cho Lễ nghi học sỹ. Nhờ nhân cách lớn Nguyễn Thị Lộ còn sống trong lòng dân mà cụ được tiếp sức và có nghị lực xoá đi lớp bụi thời gian và câu chuyện hoang đường gần 600 năm. Cố gắng không mệt mỏi của cụ đã dẫn đến cuộc hội thảo tháng 12.2002 ở Khuyến Lương và chuyến nghiên cứu điền dã tháng 08.2003 ở Tân Lễ, đã tập hợp hàng nghìn người trong Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ mà cụ là Hội chủ, đã phản ánh tâm nguyện của hàng triệu người Việt Nam tôn vinh lẽ công bằng, góp công góp sức xây dựng ba ngôi đền thờ Đức Bà…

Trong những cố gắng không mệt mỏi, tâm nguyện của cụ Chúc đã gặp ý tưởng của ông Nguyễn Xuân Thảo(1), sinh thời là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Thảo nêu ý tưởng dựng tượng đài "giọt lệ" như tiếng nói chung của các thế hệ người Việt thương tiếc vị Lễ nghi học sỹ tài năng và đức độ. Ông cất công đi tìm khối đá hoa cương Bình Định, lo kinh phí cho việc chế tác thành tượng đài và chuyển bức tượng đến địa điểm xây dựng. Sau khi Thứ trưởng qua đời, vợ ông là nhà giáo hưu trí Trần Thị Nga tiếp tục thực hiện công việc còn dang dở…

Đến nay, ba ngôi đền thờ Đức Bà sắp hoàn thành… Những người có tâm góp sức xây dựng đền thờ Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi có thể liên hệ với cụ Hội chủ Hoàng Đạo Chúc (tel:+84.4.3559863; mobile: 0945346383; tài khoản VNĐ: 1482101200800619 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hùng Vương, Hà Nội; tài khoản USD: 1482205057257, Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development Hung Vuong Branch, swift code - vbaavnvx419, địa chỉ - cc2a Bac Linh Dam residential quarter, Hoang Mai district, Hanoi, Vietnam, người nhận trong cả hai tài khoản là Hoàng Đạo Chúc) để được hướng dẫn. Các ngôi đền thờ này đang trở thành nơi hành hương hướng đến cái thiện, làm chỗ dựa nhân ái cho hiện tại và tương lai.

Phương Linh
Chú thích:
 (1) Thứ trưởng Nguyễn Xuân Thảo cũng là người đã cùng Tổng giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tìm địa điểm xây dựng chùa Bái Đính mới ở Ninh Bình, thuyết phục các vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những người có trách nhiệm trong chính quyền trung ương và địa phương xây dựng chùa Bái Đính thành trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam – mặc dù chưa hoàn thành, nơi đây đã trở thành địa chỉ hành hương của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, địa danh tham quan của hầu hết khách nước ngoài đến thăm Việt Nam. Thứ trưởng cũng là người dành tâm huyết và có nhiều đóng góp xây dựng kế hoạch phát triển nông thôn bền vững ở nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét