Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Điểm mặt 6 'món ăn chơi' ở đất Vua


(ĐVO) Là vùng đất Tổ gắn liền với 18 đời vua Hùng trong buổi đầu của nhà nước Âu Lạc, Phú Thọ không chỉ có nền văn hóa đậm đà bản sắc, mà còn nhiều đặc sản nối tiếng.

Đất Việt điểm mặt những đặc sản vừa được ghi tên vào danh sách kỷ lục món ngon Việt Nam:

Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng (thuộc huyện Đoan Hùng) được trồng trên vùng sỏi đá trung du nhưng có vị ngon, ngọt rất lạ. Xưa, giống bưởi này được gọi là “bưởi Phủ Đoan” và được biết đến với những đặc điểm: quả nhỏ, vỏ hép, tép nhỏ, mềm, mọng nước, ngọt và mát. Tuy nhiên, điều làm nên cái hồn của bưởi Đoan Hùng chính là mùi hương đặc biệt - thơm ngan ngát rất tinh khiết.


Tết đến, xuân về trên bàn thờ tổ tiên mà người dân đất Tổ luôn có trái bưởi Đoan Hùng để không khí gia đình thêm ấm cúng.
Hồng Hạc và Hồng Gia Thanh
Đây là hai loại quả trái cây quý hiếm của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, Hồng Hạc được xếp đứng đầu trong hàng ngũ hoa quả quý dùng để tiến vua thời phong kiến. Đến nay, tại Phú Thọ có nhiều vườn Hồng Hạc cây to cả một người ôm, có cây ngót trăm tuổi. Riêng loại Hồng Gia Thanh thì hiện nay còn rất ít.

Hồng Hạc quả to, không hạt, mình vuông, tròn bằng, cát mịn, giòn ngọt, càng ăn càng thèm chứ không hăng chát, nhão thịt như hồng nước, hồng trâu. Với loại hồng này, lúc mới hái phải được ngâm nước giếng đá ở Tiên Cát, Việt Trì mới đạt độ ngọt và giòn đặc biệt. Ngâm trong vại sành hay trong chum đủ ba ngày ba đêm mới vớt ra, khi ấy hồng sẽ tươi vàng, giòn mát, cắn cả vỏ vẫn thơm lựng chất đường. Cái mát, cái giòn, cái ngọt cứ ngập ngừng, quyến luyến khiến người thưởng thức không nỡ nuốt nhanh...
Cọ Cẩm Khê
Theo nhiều đánh giá, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) là nơi nhiều cọ nhất Việt Nam. Rừng cọ Cẩm Khê cho đến trước khi thoái trào, có khoảng 7.000 mẫu, riêng xã Phú Khê có tới 800 mẫu! Những rừng cọ nguyên sinh ấy đã đánh dấu một thời huyền diệu của cây cọ nói chung.

Mỗi cây cọ đã sống qua bao nhiêu thế hệ người, mà tấm thân to lắm bằng một người ôm, cũng chỉ cao hai ba chục mét là cùng. Thân cọ già mà mắt lá cọ lúc nào cũng non tơ. Mỗi năm cọ chỉ cho ra đời đúng 12 lá, ứng với 12 tháng của năm, bất kể năm ấy tháng nhuận hay tháng hụt. Thân cọ đẹp khắc khổ nhưng tất cả những thứ trên cây cọ đều có thể phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người.

Địa chí tỉnh Vĩnh Phú năm 1975, phần khảo cứu về cây cọ ghi: “Cọ là thứ cây có giá trị sử dụng lớn, toàn bộ cây cọ không bỏ đi thứ gì. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm chổi, làm bầu gánh phân, gánh củ, móm hạt giống, gầu múc nước, làm quạt. Búp cọ khâu nón, áo tơi, vặn thừng, vặn chão, đan làn xuất khẩu... Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi... Ngày trước thân cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ nhà giàu mới mua sắm nổi. Cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng gà, dành gánh đất, rồi đến mành cọ, một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Cuối cùng, những thứ gì còn lại của cây cọ được đưa vào bếp làm củi đun, chẳng bỏ phí hoài một thứ gì cả...”.
Món ăn về cọ đã làm nên nét ẩm thực dân dã và đặc trưng của vùng đất trung du. Nếu như xôi cọ là món ẩm thực ngạt ngào hương đồi, hương rừng thì món tằm cọ lại hấp dẫn người thưởng thức bởi chất men say đậm đà trong sự giao hoà tinh tế của đất, của rừng.
Tằm ăn nõn cọ béo mập, lớp da chuyển sang màu vàng trắng, bóng loáng một bầu mỡ và chất đạm tự nhiên trên lớp da, con nào con nấy tròn mẩy. Trên chiếc đĩa sứ trắng tinh, những con tằm nằm phơi mình nín đợi. Bát giấm thanh pha loãng, thả từng con tằm vào để cho tằm nhả bớt khí ai và sạch.
Dùng những chiếc xiên cọ nhỏ chẻ vót từ cuống cọ tươi, sắc bén, từ từ xiên dọc thân tằm, nâng tay rất nhẹ và đều trên than hoa để nướng tằm, chỉ sau vài giây, hương thơm của tằm nướng đã toả ngào ngạt, không một sức hấp dẫn nào ngăn được sự ao ước của cái lưỡi.

Trám đen và trắng
Nói đến đặc sản vùng đất Tổ không thể không nói đến trám. Trám là loại trái mọc trên cây to, có khi cao hơn 10m. Để hái trám, người ta đóng một số chiếc đinh lớn vào phần gốc cây, ngày hôm sau, những quả trám tươi ngon sẽ rụng đầy xuống dưới gốc.
Trám có vị chua tính ấm, được phân làm hai loại là trám trắng (còn gọi là trám xanh) và trám đen. Trám đen để kho thịt, còn trám trắng kho cá là “đúng bài” nhất, bởi trám trắng có vị chát sẽ làm mất đi mùi tanh của cá. Trước khi đem trám kho với thịt hay cá, người ta phải “om” trám - tức là ngâm trám trong nước nóng già để tách riêng phần cùi và phần hạt. Phần cùi của quả trám đem kho chung với thịt ba rọi hoặc các loại cá sông sẽ có mùi vị ngon rất đặc trưng. Dùng cá hay thịt kho trám ăn với cơm trắng, miếng trám bùi, ngậy, thấm nước mắm ngon dậy lên mùi thơm đậm đà thường được gắp hết trước thịt, cá.

Có thể mua trám tươi hay trám ngâm muối về để thưởng thức. Quả trám được chế biến rất phong phú như xào với thịt hoặc trộn lẫn với thịt bằm, hành lá và nấm mèo -hấp thành một món ngon đãi khách. Nhưng cách ăn trám đơn giản nhất là om xong, rồi đem chấm với muối vừng (mè) ăn chơi.

Thịt chua
Đây là món đặc sản của bà con dân tộc Mường Phú Thọ. Để chế biến món ăn này, người ta dùng thịt ba rọi, thịt mông hay thịt nạc vai, nạc thăn của con lợn lửng (một giống heo địa phương nuôi một năm chỉ nặng 15-17kg, thịt rất thơm ngon) đem nướng qua than hồng, thái thành từng miếng mỏng trộn đều với thính làm từ bột ngô, bột gạo, bột đậu xanh rang vàng.
Sau khi trộn, người ta xếp thịt vào những ống nứa có lót lá ổi bên dưới, rồi lại đậy thêm một lớp lá ổi lên trên và bịt chặt miệng ống lại treo ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Vào mùa hè, khoảng 4- 5 ngày, thịt sẽ đạt đến độ chua nhất định; nếu vào mùa đông sẽ phải chờ từ khoảng 1 tuần mới ăn được. Món thịt này thường ăn kèm với các loại lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm mang đến vị ngon rất tuyệt.
Đây cũng là món ăn được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét