Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CHÙA CHÂN TIÊN


"Chân Tiên" là ghép hai tên địa danh của hai làng cổ Chân Cầm và Quán Chúng Tiên, thuộc khu vực ven hồ Lục Thủy xưa (nay là hồ Hoàn Kiếm). Đây là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời và gắn liền với những thăng trầm của kinh thành Thăng Long.
Chùa Chân Tiên được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông với tên ban đầu là chùa Sùng Khánh Báo Thiên trên một gò cao bên bờ hồ Lục Thủy, với tháp Báo Thiên nổi tiếng là một trong Tứ đại khí của kinh thành Thăng Long xưa.
Tới thời Trần, chùa bị đổ nát, nhân đó mới dời về thôn Phụ Khánh (đất phố Hoả Lò hiện nay) cũng thuộc huyện Thọ Xương xưa. Lúc này, dân gian đời Trần mới quen gọi tên là chùa Chân Tiên.
Năm 1888, thực dân Pháp chiếm đất chùa Chân Tiên ở thôn Phụ Khánh để làm nhà tù Hoả Lò thay tên Phụ Khánh trước đó. Chùa Chân Tiên từ đó chuyển xuống 151 Bà Triệu, thành phố Hà Nội hiện nay.
Chùa Chân Tiên được quy hoạch theo chiều sâu gồm tam quan, nhà tiền đường, nhà thiêu hương, toà thượng điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, tăng phòng. Các nếp nhà của chùa đều được bố cục hợp lí. Chùa chính và nhà Mẫu có nội thất khang trang. Chùa có 5 cửa võng, 2 hương án gỗ, 6 y môn, 2 chuông đồng, 12 bia đá dựng từ năm Thành Thái 10 (1898). Bia Phụ Khánh Chân Tiên bi kí dựng năm Thành Thái 13 (1901) ghi rõ về việc trùng tu chùa.
Chùa quay mặt về hướng Tây, tam quan chùa sát đường Bà Triệu. Tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, với gác chuông nằm gần mái chùa. Từ tam quan đi thẳng vào là Tiền đường với quy mô rất lớn và rộng, ngoài cửa chính Tiền đường có đặt 2 cột trụ và một lư hương bằng đá, cửa chính có bề mặt hình chữ nhật, phần dưới mở vòm cửa lớn trông thẳng vào Tiền đường.
Ngoài hiên là hệ thống cột đá hình hộp chữ nhật được mài nhẵn, trên đá khắc những vế câu đối ca ngợi công đức của Phật. Phía bên trái Tiền đường là nhà thờ Tổ, đằng sau là nhà thờ Mẫu và bên phải là nơi để kinh sách của Phật.
Chùa hiện có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỉ XX và 237 bản khắc in kinh Phật. Hệ thống tượng trong chùa gồm có: tượng Phật và tượng Mẫu được làm bằng đồng hoặc bằng gỗ. Trong chùa còn có một bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được làm bằng gỗ rất tinh xảo.
Về nội thất, các bộ vì đỡ mái, cửa võng được chạm nổi hình lá ba chẽ, nét chạm sâu và nổi khối tạo cảm giác khoẻ, vững chãi cho kiến trúc. Trên những bức cốn, được chạm trổ hình rồng phượng, hoa lá cỏ cây. Chùa Chân Tiên khá rộng rãi và thoáng đãng so với các chùa trong phố. Vườn chùa vẫn còn trồng rất nhiều loại cây dân dã như mít, chuối, nhãn, chanh leo...
Chùa là nơi đón nhân dân và khách thập phương vào lễ chùa trong những ngày rằm, mùng một và những ngày lễ lớn trong năm của đất nước.
(Theo QHO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét